Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
30 năm ân tình giữa anh lính Lào và cô y tá Việt Nam
Bionet Việt Nam - Trong khoảnh khắc, bằng linh tính của một người thầy thuốc, chị đã níu giữ sự sống cho anh bộ đội Pa-thét Lào. Nhưng phải mất gần 30 năm sau, người lính Lào ấy mới tìm được ân nhân của mình ở mảnh đất nhiều nắng và gió này.

Bà Nguyễn Thị Ngọc và câu chuyện về người em trai Lào của mình

Men theo triền đê 42 dọc tả ngạn sông Lam, chúng tôi tìm đường về nhà nữ y tá về hưu Nguyễn Thị Ngọc tại xóm 11, xã Nam Lâm, Nam Đàn, Nghệ An. Hỏi đường vào nhà bà, những người hàng xóm hướng dẫn nhiệt tình: "Bà Ngọc có người em kết nghĩa là ông tướng bên Lào phải không...". Tiếp chúng tôi là một phụ nữ nhỏ bé, gầy gò, tóc đã bạc gần hết.

Phép màu trên đất Nghệ


Năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt. Trạm T20 (đóng tại Anh Sơn, Nghệ An) được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và cứu chữa các chiến sỹ bị thương, trong đó có lực lượng bộ đội Pa-thét Lào. Hồi đó, với chức năng của y tá truyền máu chuyên trách của Bệnh viện huyện Anh Sơn, nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc (SN 1944) thường xuyên được điều đến trạm T20 để phục vụ công tác cứu chữa thương binh.

"Đó là một buổi chiều khoảng tháng 8/1972, tôi được lệnh đến trạm T20 lấy mẫu máu của một chiến sỹ Pa-thét vừa mất do bệnh sốt rét ác tính chuyển về Ty Y tế để xét nghiệm. Bước vào phòng xác của trạm, lật chiếc khăn phủ mặt người chiến sỹ ấy ra, tôi đứng sững người. Đồng chí ấy còn trẻ, trẻ lắm, trên khuôn mặt tái xám lạnh ngắt ấy mới lún phún những sợi râu măng. Như quy định bắt buộc, tôi vẫn kiểm tra đồng tử của cậu ấy dù thân thể đã lạnh ngắt. Đồng tử chưa giãn hết! Lương tâm của người bác sỹ không cho phép tôi bỏ cuộc. Tôi xốc cậu ấy lên vai, chạy thẳng vào phòng cấp cứu. 19 tuổi, bị những cơn sốt rét hành hạ, cậu ấy chỉ còn da bọc xương, nặng vẻn vẹn 39kg", bà Ngọc nhớ lại.

Sau khi tiêm thuốc cho Khăm Xỉ - tên người lính Pa-thét, dù biết hy vọng sống của anh chỉ là 1%, y tá Ngọc đi xin nước chanh, sữa về, cậy miệng đổ vào. Như một phép màu, đến 10h sáng ngày hôm sau, Pa-thét bắt đầu có dấu hiệu qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang rất yếu. Y tá Ngọc luôn túc trực bên cạnh, đỡ cái đầu nhẹ tênh của anh lính gối vào đầu mình, bón cho Khăm Xỉ tùng thìa cháo loãng trong mê man. Cứ như một phép màu, khi các bác sỹ kết luận tình hình sức khỏe của Khăm Xỉ đã ổn đinh, chị Ngọc giao lại bệnh nhân cho Trạm để tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ mới.


Những bức ảnh chụp chung với Khăm Xỉ được bà cất giữ hết sức cần thận


Sau này, chính những anh lính Lào nằm cùng phòng bệnh đã kể lại cho Khăm Xỉ về người nữ y tá đã giành sự sống cho anh từ tay thần chết. Trong cơn mê man, Khăm Xỉ cũng chỉ láng máng nhớ bàn tay mát lạnh của người phụ nữ sờ trên trán mình, cho mình gối đầu lên đùi để bón từng thìa nước đường. "Chị ấy tên Ngọc, có mái tóc dài lắm", những bệnh nhân cùng phòng đã nói với Khăm Xỉ như thế về ân nhân của anh. (Cũng ít ai biết rằng, sau này, khi Khăm Xỉ tìm được chị Ngọc, suốt từ đó đến nay, cũng hơn 10 năm trời, chị không bao giờ cắt đi mái tóc của mình nữa). Từ đó, trong ký ức của người lính trẻ, chị y tá tên Ngọc, có mái tóc rất dài đã trở thành một phần không thể thiếu. Anh quyết tâm phải tìm bằng được để nói với chị ấy một lời cảm ơn.

