Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Chiến khu Đ và nghĩa trang không có những nấm mồ
Bionet Việt Nam - Nói là nghĩa trang Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai) nhưng nơi đây không có ngôi mộ nào. Bởi đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy xác các chiến sĩ cách mạng của ta đã hi sinh.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trạm trưởng khu di tích Trung Ương Cục miền Nam cho biết: “Nghĩa trang không bia mộ rộng khoảng hơn 70 hecta. Sở dĩ gọi là nghĩa trang không bia mộ vì nơi đây chôn cất rất nhiều liệt sĩ nhưng chưa tìm được hài cốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích thực tế của nghĩa trang Mã Đà tới đâu không ai biết được”. Theo ông Nhân, trong khu vực nghĩa trang có hàng trăm thậm chí hàng ngàn liệt sĩ đã hi sinh.


Khu đền thờ liệt sĩ

Chiến khu Đ là di tích nằm giữa đại ngàn. Bốn phía giáp sông tạo nên ưu thế về mặt quân sự và phản ánh được tầm nhìn chiến lược trong việc chọn địa bàn đứng chân của Trung ương Cục miền Nam  Việt Nam gia đoạn 1961-1962.

Bí ẩn về nghĩa trang ở chiến Khu Đ

Đã có một số nhà ngoại cảm về nghĩa trang Mã Đà để tìm hài cốt liệt sĩ. Nhưng hiện tại chỉ có chục ngôi mộ được bốc lên và đưa về quê hương an táng. Trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm mới tìm thấy một số ngôi mộ của các chiến sĩ. Tuy nhiên, những ngôi mộ này đa phần là không thể xác định được danh tính.

Được biết, vào thời chiến, khu nghĩa trang là một trạm quân y. Các chiến sĩ bị thương ở các chiến trường được chuyển về đây chữa trị. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, các trạm quân y luôn bị dặt trong tình trạng thiếu thốn thuốc men. Cái thời tiết khắc nghiệt của núi rừng, nhiều anh em chiến sĩ bị những con sốt rét hoành hành.

Ông Nguyễn Văn Nhân cho biết, có thể trong một đêm có hàng trăm chiến sĩ đã hi sinh. Ngoài ra nhiều chiến sĩ bị lọt vào ổ phục kích của địch, bị rắn cắn hay thú dữ tấn công cũng hi sinh. Tất cả đều nằm lại ở nghĩa trang không nấm mồ này.

Theo những người còn sống sót từ chiến trường xưa trở về kể lại, những trận đánh giữa ta và địch, rất nhiều chiến sĩ đã nằm xuống. Họ đã đã đưa đồng đội về đây an táng chờ ngày đất nước toàn thắng. Lúc ấy, đồng đội sẽ đưa liệt sĩ trở về với gia đình. Nhưng hết trận đánh này đến trận đánh khác, nơi các anh nằm cứ thế bị bom đan của kẻ thù dội xuống. Nó đã xóa nhòa dấu vết, bia mộ. Có lẽ cũng từ đó, cái tên “nghĩa trang không mộ” cũng được hình thành.

Sau khi khu di tích được phục hồi nguyên trạng vào năm 2004, đã có rất nhiều người đã từng chiến đấu nơi chiến địa này xuất phát từ trách nhiệm và lòng tri ân đã quay lại tìm đồng đội. Trong số đó có ông Nguyễn Văn Tân, trước kia là Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Đồng Nai. Đã từ lâu, ông thường xuyên cùng đồng đội cũ lên khu nghĩa trang tìm hài cốt chiến hữu ngày nào.

Được biết, thông qua nhiều kênh tìm kiếm, cho đến nay khoảng 60 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và qui tập vào các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng trong ngôi đền thờ trước cổng nghĩa trang Mã Đà chỉ có tên của sáu liệt sĩ và bốn tấm bia được ghi trong ngôi đền tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh. Bên cạch đó cũng có những hài cốt mãi mãi không thể qui tập được do nước cuốn trôi xuống những dòng suối quanh vùng.

Kỳ lạ loại cây trung quân

Trong cái nắng oi bức của những ngày tháng 7, PV lặn lội 120 km từ TP. HCM về chiến khu Đ, nơi từng được mệnh danh là “ Việt Bắc miền Nam” từ 1961-1962. Dưới sự hướng dẫn nhiệt thành của ông Nhân, men theo con đường đất đỏ quanh co dẫn vào rừng, chúng tôi đã đến được với những cây đa hơn 150 tuổi và khu đất mọc toàn cây trung quân.

