Ôm đứa con đỏ hỏn chạy trốn gã chồng vũ phu lên Hà Nội, người phụ nữ bất hạnh lại một lần nữa phải hứng chịu những cơn “mưa” đòn từ người chồng thứ 2 nghiện ngập. Đau đớn hơn, đứa con trai - báu vật của chị - đã 2 lần bị vuột khỏi tay mẹ vì bị bắt cóc trong lúc chị đang cắm mặt làm thuê.
Hai lần bà Liên bị mất con và may mắn 2 lần bà đều tìm lại được
Chiếc áo 47 miếng vá
Bà Nguyễn Thị Liên (SN 1959, quê Cẩm Giàng – Hải Dương) dạt về xóm Bè ven sông Hồng cũng ngót ngét chục năm nay. Kể về cuộc đời mình, bà bảo: “Cuộc đời tôi chìm nổi chẳng khác như chiếc "bánh trôi". 2 tuổi, bố mất, mẹ đi lấy người khác, tôi ở với bà nội đến hơn 10 tuổi thì bà mất, tôi lại đi ở đợ cho nhà khác. Cũng kể từ đó, cuộc đời tôi bắt đầu những chuỗi ngày khổ ải. Cho đến giờ tôi chẳng thể nào quên được cái áo 47 miếng vá lúc nào cũng khoác trên người suốt thời thơ ấu”.
Không cam chịu phận kẻ ở bị chèn ép, bóc lột, cô bé Liên trốn đi làm thanh niên xung phong mở đường ở các tỉnh Tây Nguyên vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, sau đó về quê lấy chồng. Những tưởng sẽ được yên ấm, nào ngờ Liên lấy phải người chồng vũ phu nên thường xuyên bị đánh đập. Sống với nhau được 1 năm thì Liên sinh được một bé trai. Hy vọng có con thì chồng sẽ chăm làm vun vén nuôi vợ con, sửa tính đổi nết, nào ngờ anh chồng càng “ra đòn” bạo tay hơn.
Không chịu nổi đòn roi, Liên ôm theo đứa con trai chạy trốn. Bôn ba nơi đất Hà Thành, lên vùng bãi bồi ven sông Hồng khai hoang trồng rau, chuối, Liên được mọi người mai mối với người đàn ông cùng cảnh ngộ để trông cậy lúc tuổi già. “Ngỡ tưởng sóng gió cuộc đời đã trôi qua khi “rổ rá cạp lại”. Lấy ông ấy khi đã có một đời chồng nên tôi không mong muốn gì hơn ngoài một cuộc sống bình yên và tìm được cho con một người cha để chăm lo. Ngẫm phận mình có tuổi nên thế là thỏa mãn lắm rồi. Nhưng tôi đâu có ngờ đời mình lại gặp phải một bến đỗ đầy sóng gió như thế. Lấy nhau về, tôi mới biết anh có thói quen giống người chồng cũ ở tính vũ phu”- bà Liên trầm ngâm kể.
Không chỉ có tính vũ phu, người chồng thứ 2 của bà Liên còn theo bạn bè rủ rê rồi nghiện ma túy. Từ khi bước vào con đường nghiện ngập, người đàn ông - trụ cột gia đình đã bỏ bê vợ con, đã không làm lụng gì lại còn thường xuyên vòi vĩnh những đồng tiền ít ỏi của vợ. “Hễ không có tiền cho ông ấy mua thuốc là tôi lại bị đánh bầm dập, tím tái. Năm ngày ba trận đòn là bình thường. Có đêm ông ấy về trong cơn thèm thuốc, ông ấy đấm đá tôi túi bụi, rồi dìm tôi xuống sông. Cũng may tôi biết bơi chứ không chắc chết đuối lâu rồi. Hơn 1 năm nay ông ấy bị bắt đi cai nghiện ở tận Quảng Trị. Hàng tháng, tôi lại phải góp từng đồng để tiếp tế cho ông ấy” – bà Liên ngậm ngùi nói.
Hai lần bị bắt mất con
Khổ vì chồng đã đành, cuộc đời bà Liên còn là những chuỗi ngày đằng đẵng trong đau khổ với nỗi lo mất con khi cậu con trai 2 lần bị kẻ gian bắt cóc.
