Ngày 25/10/2011, Ron Haeberle đi thăm lại Đức Phổ, điểm đóng quân của ông xưa. Từ đây lính Mỹ bay ra Mỹ Lai gây ra cuộc thảm sát, Ảnh Hoàng Hường
Trở lại Sơn Mỹ lần này, ở tuổi 71, với sự kiên nhẫn và nhiệt tình đáng nể, Ron Haeberle dường như làm hài lòng tất cả mọi đối tượng. Dù là người quay phim, phóng viên, nhân viên hay người dân Sơn Mỹ. Không có yêu cầu nào đưa ra mà ông không cố gắng thực hiện. Dường như ông đang cố gắng làm mọi việc có thể để bù đắp lại nỗi đau ở Sơn Mỹ.
Đây là lần thứ 2 Ron trở lại Sơn Mỹ. Ông đến đây lần đầu vào năm 2000, lặng lẽ, như một khách du lịch thường ngày vẫn qua lại khu chứng tích. Ông sợ, sợ phải đối diện với người dân ở đây, sợ phải nhìn lại những di tích đau thương còn lại, và sợ người dân chưa tha thứ cho những người như ông.
Chỉ vài tháng sau vụ thảm sát, Ron được giải ngũ và quay về sống tại Ohio. Sau khi những bức ảnh của ông được đăng trên các tạp chí, Ron thường được mời đi nói chuyện về cuộc chiến tại Việt Nam ở các câu lạc bộ, hội thảo và cả trong các trường học. Cũng từ đó, phong trào phản đối cuộc chiến tại Việt Nam bắt đầu được kích hoạt tại Mỹ và lan rộng ra thế giới.
Tuy nhiên, nếu nhà báo Seymour Hersh trở nên nổi tiếng vì những bài báo về Mỹ Lai, thì Ron Haeberle có cuộc sống gần như lặng lẽ. Ông làm mọi việc dường như một nhiệm vụ.
Những năm về sau, nhiều nhà báo đặt ra các câu hỏi: dường như ảnh của Ron đều chủ yếu chụp những người đã chết, hoặc chưa chết (và những bức ảnh thường được chú thích: ngay sau khi bức ảnh này được chụp, những người trong ảnh bị bắn chết), không hề có một ảnh nào thấy cảnh lính Mỹ đang bắn giết hoặc đang làm những hành động như vậy.
Ron im lặng.
Phải 40 năm sau, tháng 11/2009, Ron Haeberle mới chính thức thừa nhận, ông đã tự tay phá hủy rất nhiều bức ảnh, trong đó có cảnh các lính Mỹ đang hành động bắn giết người dân. "Tôi ở đó. Tôi là một trong họ. Tất cả chúng tôi đều có tội", Ron nói.
Ron sống mấy chục năm ở Ohio với vai trò là giám sát sản xuất của tập đoàn Premier Industrial Corp. Hiện giờ Ron đã về hưu. Ông là vận động viên không chuyên của câu lạc bộ xe đạp, trượt tuyết và đua thuyền kayak.
Năm 2000, ông cũng đạp xe từ Hội An ra Sơn Mỹ.
Đến Sơn Mỹ lần này cùng Ron còn có Robert Hoard, người bạn cùng CLB xe đạp. Sau khi kết thúc chuyến đi Sơn Mỹ lần này, hai ông sẽ đạp xe sang Phnom Penh, Campuchia; sau đó quay lại đạp xe quanh đồng bằng sông Cửu Long trước khi về Mỹ.
Bài phỏng vấn tôi thực hiện sau khi Ron đến Sơn Mỹ hai ngày, sau khi theo ông đi lại khu chứng tích xưa.
Ron Haeberle đi lại chính nơi ông đã chụp bức ảnh chấn động xưa, ngay phía sau ông là tấm bia tưởng niệm hơn 100 dân làng bị bắn chết ngay tại vị trí Ron đứng, và ở đồng lúa 2 bên. Ảnh Hoàng Hường
Bất thường, điên cuồng, man rợ
Có thể câu chuyện về Mỹ Lai ông đã kể nhiều, các tài liệu cũng đã đăng tải. Nhưng tôi và độc giả của tôi - những người sinh ra sau chiến tranh - vẫn muốn nghe một nhân chứng như ông trực tiếp kể lại.