Trước mắt PV là những cây đa sừng sững, thân cây bị dây leo bám chằng chịt. Theo quan sát của chúng tôi, gốc cây có đường kính lớn đến chục người ôm không xuể. Những cây đa ở đây chứng kiến việc chôn cất rất nhiều phần mộ của các chiến sĩ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.

Khi chúng tôi thắc mắc về những cây đa này thì được ông Nhân lí giải: “Trước đây, trong thời chiến, rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh ở mảnh đất này. Những ngày tháng chống chọi với đạn bom khốc liệt, các chiến sĩ nằm xuống mà không được chôn cất tử tế, chẳng bia mộ, chẳng lấy một nén nhang. Để tránh thất lạc về sau, những người còn sống khi ấy đã chôn đồng đội mình bên những gốc cây đa. Vì họ nghĩ, từ xưa đến giờ chẳng ai khai thác gỗ đa để làm nhà. Chính vì vậy, cái dấu này sẽ còn mãi mãi”.

Ông Nhân cho biết thêm, nếu sau này ai còn sống sót trở về thì cứ thế mà căn cứ vào gốc đa ngày trước để tìm lại phần mộ của đồng đội mình. Hiện tại, vẫn có rất nhiều hài cốt của những liệt sĩ xung quanh những gốc đa này. Tuy nhiên, chưa ai tìm đến cả.

Hướng mắt về phía những cây đa khổng lồ, ông Nhân kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong huyền về liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt. Liệt sĩ này đã hi sinh tại căn cứ địa cách mạng.

Vào năm 2010, theo lời của người thân liệt sĩ Việt, trong một đêm đang ngon giấc thì liệt sĩ Việt về báo mộng với mẹ rằng, thân xác đang nằm ở vùng căn cứ địa cách mạng. Ở nơi đó có đền thờ bên cây đa. Năm nay mà không đưa lên được thì mãi mãi sẽ không tìm thấy nữa.

Trước lời báo mộng đó, gia đình liệt sĩ Việt ở Nghệ An đã tức tốc vào chiến khu Đ tìm gặp lực lượng kiểm lâm nhờ dẫn xuống địa điểm có cây đa và đền thờ. Nhờ quá trình tìm kiếm và sự hỗ trợ của những đồng đội còn sống, họ đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ Việt. Cũng nhờ vào dấu tích của những cây đa mà rất nhiều liệt sĩ vô danh được người thân tìm thấy.

Dưới những tán lá rậm rạp của cây đa cổ thụ là những cây thân gỗ nhỏ. Những chiếc lá dài xanh mướt mọc thẳng đứng như vươn lên đón lấy ánh nắng mặt trời. Đó là một loại cây có cái tên cũng rất “cách mạng”: Cây trung quân.

Ông Nhân kể lại về truyền thuyết cái tên cây kỳ lạ này: Ngày xưa có một ông Vua bị các quan tham và nịnh thần hãm hại. Một ngày, lợi dụng Vua vào rừng đi săn, bọn quan tham đó đã châm lửa để thiêu chết ông hòng chiếm ngôi. Trong quá trình chạy lửa vô tình vị vua đã lọt vào cánh rừng toàn cây lạ. Tưởng chừng lửa sẽ cháy cả khu rừng, nhưng bỗng nhiên lại dừng lại ở những cây thân nhỏ này.

Sau này Vua mới biết, đặc điểm của lá trung quân là rất khó cháy. Cũng nhờ đó mà vua đã thoát chết trở về cung điện trị tội bọn phản thần, vô lại và đặt tên cho loài cây đó là cây trung thần. Rồi theo câu chuyện truyền thuyết ấy, người ta cứ truyền miệng rồi gọi là lá trung quân cho tới tận ngày nay. Sau này, lá trung quân lại trở thành vật che mưa che nắng cho các vị lãnh đạo cách mạng của ta trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Lá trung quân được bộ đội ta kết thành tấm để lợp nhà, lợp lán.

Đến tận bây giờ, những ngôi nhà lợp bằng lá trung quân ở vùng căn cứ địa cách mạng vẫn hiên ngang tồn tại theo năm tháng. Nó như một chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trung Nguyên - Quyên Triệu

Theo nguoiduatin.vn
 

Các tin khác