Đồng chí Nguyễn Đức Chính
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” những năm qua, Đảng, Nhà nước và các đội quy tập mộ liệt sĩ đã thực hiện rất tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia về nước. Bằng tình cảm, sự tri ân sâu sắc và trách nhiệm chính trị cao cả, cán bộ, chiến sĩ các đội quy tập trong cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ tìm kiếm, cất bốc hơn 3 vạn HCLS hy sinh tại Lào và Cam-pu-chia về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước.
Thế nhưng, trong số hơn 3 vạn HCLS tìm thấy trên đất Lào và Cam-pu-chia mới chỉ có 2.841 liệt sĩ xác định được tên, quê quán cho thấy rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Không chỉ 72 nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị mà các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước đang có nhiều phần mộ mà trên mỗi tấm bia đều có chung dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”. Đó cũng chính là câu hỏi lớn mà mỗi chúng ta phải có trách nhiệm tìm ra lời giải.
Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều phương pháp để xác định tên, quê quán cho các liệt sĩ như: Xác định họ tên, quê quán của liệt sĩ thông qua di vật an táng cùng HCLS; sơ đồ mộ chí do đồng đội cũ cung cấp; đặc biệt là tiến hành giám định ADN… Theo tôi, Chính phủ cần sớm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng ngân hàng gen thông qua việc giám định ADN đối với HCLS. Việc làm này cần được tiến hành ngay sau khi các đơn vị tìm kiếm, quy tập được HCLS. Triển khai xây dựng ngân hàng gen bảo đảm cho việc xác định danh tính liệt sĩ không chỉ chính xác, thuận tiện, mà còn là cách làm triệt để tránh tình trạng xác định danh tính liệt sĩ theo phương pháp tâm linh, ngoại cảm một cách tự phát gây khó khăn cho công tác quản lý mộ liệt sĩ hiện nay...
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban công tác đặc biệt tỉnh Quảng Trị
Theo qdnd.vn