Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Áp vong tìm mộ, tha... tổ mối về thờ
Bionet - Nhiều gia đình đi tìm xương cốt liệt sĩ đều cất bốc mộ vô danh ở nghĩa trang hoặc nắm đất tượng trưng trong rừng thẳm. Họ tin tuyệt đối vào các nhà ngoại cảm, mà không sử dụng phương pháp khoa học là xét nghiệm ADN. Họ coi việc đem mẩu xương ít ỏi còn lại đi xét nghiệm là sự bất kính với liệt sĩ và bất kính với “người giời”, nên đều không thực hiện.

Những ngày lang thang tìm hiểu ở những trung tâm tìm mộ liệt sĩ ở Nghệ An, tôi hỏi nhiều về việc tìm thấy hài cốt liệt sĩ, song chủ yếu chỉ là tin đồn. Ai cũng kể vanh vách rằng ông A ở xã X, tìm được mộ, rồi bà Y ở làng Z cũng vừa cất bốc liệt sĩ về… Tuy nhiên, thực hư cụ thể thế nào, thì không ai nắm rõ.

Tôi cũng tìm đến hơn chục gia đình đã đưa liệt sĩ về qua các trung tâm tìm mộ áp vong, song các câu chuyện họ kể đều mang màu sắc mê tín dị đoan, ly kỳ rùng rợn, chứ rất ít tính khoa học. Các ngôi mộ bốc về một là ở các nghĩa trang vô danh, hai là những nắm đất tượng trưng đào trong rừng.
Tôi đã có dịp đi tìm mộ cùng anh bạn đồng nghiệp. Bác ruột của anh hy sinh ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) và theo thông tin từ đồng đội, đã được quy tập vào nghĩa trang, trở thành mộ vô danh. Thế nhưng, sau 5 năm, với hàng chục lần vào nghĩa trang này, anh vẫn không đưa được bác về. Anh đã nhờ hơn chục nhà ngoại cảm nổi tiếng, nhưng mỗi người chỉ một ngôi khác nhau. Bác quản trang ở xã đó bảo, người ta cứ dẫn nhà ngoại cảm vào nghĩa trang, hoặc nhà ngoại cảm chỉ dẫn qua điện thoại, thế là các gia đình đào mộ bốc về, mà không kiểm chứng gì cả.
Bản thân tôi cũng đã có lần đi tìm mộ cùng nhà ngoại cảm Hoàng Thị Th. (Lương Sơn, Hòa Bình). Nhà ngoại cảm này dẫn mấy gia đình lên tận rừng sâu đào bới. Sau khi đào bới hàng chục hố đất trong rừng, thấy một tổ mối màu trắng dưới lòng đất, nhà ngoại cảm Th. liền khẳng định xương cốt đã tan rã hết, chỉ còn lại màu trắng nhợt như thế! Nhà ngoại cảm bảo xương đã tan thành đất thì còn tìm gì nữa. Gia đình người thân liệt sĩ liền khóc tu tu và cứ thế vái lạy… tổ mối! Họ gói ghém chút đất cùng cái tổ mối đó đem về quê và chính quyền tổ chức lễ đón liệt sĩ linh đình.

Để áp được vong, nhiều gia đình phải ngồi "thiền" cả tháng trời.

Sở dĩ tôi kể ra hai câu chuyện này, bởi qua quá trình tìm hiểu, tôi thấy rất nhiều gia đình đi tìm xương cốt liệt sĩ đều cất bốc mộ vô danh ở nghĩa trang hoặc nắm đất tượng trưng trong rừng thẳm. Họ tin tuyệt đối vào các nhà ngoại cảm, mà không sử dụng phương pháp khoa học là xét nghiệm ADN. Họ coi việc đem mẩu xương ít ỏi còn lại đi xét nghiệm là sự bất kính với liệt sĩ và bất kính với “người giời”, nên đều không thực hiện.

Vừa mới đây, mọi người được dịp cười ra nước mắt khi chứng kiến cảnh tranh giành mộ giữa gia đình anh Lê Văn Phúc (Lam Sơn, Đô Lương) và nhân dân xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên, Nghệ An). Số là gia đình anh Phúc tổ chức đi tìm kiếm hài cốt cho bố là liệt sĩ ở trung tâm áp vong của “nhà ngoại cảm” Phạm Thị Thương. Cũng bài vở như “người giời” Hạnh – Hòa (kỳ trước), Thương tự nhận được liệt sĩ Phạm Khắc Việt nhập vào để đi tìm các liệt sĩ khác.

Trong cảnh nóng nực, ngột ngạt, không phát điên mới lạ.