"Tôi coi Khăm Xỉ như những người chiến sỹ khác thôi. Nhiệm vụ và lương tâm của một người thầy thuốc không cho phép tôi bỏ cuộc khi vẫn đang còn hy vọng dù hy vọng đó rất mong manh. Chiến tranh, rồi công việc, gia đình cuốn tôi đi khiến tôi cũng không còn nhớ tới cậu ấy nữa. Năm 1996, tôi nghỉ hưu, về sống vui vầy cùng gia đình với 5 đứa con tại quê nhà", bà Ngọc tâm sự.
Thực ra thì sau đó 2 năm, chị cũng đã tình cờ gặp lại Khăm Xỉ trên một chuyến phà ở Đô Lương. "Đó là vào năm 1974, sau khi trạm T20 giải thể được 1 năm. Lần đó, bước chân lên phà ở Đô Lương, tôi nhận ra anh lính Pa-thét bị sốt rét ác tính tưởng đã chết năm nào trên cabin một chiếc xe quân sự Lào. Chiếc xe ca chúng tôi đi đỗ song song với chiếc xe quân sự Lào. Người đồng nghiệp đi cùng hỏi: "Có phải Khăm Xỉ đó không chị?". Như nghe được điều đó, Khăm Xỉ ló cổ ra khỏi cabin, hỏi tôi có phải là y tá Ngọc đã từng công tác tại trạm T20 không? Cậu ấy cho biết, sau khi ra viện, Khăm Xỉ được cử đi học lái xe, đang trên đường công tác. Phà cập bến, hai chiếc xe chạy 2 đường khác nhau, tôi cũng không kịp hỏi đơn vị của cậu ấy ở đâu, cậu ấy cũng không kịp hỏi địa chỉ liên lạc của tôi". Lại một lần nữa họ lạc nhau và phải mất 30 năm sau, anh lính Pa-thét mới tìm được ân nhân của mình.

Vị tướng Lào 30 năm tìm gặp ân nhân

Trong khi bà Ngọc xem việc cứu chữa cho Khăm Xỉ là nhiệm vụ bình thường của người thầy thuốc thì Khăm Xỉ không nghĩ vậy. Người lính Pa-thét ấy không quên ân nhân của mình và vẫn canh cánh trong lòng tâm nguyện tìm gặp người nữ y tá Việt Nam này.


Bà Ngọc và Khăm Xỉ trong một lần bà sang Viên-chăn thăm gia đình người em kết nghĩa


Sau đợt điều dưỡng tại Quân khu 4, Khăm Xỉ trở về đơn vị và được cử sang Liên Xô học 4 năm, rồi được cử sang công tác tại Đại sứ quán Lào ở Việt Nam trong một thời gian ngắn. Dù công việc bận rộn nhưng ông đã lặn lội vào Nghệ An để tìm cô y tá tên Ngọc, tóc rất dài, đã từng công tác tại Trạm T20 - đó là những gì ông biết được về ân nhân của mình.

Bao nhiêu chuyến đi, tận dụng bao nhiêu mối quan hệ nhưng vẫn không ai có thể cung cấp cho ông thông tin về cô y tá tên Ngọc ấy. Cảnh xưa, người cũ không còn, Trạm T20 giải thể, những y bác sỹ ngày xưa cũng đã phân bổ về các bệnh viện, mỗi người một ngả không biết tìm đâu. Ông buồn bã trở về Hà Nội rồi lại được điều về công tác tại Tổng công ty xăng dầu quân đội Lào. Công việc chồng chất nhưng hễ có cơ hội là ông lại sang Việt Nam, đặt chân đến khắp nơi trên mảnh đất xứ Nghệ nắng gió bỏng rát bàn chân để tìm ân nhân.

Năm 2001, trong một lần theo đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Lào về Vinh công tác, Khăm Xỉ đã lân la đến một số địa chỉ liên lạc trên địa bàn thành phố để hỏi dò về y tá Ngọc. Người ta hướng dẫn ông đăng báo tìm người thân. Những mẩu tin ngắn gọn được đăng tải cũng là lúc ông nhận được một số thông tin phản hồi tích cực. “Một lần, người hàng xóm đến nhà tôi thông báo, có người đăng báo tìm cô y tá tên Ngọc, đã từng công tác tại Trạm T20 - Anh Sơn. Họ quả quyết thông tin trong thông báo giống tôi lắm nên đến báo. Tôi cũng ngạc nhiên không biết người đang tìm mình là ai”, bà Ngọc cho biết.

