Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
35 năm tìm hài cốt liệt sĩ
Bionet Việt Nam - Trong đó có 20 năm ông đã đạp xe khắp các tỉnh miền Bắc và nhiều tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để tìm hài cốt liệt sĩ. Sau nhiều lần điện thoại hẹn, chúng tôi mới có dịp gặp ông Nguyễn Văn Lệnh (Hoàng Mai, Hà Nội), cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn với cái tên Tư Hổ một thời.

Ông đang tất bật hoàn thành hồi ký về trận đánh mùa xuân 1969, điều mà ông trăn trở suốt hơn 20 năm qua. Từ sau ngày thống nhất đất nước, chân ông đã hằn dấu khắp các nẻo đường đi tìm mộ liệt sĩ từ Bắc tới Nam.

 

Ông Lệnh và chiếc xe Phượng Hoàng cũ kỹ nhưng luôn cùng ông trên khắp nẻo đường tìm đồng đội hơn 20 năm qua.

Bán hàng vặt lấy tiền tìm đồng đội

Đã bước qua tuổi 80 nhưng ông vẫn dẻo dai, mạnh khỏe. Ông “tiếp quản” quán bán hàng vặt trên phố Lĩnh Nam từ người vợ đã mất cách đây vài năm, tích cóp tiền đi tìm đồng đội. Ông nhớ lại: “Thời gian đi tìm 69 hài cốt ở Bắc Giang, tôi gặp nhiều khó khăn do đồng lương hưu thiếu tá không thể trang trải cho việc đi lại suốt bốn năm (1999-2003). Tôi đành nhờ vợ mở quán bán hàng vặt giúp tôi có tiền”. Chút thoáng buồn, ông kể tiếp: “Có lần từ Sài Gòn điện thoại về, bà ấy bảo: “Nếu ông thấy làm được thì ông cứ ở lại, tôi gửi tiền vào””.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trở lại các nhà tù, những nơi đồng đội hy sinh để tìm tung tích, hài cốt và xác định nhân thân nhiều người. Suốt hơn 20 năm qua, ông đạp xe khắp các tỉnh miền Bắc và nhiều tỉnh vùng Bắc Trung Bộ để tìm hài cốt liệt sĩ. Ông chẳng nhớ mình đã ngủ lại bao nhiêu nghĩa trang, bao nhiêu cánh rừng.

Trong hàng chục lần vào miền Nam, ông đã xác minh được trên 30 mộ liệt sĩ và báo tin cho gia đình họ. Ngoài việc tìm thấy 69 hài cốt liệt sĩ trong trận bãi Thảo (Bắc Giang) thời chống Pháp, khoảng 70 mộ liệt sĩ được ông báo tin và gia đình đã đưa về quê an táng. Ông đang giữ trong tay địa chỉ cụ thể chừng 70 mộ liệt sĩ nữa nhưng chưa thông tin đến gia đình của họ.

Thấy tôi băn khoăn, ông giải thích: “Giờ họ mải làm ăn nên ít theo dõi thông tin lắm. Giả sử đưa lên báo đài, cũng ít ai để ý vì người ta xem chương trình giải trí nhiều hơn. Tôi đã làm thử rồi, không hiệu quả. Gửi thư về, nhiều gia đình cũng chẳng tin. Cách tốt nhất là phải đạp xe đến từng gia đình để báo tin nhưng bây giờ tôi phải bán hàng kiếm thêm tiền mới đi được”.

Ông chia sẻ: “Chừng nào tôi còn khỏe, còn kiếm tiền được thì tôi còn đi tìm đồng đội”. Chỉ về phía chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ, ông khoe: “Đó là tài sản lớn nhất mà cha vợ để lại cho tôi. Chiếc xe trên 30 tuổi rồi đấy. Hơn 20 năm qua nó đã cùng tôi ngược xuôi tìm đồng đội”.

Ám ảnh từ một trận đánh

Sau Tết Mậu Thân 1968, ông Lệnh được cấp trên giao nhiệm vụ phải tạo ra tiếng nổ ở khu Dinh Độc Lập để gây dựng lòng tin nơi dân và đập tan dư luận mà Mỹ-ngụy rêu rao “đã đánh bật cộng sản khỏi miền Nam”.

Sau một thời gian nghiên cứu, ông và đồng đội Nguyễn Thành Mỹ mua một chiếc xe lam vừa để kiếm sống, vừa chở lương thực, thực phẩm cho anh em hoạt động trong thành phố. Trước đó, ông chưa biết cách chế tạo ra trái thuốc nổ nhưng tình thế khiến ông phải tự tìm tòi và chế tạo được ba trái thuốc nổ. Qua quan sát thực tế, ông đã gắn ba trái thuốc nổ trước mũi xe lam để đi qua các trạm kiểm soát, hướng vào Dinh Độc Lập.

