Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Chuyện chép từ một bảo tàng đặc biệt (Kỳ 1)
Bionet Việt Nam - Khi ông nảy sinh ý tưởng đem các kỷ vật của một thời “không thể nào quên” ấy về nhà để lưu giữ với một mong muốn cháy bỏng: Đó là, giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ và tưởng nhớ, tri ân những người đồng đội đã cùng ông trải qua những tháng ngày nghiệt ngã ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc, vợ con ông đều cho là gàn dở “rước ma về nhà”. Nhưng giờ đây, không chỉ người từ các địa phương trong cả nước mà còn có nhiều người nước ngoài đã đến thăm bảo tàng…

Những chiếc đinh mà bọn cai ngục dùng để đóng vào chân, tay tù nhân tại Phú Quốc.

Người “khai sinh” bảo tàng

Từ Hà Nội chúng tôi xuôi Quốc lộ 1A để tìm về làng Nam Quất, xã Nam Triều, Phú Xuyên (Hà Nội) nơi đó có một địa chỉ đỏ - Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Gọi đây là một bảo tàng đặc biệt ở Việt Nam thì cũng không ngoa. Bảo tàng do ông Lâm Văn Bảng, thương binh hạng 2/4, nguyên chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày ở đảo Phú Quốc từ năm 1970 đến 1973 đã tự hiến toàn bộ khuôn viên của gia đình, cùng những cựu tù Phú Quốc bỏ bao công sức sưu tầm hiện vật và xây dựng nên.

Hơn ba nghìn hiện vật quý, minh chứng cho những tội ác tày trời của kẻ thù trong nhà tù với các chiến sĩ cách mạng đã quy tụ trong khuôn viên rộng hơn nghìn mét vuông của gia đình ông Lâm Văn Bảng. Nước da đen sạm, dáng vóc gầy nhưng nhanh nhẹn, ít ai biết rằng ông đã bước sang tuổi "cổ lai hy", đã từng 7 lần lên bàn phẫu thuật và sống chỉ bằng một quả thận. Ông nhập ngũ năm 1965, là chiến sĩ Trung đoàn Bình Giã, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông bị thương gãy cả chân, tay và bị địch bắt sau đó đem đày ra đảo Phú Quốc.

Quãng thời gian “tôi luyện da thịt” ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc cũng là khoảng thời gian kinh hoàng nhất đối với những người tù cộng sản như ông. Địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man, tàn bạo mà mới chỉ nghĩ đến đã rùng mình: Nhẹ thì giội nước sôi vào miệng, nhốt trong “chuồng cọp”, cặp điện vào tai… Nặng thì lấy kìm nhổ móng tay, móng chân, đập gãy hết răng, đóng từng chiếc đinh vào đầu cho đến chết… Nhưng vượt lên trên tất cả mọi sự đau đớn về thể xác, ông Bảng và đồng đội vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng. Đôi khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng những người lính Cụ Hồ vẫn đấu tranh đến cùng “thà mình chết chứ không thể phản bội lại Tổ quốc”.

Năm 1973, ông Bảng và đồng đội được trở về theo Hiệp định Pa-ri, ông về quê hương và công tác trong ngành giao thông vận tải. Năm 1985, Hạt quản lý Quốc lộ 1A (Công ty Quản lý đường bộ 208) do ông làm Hạt trưởng được phân công nhiệm vụ sửa chữa đoạn đường Cầu Giẽ. Đơn vị ông đã vô tình tìm thấy một quả bom tấn của giặc Mỹ ném xuống, sau khi tháo thuốc nổ, ông đã xin vỏ của quả bom mang về cơ quan trưng bày, mỗi lúc rảnh rỗi ông lại ra ngắm nghía say mê “công trình lịch sử” của mình và nhớ lại những tháng ngày không tiếc máu xương cùng đồng đội. Cũng từ đó ông nảy ra ý định, sưu tầm tất cả những kỷ vật của một thời “không thể nào quên” ấy với một mong muốn cháy bỏng đó là giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ và tưởng nhớ, tri ân những người đồng đội đã cùng ông trải qua những tháng ngày nghiệt ngã tại Nhà tù Phú Quốc. Ông bàn ý tưởng của mình với anh trai là ông Lâm Văn Quần, cũng là người bị giặc Pháp bắt tù đày và nhận được sự ủng hộ của anh.

