Giấy xác nhận huyết thống của liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình
“Sang những năm thập niên 2010, chúng tôi tưởng chừng đã tuyệt vọng. Anh tôi ra đi như vậy là cả 60 năm rồi. Sông kia bồi lở, lũ lên lũ xuống, tàu bè ngược xuôi mỗi ngày, liệu xương cốt anh có còn gì hay không?”. Bồi hồi nhìn tấm di ảnh đã ố vàng của anh là liệt sĩ Phạm Vũ Biên, ông Duy tâm sự trong lúc người lớn trong gia đình sức tàn lực kiệt, thì con cái ông, tức các cháu liệt sĩ Biên, lại tiếp tục cuộc tìm kiếm.
Ông Phạm Vũ Duy trong ngày truy điệu liệt sĩ Phạm Vũ Biên - Ảnh tư liệu gia đình
Như vậy là cuộc đi tìm hài cốt này đã mỏi mòn trải suốt ba thế hệ rồi. Mẹ già ông nhắm mắt vẫn chưa được nhìn thấy những gì còn lại của con trai. Anh em ông tiếp tục thay mẹ đi tìm đến lúc gần kiệt sức. Và bây giờ là thế hệ các cháu.
Bộ hài cốt lẫn trong cát
Trong các con của ông Duy có anh Phạm Vũ Đức đang làm doanh nghiệp cơ khí ôtô ở Hưng Yên là người rất tích cực trong nỗ lực đi tìm bác. Gặp ai anh cũng dò hỏi manh mối, hi vọng. Kể cả đôi lần anh đã đưa cha và các bác đi cầu may ở những người được cho là có năng lực đặc biệt. Người thì hẹn lần hẹn lữa qua điện thoại mà không thể gặp mặt được. Người thì nói chuyện xa quá rồi, khó lắm. Có người chỉ đâu đó bên bờ hữu ngạn sông Đuống cách cây cầu khoảng vài trăm mét, nơi mà họ đã từng in dấu chân ngược xuôi tìm kiếm hàng trăm lần trong suốt 60 năm qua...
Trong lúc nỗ lực tìm kiếm đến đời thứ ba vẫn mịt mờ như những ngọn đuốc nhỏ nhoi lập lòe trong rừng đen, thì tình cờ một hôm anh Đức, cha mình và người thân trong gia tộc tìm đến một khu khai thác cát bên bờ sông Đuống ở phía Bắc Ninh. Thấy họ, một người dân địa phương ra hỏi chuyện. Ông lộ rõ vẻ xúc động và sực nhớ ngay khu vực này đã xảy ra một chuyện lạ. Đó là trong lúc khai thác, vận chuyển đất cát, người ở đây đã tình cờ tìm thấy một bộ hài cốt không rõ thân nhân. Rồi ông chỉ đường cho gia đình anh Đức đến thẳng chủ bãi khai thác đó để hỏi cặn kẽ.
Khi gặp nhóm người lạ hỏi chuyện này, chính đôi vợ chồng đó cũng sững sờ. Họ tự giới thiệu chồng là Nguyễn Văn Hùng, vợ là Nguyễn Thị Thơi ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Họ kể chi tiết khoảng tháng hai âm lịch năm 2009, ông Hồ Liêm lái máy xúc cát độ sâu khoảng hơn 1m ở bãi tre bờ sông Đuống để đổ lên xe tải 15 tấn cho vợ chồng họ. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, mặc dù xe tải còn mới và vừa được kiểm tra định kỳ, hôm ấy đang hoạt động bình thường thì đến chuyến này tự nhiên bất ngờ bị gãy trục. Họ phải đổ cát xuống để chuyển sang xe nhỏ hơn chở dần đi. Bất ngờ vợ chồng anh Hùng nhìn thấy có những mẩu xương giống hài cốt người lẫn trong cát lộ ra. Đến khi nhìn thấy chiếc sọ vẫn còn nhiều răng hàm, họ mới tá hỏa biết chính xác đó là hài cốt người. Họ xúc động đoán rằng ai đó đã gửi thân xác theo sông Đuống, khi trôi đến đoạn này thì bị xoáy nước cuốn mắc lại dưới gốc tre. Rồi thời gian sông lở bồi đã vùi dần hài cốt cô quạnh này!
Người vợ cẩn thận nhặt nhạnh hài cốt kỹ lưỡng, bỏ vào bao rồi đem về nhà kể cho mẹ già nghe. Bà cụ nhìn những chiếc răng hàm vẫn còn màu sáng, chưa mòn nhiều, đoán người mất chắc còn trẻ tuổi. Bà khuyên hai con đã “có duyên” với người bạc mệnh vô danh thì hãy làm trọn lương tâm. Thế là vợ chồng anh Hùng mua tiểu sành, khăn vải, sắp xếp phần hài cốt tìm thấy vào đó rồi đem ra gò đất ở hồ gần nhà chôn. Ngày rằm, mồng một nào người vợ cũng hương khói cho nấm mộ còn chưa rõ thân nhân, và nhủ lòng nếu một thời gian không thấy ai đến tìm nhận sẽ chuyển hài cốt về nghĩa trang cho bớt cô quạnh.
