Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Chuyện đau lòng của cô gái mất tích trở về
Bionet Việt Nam - 16 tuổi, N.T.H.V đã bị lừa bán sang Trung Quốc, bị ép làm gái mại dâm nơi xứ người. Trở về nước sau chuỗi ngày tủi nhục, cô vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh về những kẻ buôn người...

Hành trình tủi nhục

Từ một lá đơn tố cáo, chúng tôi về thôn Ea Mthar, xã Ea Nuôl, H.Buôn Đôn (Đắk Lắk) tìm gặp H.V. Cô vừa tròn 20 nhưng trông khá già so với tuổi. Khuôn mặt sạm nắng, hằn vẻ cơ cực, phong trần. Nhiều ngày nay, V. đi làm thuê, vắng nhà liên tục. Chúng tôi phải đến lần thứ hai, nhờ người hẹn mới gặp V. ở nhà. Câu chuyện ban đầu hơi ngập ngừng, sau đó V. mạnh dạn kể lại đoạn đời tủi nhục gần 4 năm đã qua.

Học hết lớp 5, nhà nghèo lại đông anh em, V. nghỉ học để giúp cha mẹ làm rẫy. Một hôm vào cuối tháng 4.2005, lúc đó mới 16 tuổi, V. gặp bà K.T.T, người ở cùng thôn cách nhà vài trăm mét. Bà T. hỏi: “Cháu có đi bán hàng ở Buôn Ma Thuột không? Ở đó công việc nhàn, lương lại cao lắm...”. Nghĩ nhà mình nghèo khó, làm rẫy lại càng nghèo, V. nhận lời. Mờ sáng ngày 2.5.2005, V. khăn gói theo bà T. lên TP Buôn Ma Thuột, chỉ để lại mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc kẹp vào vở đứa em trai, ghi rằng: “Con đi bán hàng thuê ở Buôn Ma Thuột, trước mắt con làm thử ít ngày xem, nếu thấy phù hợp con sẽ về thu xếp để làm thuê lâu dài cho họ”. V. đâu ngờ rằng, đây là thời điểm bắt đầu chuỗi ngày lưu lạc đầy cay đắng của mình. Ở Buôn Ma Thuột, bà T. giao V. cho một người phụ nữ tên Hoa. Hôm sau, bà Hoa bảo V. cùng ra các tỉnh phía Bắc để mua hàng, rồi chơi Hà Nội một chuyến. Tin lời bà Hoa, V. được đưa đến Lạng Sơn, từ đó vượt biên giới sang Trung Quốc. Khi biết mình bị lừa, V. khóc cạn nước mắt, rồi tìm cách trốn thoát hai lần nhưng không được. Sau khi bị bán đi bán lại cho nhiều người, V. rơi vào tay một phụ nữ gốc Việt tên là Liên. Ngay lần đầu chạm mặt, bà Liên đã dằn mặt H.V: “Tao đã mất tiền mua thì mày phải nghe lời tao, không có con đường nào khác!”.

Bà Liên không hề rào đón mà ra lệnh ngay cho V. phải hành nghề bán dâm cùng một số cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc trước đó một năm. Lần đầu tiên trong đời bị ép buộc vào cảnh nhục nhã, V. còn bị bọn tay chân bà Liên đánh một trận nhừ tử vì cho rằng không còn trong trắng. Trẻ người non dạ, V. chỉ còn biết chịu đựng mà không biết kêu vào đâu. Được vài tháng, V. bị bà Liên đem bán cho một người đàn ông Trung Quốc trung niên tên là Sáng ở Hồ Nam. Ông Sáng đã có vợ và một con gái, mua V. về để mong đẻ thêm con trai. Cuộc sống trong nhà ông Sáng cũng là chuỗi ngày vất vả, ê chề. V. phải nai lưng đi làm phụ hồ từ sáng đến tối, lại còn chịu cảnh chửi bới, miệt thị của vợ con ông Sáng. Chịu không nổi, cô đã hai lần bỏ trốn nhưng đều bị người nhà ông Sáng bắt lại.

Nước mắt ngày về

Sau gần 3 năm, V. bị cho là không có khả năng sinh con nên cô bị đưa đi làm công nhân tại một cơ sở sản xuất túi xách do em ông Sáng làm chủ ở thành phố Quảng Châu. Không ngờ nơi đây lại nảy ra cơ hội để V. tìm đường trở về Việt Nam. Làm việc tại xưởng, V. cố gắng học tiếng Trung Quốc, dần dần có thể nói chuyện, giao tiếp với người bản xứ. Nhiều người biết V. là cô gái Việt Nam bị lừa bán sang đây đều tỏ ý thương cảm, bày cách về lại nhà.

Cuối tháng 7.2008, khi dành dụm được 600 nhân dân tệ, V. mua một chiếc điện thoại di động và tìm cách gọi về Việt Nam. May sao, xa quê chừng đó năm, V. vẫn nhớ số điện thoại nhà riêng anh Đặng Từ Quang, Trưởng công an xã Ea Nuôl, lại ở cùng thôn Ea Mthar, do trước kia cô thường gọi nhờ điện thoại. Cả gia đình V. hồi hộp, sung sướng tột cùng khi biết đứa con gái mất tích lâu nay vẫn còn sống. Nhưng phải mất đến 3 tháng, sau khi liên hệ với Công an thành phố Quảng Châu để khai báo và làm các thủ tục xác minh, V. mới được trở về quê hương, thực sự đoạn tuyệt những tháng ngày tủi nhục nơi xứ người.

Gặp lại cha và anh rể ra tận Móng Cái, Quảng Ninh đón (ngày 20.12.2008), V. khóc ngất từng chặp. Lúc này, V. mới biết mẹ mình đã mất do tai nạn chỉ 7 tháng sau ngày cô theo bà T. đi Buôn Ma Thuột. Nhà V. vẫn nghèo, người cha và ba đứa em trai phải sống nương tựa nhà chùa ở tận Lâm Đồng mấy năm nay.

Đoạn kết chưa trọn vẹn

Hôm chúng tôi đến gặp V., có anh Đặng Từ Quang theo cùng. Anh Quang cho biết, do ở gần nhà nên anh theo dõi, nắm rõ vụ việc này ngay từ những ngày đầu tiên. Khi được ông Nguyễn Thoại, cha của V., báo tin con gái mất tích vào tháng 5.2005, anh Quang đã báo cáo với cơ quan công an cấp trên. Sau khi bỏ công sức tìm kiếm khắp nơi vẫn không có tin tức, gia đình V. tuyệt vọng, đinh ninh con gái mình bị chết ở đâu đó. Không ai có thể nghĩ V. bị lừa phỉnh, bán đi như một món hàng bởi một người phụ nữ láng giềng.

Sau bao năm lưu lạc đầy tủi nhục trở về, những ngày đầu V. vẫn còn ám ảnh, sợ bà T. giở trò làm hại nên phải tá túc nhà người bà con ở xã bên cạnh. Sau đó, V. đã làm đơn tố cáo hành vi lừa gạt bán người của bà T., nhưng hơn hai tháng qua chưa thấy cơ quan chức năng nào giải quyết vụ việc. Anh Quang cũng xác nhận: “Đơn tố cáo của V. đã được chuyển cho các cơ quan chức năng của huyện Buôn Đôn và cấp tỉnh. Mong rằng các cơ quan sẽ sớm làm rõ vụ việc, xử lý hành vi bán người, làm hại cuộc đời em H.V, đem lại công bằng và giúp nguôi ngoai nỗi đau của gia đình người bị hại”.

Trần Ngọc Quyền

Theo thanhnien.com.vn
 

Các tin khác