Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
29 năm đi tìm thân nhân cho liệt sĩ
Bionet Việt Nam - Ông là Ngô Tình, ở thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), áp cây cầu giới tuyến Hiền Lương vắt qua dòng Bến Hải nổi tiếng của một thời đánh Mỹ...


Phút cảm động khi gặp lại phần mộ người thân (ông Tình - bìa trái)

Sau chiến tranh, ông giữ chân bảo vệ trường làng Vĩnh Thành, đồng lương còm chưa lo đủ chuyện áo cơm nhưng sau tiếng trống tan trường, ông lại gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng guồng đến những nghĩa trang trên đất thép Vĩnh Linh ghi tên tuổi, địa chỉ quê quán của các liệt sĩ.

Tuổi cao sức yếu nhưng đêm đêm ông vẫn lọ mọ đạp xe năm, bảy cây số để nhận điện thoại thân nhân liệt sĩ ngoài Bắc...

Chuyến ngược rừng nhớ đời

Quãng những năm 1977, cuộc sống gia đình ông Tình khốn khó. Ông phải ngược hơn 20 cây số lên mạn rừng Vĩnh Ô chặt củi đem về chợ Hồ Xá bán kiếm tiền đong gạo.

Một lần leo lên Động Chặt lấy củi, ông thấy hai ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi quê quán khắc trên tấm gỗ nằm lẻ loi giữa rừng. Đó là liệt sĩ Trương Xuân Lai, quê ở Nghệ An và Phạm Hữu Đắc, quê Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (cũ).

Về nhà ông liền biên thư nhờ Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phú và Nghệ An xác minh danh tính thân nhân hai liệt sĩ này. Sau khi nhận được hồi đáp đầy đủ thông tin từ cơ quan chức năng, ông viết thư gửi đến thân nhân của hai liệt sĩ.

Thư đi rồi nhưng vẫn không yên lòng, sợ sau này thất lạc, ông lại ngược rừng lên chỗ cũ để vẽ địa hình. Non một tháng sau, gia đình liệt sĩ Đắc từ Bắc vào. Ông dẫn đầu tốp lên đường từ sáng sớm, cắt rừng lội suối hơn 20 giờ đồng hồ mới tới nơi.

Còn phần mộ liệt sĩ Trương Xuân Lai thì do hoàn cảnh kinh tế lúc ấy quá khó khăn nên gia đình chưa thể vào cất bốc được. Đáng tiếc, sau này vật đổi sao dời, rừng Vĩnh Ô biến dạng nặng do bàn tay can thiệp thô bạo của con người nên việc xác định địa hình để tìm phần mộ liệt sĩ Lai gặp nhiều khó khăn...

Những năm 1966 - 1972, giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc, vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh mỗi ngày bị rải thảm hàng chục tấn bom đạn. Quân và dân Vĩnh Linh kiên cường chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn và không ít chiến sĩ, dân thường hy sinh và bị thương. Bấy giờ, ông Tình là Chủ nhiệm HTX Liêm Công Đông kiêm phụ trách công tác thương binh liệt sĩ xã Vĩnh Thành.

Ông nhớ lại: Để kịp thời cứu chữa thương binh, tại khe Cạn và phía đông thôn Liêm Công Đông có hai trạm xá dã chiến của bộ đội, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm chiến sĩ bị thương nặng chiến đấu tại Vĩnh Linh và từ chiến trường miền Nam chuyển ra. Nhiều người không qua khỏi, đã nằm lại mảnh đất này.

Ông cùng bà con chôn cất các Anh chu đáo. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, đa phần hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính và quy tập vào nghĩa trang.

Lúc tiến hành quy tập, thủ trưởng các đơn vị có chiến sĩ hy sinh theo ông tới tận nơi chôn cất để vẽ lại sơ đồ mộ chí rồi gửi cho các gia đình liệt sĩ. Nhiều năm sau vẫn không thấy người thân các liệt sĩ vào thăm và hương khói? Xót lòng, năm 2000 ông mò mẫm đến từng nghĩa trang một ghi lại danh sách của hơn 300 liệt sĩ đầy đủ tên tuổi, quê quán.

“Lúc đầu tôi liệt kê danh sách 12 liệt sĩ, gửi thử ra Đài Tiếng nói Việt Nam để nhắn tìm thân nhân, xem thế nào ...  ” - Ông Tình bảo.

Những câu chuyện tìm mộ liệt sĩ cảm động


Ông Tình đọc thư của các thân nhân liệt sĩ ngoài Bắc gửi vào

Không lâu sau khi gửi danh sách các liệt sĩ ra Đài TNVN, ông Tình nhận được thư hồi âm của chị ruột liệt sĩ Trần Nam Thinh từ Bắc Thái (cũ) gửi vào.

Trong thư, chị kể rằng... Đang nấu ăn, con gái tôi nghe Đài TNVN phát chương trình tìm thân nhân liệt sĩ  đã lấy viên than tỉ mẩn ghi xuống nền bếp tên tuổi, quê quán liệt sĩ và địa chỉ của ông. Thấy trùng khớp với tên họ, quê quán em ruột mình, tôi ôm con gái òa khóc... Hai mẹ con khăn gói tốc hành vào Quảng Trị.

