Mặt nước sông Thạch Hãn và hai bến thả hoa hai bờ bắc - nam của dòng sông nối dài qua quảng trường Giải Phóng và đài tưởng niệm sẽ là sân khấu cho chương trình đêm 27-7 -Ảnh: Lê Đức Dục
Cái thị xã bé nhỏ, hiền hậu như một bài cổ thi bên sông Thạch Hãn này, 40 năm trước không ngày nào không xuất hiện trong các bản tin chiến sự của hàng chục hãng thông tấn lớn trên thế giới. Cũng từ sự trùng hợp lịch sử ấy nên Đài truyền hình Việt Nam sẽ có một chương trình truyền hình trực tiếp tại đây với một sân khấu “chưa từng có trong lịch sử” và những câu chuyện lần đầu được kể.
40 năm từ một mùa hè
Chiều 25-7, chúng tôi xuống bãi bồi bờ bắc sông Thạch Hãn, một tượng đài mang tên chiến thắng thành cổ vừa được hoàn thành soi bóng xuống bến thả hoa phía bờ bắc dòng sông. Nơi đây chính là điểm xuất phát của những người lính chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn để vào thị xã Quảng Trị, còn có tên là “bến vượt”. Đây sẽ là sân khấu “số 1” để nối xuống mặt nước dòng sông Thạch Hãn - sân khấu “số 2”, với muôn ngàn hoa đăng đèn nến thắp sáng đêm tưởng niệm.
Những cựu chiến binh tham gia chương trình sẽ xuất phát từ bến vượt, đi thuyền qua sông để lên sân khấu chính của chương trình được dựng nổi trên mặt sông. Từ đây nhìn lên sẽ là bến thả hoa bờ nam, nối dài với quảng trường Giải Phóng - tháp chuông thành cổ vào đến tâm điểm của thành cổ là đài tưởng niệm.
Tất cả năm địa điểm cho đêm tri ân hợp thành một “trục tâm linh thành cổ”, đó cũng là hành trình máu của những người lính trẻ 40 năm trước, những người lính mà nếu không hi sinh trong mùa hè ấy, họ sẽ là những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, thi sĩ, họa sĩ... tài hoa. Đó là một niềm tin được xác tín khi đọc lại những trang nhật ký họ để lại sau khi hi sinh như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn...
Những người làm truyền hình đã đặt tên cho chương trình là Quảng Trị - sáng mãi niềm tin chiến thắng với khát vọng tạo thêm niềm tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, yêu hòa bình của người Việt. Soi rọi quá khứ sẽ giúp thế hệ trẻ thêm vững tin và có những lựa chọn trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc.
Tài hoa và yêu thương
Ở thành cổ, ngoài đài tưởng niệm chính ngay trung tâm, góc phía đông của khu di tích còn có một tượng đài nhỏ mang tên “Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972”. Trên đó có 11 tấm phù điêu chạm khắc hình ảnh ga Hàng Cỏ với chuyến tàu chở lính, lớp học ở giảng đường đại học, cảnh chia ly đưa tiễn, giấc mơ hòa bình với nhà máy, đồng lúa, trang sách...
Mấy năm trước, trong một lần vào đây tôi bất ngờ khi gặp những cựu chiến binh sinh viên ngày xưa ngồi dưới chân tượng đài say sưa hát một ca khúc bằng tiếng Nga của Ian Frenkel trong một tác phẩm điện ảnh Xô viết nổi tiếng ngày trước - Khi đàn sếu bay qua... dựa trên bài thơ Đàn sếu nổi tiếng của nhà thơ Rasul Gamzatov: Những người lính không về sau trận đánh/Chiến trường xưa đẫm máu bao ngày/Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh/Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay...”.
Nước mắt giàn giụa trên má những cựu chiến binh, bởi tuổi trẻ thanh xuân của họ đã gửi lại cùng đạn bom và những bức thành gạch đổ nát, màu gạch đỏ như máu ứa từ trái tim người lính. Khi lần đầu tiên tiếp cận với nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - sinh viên đại học Thủy lợi, tôi đã bàng hoàng không hiểu vì sao giữa đạn bom mù trời, sống chết gang tấc như thế, anh vẫn viết trong nhật ký của mình: “8-1972. Dứt tiếng máy bay, bầu trời như được vút lên cao. Cả bốn phương lồng lộng cái gió nam của tháng 7, cái rực vàng của những tia nắng đầu những ngày mưa. Cây lá hình như xanh hơn, thắm hơn nhờ được tắm sau trận mưa đêm qua hay muốn tranh thủ lớn thêm một tí trong phút giây ngắn ngủi thanh bình này?... Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng yêu quý cuộc sống đến bao nhiêu...”.
Khoảng mười ngày sau khi viết những dòng chữ ấy, Nguyễn Kỳ Sơn hi sinh ở xã Triệu Thành, sát cạnh thành cổ Quảng Trị. 40 năm đã qua, câu chuyện “sáng mãi niềm tin chiến thắng” nhân 40 năm sự kiện chiến đấu bảo vệ thành cổ sẽ có thêm nhiều nhân chứng, nhiều kỷ vật, nhiều câu chuyện xúc động được mang đến, nhưng có lẽ lớn hơn tất cả những câu chuyện hôm qua là tâm nguyện của những người lính đã gửi lại tuổi trẻ của mình trên mảnh đất này.
Những câu chuyện thành cổ của hôm nay không chỉ là quá khứ hào hùng, mà còn là câu chuyện “yêu thương nhau”. Và cũng vì thế, điều bất ngờ thú vị của chương trình là sự có mặt của một cựu phóng viên báo Sóng Thần và một cựu quân nhân thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn cũ - những người bên kia chiến tuyến của 40 năm trước - sẽ cùng với những cựu chiến binh thành cổ thả những bông hoa xuống dòng Thạch Hãn trong đêm tưởng niệm...
LÊ ĐỨC DỤC
Theo tuoitre.vn