Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Chuyện chép từ một bảo tàng đặc biệt (tiếp theo và hết)
Bionet Việt Nam - Trong số các hiện vật tìm về, ông Chu Hữu Ngọc cũng có những chuyến đi đáng nhớ. Lần lên Vĩnh Phúc xin cuốn sổ ghi chép nghị quyết, học tập chính trị của những chiến sĩ cách mạng trong tù do gia đình ông Nguyễn Trung Màu, một cựu tù Phú Quốc đang giữ là chuyến đi gặp nhiều trắc trở. Hiện vật là một cuốn sổ nhỏ bằng hai đầu ngón tay. Lần đầu ông lên thì người chồng đồng ý, nhưng người vợ lại không. Lần thứ hai cả hai vợ chồng ông đồng ý nhưng người con lại không chịu. Lần thứ ba khi cả gia đình đồng ý thì ông trưởng họ lại “tuyên bố” đây là vật quý, phải giữ lại, thế là ông Ngọc đành ra về. Phải đến lần thứ tư ông mới mang được cuốn sổ về phòng trưng bày như hôm nay…

Cây đa do đồng chí Trương Tấn Sang- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (nay là Chủ tịch nước) trồng tại bảo tàng.

Còn rất nhiều những tư liệu, hiện vật khác trong số hơn ba nghìn hiện vật tại bảo tàng mà ông Bảng và đồng đội đã sưu tầm được. Nhiều người khi trao hiện vật còn bắt ông viết giấy biên nhận cẩn thận. Cũng có những bức thư tay của đồng đội khi gửi hiện vật về đã gửi cho ông, tất cả đều được trân trọng, giữ gìn và có được vị trí xứng đáng trong phòng trưng bày.

Không chỉ có những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, bản thân những cựu tù Phú Quốc cũng đã là những “hiện vật” biết nói. Họ là những “nhân chứng sống” đã tận mắt chứng kiến và chịu đựng những cực hình của địch. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông La Hậu kể lại: Một lần chúng tôi tổ chức kết nạp Đảng và đoàn trong nhà tù dịp 26-3 nhưng bị địch phát hiện do có kẻ chiêu hồi phản bội. Tôi là người chỉ đạo anh em nên bị chúng tra tấn dã man. Chúng hỏi tôi ba lần nhưng tôi không trả lời, còn chửi lại bọn chúng, vậy là chúng điên cuồng dùng dùi cui phang vào miệng tôi, sau đó dùng búa và kìm bẻ gãy hai chiếc răng của tôi. Lúc đó tôi không hề kêu ca, tôi ngậm miệng lại và phun máu vào mặt bốn thằng lính ngụy. Trong những đợt nổi dậy chống đánh đập tù binh, chống chào cờ Mỹ, chống đi lao động, chống bớt khẩu phần ăn. Nhiều người đã xung phong tự mổ bụng mình để phản đối chế độ hà khắc và sự tra tấn dã man, vô nhân đạo, vô nhân tính của địch. Do có nhiều anh em “đòi” được tự mổ bụng mình, chi bộ đã phải họp và xem xét quyết định, trong đó các ông Nghị (Hà Nội), ông Kim (Bắc Ninh), ông Cự (Nghệ An)… đã được chi bộ đồng ý. Khi cho chúng tôi xem những vết thương đã thành sẹo của mình, các ông dường như đang sống lại những ngày tháng cực hình nơi địa ngục trần gian Phú Quốc.

Gặp chúng tôi, ông Tống Trần Hội (Sóc Sơn, Hà Nội), một cựu tù Phú Quốc đã cho chúng tôi xem đôi chân bị địch cắt gân, tháo khớp gối: “Trong một lần đi trinh sát ở vùng hậu chiến, tôi bị địch bắt và đày ra Phú Quốc. Khi bắt được tôi chúng đã dùng những thủ đoạn tra tấn hết sức dã man để buộc tôi cung khai, nhưng chúng chẳng thu được gì. Vậy là chúng cắt gân ở hai chân, tháo khớp gối của tôi làm tôi chết đi sống lại nhiều lần. Đến bây giờ chúng tôi có thể hoàn toàn tự hào rằng mình đã chiến thắng kẻ thù và chiến thắng chính bản thân mình”.

Mỗi hiện vật mà chúng tôi nhìn thấy trong bảo tàng đều gắn với một câu chuyện bi hùng, gắn với những kỷ niệm không thể nào quên của những chứng nhân lịch sử. Mỗi hiện vật ở đây như một ngọn lửa nhỏ tự nó cháy sáng lên và có lẽ sẽ không bao giờ tắt...