Ông Tình dẫn mẹ con chị về Nghĩa trang xã Vĩnh Tân. Nhìn tên em mình Liệt sĩ Trần Nam Thinh, chị lặng chìm trong nước mắt... Niềm hy vọng tìm thân nhân cho các liệt sĩ từ đó thôi thúc ông Tình hơn bao giờ hết.

Ông tiếp tục gửi danh sách của hàng trăm liệt sĩ còn lại ra Đài TNVN và nhận được rất nhiều thư hồi âm, thư nhờ ông tìm mộ liệt sĩ. Nếp nhà nhỏ của ông nép mình bên dòng Bến Hải trong xanh thường đông đúc người từ Bắc chí Nam vào ra tìm kiếm con em mình đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Họ vui mừng, hy vọng khi được gặp ông, được ông tận tình dẫn đến các nghĩa trang liệt sĩ, liên hệ với chính quyền địa phương xác minh lại danh tính cho các anh.

Đưa cho chúng tôi xem quyển sổ mà nhiều năm nay ông ghi lại những điều cần thiết cho việc liên hệ với các gia đình liệt sĩ, bất chợt ông xúc động sâu sắc nhớ lại câu chuyện xác minh danh tính cho liệt sĩ Trần Lý quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh...

Tối 17/10/2005, ông Trần Văn Châu (anh ruột liệt sĩ Lý) nghe tên tuổi quê quán và nơi an táng phần mộ của em mình phát trên làn sóng điện Đài TNVN qua chương trình tìm thân nhân liệt sĩ.

Tức tốc sớm hôm sau, cha con ông phóng xe máy một mạch gần 200 cây số từ Can Lộc vào Vĩnh Thành tìm gặp ông Tình. Nhưng cha con ông Châu bị hụt hẫng, bởi theo ông Tình nhà đài đọc... nhầm. Tên liệt sĩ là Trần Ly và chỉ trùng quê quán.

Ông Tình động viên cha con ông Châu một lúc, sau đó lấy xe đưa xuống UBND xã Vĩnh Giang nhờ tra tìm tên liệt sĩ Trần Lý. Sau một ngày mỏi nhừ mắt lật hai cuốn hồ sơ lập vào những năm gần đây nhất vẫn chỉ thấy tên liệt sĩ Trần Ly. Dò đến cuốn cuối cùng (hồ sơ gốc) mới hay đó chính là liệt sĩ Trần Lý, song khi tiến hành lập mới lại hồ sơ trên do sơ suất nên bị thiếu... dấu sắc.

“Tui tìm được em tui rồi bác ơi! Công ơn bác là trời là bể đối với gia đình tui!” - Ông Châu nước mắt ròng ròng ôm lấy ông Tình...

Những tháng ngày lần tìm thân nhân cho các liệt sĩ, ông Tình không nhớ hết bao lần mình nghẹn ngào cảm động khi họ thấy phần mộ của người thân. Trong đó có không ít cán bộ, chiến sĩ từng ăn ở tại nhà ông và rồi anh dũng hy sinh như liệt sĩ Đặng Quang Hỷ quê Tiền Hải, Thái Bình an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Tân.

Con trai liệt sĩ sau hơn 20 năm đi khắp các nghĩa trang miền Nam mà không tìm thấy mộ cha. Anh nghĩ mãi mãi sẽ không có cơ hội thắp một nén nhang trước nấm mộ cha mình. Nhưng rồi anh được toại nguyện cũng chính nhờ vào những thông tin mà ông Tình cung cấp qua Đài TNVN.

Niềm hy vọng từ thân nhân các liệt sĩ...     

Bức thư đề ngày 24/6/2006 của em Nguyễn Thị Hồng Liên ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), cháu của liệt sĩ Cao Thế Nghị sinh năm 1941- quê  Vân Lôi, Quảng Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình, có đoạn viết...

Cháu thường xuyên nghe chương trình thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc. Một chiều cháu nghe chương trình phát sóng danh sách 17 liệt sĩ ở Quảng Bình và Thanh Hóa, khi nghe một liệt sĩ có tên Nghị, cháu mừng lắm nhưng quê quán thì không trùng với cậu cháu, bác ạ! Cho nên hôm nay cháu viết thư này đến bác nhờ bác tìm giúp phần mộ của cậu cháu cho cháu với.

Đã nhiều lần cháu gửi thư đến Đài TNVN, Đài cũng đã nhiều lần nhắn tin, nhưng đến nay vẫn biệt vô âm tín. Bây giờ bà ngoại cháu yếu lắm rồi và đêm nào bà cũng khóc, mỏi mong nhìn thấy hài cốt của cậu cháu vì cậu cháu là con trai duy nhất của bà cháu...  

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều bức thư gửi đến ông Tình nhờ ông giúp đỡ tìm kiếm phần mộ của người thân. Và sau mỗi lần như vậy, ông lại lọc cọc xe đạp lên đường với tâm niệm mình đang mắc nợ những đã người ngã xuống vì hoa thơm cây trái đất này... 29 năm nay - kể từ năm 1977 - ông vẫn làm như thế.

Ghi chép của Hữu Thành - Sĩ Hoàng

Theo tienphong.vn

Các tin khác