Năm 1995, một cuộc gặp mặt những chiến sĩ, tử tù từng bị địch bắt và tù đày, quê ở Phú Xuyên do ông Quần làm trưởng ban liên lạc được tổ chức. Ông Quần tiết lộ, mình và ông Bảng đã gom được một số hiện vật, đề xuất với mọi người mong muốn sưu tầm những kỷ vật kháng chiến. Ý tưởng đó được Đại tá Tô Diệu, nguyên Cục phó Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị hưởng ứng và giúp đỡ. Các đồng đội cũng quyết dốc sức với ông. Vậy là gần hai mươi năm nay, các cựu tù Phú Quốc đã lặn lội khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ đất liền tới hải đảo để gom góp mang về những kỷ vật chiến tranh...

Ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Bảng chính là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật. Các ông đặt cho ngôi nhà chung của mình một cái tên khiêm tốn: "Phòng truyền thống các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày". Nhưng với mọi người thì đây thật sự là một bảo tàng sống, là nơi lưu giữ những kỷ niệm về một thời gian khổ, ác liệt của những người từng trải qua cuộc chiến, một bảo tàng tố cáo tội ác của đế quốc, khẳng định chí khí của người chiến sĩ cách mạng.

Hiện thân của những câu chuyện bi hùng

Trong số hơn ba nghìn hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, mỗi hiện vật lại có một hành trình, một số phận riêng. Bản thân những hiện vật ấy đã mang dấu ấn của lịch sử, và phía sau chúng là những câu chuyện đầy ý nghĩa.

Ông Kiều Văn Uỵch, một người bạn tù của ông Bảng chỉ cho chúng tôi xem chiếc “chuồng cọp” và bức tượng người ngồi gò lưng bên trong khiến ai nhìn thấy cũng không khỏi xúc động, đây là hình ảnh mô phỏng chính ông trong lần kiên cường đấu tranh với địch. Ông kể lại: Một lần chúng tôi tổ chức đấu tranh chống lại việc làm hàng rào, biến trại tù thành khu quân sự của địch. Chúng nhốt tôi trong cái lồng sắt rộng 80cm, dài 1m, cao 70cm và chằng kín dây thép gai, khiến người không thể co duỗi được. Cái lồng sắt ấy địch gọi là “chuồng cọp” và đem đặt chúng tôi giữa bãi cát với độc chiếc quần đùi. Ban ngày nắng như đổ lửa, cát nóng như rang, làm cho da tù binh phỏng rộp, đầu cứ ong ong như sắp nổ tung. Ban đêm gió biển thổi lạnh, thì chúng lại múc nước giội vào làm cho chân tay người tù cứng lại, hàm răng đánh vào nhau lập cập. Mỗi ngày chúng chỉ cho ăn một nắm cơm trộn muối và một chén nước nhỏ. Có lần phát hiện anh em tiếp tế, chúng dùng ni-lông đốt cháy cho chảy nhựa xuống đầu và cổ, da thịt bỏng cháy, tróc ra từng mảng. Chúng gọi trò đó là “B-52 ném bom”. Đã có nhiều đồng chí sau vài hôm nằm "chuồng cọp" bị cảm thương hàn rồi hy sinh. Chỉ sang mô hình chiếc thùng phuy úp ngược, ông Uỵch cho biết đó là biểu tượng dành cho đồng chí Bảy Ly người Củ Chi, bị tra tấn cho đến chết vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí Bảy Ly bị chúng bắt ngồi vào thùng phuy úp ngược rồi dùng búa lớn đập mạnh trên đầu, sức ép, tiếng vang làm máu ộc ra đằng mũi, tai, rồi vỡ động mạch mà chết. Còn đây là tượng đồng chí Dương Bá Ngải, người thôn Trình Yên, xã Phú Túc bị chúng treo ngược lên xà, tra tấn cho đến chết…

