Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
15 liệt sĩ đã về với thân nhân nhờ giám định ADN
Bionet Việt Nam - Suốt những ngày dài mong mỏi, ngày 18-4, 15 gia đình thân nhân liệt sĩ đã có dịp về Thủ đô để đón nhận kết quả giám định ADN của Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLS). Sau 40 năm, những liệt sĩ từ chiến trường Kiên Giang mới được “trở về” đoàn tụ với gia đình, quê hương…

Nhận được thông tin trao trả kết quả giám định ADN của Hội HTGĐLS Việt Nam, từ 6 giờ sáng, ông Trịnh Thanh Liêm, anh trai liệt sĩ Trịnh Thiên Đảm (Đông Hưng – Thái Bình) cùng con cháu đã có mặt tại Hà Nội. “Cả đêm qua tôi không sao chợp mắt nổi, chỉ mong trời sáng mau mau để kịp lên Hà Nội đón em về. Đã gần 10 năm đi tìm em, ngày gặp lại, gia đình chúng tôi mừng quá. Cám ơn Hội HTGĐLS Việt Nam, họ là người đã dẫn lối cho em tôi và rất nhiều đồng đội khác được trở về”, ông Liêm xúc động nói. Và không chỉ có ông, còn rất nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ khác từ Thanh Hoá, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… cũng về đây để đón nhận hài cốt các liệt sĩ trở về.
Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt trao kết quả giám định ADN cho các gia đình có thân nhân liệt sĩ.

Trong đợt này, Hội HTGĐLS Việt Nam nhận về 16 trường hợp thì có 15 trường hợp giám định đạt kết quả đúng. Theo Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLS thì từ tháng 3 năm 2011 đến nay, Hội đã hỗ trợ được 143 gia đình liệt sĩ giám định gen để trả lại tên cho liệt sĩ, trong đó có 84 gia đình nhận được kết quả đúng.

Đây là buổi trao giấy chứng nhận kết quả giám định gen hài cốt liệt sỹ lần thứ 10 (đợt 3, ngày 18-4 -2012) của Hội, đánh giá sự nỗ lực không ngừng của Hội, của các cấp chính quyền đối với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Để có được những kết quả này, phải đòi hỏi phần lớn sự tâm huyết của các thành viên, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Đặc biệt, trong số đó có ông Nguyễn Duy Quyết, người thương binh già hơn 30 năm tự bỏ kinh phí, tâm huyết đi tìm đồng đội. Là người nắm rõ từng địa điểm, vị trí của nhiều phần mộ liệt sĩ nên nhiều người vẫn gọi ông là “người chắp nối một nửa thế giới”; ông cũng là người vừa được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen trong cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đao đức Hồ Chí Minh” của Hội CCB tỉnh Thái Nguyên. Ông cho biết: “Tôi đi tìm hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ trong từng đơn vị rồi lập sơ đồ định hình vị trí phần mộ. Chiến trường sau 40 năm giờ đây nhiều chỗ chỉ toàn là rừng rậm. Sau khi xác định rõ thông tin, tôi cùng một số anh em trong đôi K92 của Tỉnh đội Kiên Giang vào thẩm định lại đến khi nào chính xác mới báo về cho gia đình liệt sĩ biết”.

Hiện nay, hầu hết những thành viên làm việc trong Hội HTGĐLS đều là những cán bộ, công nhân viên quốc phòng đã nghỉ hưu, những cựu chiến binh và đều có thân nhân là liệt sĩ nên đa phần họ hiểu hết được những nỗi đau, mất mát của các gia đình liệt sĩ. “Nhiều gia đình đi tìm liệt sĩ theo phương pháp áp vong nhưng đến khi giám định ADN thì kết quả lại không chính xác. Đi tìm mộ liệt sĩ là một quá trình bền bỉ, mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi tin tưởng vào khoa học, bởi đó mới là con đường đúng đắn nhất để đi đến giá trị đích thực”, ông Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS khẳng định.

Tin, ảnh: Kim Thoa

Theo quandoinhandanonline

Các tin khác