Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Câu chuyện về một nhà thơ - nhà báo bị mất tích nửa thế kỉ
Bionet Việt Nam - Câu chuyện về sự mất tích suốt 50 năm của liệt sĩ - nhà báo - nhà thơ Thúc Tề đã làm xúc động nhiều người trong đêm giao lưu giới thiệu tác phẩm “Nợ văn” của cố nhà báo tại tại trung tâm Huế Xưa và Nay (TP Huế), tối 4/6.

Đây là một trong các hoạt động hưởng đến kỷ niệm 87 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2012) và kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012). Đêm giao lưu được tổ chức bởi Hội nhà báo Huế phối hợp Liên hiệp các hội VHNT tỉnh TT-Huế. Hàng chục nhà thơ, nhà văn, nhà báo “gạo cội” có tên tuổi cùng các thành viên gia đình liệt sĩ Thúc Tề đã tham dự chương trình kỷ niệm này.


Đông đảo các văn nghệ sĩ Huế và ngoại tỉnh đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm "Nợ văn"

Nhà báo cách mạng xuất sắc

Thúc Tề sinh ngày 17/10/1916 tại Huế, tên khai sinh là Nguyễn Phúc Nhuận. Sinh ra trong một gia đình nho giáo giàu lòng yêu nước, cha ông bị bắt vì tham gia phong trào Duy Tân. Ông ngoại là quan đại thần Tôn Thất Thuyết - người đứng đầu phong trào Cần Vương chống Pháp.

Thời niên thiếu, Thúc Tề vào học trường Quốc học, ngay từ khi còn nhỏ ông đã bộc lộ tính cách say mê văn chương, yêu báo chí. Ngay trong bài báo đầu tiên, ông đã thể hiện tài năng của mình. Tuy nhiên cũng chính vì bái báo đó mà ông bị đuổi học.

Sau này ông kết thân với nhiều người bạn như Trọng Miên, Trọng Quy, Hồ Việt Tự, và đặc biệt là Hàn Mặc Tử. Nhóm bạn thân bắt đầu bước chân vào sự nghiệp văn chương báo chí. Nhà văn Trần Thanh Địch, bạn của Thúc Tề thời đó nhận xét: “Thúc Tề là cây bút có giọng điệu hài hước rất sắc sảo. Giới chính quyền, văn nghệ, sâu mọt hại dân đều rất ngán các bài ký tên Thúc Tề.”

Ông từng làm chủ bút hai tuần báo “Đông Dương” và “Mai”. Nhưng sau này vì những bài phóng sự đầy tính chiến đấu của mình mà tuần báo Mai bị nhà cầm quyền đóng cửa. Cuộc đời của ông dần chuyển sang hướng mới năm 1941 khi tham gia phong trào Việt Minh và tham gia tích cực trong “Hội văn hóa cứu quốc”

Nhà thơ, nhà văn tài hoa…

Ngoài báo chí, Thúc Tề còn là một nhà thơ, nhà văn ông viết 2 tập văn xuôi Nợ văn và Phù dung và nhan sắc. Đặc biệt tác phẩm Nợ văn được giới thiệu tại đêm thơ gồm 10 bài bút kí nói lên một cách da diết cái khổ của nghề văn đất nước thời phong kiến. Nhiều cảnh đời không may mắn của các nhà văn, nhà báo đương thời đã được tác giả kể lại qua đó phản ánh thực trạng xã hội.
 


Tác phẩm Nợ văn của ông

Nhà giáo nhân dân, giáo sư Đinh Xuân Lâm nhận xét: “Nợ Văn là một tác phẩm mang tính hiện thực sâu sắc về cuộc đời làm báo và thân phận người làm báo trước kia khi đất nước còn bị ngoại bang thống trị. Cuốn sách trở nên đầy đủ hơn khi được bổ sung thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng của tác giả mà bấy lâu nay không ai biết…”.

Xen kẽ chương trình là các bài thơ của Thúc Tề được xướng lên qua giọng đọc truyền cảm của các nghệ sĩ. Thúc Tề làm thơ ít và những bài thơ được giữ lại cho đến bây giờ lại càng ít. 3 bài thơ của ông được biết đến nhiều nhất là Trăng mơ, Tặng Bích Đào và Xuân Lên đường.

Về sự nghiệp thi ca của ông, nhà văn Ngô Thảo nhận xét: “Trong Thi Nhân Việt Nam, Thúc Tề là một tên tuổi khiêm nhường. Thơ ông chỉ được trích một bài Trăng Mơ, nhưng thứ tự lại được xếp thứ năm sau Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lam Sơn, Thanh Tịnh”.


Các tiết mục văn nghệ ngâm thơ về thơ Thúc Tề

…Nhưng bạc mệnh

Tài hoa là vậy, nhưng “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Sau khi cùng các đồng chí của mình thành lập Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1946, ông bỗng nhiên mất tích. Suốt 50 năm tìm kiếm không có kết quả. Chặng đường tìm kiếm trong vô vọng của người thân và gia đình là chuỗi ngày dài khó khăn.

Sự mất tích của ông đã trở thành nỗi ám ảnh của gia đình người thân và bạn bè trong suốt nửa thế kỉ. Rất nhiều cuộc tìm kiếm, hỏi thăm khắp Bắc – Trung – Nam nhưng vẫn không thể tìm được tung tích của ông. Năm 1994, qua tài liệu tổng kết của công an tỉnh TT Huế thời điểm 1945 - 1954, người thân bạn bè của ông mới biết rằng ông đã bị bọn Pháp bắt và thủ tiêu trong khi đang đi công tác làm nhiệm vụ…


Nhiều người đã ngồi lặng với cuốn bút ký đầy sắc sảo, xúc động của ông về một thời đất nước bị đô hộ

Ghi công những đóng góp của ông đối với Cách Mạng. Năm 1995, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ với bằng “Tổ Quốc ghi công”. Tiếp đó, năm 1996, ông được truy tặng huân chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.

Anh Việt - Đại Dương

Theo dantri.com.vn

Các tin khác