Rồi đến một ngày, gia đình ông Duy tìm đến đây và tự nhiên lại hỏi đúng ngay câu chuyện kỳ lạ này. Họ không rõ có sự linh thiêng hay trùng hợp, nhưng trong lòng có linh cảm lạ thường...
Sự thật từ chiếc răng hàm
Tâm sự chuyện đặc biệt này, ông Duy rưng rưng xúc động: “Trong lòng tôi và mấy anh chị em khác phập phồng linh tính được đoàn tụ với anh Biên rồi. Nhưng có người anh cũng đi bộ đội về thì lại rất thận trọng. Sông suối là nơi người ta dễ gửi sinh mạng. Bom đạn chiến tranh ác liệt lại từng vùi dập bao nhiêu mạng người. Cần phải cẩn thận nếu không lại nhận nhầm người khác thì khổ!”.
Ông Duy tâm sự thế là anh em trong gia đình bàn với nhau xin được nhang khói ở phần mộ này. Nếu đúng là người anh liệt sĩ thì may mắn quá rồi. Còn nếu không phải thì được làm ấm lòng hương hồn ai đó. Về nhà, gia đình họp bàn với nhau cần quyết tâm tìm sự thật. Cuối cùng giải pháp khoa học là giám định ADN được thống nhất phải thực hiện. Mẹ đã mất rồi, nhưng nguồn gen đối chứng là các anh chị em ruột thịt trong nhà vẫn còn. Chỉ có cách này là bảo đảm chính xác nhất. Trong lúc đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu phải có kết luận giám định ADN chính xác mới công nhận liệt sĩ và tổ chức lễ truy điệu theo quy định.
Ngược trở lại phần mộ ở bãi cát tại Yên Viên, ông Duy và gia đình trình bày nguyện vọng với vợ chồng anh Hùng đã phát hiện, chôn cất hài cốt này. Họ đồng ý cho khai quật vì thật sự trong lòng ai cũng muốn tìm lại tên tuổi cho người đang nằm ở đây để được đoàn tụ với thân nhân. Gò đất được đào lên. Nắp tiểu được mở ra. Ông Duy và mọi người trong gia đình đều bật khóc. Bộ hài cốt đã không còn nguyên vẹn theo thời gian. Chỉ còn chiếc sọ, vài mảnh xương sườn, xương ống tay, ống chân. Sự tác động của thời gian, dòng nước hay chiếc gàu xúc đất đã làm hài cốt liệt sĩ không thể còn nguyên vẹn?
Theo chỉ dẫn từ trước, người nhà ông Duy xin lấy mẫu xương răng hàm trên của hài cốt cho vào lọ đem về. Sau đó, một em trai của liệt sĩ Biên là ông Phạm Vũ Kỷ được lấy móng tay để làm mẫu đối chứng giám định ADN ở Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN. Nhắc kỷ niệm này, ông Kỷ năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn kể: “Những ngày chờ đợi kết quả giám định, gia đình chúng tôi hồi hộp lắm. Mọi người cứ khấn vái anh có linh thiêng thì về, khấn vái cả tổ tiên cho con cháu được đoàn tụ, không phải chia lìa lạnh lẽo nữa”.
Một buổi sáng, Viện Công nghệ sinh học gọi điện về nhắn đã có kết quả, nhưng không chịu báo trước kết luận mà chỉ mời người nhà đến nhận. Ông Kỷ kể mọi người phập phồng mở giấy xác nhận kết quả giám định ADN ra xem và mừng đến bật khóc khi đọc dòng chữ “Xác nhận mẫu hài cốt đã phân tích ... có quan hệ huyết thống với mẫu ADN của ông Phạm Vũ Kỷ là em trai của liệt sĩ Phạm Vũ Biên”.
Cuộc tìm kiếm anh, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đằng đẵng suốt 60 năm đã đến ngày thành công. Mừng vui mà nước mắt cứ đầm đìa! Họ như thấy anh, thấy mẹ già đang cùng về khóc cười bên nhau...
QUỐC VIỆT
Theo tuoitre.vn
________________
Cha biệt tăm trong kháng chiến chống Pháp khi người con còn bé xíu. Và một trong những ước nguyện hòa bình của người con ấy là được đi tìm lại cha mình, dù chỉ là mẩu xương tàn!
Kỳ tới: Tìm cha dài theo đất nước
Bài liên quan: