Đua nhau "chặt chém" người đi tìm mộ
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một số tỉnh thành trong cả nước, nhiều người đã lợi dụng tâm lý muốn tìm được hài cốt của những gia đình liệt sĩ để trục lợi. Họ tự nhận là mình có khả năng ngoại cảm, thành lập những trung tâm áp vong rồi tự tung hô có thể hô mưa gọi gió, lừa gạt thân nhân gia đình liệt sĩ. Những trung tâm này mọc lên như nấm sau mưa. Cứ thấy các trung tâm trước đó kiếm ăn được là hàng loạt các trung tâm ùn ùn theo nhau mọc lên để móc túi những người nhẹ dạ.
Thực tế, nhiều gia đình không những không tìm được mộ người thân mà còn phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế và tinh thần sau khi đến các trung tâm áp vong này.
Nghệ An có khoảng hơn 4,5 vạn liệt sỹ trong đó hơn 9.000 liệt sỹ chưa rõ danh tính và khoảng hơn 2 vạn chưa tìm và quy tập được mộ. Từng ngày, từng giờ, thân nhân của những liệt sĩ này mong ngóng được tìm thấy hài cốt của con, em mình. Do đó, trong suốt thời gian qua, các trung tâm áp vong tìm một liệt sĩ mọc lên như nấm ở Nghệ An.
Nhiều nạn nhân sau khi áp vong đã phải vào điều trị tại bệnh viện tâm thần do quá trình áp vong gây ra
Trong một lần đóng vai người đi tìm mộ, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh "chặt chém" không thương tiếc thân nhân gia đình liệt sỹ của các trung tâm ngoại cảm và những dịch vụ ăn theo.
Để vào được một trung tâm áp vong của cô H tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, chúng tôi phải mua một bó hương (10 thẻ) với giá 30 ngàn đồng và một bó hoa cúc 35 ngàn đồng. So với thị trường, giá các mặt hàng này tại đây cao gấp 2-3 lần.
Không chỉ hàng hóa phục vụ cho việc làm lễ tìm mộ liệt sỹ bị đẩy giá mà các dịch vụ ăn, nghỉ cũng có giá không mấy dễ chịu. Một suất cơm thấp nhất tại những khu vực này cũng có giá 30 ngàn đồng trong khi đó, hầu hết các trung tâm đều yêu cầu mỗi gia đình liệt sỹ muốn được áp vong phải đi ít nhất từ 5 đến 10 người.
Thời gian nhập vong cũng không ấn định mà khi nào vong nhập vào người nhà thì các “thầy” sẽ nói. Do đó, nhiều gia đình đã phải ở lại cả tháng trời để chờ vong nhập. Những nhà nghỉ theo kiểu “bình dân” gần khu vực trung tâm áp vong cũng vì thế mà nở rộ.
Một căn phòng chỉ chừng 20m2, tường loang lổ, không có giường, trên nền nhà trơ trọi 2 chiếc chiếu cũ dành cho khoảng 10 người nằm thì mỗi người phải trả từ 15-20 nghìn đồng/ngày đêm. Điều kiện sinh hoạt khác không có, thế nhưng vì lượng người đến quá đông nên đối với nhiều người, có một chỗ để đặt lưng như vậy sau khi ngồi "chầu" cả ngày đã là may mắn.
Một trong những nạn nhân của áp vong đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An
Tại một nhà trọ cạnh bên, hàng chục người "may mắn" khác đang chia nhau chỗ ngủ dưới gầm cầu thang và trên gác xép với giá 20 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài ra, nhiều nơi còn đặt ra nhiều khoản thu trái với quy định, gây khó khăn cho các gia đình thân nhân liệt sỹ như: đặt hòm công đức, dịch vụ cho thuê chiếu ngồi (từ 10-30 ngàn đồng/ngày), tổ chức trông giữ xe máy, xe đạp, cho thuê ô tô và người lái (giá dao động từ 2.800.000 đến 3.200.000 đồng/xe/ngày thậm chí cao hơn) để đi bốc hài cốt liệt sỹ.
Chưa kể, mỗi ngày thay lễ một lần, hết hàng trăm ngàn đồng.
Đó quả thật là khoản thu nhập khiến không ít kẻ mờ mắt. Chính vì vậy mà các trung tâm tìm mộ bằng ngoại cảm và những dịch vụ ăn theo cứ lần lượt mọc lên như nấm để cố vắt cho hết những đồng tiền mồ hôi nước mắt của thân nhân gia đình liệt sỹ.
