Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
30 năm tìm kiếm hài cốt cha
timnguoithatlac.vn - 2/4/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Di ảnh và hài cốt liệt Sĩ Trần Minh Kính. Ảnh: gia đình cung cấp.

Chỉ với một số thông tin ít ỏi về người cha tên Trần Minh Kính, nhập ngũ tháng 10/1963 ở Trung đoàn 24 (thuộc Bộ Tư lệnh B3) chiến đấu và hy sinh tại Tây Nguyên, chị Trần Thị Hoa đã lặn lội khắp nơi đi với hy vọng tìm được cha.

Khi ông Kính lên đường nhập ngũ, chị Trần Thị Hoa (Hà Nội) mới tròn bốn tuổi. Cùng với đơn vị là Trung đoàn 24, ông đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng tại Gia Lai, Kon Tum, sông Sa Thầy, Đắc Tô…

Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương rất nặng, được đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến ở Kon Tum (sau xác định đó là vị trí ở rừng Chư Mo Ray). Do vết thương quá nặng nên ông đã hy sinh vào ngày 27/12/1968.

Tin báo tử được một đồng đội của ông Kính là ông Lê Minh Khuê (hiện sống ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) đưa về. 10 năm sau, UBND xã Tân Lập mới chính thức thông báo tin buồn cho gia đình và làm lễ truy điệu cho ông.

Biết tin đứa con duy nhất đã hy sinh nhưng vẫn chưa tìm thấy thi hài, mẹ của ông Kính vẫn ngày đêm mong ngóng tin con. Đến khi qua đời, bà không quên nhắn nhủ cô cháu nội "cố gắng đi tìm hài cốt của bố, đừng nản chí nhé!".

Năm 1981 chị Hoa lấy chồng cũng là một người lính, rồi từ đó cả hai tiếp tục hành trình đi tìm người cha đã hy sinh. Cùng với ông Khuê, vợ chồng chị Hoa đã tìm gặp đồng đội một thời của cha để tìm hiểu thông tin, lặn lội đến các nghĩa trang ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc… mà vẫn không có kết quả.

Những lời trăng trối của bà nội lúc nào cũng canh cánh bên lòng càng thôi thúc chị quyết tâm đi tìm bố. Tuy nhiên khi dò hỏi những phương pháp mà các gia đình khác đã dùng để tìm người thân mất tích hoặc hài cốt liệt sĩ, chị Hoa mới biết công việc này không đơn giản chút nào. Có rất nhiều cách, nhiều trung tâm và nhiều ông đồng bà cốt tự nhận mình là nhà ngoại cảm tìm mộ, song có gia đình nhận mộ rồi mà trong lòng vẫn phân vân, nghi hoặc. Có những gia chủ đưa được hài cốt về thì lại có người khác đến nhận.

Một lần tình cờ đọc báo, chị Hoa biết được chương trình "Khảo nghiệm về các khả năng đặc biệt" tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng ngoại cảm, được thực hiện bởi ba cơ quan: Liên hiệp Khoa học UIA – Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống.

Sau thời gian thăm dò, chị quyết định đăng ký tìm mộ bố. Đến đây gia đình chị được hướng dẫn tận tình từ việc tham gia khóa lễ cầu siêu, lễ phóng sinh… nhằm hồi hướng cho các vong linh trong gia tiên và liệt sĩ.

Theo sự chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, chị Hoa đã có được những thông tin bước đầu về hài cốt của cha đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Tuy nhiên nghĩa trang này rộng mênh mông với hơn mười ngàn ngôi mộ, trong đó số mộ phần có tên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn phần nhiều là vô danh.

"Nhà ngoại cảm nói vong chưa chỉ dẫn ngay mà bảo tôi phải đi vào Tây Nguyên rồi mới chỉ dẫn tiếp. Ông cũng dặn việc đi tìm mộ phải nhất tâm, phải có niềm tin tuyệt đối, đồng thời nhớ ghi lại các sự vật, hiện tượng, linh cảm trong quá trình tìm kiếm", chị Hoa thuật lại.

