Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cây tú lơ khơ ghi bằng máu liệt sĩ
Bionet Việt Nam - Trước khi qua đời trên mâm pháo, tay vẫn cầm thước ngắm và ống nhòm, ông Đoàn đã ghi ngày và địa điểm mình hy sinh lên cây tú lơ khơ. Nhiều kỷ vật khác của ông cũng trở về với gia đình sau 46 năm lưu lạc ở Mỹ.


Trong số những kỷ vật được trao lại cho gia đình liệt sĩ Đoàn sáng 21/9, gây ấn tượng hơn cả là cuốn nhật ký nhỏ bằng bàn tay đã sờn mép, ố màu dày đặc những dòng chữ nhỏ li ti bằng mực đỏ cùng tấm ảnh đen trắng chụp hai cô gái.

Từng dòng lưu bút ghi vội vàng lúc hành quân tới địa điểm mới hay những tâm sự khi gặp người quen rồi chuyện trò, hỏi han của ông Đoàn khiến người thân và bà con hàng xóm ở thôn Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương) xúc động khi lần đầu được nhìn thấy. Qua những dòng chia sẻ ấy, người đọc như được cùng liệt sĩ Đoàn hành quân, được hòa cùng khí thế đánh giặc hừng hực như vũ bão, được "nếm" món cơm muối cùng mắm tôm ở Trà Bông (Quảng Ngãi), được như nhìn thấy người lính ra đi từ thôn Cậy năm nào đang mỉm cười...

Liệt sĩ Vũ Đình Đoàn.

Nhật ký có đoạn: "Ngày 9/2/1966, khi tôi chạy ra gặp ông bạn Triệu, chồng cô Tý ở Quảng Ngãi, lòng tôi phấn khởi, bí lại gặp bầu cùng trong một giàn chiến đấu như nhau rồi tâm sự cuộc hành quân và gian khổ trong đời binh giải, rồi kể chuyện ăn cháo...". Đoạn khác đề ngày 1/2/1966 ghi: "Đọc 10 lời thề của quân đội, khí thế hừng hực như vũ bão... quyết diệt 8 máy bay, 5 xe tăng...".

Lần đầu tiên nhìn thấy di bút cùng những kỷ vật của bố đặt trang trọng trên chiếc khay trải tấm khăn đỏ, hai người con của liệt sĩ Đoàn là Vũ Thị Tuyến và Vũ Đình Sơn òa khóc. Vợ chồng ông Đoàn sinh được bốn người con nhưng con trai cả và út đã qua đời.

Ngày bố ra chiến trường (10/5/1965), chị em bà Tuyến vẫn còn quá nhỏ (chị 5-6 tuổi còn em mới 1 tuổi). Cả hai không còn nhớ mặt bố và chỉ tưởng tượng hình ảnh của ông qua lời kể của mẹ. Với Tuyến, bố Đoàn rất cưng chiều và hay bế con gái đi chơi. Giờ đã ngoài 50 tuổi nhưng bà Tuyến vẫn còn nhớ lần bố mua cho mình chiếc váy đỏ. "Lần ấy, tôi mặc váy rồi vừa nhảy tung tăng vừa hát. Có mình tôi là con gái nên thấy gì đẹp, bố hay mua cho", bà Tuyến kể.

Trong ký ức của người phụ nữ này, tuổi thơ của chị em bà lớn lên nhờ hơi ấm từ chiếc áo ấm cũ của bố để lại. Chiếc áo ủ ấm lần lượt bốn anh em bà Tuyến cho tới khi sờn rách không mặc được nữa. Trước khi nhập ngũ, vì lo cho vợ con nheo nhóc ở nhà, ông Đoàn còn tranh thủ lợp lại bếp cho đỡ dột.

Ngày ông đi, vợ con không dám ra tiễn vì sợ cảnh bịn rịn, chỉ có bạn bè thân thiết cùng hoạt động ở xã đến. Trong số những người bạn ấy có hai nữ dân quân ông Đoàn xem như em gái là Phạm Thị Nhật và Tô Thị Yến. Hai cô gái ấy chính là nhân vật trong bức ảnh đen trắng cất trong cuốn sổ nhật ký của liệt sĩ Đoàn được cựu binh sĩ Mỹ Ira Robert Frazure nhặt được sau đó.


Những kỷ vật của liệt sĩ Đoàn được trao cho người thân. Ảnh: Bình Minh.

Tới dự buổi lễ trao lại kỷ vật, hai cô dân quân năm nào giờ đã là những bà lão 70 tuổi. Cả hai ngồi sát bên nhau lặng lẽ hướng ánh mắt lên tấm ảnh liệt sĩ Đoàn. Nhìn bức ảnh cũ, bà Nhật nhận ra mình mặc áo trắng ngồi cao hơn cô bạn cùng làng. Ngắm bức ảnh chụp năm mình mới ngoài 20, hai bà nhìn nhau mỉm cười rồi ôn lại kỷ niệm cũ bằng lối xưng hô thân mật "mày - tao" như trước đây.

Bà Yến hiện sống ở Thái Nguyên và thỉnh thoảng về thăm người thân, bạn bè ở Hải Dương. Trong ký ức của bà, thời chiến tranh, các cô gái thường chuẩn bị ảnh để tặng người thân, bạn bè và chỉ những người bạn thân thiết mới được tặng ảnh. Rồi bà chậm rãi kể: "Thời ấy, tình bạn giữa tôi, bà Nhật và anh Đoàn thật đẹp và vô tư. Ba anh em như anh em ruột và thường cùng các dân quân trong xã tập văn nghệ, tuyên truyền rất vui vẻ".