Thông điệp cho hôm nay và mai sau

Cho đến nay, Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã đón hàng vạn lượt người tới thăm viếng. Năm sau nhiều hơn năm trước, hầu hết đoàn đến để tham quan và tri ân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, không ít đoàn đến để dâng hương và cầu siêu các anh hùng liệt sĩ. Có những đoàn đến cầu siêu tới 600-700 người. Ông Kiều Văn Uỵch, Phó giám đốc Bảo tàng cho biết: “Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ vừa qua, anh em chúng tôi đã đón hơn 5.000 lượt người tới thăm”. Khách đến thăm bảo tàng không chỉ là các cựu chiến binh, các cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn có rất đông các cháu học sinh. Đây thực sự đã trở thành một nơi giáo dục truyền thống cách mạng có tính “trực quan, sinh động” cao bởi hệ thống hiện vật phong phú cùng với các nhân chứng lịch sử. Đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước - một cựu tù ở Phú Quốc cũng đã không ít lần về bảo tàng và đánh giá cao giá trị của các hiện vật, việc làm ý nghĩa của các cựu chiến binh, cựu tù binh ở đây. Nhiều người khi đến thăm bảo tàng đã xúc động ghi lại những cảm nghĩ của mình trước những hiện vật thấm đầy máu và nước mắt tại bảo tàng. Bà Tô Thị Lan quê ở Nha Trang, Khánh Hòa, cựu tù nhân Phú Quốc xúc động viết: “Tôi là một nữ tù bị đày ở Phú Quốc, được xem lại hiện vật trưng bày vụ sát hại 148 tù binh ngày 6-5-1972, tôi vô cùng phẫn uất. Khi nhìn lại các chứng tích, dụng cụ tra tấn tù binh, tôi càng cảm thông với đồng đội của mình cùng chung cảnh ngộ, cảm ơn các anh đã sưu tầm những hiện vật quý giá để giữ lại cho chúng tôi - những người đã bị tù đày hồi tưởng lại những ngày ở “địa ngục trần gian”…”. Tháng 8 vừa qua, bà An-na Ma-ri-a San-vi-ni, cán bộ Đại sứ quán I-ta-li-a tại Phi-líp-pin đến thăm bảo tàng đã xúc động bày tỏ: “Tôi biết ít nhiều về lịch sử Việt Nam, nhưng được gặp và sống, trải nghiệm với những nhân chứng sống của lịch sử đối với tôi là lần đầu tiên. Đây là một bảo tàng mà ở đó người ta kể về những cái chết, tất cả những bạo lực dã man, nhưng vượt lên trên hết đây là một nơi cái sống sẽ chiến thắng cái chết. Và những người đã sống sót vẫn giữ mãi ký ức về đồng đội, những người đã hy sinh và đó là bài học về chiến tranh không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân loại”. Ông Trần Tú Viên, một khách du lịch Trung Quốc thì cho rằng “nơi này là một nơi dạy hiếu, dạy lòng trung thành thật tốt…”. Nhiều em học sinh khi đến thăm bảo tàng đã bày tỏ sự xúc động và cảm kích của mình trước tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trước tội ác man rợ của kẻ thù.

Từ khi lập ra cho tới nay, bảo tàng luôn hoạt động theo 4 nguyên tắc: Tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm, không hề có một khoản kinh phí nào của Nhà nước. Hằng ngày, các ông thay phiên nhau đến trông nom bảo tàng, họ tự nguyện phân công nhau quét dọn, lau chùi, bảo quản các hiện vật của đồng đội mình trong khu trưng bày và thuyết minh, hướng dẫn khách đến thăm. Tuy đã mất khá nhiều công sức, tiền bạc nhưng vì số lượng hiện vật khá lớn, đa dạng trong khi các ông không ai có nghiệp vụ về bảo tàng, nên việc trưng bày, bảo quản ở nhiều khu vực chưa hợp lý; một số tranh ảnh, hiện vật có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp. Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng tâm sự: “Khi tôi và anh em có ý nghĩ thành lập bảo tàng với mong muốn đem những hiện vật biết nói này đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ, mong muốn thắp lên ngọn lửa truyền thống đã tiềm ẩn trong họ. Tuy nhiên, kinh phí để đi lại, bảo quản, sưu tầm thêm những hiện vật mới lại hoàn toàn phải tự túc trong khi đời sống của anh em chủ yếu dựa vào khoản lương hưu nên gặp rất nhiều khó khăn...”.

Thấu hiểu những khó khăn của bảo tàng, từ những năm 2010-2012, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ bảo tàng 179 triệu đồng. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị nâng cấp Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành Bảo tàng Nhà nước. Nhưng quá trình hoàn thành các thủ tục cần có thời gian, trong khi chờ đợi, đồng chí Phạm Quang Nghị có ý kiến chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan, ban, ngành thành phố tạo mọi điều kiện giúp đỡ bảo tàng.

Huyện Phú Xuyên cũng hỗ trợ bảo tàng 200 triệu đồng để xây dựng và cải tạo lại phòng 7 bị sụt lún và hỏng mái, đồng thời thường xuyên tổ chức cho các trường học thay nhau đến lau chùi, quét dọn giúp các bác trong bảo tàng. Trao đổi với lãnh đạo huyện, chúng tôi được biết, năm 2011, huyện Phú Xuyên đề nghị thành phố cấp 3ha đất khu qua đường cao tốc (Pháp Vân) và đã có kinh phí khảo sát thiết kế với số tiền khoảng 300 triệu đồng, nhưng hiện nay còn chờ thành phố quy hoạch cụ thể...

Chúng tôi cho rằng, việc tu sửa và nâng cấp Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã và đang hoạt động rất hiệu quả là một điều rất thiết thực và cần thiết để giáo dục thế hệ trẻ. Về lâu dài cần phải có đội ngũ quản lý, khai thác và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng một cách chuyên nghiệp. Vì vậy, cần sớm đưa Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vào hệ thống bảo tàng của Nhà nước và có sự đầu tư thỏa đáng thì mới có thể giữ được truyền thống cho các thế hệ mai sau...

Bài và ảnh: Quý Hoàng - Nguyệt Anh

Theo qdnd.vn
 

Các tin khác