Tò mò, bà Ngọc xuống thành phố, vào nhà khách Nghệ An nhưng người tìm bà đã không còn ở đây nữa. Bà đành để lại địa chỉ liên lạc của mình lại nhưng lòng không khỏi phân vân về “người thân” bí ẩn. Một tháng sau, Khăm Xỉ trở lại Vinh, lần theo địa chỉ nhà mà chị Ngọc gửi lại nhà khách, ông đã tìm đúng nhà bà ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Trong khi người phụ nữ tóc hoa râm đang ngơ ngác thì vị tướng Lào đã chạy vội tới, ôm lấy bờ vai gầy guộc của bà mà lắc: “Chị không nhớ em à? Khăm Xỉ đây! Khăm Xỉ suýt chết vì sốt rét ác tính được chị cứu sống ở Trạm T20 đây”.

Lúc này chị mới kịp à một tiếng. Cậu lính trẻ xanh rớt như tàu lá, tưởng đã chết nay trở thành một vị tướng bệ vệ, oai phong, chị nhận không ra là phải thôi. Câu chuyện của mấy mươi năm trước ùa về, Khăm Xỉ xin nhận bà Ngọc là chị kết nghĩa. Họ gọi nhau là chị và cậu, nghe thân thiết như chính anh em trong nhà.


Trở thành em kết nghĩa của bà Ngọc, Khăm Xỉ (người mặc quân phục) cũng trở thành một thành viên trong gia đình bà

Từ đó, Nghệ An như thể là quê hương thứ 2 của Khăm Xỉ. Những chuyến công tác ngắn ngủi, bao giờ ông cũng giành thời gian về Xuân Lâm thăm “chị Ngọc”. Nếu không, ông lại tự sắp xếp thời gian, đưa vợ con sang Việt Nam hay đón bà Ngọc sang Viên-chăn để “chơi với vợ chồng em ít ngày”. Ông cũng trở thành một thành viên trong đại gia đình bà Ngọc, một trong 2 nhà có chuyện lớn gì, hoặc là Khăm Xỉ sẽ qua Việt Nam, hoặc là bà Ngọc sẽ sang Viên-Chăn để giúp. "Hồi đầu, khi biết Khăm Xỉ đi tìm tôi suốt 30 năm, nhiều người cũng dị nghị lắm. Họ bảo, chắc giữa hai người có chuyện gì đó mới khiến một người đàn ông lặn lội khắp nơi để tìm một người phụ nữ. Nhưng tình cảm của Khăm Xỉ đối với gia đình tôi, đối với bà con xóm làng đã dần đánh tan những điều tiếng không hay đó", bà Ngọc cho biết thêm.

Bà Ngọc còn nhớ như in cái Tết đầu tiên sau khi bà có thêm một người em trai. Đó là vào ngày 26 Tết năm 2001, Khăm Xỉ từ Lào qua, mang theo bao nhiêu là quà để mừng Tết Việt Nam cùng gia đình người chị kết nghĩa. Mà cũng không hiểu sao, ông biết xóm 11 này có 76 hộ gia đình. Bên cạnh món quà để "mừng tuổi" gia đình bà Ngọc, ông cũng chuẩn bị 76 phần quà cho những người hàng xóm.

“Hồi tháng 4 năm ngoái, cậu ấy vừa qua đón tôi sang Viên-Chăn để dự đám cưới cháu thứ 2. Ra về, cậu mự (thím - PV) ấy còn tiễn chân 80 cây số mới chịu quay về. Nhưng từ cuối năm 2011 tới nay, cậu ấy cũng ít sang chơi vì bận chăm vợ ốm. Không sang được nhưng cậu ấy gọi điện suốt chỉ để hỏi: “Chị có khỏe không” và hứa lúc nào mự ấy khỏe sẽ đưa cả nhà sang xin một bữa cơm cà. Đài truyền hình quốc gia Lào đã mời 2 chị em chúng tôi tham dự buổi giao lưu ca ngợi nghĩa tình thủy chung của hai nước Việt - Lào. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 3 này tôi sẽ sang Viên-chăn để tham dự, nhân tiện đi thăm cậu mự luôn”, bà Ngọc tâm sự.

Hoàng Lam

Theo dantri.com.vn

Các tin khác