Lần đầu tiên là khi bà Liên dạt về ga Văn Điển (Hà Nội) rửa bát thuê. Khi đó, cậu bé Hùng mới được hơn 7 tháng tuổi, vừa biết bò. Hùng bị bắt cóc khi mẹ đang lúi húi làm việc. “Không thấy con tôi như người mất hồn, vừa đi vừa khóc kêu cứu mọi người. Cứ thấy ai tôi lại nói “trả con cho tôi”. Mỗi khi đi ra đường hay bất cứ ở đâu, chỉ thoáng nhìn thấy đứa con nít nào là tôi nhớ đến con và không thể nào cầm lòng được, nước mắt cứ tự nhiên trào ra”, bà Liên nghẹn lời. Những ngày sau hôm bé Hùng mất tích, hễ thấy người báo có đứa trẻ giống Hùng ở đâu đó là bà Liên lại mượn xe đạp lọc cọc đến tận nơi nhưng rồi lại thất vọng quay về.
“Có lẽ đời mình còn chút may mắn vì con bị lạc từ lúc 7 tháng rưỡi thì đến hơn 10 tháng tuổi mình lại tìm được. Sau lần bắt cóc con trai tôi, người phụ nữ này xuống ga Hà Nội tiếp tục “làm ăn” thì bị công an bắt. Tại cơ quan công an, thị khai đã từng bắt cóc bán 8 đứa. Nghe mọi người ở quán cơm bàn tán về vụ việc, tôi tìm đến cơ quan công an hỏi thì có một đứa trẻ có nhiều điểm giống con trai tôi. Hỏi ra thì biết người phụ nữ đó bán đứa trẻ ở Lào Cai. Mò mẫm mãi tôi mới tìm được tới địa chỉ trên. Đó là một vùng núi hoang vu, phải đi bộ mấy ngày đường. Lên đến nơi, tôi nhận ra ngay bộ quần áo của cháu. Ngày cháu bị bắt cóc mặc áo len đỏ, quần thun đông xuân trắng. Ở trên đầu còn cái sẹo lớn. Sau đó, tôi phải nhờ cơ quan công an vào cuộc mới nhận được con về” – bà Liên nói.
Nhưng chỉ vừa trở về với mẹ được vài tháng, bé Hùng lại một lần nữa bị một người cùng quê bắt cóc khi theo mẹ đi làm thuê ở chợ Hàng Chiếu. “Lần này nghĩ rằng không thể tìm được con vì không có một manh mối nào, chán đời tôi bỏ việc về quê. May mắn thay một người hàng xóm kể chuyện làng bên có một gia đình mới “mua” được một bé trai rất giống con tôi từ một người phụ nữ ở cùng làng “rao bán”. Tôi tìm đến nơi và nằm phục tại đây hết 3 ngày để chờ gặp được đứa trẻ. Khi nhìn thấy nó, tôi đã khóc vì đấy chính là con mình. Gia đình họ lúc đầu cũng không cho tôi nhận lại con. Tôi phải lên xã xin giấy tờ mang lên giằng co tới hơn chục ngày mới xin được con. Sau ngày đó, họ cũng nhận con trai tôi làm con nuôi” – bà Liên sụt sùi nói trong nước mắt.
Sau hai lần con bị bắt cóc, bà Liên đã đưa hẳn con về quê. Hiện giờ anh Hùng - đứa trẻ tuổi thơ nhiều bôn ba năm xưa - cũng đã lập gia đình và có con. Bà Liên cho biết: “Nó cũng muốn tôi về sống cùng nhưng tôi còn ông nhà tôi nên không thể về được. Dù thế nào thì ông ấy (người chồng đang thụ án trong tù) cũng là chồng, là cha của con tôi. Vợ chồng thằng Hùng cũng nghèo nên cũng không thể nuôi được tôi, tôi về lại thêm gánh nặng cho nó. Thôi đành ở đây sống dựa vào số tiền ít ỏi từ việc nhặt rác và mấy luống rau chờ ngày ông ấy được ra trại”- bà Liên buồn bã nói.
Theo Phương Thuận
(dantri.com.vn)