Cũng theo tài liệu này, hiện có 780.522 mộ được quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS), 156.904 mộ được quy tập do gia đình quản lý. Số mộ có đầy đủ thông tin là 477.294 mộ (nhưng chưa có văn bản nào chính thức công bố thông tin đúng hay không). Như vậy đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 1 triệu gia đình liệt sĩ cần biết thông tin con, em họ đã từng chiến đấu, hy sinh như thế nào, ở đâu, phần mộ hiện nay có hay không?
Để có thể trả lời những câu hỏi đó của thân nhân liệt sĩ, cần phải:
1. Phổ biến kiến thức tìm liệt sĩ đến từng thân nhân liệt sĩ. Để họ có thể tự tìm hiểu thông tin về liệt sĩ dựa trên những chứng cứ khoa học, những tài liệu chính xác của quân đội, và tự quyết định có nên tìm hài cốt liệt sĩ nữa hay chọn cách tri ân ngay tại gia đình. Điều này giúp thân nhân liệt sĩ hiểu hơn về hậu quả của chiến tranh, hạn chế bớt phần nào gánh nặng tìm liệt sĩ đang dồn lên các bộ, ban, ngành có liên quan.
2. Cung cấp thông tin về liệt sĩ đến từng gia đình theo đường công văn. Chưa thể đưa được liệt sĩ về quê hương thì điều tối thiểu cũng cần cung cấp được cho thân nhân liệt sĩ con, em họ đã chiến đấu ở đâu, hy sinh như thế nào, tình trạng quy tập phần mộ hiện nay ra sao?
3. Phối hợp khớp nối thông tin về liệt sĩ từ thông tin quản lý của địa phương đến thông tin quản lý mộ tại các nghĩa trang và thông tin quản lý liệt sĩ của Bộ Quốc phòng.
Tôi không phản đối việc giải mã các phiên hiệu của Bộ Quốc phòng hay Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên, 2 dự án này cần có nhiều thời gian, nhiều cuộc hội thảo tốn nhiều công sức tiền bạc mới có thể công bố rộng rãi đến thân nhân liệt sĩ. Giá như 2 dự án này được đưa ra cách đây 15 năm thì sẽ không gây nhiều tranh cãi.
Tại cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa ngày 2.7.2012 vừa qua, chúng tôi chỉ mất 1 buổi sáng dựa trên nguồn dữ liệu đang có, tích hợp lại và phân tích chuyên sâu đã tìm ra 155 liệt sĩ nguyên quán Thạch Thành có nơi yên nghỉ, 50 liệt sĩ của huyện chiến đấu mất thi hài, hơn 1.200 liệt sĩ có thông tin về nơi hy sinh, nơi chôn cất ban đầu. Tại buổi gặp mặt này, chúng tôi không chỉ làm công tác chuyên môn là cung cấp và tư vấn thông tin cho thân nhân huyện Thạch Thành mà còn động viên, chia sẻ với các gia đình về những mất mát của gia đình họ và gia đình hàng triệu thân nhân liệt sĩ khác.
Tôi thiết nghĩ, công tác có liên quan đến liệt sĩ đã đến lúc phải xã hội hóa. Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với các bộ có liên quan để làm công việc này. Và nếu có sự phối hợp đó thì chỉ cần 24 tháng với số tiền là 720 triệu đồng, MARIN hoàn toàn có thể cung cấp và khớp nối thông tin về liệt sĩ tới tất cả 63 tỉnh, thành.
Ngô Thúy Hằng - GĐ TT Marin, Trung tâm quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sĩ và người có công
Theo laodong.com.vn