Trong thời điểm vụ thảm sát Mỹ Lai xảy ra, tôi sắp kết thúc nhiệm vụ quân đội và chuẩn bị quay về Mỹ. Từ căn cứ LZ Dottie (một căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại địa bàn Quảng Ngãi, cách Chu Lai 20km về phía Nam - PV) chúng tôi đến Mỹ Lai trên một chiếc trực thăng.
Máy bay đậu xuống một cánh đồng bên ngoài thôn Mỹ Lai. Khi đến nơi, tôi thấy xung quanh có rất nhiều tiếng súng nổ, khắp xung quanh. Tôi cùng những người lính nhảy ra khỏi trực thăng. Tôi tưởng mình đã rơi vào giữa một cuộc chiến, nhưng tôi sớm nhận ra có điều gì không bình thường ở đây. Chẳng có vẻ gì là một cuộc chiến cả, chỉ có những người lính Mỹ đang bắn điên cuồng vào những mục tiêu di động; không có tiếng súng từ phía 'bên kia' bắn lại. Tôi tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra vậy?
Chiếc trực thăng thứ 2 đáp xuống. Hai nhóm lính đi vào làng và bắt đầu bắn giết. Họ xả súng vào tất cả những vật đang chuyển động, bất kể đó là đàn ông, đàn bà, trẻ con hay cả gia súc. Nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu của những đàn ông Việt Cộng.
Khi chúng tôi đến gần hơn, tôi chứng kiến một người phụ nữ đang cố đứng dậy từ đống xác người, có vẻ chị ta bị thương, nhưng chị ta không thể đứng. Tôi không biết chị ta có phải Việt Cộng không, chỉ biết chị là một trong những mục tiêu vẫn đang chuyển động, và một người lính đã sớm kết liễu chị bằng một phát súng vào đầu.
Trong khi đó những người lính Mỹ khác đi xung quanh tìm kiếm những dấu tích của những người Việt Cộng hoặc vũ khí.
Ngay sau đó tôi thấy một người đàn ông già dắt hai đứa trẻ đi tới. Đó là những người Việt đầu tiên tôi nhìn thấy ở một khoảng cách gần. Ngay sau đó ông ta cùng hai đứa trẻ bị bắn chết. Tôi thực sự sốc, ông ta không có dáng vẻ gì là một du kích Việt Cộng, hai đứa trẻ lại càng không
Bức ảnh chụp người đàn ông và bé trai bị giết sáng 16/3/1968, Ảnh Ron Haeberle
Đó có phải là người trong bức ảnh một người đàn ông chết trên ruộng lúa và xác đứa bé trai nằm trên đường mà ông đã chụp?
Chính xác là ông ta. Nhìn bức ảnh đó chỉ có một đứa trẻ, nhưng thực ra cậu bé còn lại nằm ngay gần đó.
Trong một tấm bia để ở thôn Mỹ Lai: Tại đây lính Mỹ đã đặt súng máy thảm sát thường dân bị tập trung ở cánh đồng phía trước. Vậy những người dân chết dưới súng máy và súng của lính bộ binh?
Trên con đường tôi đi bộ vào làng. Tôi nhìn sang bên trái, trên những cánh đồng là lính Mỹ đang bắn giết, đốt nhà. Tôi không thấy súng máy, hoặc đó là cách người Việt Nam gọi súng M16. Thực ra tôi cũng có nghe nói ngày hôm đó lính Mỹ có mang theo súng máy (M30), nhưng tôi không biết những nhóm khác có sử dụng hay không.
Tiếng súng nổ và tiếng la khóc ở khắp nơi. Tôi bắt đầu chụp ảnh. Bối cảnh lúc đó rất hỗn loạn.
Trong một bức ảnh khác, chính là bức 'Anh che đạn cho em' đang gây tranh cãi. Phía tiền cảnh có thấy cánh tay một người. Đó có phải là một lính Mỹ không, và anh ta đã phản ứng với việc chụp ảnh của ông như thế nào. Ông có gặp bất kỳ sự cản trở hoặc nguy hiểm gì từ việc chụp những bức hình này không?
