Lặn lội rừng Lào
Hai mươi năm (1984-2004) anh đã trải qua mọi cực khổ giữa vùng rừng các tỉnh Xiêng Khoảng, Bô Li Khăm Xay, Khăm Muộn. Cuối năm 1984, hồi 28 tuổi, mang quân hàm trung úy đội trưởng đội 2, anh dẫn bộ đội hành quân vào vùng rừng Xẩm Thoong (Bô Li Khăm Xay).
Ngày thứ ba hết gạo anh em phải ăn rau tàu bay và canh môn thục. Ngày thứ năm gặp cái lều nát của dân sơn tràng thấy có mấy vắt cơm thừa treo lại ai cũng sáng mắt ra. Những vắt cơm đã bốc mùi nhưng anh em cứ chia nhau từng miếng nhỏ. Khi ấy, Lực, chiến sĩ ăn khỏe nhất đội và làm khỏe nhất đội, bỗng quị xuống.
“Em đói quá, bước không nổi nữa” - Lực hổn hển nói. Đội trưởng Hồ Trọng Bình an ủi Lực: “Mình cũng đói và anh em ai cũng đói cả mà!”. Nói rồi hai anh em ôm nhau khóc. Sau những giọt nước mắt, cả đội lại xốc dậy luồn rừng đi tiếp...
Hồ Trọng Bình chọn đường về đội qui tập vì “tôi nhớ lần mình bị thương, mấy anh em nằm trong rừng hứa với nhau sau này đứa nào sống thì cố đi tìm mộ anh em mang về bằng được”. Đi qui tập không khác gì đi trận.
Ngày cắt rừng, đêm đào hầm chui xuống ngủ vì nằm võng dễ bị phỉ rình bắn. Năm 1999, sau bốn ngày rời hậu cứ đi khảo sát khu vực đồi Phu Tà Leo thuộc huyện Mường Xây (Xiêng Khoảng), khi vừa đến chân đồi thì phía bên kia phỉ đã câu đạn sang. Anh trấn an: “Phỉ bắn để cảnh báo nửa quả đồi bên kia là địa bàn bất khả xâm phạm của chúng”.
Đó là vùng rừng hết sức khắc nghiệt trong mùa khô. Nước khan đến nỗi sáng dậy người lính phải lấy khăn thấm từng giọt sương trên tàu lá chuối để lau mặt. Muốn có nước uống thì phải tìm cây chuối vắt lấy nước. Một tuần không tìm thấy ngôi mộ nào, anh em đành quay về chân đồi đào hầm ngủ.
Hôm sau, một lưỡi xẻng của một đồng đội bỗng chạm phải mấy viên đá khắc số 1, 2, 3, anh nghi có mộ nên thắp hương khấn: “Nếu quả đây là nghĩa trang liệt sĩ thì anh em tôi đã gặp phúc”. Đêm ấy đội của anh cất bốc được 19 hài cốt liệt sĩ. Hồ Trọng Bình nói: “Một dòng chữ liên quan đến liệt sĩ trong hồ sơ đơn vị chiến đấu cũ, một di vật trong hài cốt liệt sĩ giữa rừng xa hoặc một cuộc điện thoại của người cựu binh tận bên Lào đều là niềm thôi thúc tôi mở hướng một chuyến đi tìm mộ”.
Năm 1996, nhận được điện thoại từ Viện Khoa học Bộ Quốc phòng cho biết có một nghĩa trang gồm 14 liệt sĩ gần suối bản Ang cạnh sân bay Cánh Đồng Chum, anh vội vã lên đường. Nhưng rồi anh tìm ba ngày không thấy dấu vết gì. Ngày thứ tư, anh cho rải quân khắp suối bản Ang vẫn về tay không.
Mọi người nghĩ lần này sẽ về sớm, riêng anh cả quyết: “Tôi khả nghi mô đất giống hình nửa ngôi mộ nằm sát con đường lầy lội do xe tải chạy qua”. Nói xong anh quyết định cho tiểu đội đào lần cuối. Hôm ấy tay đào đất mà “lòng hồi hộp như lần đi đánh trận đầu”. Mô đất đó chính là một ngôi mộ liệt sĩ đang bị san bằng. Từ mộ này anh căn ra tìm được 13 mộ khác nằm sâu 1m dưới lòng đường xe tải.
Mỗi câu chuyện của anh mang mỗi vẻ bất ngờ đến lạ. Mùa khô năm 2000 sau khi bốc xong mộ tại hai nghĩa trang vùng rừng Xiêng Khoảng, anh dẫn quân vào nghỉ tại bản Mon. Một cụ già 80 tuổi hỏi: “Các chú đã lấy mộ trong rừng tre chưa?”.
Cụ kể: “Hồi ấy có lần tôi thấy bộ đội dùng đòn tre khiêng tử sĩ ra nghĩa trang. Khi lấp mộ xong mấy chú cắm hai đầu mộ hai đoạn tre để làm dấu. Bây giờ hai đoạn tre đã trở thành rừng tre rồi”. Từ lời bà cụ, anh chỉ huy anh em đào hàng chục bụi tre ken dày mới tìm thấy một mộ liệt sĩ vô danh.
