Nụ cười của Bruce Weigl với em bé Quảng Trị - Ảnh: L.Đ.Dục
Chiếc xe đò chạy xuyên đêm từ Hà Nội vào Quảng Trị và dừng lại ở Đông Hà rạng sáng 12-12. Người đàn ông từng là cựu binh Mỹ tham chiến ở Quảng Trị hơn 40 năm trước ngỡ ngàng bước xuống.
Vóc dáng cao lớn như một vận động viên trong chiếc sơmi ca rô màu sáng, trông ông trẻ hơn tuổi ngoài 60 của mình. Ít ai biết ông là một trong những nhà thơ xuất sắc, một tên tuổi lớn của nền thi ca đương đại Mỹ, nguyên chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia, chủ tịch hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng Văn học quốc gia Mỹ. ông là giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ Bruce Weigl.
Giáo sư - tiến sĩ Bruce Weigl sinh ngày 27-1-1949 tại Lorain, Ohio (Mỹ). Ông từng là giáo sư của nhiều trường đại học tên tuổi như Arkansas, Old Dominion và Penn State. Hiện nay ông là giáo sư danh dự ngành nghệ thuật và nhân văn học của Trường cao đẳng Lorain County Community tại thành phố Ohio.
Trở về Việt Nam lần này, ngoài chuyến thăm lại Quảng Trị, vào tối 16-12 đêm thơ Trở về ngôi nhà Việt của ông sẽ đươc tổ chức tại Trường ĐH Văn hóa (Hà Nội), ra mắt tập thơ và hồi ký Sau mưa thôi nã đạn của Bruce Weigl (NXB Trẻ) do Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn và chuyển ngữ.
Bruce Weigl là người có đóng góp rất nhiều cho sự hàn gắn quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chiến tranh. Giống như nhiều người lính khác từng tham chiến ở Việt Nam, Bruce Weigl nhiễm chất độc da cam và hiện ông đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư.
Ký ức ám ảnh
Chuyện các cựu binh Mỹ đến Việt Nam không còn là một điều lạ lẫm, nhưng với B.Weigl thì khác. Ông từng là một trong số cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam rất sớm, vào năm 1985. Từ đó đến nay ông đã có 12 lần về Việt Nam nhưng như ông kể, ông vẫn chưa thắng được những ám ảnh chiến tranh để về lại chiến trường Quảng Trị sau hơn bốn thập niên kể từ khi ông rời Việt Nam.
Có vài lần ông đã đến Huế, cách địa phận Quảng Trị chỉ hơn 30km nhưng rồi ông không dám tiếp tục hành trình quay lại miền đất ấy. Cái chết của những bạn bè ngay tại Quảng Trị 40 năm trước dường như chưa bao giờ nhòa nét trong ký ức. Và B.Weigl sợ rằng khi nhìn thấy những núi đồi, những cánh đồng, dòng sông của chiến trường xưa cũ sẽ thức gợi ký ức đau buồn cho dù trong những tập thơ của ông, chiến tranh Việt Nam luôn hiện ra thật khốc liệt và trần trụi.
Trên chuyến xe từ Đông Hà lên nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, B.Weigl kéo kính xe và đăm đăm nhìn qua ô cửa, con đường quốc lộ số 9, những mái đồi vùng Cồn Tiên, Gio Linh... Hình như ông đang cố chế ngự những ký ức đang cồn cào bão động phía sau gương mặt trầm tĩnh kia.
Rồi tất cả đã vỡ òa khi B.Weigl mang những nén nhang thắp cho hàng hàng bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, những người xưa kia đã từng bên kia chiến tuyến với ông. B.Weigl rút khăn tay lau nước mắt.
Câu chuyện giữa ông với chúng tôi diễn ra dưới bóng rợp của tán cây bồ đề, cạnh khu mộ của những “liệt sĩ chưa biết tên” khi tôi chợt hỏi ông rằng lần đầu quay lại Quảng Trị và vì sao địa chỉ đầu tiên ông đi thăm không phải là nơi ông đóng quân ngày xưa mà là một nghĩa trang liệt sĩ của Việt Nam?