Trong số những hiện vật gốc mang về từ Phú Quốc như roi cá đuối đánh tù nhân tróc da thịt, có người bị đánh hở cả gan ruột; kìm bẻ răng, chiếc lược và con dao người quản trang ở Phú Quốc đã thu được sau khi bốc mộ một chiến sĩ tù trên đảo… tôi đặc biệt chú ý đến chiếc đinh nhỏ trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ ở khu trưng bày. Ông Uỵch cho biết, đó là những chiếc đinh mà địch lấy để đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn, một Thiếu úy Đặc công Hải quân tại Nhà tù Phú Quốc cho đến khi anh chết. Khi ra Phú Quốc bốc mộ bạn, ông Bảng đã lấy những chiếc đinh này từ hộp sọ người đồng đội đem về như một kỷ vật để mọi người nhớ đến anh, đây cũng là bằng chứng thiết thực nhất về những tội ác dã man của đế quốc Mỹ trong nhà tù.

Còn đây, bộ cắt móng tay, móc tai, dao rọc giấy được “chế tạo” trong tù. Để có nó, bốn năm trời ông Bảng và hai đồng đội của mình là Chu Hữu Ngọc và Nguyễn Huy Sang đã phải đi tàu vào Khánh Hòa vận động đồng chí Lương Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Diên Khánh để đem về bộ cắt móng tay, móc tai, dao rọc giấy - những thứ được coi là báu vật của dòng họ Lương. Gia đình anh Dũng có tới 4 người đều là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đày đi Phú Quốc gồm cha anh, bản thân anh và hai người chú. Chiếc bấm móng tay đã được cha anh làm trong nhà tù, cha anh bị địch tra tấn dã man đến chết, nó được các bạn tù của cha anh trao lại cho anh, nay những người thân tham gia cách mạng đều không còn, hiện vật đó được anh đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Ông Bảng và đồng đội đã phải vận động và thuyết phục nhiều lần để anh Dũng đồng ý trao lại kỷ vật ấy để trưng bày tại phòng truyền thống. Trước khi trao kỷ vật, anh Dũng còn làm lễ xin phép cha cẩn thận.

Một hiện vật “đặc biệt” khác trong bảo tàng mà khi xem ai cũng cảm phục trước chí khí của những người chiến sĩ cách mạng, ông Bảng phải mất rất nhiều thời gian mới mang về được - đó là lá cờ Đảng do người bạn tù Phú Quốc tự thêu trong khi bị giam giữ. Đây là kỷ vật nuôi dưỡng niềm tin để những người tù Phú Quốc bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Lá cờ là minh chứng cho lòng trung thành của họ với Đảng. Dưới lá cờ này, họ đã làm lễ kết nạp đảng viên cho nhiều đồng chí. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá đã được những người tù chuyền tay nhau giữ suốt nhiều năm và cuối cùng được đồng chí Nguyễn Văn Dư ở Hồng Dương, Thanh Oai (Hà Nội) giữ. Mỗi lần địch lục soát, ông Dư lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi ni-lông, dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Lúc an toàn lá cờ lại được kéo ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, nhắc nhở và củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong tù. Để có được lá cờ trưng bày trong bảo tàng, nhiều lần ông Bảng phải đạp xe hàng trăm cây số đến nhà ông Dư mới thuyết phục được ông trao lại lá cờ nhỏ cho bảo tàng. Gần đây, một du khách nước ngoài đến bảo tàng tham quan, sau khi nghe ông Bảng kể về lai lịch lá cờ đã xin mua với giá 40.000USD. Ông Bảng và các cựu tù Phú Quốc đã từ chối thẳng bởi “Lá cờ này là xương máu của đồng đội, là linh hồn của Tổ quốc, là báu vật vô giá của những đảng viên bị tù đày”.

Bài và ảnh: Quý Hoàng - Nguyệt Anh

Theo qdnd.vn

Các tin khác