Tuy nhiên, ông và đồng đội nhận thấy việc đánh vào Dinh Độc Lập gặp nhiều khó khăn nên chuyển kế hoạch qua đánh Tổng nha Cảnh sát. Do không nhớ hết cách thức tạo tiếng nổ, thiếu bình tĩnh khi thực hiện thao tác nên người đồng đội Nguyễn Thành Mỹ tử trận, một viên thiếu tá ngụy chết. Sau trận đánh, ông đã tự hứa với lòng mình là sẽ quay lại tìm hài cốt anh Mỹ.

Đất nước thống nhất, ông trở lại Sài Gòn cả chục lần. Lần nào ông cũng tranh thủ tìm đến khu vực anh Nguyễn Thành Mỹ hy sinh để tìm hài cốt, có chuyến đi ông ở lại tới sáu tháng. Ông tìm đến nhiều nhân chứng vụ nổ, từ người lính chế độ cũ đến chị quét rác với hy vọng tìm được dù chỉ là một mẩu xương của đồng đội để làm yên lòng mình và gia đình anh Mỹ. Ông tâm sự: “Tôi vẫn đang dành dụm tiền bán hàng, dịp 30-4 năm tới tôi sẽ trở lại Sài Gòn để tìm thông tin về hài cốt anh ấy”.

Đạp xe tìm 69 hài cốt trận bãi Thảo

Năm 1999, trong lần gặp ông Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Lệnh biết tin có gần 100 hài cốt đồng đội ông Trà hy sinh trong trận bãi Thảo (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thời chống Pháp. Đây là những chiến sĩ Tiểu đoàn 434, Trung đoàn 238, Liên khu Việt Bắc, hoạt động ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Dù không cùng đơn vị nhưng ông đã tập hợp gần 10 đồng đội của những chiến sĩ tham gia trận bãi Thảo nhằm tổ chức thành một nhóm đi tìm hài cốt.

Thế nhưng dự định của ông bất thành do có nhiều ý kiến khác nhau, người vì lý do gia đình, người khác lại cho rằng đồng đội đã qua đời nửa thế kỷ, có chăng chỉ còn đất. Ông trầm ngâm: “Thế nhưng không hiểu sao lúc đó tôi có một niềm tin mãnh liệt trong việc tìm hài cốt của những chiến sĩ trận bãi Thảo. Nhiều đêm tôi mơ thấy anh em ăn mặc như chiến sĩ thời chống Pháp đang ở giữa rừng, họ kêu lạnh lẽo. Điều này ám ảnh tôi suốt!”.

Cuộc tìm kiếm “mò kim đáy bể” gặp nhiều thử thách, khi ấy ông đã bước qua tuổi 70. Ông nhớ lại: “Vợ tôi lúc đó rất lo cho sức khỏe của tôi. Tôi thuyết phục: “Pháp bắn, tôi không chết. Mỹ tra tấn đủ kiểu, tôi không chết. Rắn độc cắn 10 người, chín người chết nhưng tôi vẫn sống. Sét đánh, tôi cũng chẳng chết. Tôi dư sức, bà khỏi phải lo”.

Chuyến khởi hành của ông đúng vào ngày Thương binh liệt sĩ 27-7-2000. “Trước khi đi tìm hài cốt 69 liệt sĩ, tôi làm lễ thắp hương cho anh em. Trong bốn năm đạp xe đi về giữa Hà Nội và Bắc Giang, tôi cứ ngỡ mình như thanh niên mười tám, đôi mươi chứ không phải một ông già ngoài 70 tuổi” - ông cười.

Chuyến đi đầu tiên kéo dài một tháng nhưng ông không thể xác định bãi Thảo thuộc khu vực nào ở tỉnh Bắc Giang. Ông chẳng nhớ mình đã đạp xe đi bao nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng để lần mò thông tin qua hàng chục đồng đội của những chiến sĩ hy sinh trong trận bãi Thảo, tin tức về những nấm mồ cứ “rối như canh hẹ”. Để xác minh thông tin, ông còn tới sống với dân khai hoang vùng này để tìm dấu tích mộ. Ông tự bỏ tiền thuê ôtô đưa một số anh em trở lại chiến trường xưa để xác định vị trí chôn cất đồng đội.

Ông tâm sự: “Thế mà có người còn nghi ngờ tôi đi tìm hài cốt đồng đội của bộ trưởng để kiếm chác, bởi những chiến sĩ hy sinh ở bãi Thảo không phải người cùng đơn vị tôi thời chống Pháp. Nhưng tôi cũng chẳng mấy quan tâm, tôi biết mình đang làm việc nghĩa”.

Sau bốn năm, ông Lệnh đã xác định được địa điểm chôn cất chiến sĩ trận bãi Thảo, các đơn vị quân đội đã khai quật suốt hơn một tháng và tìm được 69 hài cốt liệt sĩ. Ông nghẹn ngào, mừng rơi nước mắt.

Ông tâm sự: “Sau ngày thống nhất, nhiều lần tôi đã đi buôn, làm chủ nhiệm một hợp tác xã rồi lên Bắc Kạn đào vàng kiếm sống. Tất cả đều thất bại. Có lẽ đời tôi chỉ có hai việc thành công: Đánh đuổi quân thù và đi tìm đồng đội”.

VŨ TRẦN ĐẠI

Theo phapluattp.vn

Các tin khác