Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
“Ai viết tên tôi thành liệt sĩ?”
Bionet Việt Nam - Là người sống sót duy nhất trong trận chiến đấu diễn ra ngày 10-4-1972, giữa Trung đội 2 do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca trực tiếp chỉ huy với 3 tiểu đoàn tinh nhuệ của địch, để rồi 24 năm sau (1996) ông mới có dịp trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội. Ông lặng người khi nhìn thấy tên mình khắc trên bia mộ liệt sĩ trong khuôn viên nghĩa trang - nơi những đồng đội của ông đang yên nghỉ. Ông là cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành, hiện ở thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

 

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành bên ngôi mộ khắc tên mình trong khu mộ các đồng đội thuộc Trung đội Mai Quốc Ca.

Tinh thần “1 thắng 100”

Những ngày đầu hè rực nắng năm 2012, chúng tôi có dịp về vùng quê Vĩnh Lộc tìm gặp người cựu chiến binh tham gia trận chiến đấu diễn ra ngày 10-4-1972. Dưới bóng cây nhãn trước hiên nhà, ông Vũ Ngọc Thành kể cho chúng tôi nghe về trận chiến ấy.

Đó là vào đêm 9-4-1972, Trung đội 2 với 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9 (Trung đoàn Quang Trung), Sư đoàn 304 do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy nhận nhiệm vụ mang 100kg bộc phá, tổ chức thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn) nhằm chia cắt sự viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà. Trận đánh của đơn vị nhằm tạo điều kiện để các cánh quân của ta mai phục sẵn ở hai bờ sông Thạch Hãn và các vùng phụ cận tiêu diệt lực lượng quân sự mạnh nhất của địch đang tập trung ở chiến trường Quảng Trị.

Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, quê ở xã Hà Hải (Hà Trung, Thanh Hóa), khi ấy vừa tròn 22 tuổi, dẫn các đồng chí trong trung đội hành quân, vượt qua nhiều đồn bốt của giặc. Sau khi tiêu diệt gọn một trung đội lính bảo an của địch ở xã Triệu Thượng, Triệu Phong (Quảng Trị), Trung đội trưởng Mai Quốc Ca tiếp tục chỉ huy trung đội áp sát khu vực phía bắc cầu Quảng Trị để tiếp cận mục tiêu cuối cùng.

Rạng sáng 10-4, khi tiểu đội đầu tiên của trung đội do Trung đội trưởng Mai Quốc Ca chỉ huy xuất kích thì bị địch phát hiện. Ngay lập tức, địch điều ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ gồm dù, biệt động quân và thủy quân lục chiến có máy bay, phi pháo, xe tăng yểm trợ tạo thành gọng kìm lớn bao vây trung đội.

Nằm trong vòng vây kẻ thù, với tinh thần “chiến đấu đến khi nào ngừng thở”, “1 thắng 100”, 20 chiến sĩ của Trung đội 2 dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Mai Quốc Ca đã anh dũng chiến đấu, đẩy lùi từng đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía. Cuộc giằng co với quân thù từ rạng sáng đến quá trưa, 19 chiến sĩ lần lượt ngã xuống, còn lại duy nhất Vũ Ngọc Thành bị thương nặng ở bụng và chân.

Trách nhiệm người ở lại

Sau khi ngừng tiếng súng, địch phát hiện Vũ Ngọc Thành còn thoi thóp thở, chúng lập tức đưa anh về chữa trị tại quân y viện Nguyễn Tri Phương (Huế) hòng moi tin tức. Tại đây, Vũ Ngọc Thành được phẫu thuật nối ruột, sau đó đưa vào Bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng) tiếp tục chữa trị trong suốt thời gian 2 tháng. Khi sức khỏe bắt đầu bình phục, chỉ trong vòng mấy tháng, địch đã chuyển anh từ trại giam Non Nước (Đà Nẵng) vào nhà lao Bạch Đằng để tra xét. Không khai thác được gì, chúng lại trả anh về trại giam Non Nước, rồi sau đưa anh ra giam giữ ở nhà lao Phú Quốc.

Hiệp định Pa-ri được ký kết, Vũ Ngọc Thành được trả tự do. Cũng thời gian này, ở quê, mẹ anh chưa hết tang chồng lại nhận được giấy báo tử của anh. Một năm sau, do thương tật nặng, anh phục viên trở về quê hương trong sự ngỡ ngàng của người thân và bà con lối xóm.

Từ đó Vũ Ngọc Thành trở về với cuộc sống đời thường, lập gia đình, nuôi con ăn học với bao bộn bề lo toan. Nhưng với người cựu chiến binh ấy, hình ảnh các đồng đội của mình ngã xuống trước họng súng quân thù vẫn ngày ngày canh cánh trong ông. Dù ấp ủ dự định đã lâu, nhưng do hoàn cảnh kinh tế chưa cho phép, nên mãi đến tháng 6-1996, Vũ Ngọc Thành mới có dịp cùng thân nhân các đồng đội năm xưa trở về Quảng Trị; trở lại chiến trường xưa. Ông cảm thấy ấm lòng, khi biết các đồng đội của mình được bà con địa phương an táng cẩn thận và đã được cấp ủy, chính quyền quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị).

Lần tay trên từng bia mộ, đọc tên từng đồng đội, cựu chiến binh Vũ Ngọc Thành bật khóc khi thấy phần mộ của mình nằm cạnh đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ. “Ai viết tên tôi thành liệt sĩ?/ Bên những hàng bia trắng giữa đồng” – ông Thành đã bất giác “sáng tác lại” câu thơ của nhà thơ Vũ Cao như thế. Tất cả đã tề tựu đông đủ, đội ngũ chỉnh tề như ngày xưa trước khi xung trận. Nhưng giờ chỉ mình ông còn có thể gọi được tên của từng đồng đội và kể cho các thế hệ sau về trận chiến oai hùng ấy.

Năm 1973, Trung đội 2 (sau này được đổi thành Trung đội Mai Quốc Ca) được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT  nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, hài cốt các anh được cấp ủy, chính quyền địa phương quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, ngay tại nơi các anh hy sinh, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đã cho xây dựng đài tưởng niệm.

Bài và ảnh: Duy Thành

Theo qdnd.vn

Các tin khác