Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cần có chính sách cho các trường hợp “ Liệt sĩ” trở về
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

11 loại công văn, biên bản giải quyết chế độ của ông Phan Hữu Được.
    

Trong công cuộc giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, có biết bao người con đã anh dũng hy sinh và hàng trăm nghìn người khác để lại một phần thân thể mình ở nơi chiến trận, ngoài ra còn biết bao người khác đang mất tích, sống lưu lạc chưa tìm được đường về với gia đình. Giờ đây khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, một số “liệt sĩ” bất ngờ trở về đoàn tụ với gia đình với những niềm vui và bao nỗi niềm. Phóng viên Báo LĐ&XH đã trò chuyện với Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam xung quanh vấn đề chế độ chính sách đối với những “liệt sĩ” trở về…

* Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về một số người từng được công nhận là liệt sĩ, nay bống trở về đoàn tụ với gia đình, ông nhìn nhận ra sao về những trường hợp này?

- Gần 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay, một số liệt sĩ còn sống mới trở về đoàn tụ được với gia đình. Điều này nói lên sự khốc liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trải dài mấy mươi năm trên đất nước Việt Nam. Cuộc chiến đấu đó đã khiến nhiều người con hy sinh nằm lại nơi chiến trường; người thì mang trong mình đầy những thương tật; nhiều người khác lại bị bom đạn chiến tranh làm quên đi quá khứ, không còn biết mình là ai, quê quán ở đâu, sống lưu lạc không người thân, sống nhờ vào sự cưu mang đùm bọc của những người có tấm lòng nhân hậu. Điều này càng cho thấy cái giá phải trả để có được độc lập tự do của Tổ quốc ngày hôm nay là rất lớn…

* Vậy theo ông, việc giải quyết chế độ cho những “liệt sĩ” trở về sẽ như thế nào?

- Việc đầu tiên phải làm là công nhận những “liệt sĩ” trở về còn sống bằng cách hủy giấy báo tử, thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công đã cấp, kịp thời giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần để hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Đồng thời, cần tìm hiểu nguyên nhân mất liên lạc.Trong thời gian mất liên lạc, người “liệt sĩ” ấy sống ở đâu? làm gì?... Sau khi đã hoàn thành quá trình xem xét xác minh, các cơ quan chức năng có thẩm quyền tạo điều kiện làm thủ tục công nhận “liệt sĩ” trở về là người còn sống; giúp họ nhanh chóng được hưởng các quyền và nghĩa vụ của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
            
     Đối với trường hợp ông Phan Hữu Được, chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã kịp thời ra các quyết định giải quyết trợ cấp người già cô đơn và giải quyết chế độ theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quân nhân tham gia chiến đấu trước ngày 30/4/1975 là phù hợp. Còn việc chuyển từ chế độ “liệt sĩ” sang chế độ thương binh thì cần có sự  xác minh công phu cẩn trọng chứ không thể dễ dàng giải quyết chế độ ngay một sớm một chiều.

* Đã có trường hợp “liệt sĩ” còn sống, nhưng bằng phương pháp ngoại cảm, người nhà lại tìm được hài cốt của người liệt sĩ ấy mang về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Theo ông, điều này sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào đối với công tác tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ?


- ­ Chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không dùng phương pháp ngoại cảm đối với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đồng thời các cơ quan chức năng cần có thái độ kiên quyết hơn trong việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm. Nếu chỉ tìm bằng phương pháp ngoại cảm thì không được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Chúng ta chỉ nên coi phương pháp ngoại cảm là một nguồn thông tin tham khảo. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương, có thể do sự đơn giản, hoặc do lý do nào đó như quan hệ dòng họ, hàng xóm láng giềng nể nang nhau, hoặc do áp lực của quần chúng …mà chính quyền cho đưa hài cốt tìm qua phương pháp ngoại cảm về nghĩa trang liệt sĩ. Đấy là hậu quả trong công tác quản lý của mình. Ngoài ra, việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp này sẽ tác động dây chuyền đến nhà khác. Nhà này tìm sai, khiến nhà khác cũng sai, cứ như vậy là nhà này đào mộ nhà kia, nhà kia lại đào mộ nhà khác, dẫn đến những hậu quả đau lòng, vì vậy, nhiều gia đình liệt sĩ khác không tìm được hài cốt người thân của mình…

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, có khoảng hơn một triệu người đã anh dũng hy sinh nhưng mới chỉ có khoảng 900.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập vào các nghĩa trang trên toàn quốc, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác đâu đó trên các vùng quê Việt Nam và nước bạn Lào và Campuchia, xưa kia từng là chiến trường. Trong số 900.000 ngôi mộ được quy tập ở nghĩa trang thì 1/3 trong số đó là một chưa rõ tên, quê quán. Như vậy, có khoảng 500.000 liệt sĩ đã hy sinh mà đến nay gia đình chưa tìm thấy hài cốt. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân (1968), nhiều liệt sĩ hy sinh và được chôn trong lòng địch, nên rất khó tìm. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đối với thân nhân, gia đình là hết sức khó khăn. Với những ngôi mộ chưa rõ tên, việc giám định ADN sẽ là cơ sở khoa học chính xác nhất để giúp cho gia đình liệt sĩ xác định đúng người thân của mình.

* Vài năm trở lại đây, những trường hợp “liệt sĩ”trở về đã không còn là  chuyện hy hữu, nhưng ông có thấy các địa phương vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý vấn đề này?



Trao quà cho " liệt sĩ trở về"

- Những trường hợp “liệt sĩ” bất ngờ trờ về là một cú sốc, mang đến sự ngỡ ngàng và là niềm vui với địa phương và người dân. Trong tình huống này, có địa phương thể hiện sự lúng túng. Theo tôi, cái đó cũng không quá khó hiểu. Có thể, trường hợp như ông Phan Hữu Được, ông Nguyễn Viết Thuấn trong tương lai sẽ còn xuất hiện. Đảng và Nhà nước ta nên có chính sách với những người như vậy. Vì một lý do nào đó, sau mấy chục năm họ bất ngờ quay trở về. Chúng ta không thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Do đó nên có những chính sách cần thiết. Theo tôi, Bộ LĐ – TB&XH và  Bộ Quốc phòng cần có sự bàn bạc với nhau về hướng xử lý những trường hợp liệt sĩ trở về. để ra một văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương trong cách giải quyết từng trường hợp như vậy, tránh tình trạng lúng túng và chậm xử lý như hiện nay.

* Xin cảm ơn ông!

Theo trianlietsi.vn

Bài liên quan:

“Liệt sĩ trở về” được nhận phụng dưỡng suốt đời
Một “liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm lưu lạc
 

Các tin khác