Năm 1993 Hồ Trọng Bình được phong quân hàm thiếu tá, đề bạt đoàn trưởng đoàn qui tập. Đây là giai đoạn quyết tử vì sau hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ được chuyển về nghĩa trang Việt - Lào tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) thì phỏng còn hơn 7.000 phần mộ liệt sĩ nữa vẫn đang nằm sâu trong vùng phỉ Vàng Pao. Đó là vùng rừng hiểm trở không có lối mòn, muốn đi phải vượt nhiều triền núi cao.
Cuối năm 2000 anh dẫn quân vượt đỉnh Pu Pả Xây (Xiêng Khoảng) cao 2.100m trong thế vừa tránh phỉ vừa tránh hổ tấn công. Nhưng lên tới đỉnh không tìm thấy một ngôi mộ nào. Bí mật quay về hậu cứ, anh vào dân bản để nắm lại thông tin. Lần này lên đến đỉnh anh cho quân dàn hàng ngang. Sau phát hiện một ụ đất nằm dưới gốc cây to, anh cho đào bật gốc cây để tìm. Hôm ấy chỉ trong một buổi chiều 20 chiến sĩ đã qui tập được 46 mộ liệt sĩ hi sinh năm 1970.
Bám dân, dụ phỉ
Tên phỉ Xông Vàng ở bản Noọng Hỏi, huyện Pa Xay (Xiêng Khoảng) từng lái xe cho trùm phỉ Vàng Pao, người biết nhiều khu vực có mộ liệt sĩ. Hồ Trọng Bình nhờ bí thư huyện ủy huyện Pa Xay vận động Xông Vàng đi chỉ đường, nhưng sau một tháng ông bí thư huyện ủy lắc đầu: “Chịu thôi ông Bình ạ. Nó nói chết nó cũng không chỉ đường đâu”. Tình thế buộc anh thâm nhập bản của Xông Vàng (bản có 98% số dân từng hoạt động cho phỉ).
Ngày đầu tổ công tác phải ngủ ngoài bản vì Xông Vàng chỉ đạo dân kiên quyết không cho vào. Ngày thứ hai anh cùng anh em làm vệ sinh bản, tổ chức khám sức khỏe cho dân, hướng dẫn dân làm lúa nước... Ngày thứ ba dân mời tổ công tác vào bản ở. 20 ngày sau Xông Vàng đến gặp anh... Đợt đó 100 mộ trong rừng Loong Chẹng do Xông Vàng dẫn đường được cất bốc, nâng tổng số đến tháng 10-2004 lên tới 9.594 hài cốt đã qui tập về nước.
Nhiều lần bọn phỉ chôn mìn trên đường để phục kích, cài bẫy, cản trở đoàn qui tập. Không có kết quả, chúng tức tối treo giải “người nào bắt sống hoặc tiêu diệt được Hồ Trọng Bình sẽ được thưởng 20.000 USD”.
Hồ Trọng Bình kể: “Hồi nghe tin, chị Bun Phên, tỉnh trưởng Xiêng Khoảng (nay là bộ trưởng Bộ Giáo dục Lào), gọi điện nói: “Nếu cần sẽ cho công an bảo vệ Bình”. Từ đó mình phải thường xuyên cải trang khi làm tài xế, khi làm lính, khi làm dân.
Xe cũng phải thay đổi liên tục năm biển số. Mới đây trong vai dân bản ngồi uống rượu với phỉ, tôi nghe bọn chúng kháo nhau: “Lạ thật, tên thì nghe, xe thì biết nhưng mặt mũi lão Bình chưa ai thấy”. Tôi nói bằng tiếng Lào: “Đúng! Nghe nói có thằng cha ấy thật nhưng chưa biết hắn là người hay là ma...”.
Trả lại tên cho 300 liệt sĩ vô danh
Một thoáng buồn hiện rõ trên gương mặt phong sương của thượng tá Bình khi anh nói: “Hầu hết hài cốt liệt sĩ của ta được đưa về nước không có tên tuổi, quê quán”. Có lẽ từ trăn trở này, nhiều hôm anh đóng cửa phòng để nghiên cứu “tìm lý lịch ngôi mộ” bằng cách phải xác định lại những trận đánh lớn qua sơ đồ và qua các cựu chiến binh của ta và Lào.
Anh cũng cố săn tìm di vật ngay trong khi cất, bốc; rồi vẽ sơ đồ qui tập, sau đó đối chiếu với sơ đồ mộ chí các đơn vị chiến đấu đã bàn giao hoặc đi đối chiếu sơ đồ tận các đơn vị cũ của liệt sĩ để xác định tên, quê quán cho những phần mộ vô danh.
Anh đã có những chuyến đi vào các tỉnh phía Nam, ra tận sư đoàn 316 ở Tuyên Quang tìm được hàng chục vị trí ngôi mộ. Từ năm 2000 với cách làm này anh đã trả lại tên tuổi, quê quán cho 300 liệt sĩ. “Tiếc là mình làm quá muộn nên không trả lại được tên tuổi cho các anh, nhiều lắm!” - thượng tá Bình nói.
Theo TTO (nld.com.vn)