Thấy bà Yến như quên không nhắc tới những lần các anh em đi tuần đêm rồi cùng hát, cùng đi họp hay vẽ tranh cổ động, tập võ, bà Nhật phải nhắc bạn. Thời điểm ấy, ông Đoàn là Phó chính trị viên, trong Ban chấp hành Đoàn xã và Bí thư chi đoàn thôn Cậy còn bà Nhật và Bà Yến là thành viên trung đội nữ dân quân.

Bà Nhật cho biết, để làm kỷ niệm, hai người đã rủ nhau đi bộ từ làng Cậy lên Hải Dương chụp sẵn 2 bức ảnh chân dung tặng những người bạn thân ra trận. Ngoài ảnh, theo bà Nhật, các cô gái ở hậu phương hay tự khâu những chiếc túi nhỏ đựng đồ vật cá nhân hay thêu gối tặng bạn, người thân ra chiến trường.

Hôm ông Đoàn nhập ngũ, hai bà cùng các dân quân khác gánh cơm, thịt lên Sặt gửi tặng 42 người con của quê hương ra chiến trường. Nhắc tới người anh đã hy sinh ở Quảng Ngãi, bà Yến không thể quên những kỷ niệm về ông.

"Hôm chia tay, tôi và bà Nhật đưa cho anh Đoàn nắm cơm, miếng thịt nhưng anh ấy không cầm mà chỉ khóc vì nghĩ thương hai mẹ già cùng vợ, con ở nhà. Lần thi bắn súng trên tỉnh, đã vào bệ bắn mà tôi không bắn được vì rét, anh Đoàn đã cởi áo rét và đắp cho tôi. Đó là những ký ức luôn ở mãi trong tôi", bà Yến hồi tưởng.


Hai cô gái trong bức ảnh xưa giờ thành những người bà, người mẹ. Ảnh: Bình Minh.

Gần 10 năm sau ngày liệt sĩ Đoàn tử trận, giấy báo tử mới về đến tay gia đình ở Hải Dương. Năm 1975, ông Vũ Bá Côn, đồng đội của ông Đoàn có trao lại cho người thân liệt sĩ cây tú lơ khơ có bút tích: "Vũ Đình Đoàn, hy sinh 7/3/1966 AL tại đồi Chóp Nón, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi".

Ông Côn nhớ rõ, chiều 6/3/1966, trước khi lên đồi Chóp Nón chiếm lĩnh trận địa, ông gặp đồng hương là ông Đoàn đang làm nhiệm vụ cảnh giới ở cổng làng Tịnh Xuân. "Anh ấy mời tôi mía nhưng tôi không kịp ăn vì đang vội làm nhiệm vụ. Hai anh em chỉ kịp chào nhau", ông Côn kể.

Sau đó, địch tiến vào làng và tấn công trực tiếp khẩu đội của ông Đoàn. Từ trên đồi nhìn xuống vị trí vừa gặp đồng hương, ông Côn chỉ còn nhìn thấy bóng dáng địch đang đổ bộ. Hôm sau, khi địch đã rút khỏi làng, thi thể của ông Đoàn được những người làm công tác tử sĩ chôn cất. Để sau này dễ nhận diện, trong mộ của ông Đoàn có đặt đôi dép cao su.

Sau này, khi hai người con của liệt sĩ Đoàn đến đồi Chóp Nón tìm mộ bố, những người già dù không nhớ tên ông Đoàn nhưng vẫn còn nhớ đặc điểm cao to và quê Hải Dương của người nằm dưới mộ. Suốt nửa tháng tìm hiểu thông tin và gặp người chôn, bốc mộ bố, các con của liệt sĩ Đoàn mới tìm được chính xác vị trí mộ.

Bà Tuyến nhớ như in những ngày cùng ông Sơn lặn lội vào Quảng Ngãi xác minh thông tin. "Người chôn và bốc mộ bố tôi từ trong vườn nhà của một gia đình trên đồi Chóp Nón vào nghĩa trang vẫn còn sống. Họ kể, sau hôm bị giặc tấn công, xác bố tôi mới được nhặt về chôn cất. Ông nằm trên khẩu pháo, tay vẫn cầm thước ngắm, ống nhòm", bà Tuyến nghẹn ngào.

Theo người thân của liệt sĩ Đoàn, suốt thời gian họ lưu lại Quảng Ngãi tìm mộ và cả ngày đưa hài cốt liệt sĩ Đoàn về quê hương, trời đổ mưa tầm tã. Hàng ngày, chị em bà Tuyến đi lại quãng đường 17 km từ chỗ ở trọ vào tới nơi đặt mộ bố.

Lúc còn sống, bà Nguyễn Thị Phượng, vợ liệt sĩ Vũ Đình Đoàn, có ước nguyện đưa hài cốt của chồng về nghĩa trang quê nhà. Trước khi mất, biết tin Đại sứ quán Mỹ sẽ trao lại những kỷ vật chiến trường của ông Đoàn được cựu binh Mỹ cất giữ suốt hơn 40 năm qua, bà Phượng ngày đêm mong ngóng. Do tuổi cao và bệnh tật, bà Phượng đã qua đời ít ngày trước lễ trao lại kỷ vật của chồng.

Bình Minh

Theo vnexpress.net

Các tin khác