Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Anh đã trở về như hẹn ước
timnguoithatlac.vn - 28/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin về liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

Bà Đỗ Thị Khuê thắp hương cho con trai - liệt sĩ Bùi Trọng Nghiêm.

Thông tin từ các đội quy tập mộ liệt sĩ của Quân khu 4 báo về quê nhà Thạch Thành (Thanh Hóa): Hài cốt hai liệt sĩ, Quách Công Toán (xã Thành Long) và Bùi Trọng Nghiêm (xã Thành Thọ) đã được tìm thấy trên đất bạn Lào. Tròn 40 năm nằm lại trên những cánh rừng xa thẳm, nay các anh đã trở về trong vòng tay đồng đội và quê hương chiến khu Ngọc Trạo mến yêu.

Trong không gian khói hương và tiếng nhạc bi hùng, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 316, những người cùng chung chiến hào năm xưa với hai liệt sĩ tại điểm cao 1800 thuộc địa bàn Xiêng Khoảng-Thẩm Lửng (Lào), ai cũng mừng mừng, tủi tủi…

Ở tuổi 80, bà Đỗ Thị Khuê - mẹ liệt sĩ Bùi Trọng Nghiêm vẫn còn minh mẫn. Ký ức về người con trai đầu lòng đã hy sinh 40 năm trước ùa về trong bà: “Lúc tình nguyện lên đường nó chưa tròn 18 tuổi mà đã cao gần 1,7m, tính tình thì còn ngây thơ lắm. Mới vào, em nó huấn luyện ở huyện Nga Sơn. Ông nhà tôi mượn mãi mới được cái xe đạp đạp xuống thăm con, nhưng xuống đến nơi thì nó đã lên xe đi rồi. Từ đó đến nay nó mới về”. Giọng bà bùi ngùi nhớ lại hình ảnh Bùi Trọng Nghiêm lúc lên đường.

Thương binh Lê Quang Vị, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành xúc động thắp hương cho từng liệt sĩ, mắt nhòe lệ, không giấu nổi lòng tiếc thương người đồng đội sau 40 năm, nay mới trở về Đất Mẹ. Ông Vị chính là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Bùi Trọng Nghiêm vào ngày 8-9-1972. Ông Vị nhớ lại: “Vào tháng 1-1972, huyện Thạch Thành có khoảng 50 thanh niên lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 316 và hành quân sang chiến trường Lào. Mùa khô 1971 - 1972, sau chiến dịch tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum và tiến sâu vào Sảm Thông - Long Chẹng, liên quân Lào - Việt quyết định chủ động tổ chức Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của địch trong mùa mưa năm 1972, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Thượng Lào và bảo vệ sườn phải cho hai chiến dịch tiến công Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên trong cuộc tiến công chiến lược mùa mưa năm 1972”. Tiểu đoàn 3 nằm ở các chốt phía Tây Cánh Đồng Chum thuộc điểm cao 1800, 2063, Thẩm Lửng. Vào mùa mưa, địch bắt đầu sử dụng hỏa lực không quân, pháo binh tập kích các điểm cao khống chế khu vực trung gian, các tuyến đường dẫn vào khu trung tâm Cánh Đồng Chum. Và hai anh đã chiến đấu và hy sinh trong những ngày phòng ngự kiên cường đó.

Giọng ông Vị bỗng chùng hẳn xuống khi nhớ về ngày ra đi của người bạn đồng hương cùng nằm chung một chốt: “Hôm đó, đơn vị chúng tôi giằng co với địch từng điểm chốt. Chiến đấu từ 5 giờ đến khoảng 14 giờ thì chúng tôi làm chủ được điểm cao 1800 Thẩm Lửng. Tuy nhiên, khoảng 3 giờ đồng hồ sau, địch tổ chức pháo kích kết hợp máy bay OV-10 đánh phá vào các điểm cao ta vừa chiếm được. Chiến sĩ Nghiêm đang trên đường đi lấy nước về đã không kịp vào hang ẩn nấp, khi chỉ còn cách hang của tôi khoảng 50m thì bị một mảnh bom lia ngang bụng. Trước khi ra đi, anh ấy dặn tôi: Mình không thể tiếp tục được nữa rồi, cậu và anh em phải chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Khi về quê hương, nhờ cậu nói với cậu mợ tha thứ cho tôi. Thế là tôi đã không giữ được lời hứa với cậu mợ là sẽ trở về. Nhớ nói cậu mợ nuôi dưỡng các em tôi nên người. Khi đó trời đã tối hẳn, tôi còn cố lấy hộp kem đánh răng (vỏ nhôm) khắc họ tên quê quán của Nghiêm cho vào túi áo và chôn cất Nghiêm tại khu vực nghĩa trang của tiểu đoàn”.

40 năm qua, gia đình, người thân và chính thương binh Lê Quang Vị đã 7 lần đến các nghĩa trang trong nước cũng như quay lại những cánh rừng Lào xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội, nhưng đều vô vọng… Chị Bùi Thị Cúc (em gái của liệt sĩ Bùi Trọng Nghiêm) nghẹn ngào trong nước mắt: “Suốt thời gian qua, gia đình tôi đã thay nhau đi hết Sầm Nưa, lại về Xiêng Khoảng (Lào), rồi đi khắp các nghĩa trang trong nước, nhưng đều không thấy. Hôm nay, anh tôi được về với quê nhà, mẹ tôi cũng như gia đình an lòng lắm rồi. Xin được cảm ơn ân tình của đội công tác đặc biệt đã đưa anh tôi về”.

Tôi đứng nghiêm nhìn màu đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc phủ trên di cốt các liệt sĩ. Những góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn mỗi người như thức dậy để càng thấm thía, trân trọng hơn giá trị của độc lập, tự do hôm nay được đánh đổi bằng biết bao máu xương và nước mắt của cha anh. Chợt nhớ lời ước hẹn trở về của liệt sĩ Bùi Trọng Nghiêm, tôi khẽ khấn thầm: “Vậy là anh đã trở về như hẹn ước”.

Bài và ảnh: Khánh Trình

Theo qdnd.vn

Các tin khác