Bỏ hàng chục triệu để lấy … bệnh tâm thần
Hầu hết những người đi tìm mộ liệt sỹ đều có điều kiện khá giả nhưng cũng không ít thân nhân liệt sỹ là gia đình nông dân. Chi phí mỗi lần tới các trung tâm ngoại cảm lên đến hàng chục triệu đồng. Để có chi phí lớn như vậy, nhiều gia đình đã phải bán lúa non để có tiền. Với họ, chỉ có mong muốn là tìm được mộ của người thân.
“Đợt đi tìm mộ cho bố tôi, gia đình tôi đã phải thờ cúng, ăn ở tại trung tâm hết gần 30 triệu đồng. Gia đình anh em tôi đều làm nông cả nên để có số tiền đó, anh em tôi đã phải bán lúa đi. Nhưng rốt cuộc tiền mất mà cũng chẳng tìm được mộ các chú ạ”, anh Phan Sỹ C, một người đã từng đi tìm mộ liệt sỹ bằng áp vong tâm sự.
Không tìm thấy mộ như gia đình anh C vẫn còn là may, một số gia đình sau khi đi áp vong về, người bị nhập vong đã bị rối loạn tâm thần, suốt ngày quấy phá rồi nói lảm nhảm khiến người thân phải lo lắng, khiếp sợ.
Theo Bác sỹ Nguyễn Đức Toàn - Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thì số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện chỉ là con số nhỏ so với các bệnh nhân bị bệnh do áp vong.
Bác Lê Văn L, huyện Thanh Chương, Nghệ An có con gái bị bệnh do áp vong tâm sự: “Nhà tôi có bố và anh trai đều là liệt sỹ nhưng chưa tìm được mộ. Khi nghe tin có trung tâm ngoại cảm tìm được mộ liệt sĩ, chúng tôi đã tìm xuống. Để có tiền đi, tôi đã phải mang số tiền dành dụm từ bán đồi keo. Nằm gần một tháng trời, “vong” mới nhập vào con gái tôi đang là sinh viên. Tuy nhiên, không những không chỉ ra mộ mà cháu bỗng bất ngờ ăn nói lảm nhảm cả ngày. Rồi còn đòi đập phá hết đồ đạc trong nhà.
Sau đó, chúng tôi đã đưa cháu đi giải vong tại nhiều nhà thờ, đền chùa nhưng vẫn không được. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải đưa cháu vào điều trị tại bệnh viện tâm thần. Sau một thời gian điều trị, cháu đã khỏi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị tái phát. Mộ đâu chưa tìm thấy mà giờ lại lấy về bệnh tâm thần cho con tôi. Thật là khổ hết chỗ nói”.
Trường hợp như gia đình bác L không phải là hiếm. Nhiều người do bị “vong nhập” phải bỏ cả học, bỏ cả công việc làm để đi điều trị bệnh tâm thần.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thì kể từ tháng 6/2011cho đến tháng 6/2012 đã có khoảng 120 bệnh nhân phải nhập viện để điều trị rối loạn tâm thần liên quan đến nhập vong tìm mộ liệt sỹ. Hầu hết, các bệnh nhân nhập viện đều đã được điều trị trước đó ở bên ngoài bằng thuốc thánh hoặc theo phương pháp tâm linh. Một số còn bị đánh cho thâm tím cả người vì nghe theo lời "thầy" là đánh cho “con ma” nó ra khỏi người.
Tuy nhiên đó chỉ là số người bệnh điều trị tại bệnh viện còn số thực thì lớn hơn nhiều. Theo tiết lộ của Bác sỹ Nguyễn Đức Toàn – Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An: “Bệnh nhân hầu hết đều là nữ và những người mắc bệnh đều có nhân cách yếu.
Số bệnh nhân thực tế lớn hơn nhiều so với số bệnh nhân nhập viện. Có nhiều gia đình, người mắc bệnh thuộc loại gia đình giàu có, vợ con quan chức nên họ e ngại khi vào viện. Bên cạnh đó, họ sợ mang tiếng khi vào điều trị tại bệnh viện nên đã nhờ các bác sỹ ra điều trị tại nhà. Và con số này còn nhiều hơn số bệnh nhân nhập viện”.
Xuân Hoà
Theo giaoduc.net.vn