“Không ai tha thứ cho chúng tôi về quá khứ nhưng quan trọng chúng ta làm gì cho hiện tại và tương lai - B.Weigl trầm ngâm - Với những người lính đang nằm ở đây, tôi đã từng gặp họ và quả thật tôi khâm phục về sự quả cảm. Năm 1968, chúng tôi đã có một cuộc đọ súng, người lính Việt cộng nấp trên một cây rậm và bắn vào đội hình chúng tôi, tất cả hỏa lực tập trung về mục tiêu nhưng không thể bắt tiếng súng kia ngưng lại, chúng tôi đã gọi máy bay đến yểm trợ.
Khi cây cổ thụ kia bị đốn ngã bởi hỏa lực mạnh, chúng tôi ập tới, người lính Việt cộng đã hi sinh, tất cả chúng tôi đều không tin vào mắt mình khi nhìn thấy anh đã lấy dây buộc chặt thân thể mình vào đó để chiến đấu, vì thế ngay cả khi hi sinh anh vẫn không lìa khỏi thân cây kia. Rất có thể mộ anh ta cũng đang nằm đâu đó trong nghĩa trang này, và tận đáy lòng chúng tôi khâm phục họ. Anh biết đấy, sự ngưỡng mộ bao giờ cũng lớn hơn thù hận”.
Ánh mắt B.Weigl chợt dừng lại trên một tấm bia trong khu mộ của các liệt sĩ chưa biết tên, trên tấm bia đề “chưa biết tên” ấy có những dòng chữ viết bằng sơn đề tên một liệt sĩ, ghi là được tìm thấy bởi một nhà ngoại cảm, mặt kia của tấm bia có tên một liệt sĩ khác, hai liệt sĩ chung một nấm mồ.
“Anh thấy không, dòng chữ ấy đẹp hơn cả những dòng chữ khắc bằng máy trên đá, bởi nó được viết từ bàn tay của một người đang mang một niềm tin mãnh liệt là thân nhân mình đang nằm dưới đó”. Nhiều lần đưa khách đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhiều người đã dừng lại trước ngôi mộ đặc biệt này nhưng chưa có ai nói với tôi về những dòng chữ viết tay run rẩy trên tấm bia như B.Weigl đã nói!
“Tiếng Việt của con tôi như thế nào?”
Câu chuyện về đứa con nuôi của B.Weigl đã được nhắc đến nhiều, đó là một bé gái quê ở Bình Lục, Hà Nam được ông nhận từ một trại trẻ mồ côi. Và khi nhận bé Nguyễn Thị Hạnh Weigl (tên con gái nuôi) ông đã nói với mọi người rằng: “Tôi nhận từ các bạn một bé gái Việt và một ngày kia khi nó khôn lớn tôi sẽ trả lại các bạn một cô gái Việt Nam, tôi sẽ không biến nó thành người Mỹ”.
Như sau này ông đã nói, rằng nếu không yêu tiếng Việt thì Hạnh sẽ không yêu được văn hóa Việt Nam, một người không yêu cội nguồn thì sẽ không yêu ai cả (“Cha, con và tiếng Việt” - Tuổi Trẻ ngày 25-7-2009). Với B.Weigl, phía sau ngôn ngữ bao giờ cũng là vẻ đẹp của một nền văn hóa.
Hơn 15 năm qua, Hạnh nay đã tốt nghiệp đại học, cuốn hồi ký “best-seller” của B.Weigl có tên Vòng tròn của Hạnh đã được Hạnh dịch sang tiếng Việt và NXB Phụ Nữ chuẩn bị ra mắt (ngày 17-12). Hôm đến NXB để trao đổi, câu hỏi đầu tiên của ông vẫn là: “Các chị thấy tiếng Việt của con tôi như thế nào?”. Câu hỏi ấy 15 năm qua B.Weigl đã hỏi bất cứ người Việt nào có dịp ghé chơi nhà cha con ông.