Sáng sớm hôm sau vợ chồng chị Hoa ra nghĩa trang Ngọc Hồi thắp hương và đến huyện đội tìm hiểu thông tin về bố thì được biết Trung đoàn 24 năm xưa đã chuyển vào tận miền Tây Nam Bộ, Quân khu 9. Hồ sơ của các chiến sĩ tử trận đang được lưu trữ ở Bộ Tư lệnh B3 đóng tại Gia Lai.

Đến lúc này mọi cơ sở thông tin về người cha vẫn mờ mịt. "Vợ chồng tôi đến nghĩa trang dâng hương và cầu khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ nơi đây giúp tôi tìm được bố. Tôi đem ảnh của bố, ghi rõ ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh theo giấy báo tử, tên đơn vị, tên những người thân, quê hương và tất cả những thông tin về bố tôi với hy vọng ai biết được ở đâu hãy chỉ giúp", chị kể.

Tiếp tục chờ đợi và làm theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm, vợ chồng chị Hoa đã tìm ra một ngôi mộ số 9 vô danh có thể là bố của mình. Tuy nhiên, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện lại không có hồ sơ của phần mộ này.

Các cán bộ ở đây cho biết hồ sơ liệt sĩ vẫn còn để ở Quân đoàn 3, tỉnh Gia Lai. Vậy là vợ chồng chị Hoa tiếp tục trở lại Quân đoàn 3 tìm hiểu. Tại đây hồ sơ có ghi: ngôi mộ số 9 được phát hiện và đưa từ rừng Chư Mo Ray, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum về quy tập tại nghĩa trang huyện Ngọc Hồi. Và hiện nay ở xã Sa Loong có Bệnh viện Đa khoa Sa Loong (tiền thân là trạm Quân y nơi ông Kính được đưa về chữa trị khi bị thương).

Đoán đây đúng là mộ của người cha quá cố, song chị Hoa bảo: "Tôi nghĩ khi bố xông pha trận mạc có cờ dong trống mở thì khi về cũng phải được đón rước đàng hoàng. Để được như vậy phải có bằng chứng thuyết phục hoặc phải có cơ sở khoa học. Chỉ còn một cách là xin mượn mẫu hài cốt về giám định ADN".

Được sự chấp thuận của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chị đã mượn một số mẫu xương ống chân và xương vụn của người liệt sĩ mang về Viện khoa học Công nghệ Sinh học để xin được giám định gene.

Xác nhận kết quả giám định gen của Liệt sĩ Trần Minh Kính. Ảnh: gia đình cung cấp.
Xác nhận kết quả giám định gen của liệt sĩ Trần Minh Kính. Ảnh: gia đình cung cấp.

Thông thường chỉ trong thời gian một tháng sẽ có kết quả, nhưng chị Hoa nóng ruột vô cùng khi trường hợp của cha chị kéo dài tới 4 tháng. Viện Khoa học Công nghệ Sinh học lý giải do trường hợp mẫu giám định gene hài cốt này là một trong số rất ít các mẫu có kết quả đúng, nên để chính xác và khách quan, Viện đã yêu cầu gia đình cung cấp lại mẫu ADN đối chứng để giao cho hai nhóm phân tích độc lập. Cả hai nhóm đều cho kết quả đúng nên mất nhiều thời gian hơn.

"Thế rồi cảm giác vỡ òa trong tôi khi nhận được tin Viện Khoa học Công nghệ Sinh học thông báo hài cốt mà gia đình tôi xin giám định chính là của bố tôi. Vậy là sau gần nửa thế kỷ âm thầm nằm trong lòng đất, đến nay vong linh bố tôi đã linh hiển, bia mộ đã khắc tên: Liệt sĩ Trần Minh Kính", chị Hoa xúc động nói.
 

Thi Trân

Theo vnexpress.net

Các tin khác