Trong giấy báo tử rõ ràng ghi bố anh Phúc chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng “vong” lại chỉ ngôi mộ ở xã Hưng Đạo, cách trung tâm áp vong không xa lắm. “Vong” nhà mình dẫn đường chỉ mộ thì còn nghi ngờ gì nữa, nên gia đình đã mang cuốc xẻng đi đào. Thế nhưng, người dân quanh vùng nhất định không đồng ý, vì bố anh Phúc hy sinh năm 1972, còn ngôi mộ gia đình anh Phúc định đào là ngôi mộ cổ, đã có ở đó cả trăm năm nay rồi! Cuộc tranh cãi giữa tâm linh và thực tế diễn ra gay gắt, và cuối cùng, anh Phúc phải nhận sai.
Cũng lại vụ định đào mộ cổ nữa qua trung tâm áp vong của Phạm Thị Thương, là gia đình ông Phan Văn Sửu (Xóm 7, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An). Ông Sửu có con trai là liệt sĩ, hy sinh ở Gio Linh (Quảng Trị).

Với mong muốn tìm con về trước khi chết, ông Sửu đã tổ chức con cháu đến nhà “người giời” Phạm Thị Thương để lập bàn thờ áp vong.

Sau 3 ngày trò chuyện với “vong”, “vong” chỉ vào Huế để đào hài cốt. Nhận lệnh của cô Thương, gia đình cùng 2 người nữa của trung tâm tìm mộ lên đường vào Huế. Tuy nhiên, khi đi qua Quảng Trị, gia đình đã không đồng ý vào Huế, vì giấy báo tử ghi liệt sĩ hy sinh ở Quảng Trị, đồng đội cũng nói rõ như thế.


Một trường hợp ngất xỉu vì bị... vong nhập!

Gia đình không đồng ý vào Huế thì “vong” lại chỉ mộ ở bên sông Thạch Hãn. Đó là ngôi mộ xây cất cẩn thận, vẫn có người hương khói. Khi gia đình chuẩn bị đào, thì người dân trong vùng ngăn cản. Lý do, đó là ngôi mộ tổ của một dòng họ, đã có ở đó hơn trăm năm rồi, không thể là mộ liệt sĩ chống Mỹ được.

Gia đình thắc mắc, gọi điện về cho “người giời” Thương, thì cô ta bảo do gia đình đặt lễ có mấy chục ngàn, liệt sĩ không đủ ăn sáng, không chịu về, nên chỉ linh tinh. Đoàn tìm mộ phải gọi điện về nhờ người vay mượn và đặt thêm lễ trên điện thờ nhà cô Thương. Cuối cùng, cô Thương kết luận hài cốt không còn nữa, đã tan thành đất, nên đề nghị gia đình ông Sửu bốc nắm đất về thờ!
Bi hài nhất là vụ gia đình anh Hoàng Văn Tùng (Tân Kỳ, Nghệ An). Gia đình anh đã áp vong ở một trung tâm tìm mộ thuộc huyện Nam Đàn để tìm hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Vĩnh, hy sinh tại chiến trường miền Nam vào năm 1967. “Vong” đã nhập vào cô cháu gái của liệt sĩ và “vong” đã dẫn gia đình cùng những người ở trung tâm tìm mộ vào Quảng Trị.

“Vong” cũng chỉ một ngôi mộ ở nghĩa địa Võ Xá (Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị), nhưng là một ngôi mộ mới. Với suy nghĩ “vong” tự chỉ nơi mình nằm thì làm sao mà sai được, nên gia đình đã đào mộ. Khi đào mộ, áo quan còn nguyên, xương cốt vẫn dính thịt, áo vest, gói thuốc và bật lửa chưa phân hủy. Thế nhưng, gia đình vẫn tin lời “vong” và đưa hài cốt về quê an táng.

Vài hôm sau, ông Lê Văn Thới (người thôn Võ Xá), đi viếng mộ ông Lê Văn Thảnh, mất năm 1999, là anh ruột ông Thới, thì bất ngờ thấy mộ đã bị khai quật. Ông Thới đã nhờ công an điều tra và dễ dàng tìm ra “thủ phạm” là gia đình anh Hoàng Văn Tùng!

Những sự việc cười ra nước mắt như thế mỗi ngày một nhiều ở Nghệ An, nhưng không cảnh tỉnh được gì với các gia đình đang mang khát khao lớn tìm thấy hài cốt tổ tiên. Các gia đình vẫn giữ niềm tin tuyệt đối khi tìm đến các trung tâm tìm mộ theo kiểu áp vong mà thực hư chẳng ai dám chắc.


Bình Thủy Trần
Theo vtc.vn

Các tin khác