Có thể tình yêu của ông dành cho con nuôi đã khiến ông quan tâm đến tiếng Việt, nhưng còn có một lý do khác. B.Weigl tâm sự với chúng tôi rằng ngày còn chiến tranh, khi tiếp cận với đối phương, việc đầu tiên là thu giữ những giấy tờ, tài liệu có trên người họ để chuyển lên một bộ phận chức năng có nhiệm vụ phân tích các tài liệu ấy nhằm biết được những bí mật của phía bên kia.
Sau này khi chiến tranh kết thúc, ông đã đến các trung tâm lưu trữ tìm xem những tài liệu kia viết những gì, và ông bất ngờ khi một người biết tiếng Việt nói rằng trong những cuốn sổ kia, những người lính Việt cộng làm thơ, viết nhật ký... bài thơ được nhiều người chép nhất trong sổ tay là Núi đôi của Vũ Cao.
Đấy cũng là lúc B.Weigl bất ngờ hiểu rằng những người được gọi là “kẻ thù” ấy cũng yêu thơ, làm thơ... Rồi như một mách bảo của tâm thức, từ năm1979 B.Weigl bắt đầu làm thơ, với ông như một sự cứu rỗi cho những ám ảnh chiến tranh mà sau này người ta gọi là “Hội chứng Việt Nam”, làm thơ để thuốc thang cho những thương tích tinh thần.
Từ những trang sổ tay ố vàng của những người lính bên kia chiến tuyến, ông và bạn bè đã chọn lọc để dịch những bài thơ ấy sang tiếng Anh, đưa đến công chúng Mỹ để họ hiểu thêm về một góc khác của cuộc chiến tranh đã qua. Và chính ông cũng không thể ngờ, bắt đầu như một giải tỏa tự thân, thơ ca đã đưa ông thành một tên tuổi lớn của văn chương đương đại Mỹ. Rồi ông trở thành một sứ giả hữu nghị của văn chương, hàn gắn những người lính viết văn giữa hai phía trước khi những chính sách ngoại giao Mỹ - Việt ngày đó được điều chỉnh.
Hai ngày ở Quảng Trị chưa đủ cho B.Weigl chắp nối hồi ức với những địa danh, nhưng ông đã có những khoảnh khắc đáng nhớ khi thắp nhang khấn nguyện những người lính Việt ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hay khi ngón tay ông run rẩy đặt lên vết đạn lõm dấu thành hình chữ S trên viên gạch Thành cổ Quảng Trị.
“Tôi bất ngờ bởi những thay đổi nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, những phố xá đông vui và đồng ruộng thanh bình này đã khiến tôi vợi đi bao ký ức đau đớn. Chắc chắn tôi sẽ còn trở về mảnh đất này, trở về, chứ không phải là quay lại!” - B.Weigl nói vậy về mảnh đất Quảng Trị nơi ông vừa có cuộc trở về sau 42 năm.
B.Weigl: “Dòng chữ này đẹp hơn cả những dòng chữ khắc bằng máy trên đá, bởi nó được viết từ bàn tay của một người đang mang một niềm tin mãnh liệt là thân nhân mình đang nằm dưới đó” - Ảnh: L.Đ.Dục
Để con người chỉ có yêu thương...
Khi đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, B.Weigl thường nhặt ba hòn đá rồi để chồng lên nhau trông như một tượng Phật, ông bảo đó là một “ký hiệu” của phật tử. Một thiền sư đã dạy ông để lại “ký hiệu” như thế khi đến một nơi nào đó. Những người đến sau nhìn thấy sẽ biết đã có một phật tử đã từng đến. Hỏi ông với một tình yêu Việt Nam như thế, kiếp sau ông sẽ mong thành người Mỹ hay người Việt, ông bảo: “Tôi muốn sinh ra trong ánh sáng của Phật giáo. Để con người chỉ có yêu thương, không hận thù hay chiến tranh”.
LÊ ĐỨC DỤC
Theo tuoitre.vn