Đó chính xác là một người lính Mỹ. Ngoài cánh tay, bạn có thể thấy cả mũ nhà binh của anh ta. Lúc đó anh ta đứng ngay phía sau tôi. Lúc đó tôi cũng chẳng biết anh ta phản ứng như thế nào. Việc của tôi là chụp ảnh, còn việc của anh ta là bắn giết. Chỉ có vài người lính nói với nhau: cẩn thận đấy, có một người mang máy ảnh. Chỉ vậy thôi.
Lính Mỹ đã cố gắng thân thiện với dân làng, nhưng...
Như chúng ta đều biết, sự kiện ở Mỹ Lai sau đó đã bị bưng bít đến năm 1969 mới được các nhà báo phanh phui. Trong đó nhờ có những bức ảnh gây chấn động của ông. Tại sao sau khi im lặng hơn một năm, ông quyết định tung ra những bức ảnh đó, động lực nào đã thúc đẩy ông, và ông có gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía quân đội Mỹ không?
Bản thân tôi là một người lính tình nguyện. Ngay trong thời điểm tại ngũ tôi không thể đưa những bức ảnh đó ra. Có rất nhiều phóng viên chiến trường cùng hoạt động khắp nơi trong thời điểm đó. Nếu tôi đưa những bức ảnh đó ra, lập tức các phóng viên đó sẽ bị ngăn cản tác nghiệp.
Khu mộ chôn các nạn nhân bị giết trên đường làng, trong đó quá nửa là trẻ em từ 1 đến 15 tuổi, Ảnh Hoàng Hường
Ron Haeberle cùng gia đình anh Trần Văn Đức thắp hương trước khu mộ chung, Ảnh Hoàng Hường
Trong một bài phỏng vấn, ông từng phát biểu rằng ám ảnh kinh hoàng nhất để lại cho ông không phải cảnh hãm hiếp, giết người, đốt nhà... mà là cảnh những người lính Mỹ nhảy lên lưng những con trâu, đâm chúng bằng lưỡi lê. Chuyện gì đã xảy ra khiến lính Mỹ phát điên như vậy?
Vâng, đó thực sự là những hành động bất thường. Tôi cũng không lý giải nổi chuyện gì đã xảy ra. Trước đó đã có vài người lính Mỹ bị giết ở gần khu vực Mỹ Lai, khiến những người lính còn lại chịu những sức ép hết sức nặng nề, căng thẳng. Có thể đó là những diễn biến tâm lý giải tỏa các ức chế của họ.
Một người dân - nhân chứng sống sót ở Mỹ Lai kể lại rằng: bình thường lính Mỹ vẫn thường xuyên vào làng, tỏ ra thân thiện với người dân, cho kẹo trẻ con... Dân làng không thể ngờ buổi sáng 16/3/1968 định mệnh đó lại xảy ra sự việc như vậy. Họ nói nếu biết lính Mỹ hung hãn vậy thì đã đi trốn. Là một người trong quân đội Mỹ, ông có thể chia sẻ rõ hơn chuyện gì đã diễn ra trong nội bộ người Mỹ, dẫn đến quyết định kinh hoàng như vậy?
Mọi việc chính xác là thế. Thường ngày lính Mỹ vẫn cố gắng tạo sự thân thiện với dân làng. Nhưng trong vài ngày liên tiếp, lính Mỹ dẫm phải mìn tử thương khiến quân Mỹ nổi giận. Họ đổ lỗi cho dân làng đã gián tiếp gây ra cái chết cho đồng đội họ, và họ trả thù.
...
Cuộc phỏng vấn của tôi đến đây được chuyển sang chủ đề đang gây tranh cãi: Với tư cách là nhân chứng quan trọng nhất. Nhiếp ảnh gia Ronald Haeberle khẳng định Việt kiều Trần Văn Đức và em gái Trần Thị Hà có phải là nhân vật trong bức ảnh: 'Anh che chở cho em' do ông chụp trong ngày Mỹ Lai bị thảm sát hay không. Chúng tôi xin giới thiệu ở phần sau.
Kỳ 3: Sát nhân, anh hùng Mỹ và những người sống sót
Hoàng Hường
Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn
Bài liên quan: