40 năm qua, tượng đài Khâm Thiên vẫn hiên ngang giữa trời Hà Nội.
Ở giữa phố Khâm Thiên, bức tượng đài có hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52 như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. 577 người chết và bị thương trong đêm 26/12/1972 khi Mỹ rải thảm bom B52 xuống phố Khâm Thiên, được đúc kết bằng hình tượng kiên cường, mạnh mẽ ấy. 40 năm đã trôi qua, vết thương lòng chưa hẳn nguôi ngoai, nhất là khi mỗi chúng ta đi ngang qua tượng đài, tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong trận chiến 12 ngày đêm ấy.
Mỗi lần đi qua tượng đài Khâm Thiên, bà Nguyễn Thúy Nga- một người dân Hà Nội đều cúi đầu tưởng nhớ những người con Hà Nội đã ngã xuống trong đợt ném bom cao điểm 12 ngày đêm năm 1972 của giặc Mỹ. Trong những vong linh ấy, có cả những người thân, bạn bè của bà. Vào những ngày chớm đông gió lạnh, dòng chữ sau tượng đài “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ- 26/12/1972” khiến cho niềm thương xót hàng trăm con người ngã xuống bởi bom B52 càng trở nên ngậm ngùi hơn: “ Lần nào đi qua tôi cũng cúi đầu. Bất kì đi qua một tượng đài liệt sĩ nào và với tượng đài Khâm Thiên nói riêng, tôi cũng cúi đầu và nhắc các cháu là hãy cúi đầu để tưởng nhớ, trân trọng vong linh của những liệt sĩ, những người dân đã hy sinh; Để ghi ơn trong lòng mình sự đóng góp của những người dân thường cũng như của những liệt sĩ mang lại cho mình được sống ngày hôm nay. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà thế hệ trẻ nên giữ gìn”.
Đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đên năm 1972, có hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên không may bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy đã chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt đứa con, che chở cho con. Và người con của bà tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào chân mẹ như muốn bấu víu vào cuộc sống mỏng manh. Nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên bị ném bom đã truyền tai nhau hình ảnh ấy.
Tuy không có mặt tại hiện trường cuộc giải cứu nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, họa sĩ Nguyễn Tự đã cho ra đời một tác phẩm điêu khắc, lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ bế con, chân đạp lên quả bom B52. 40 năm đã trôi qua, khi được hỏi lại câu chuyện bức tượng đài Khâm Thiên, họa sĩ Nguyễn Tự vẫn còn nhớ như in liên tục trong hai ngày một đêm ông cho ra đời bức tượng điêu khắc ấy: “Tượng Khâm Thiên ra đời không phải là đơn đặt hàng cũng không phải là trách nhiệm ai giao cho mà phải làm. Những người đi làm công tác khắc phục hậu quả có kể lại cho tôi là có hình ảnh như thế, thì tự nhiên thôi thúc tôi. Vừa thương xót, vừa thấy quá tàn ác và mình thấy rằng mình cần phải tố cáo. Vậy thì tố cáo bằng cách nào? Mình làm nghề điêu khắc, thấy được chuyện có người chết đứng như vậy đã gợi cho mình một hình tượng có giá trị tố cáo”.
Khâm Thiên ngày nay được người ta quen gọi là “phố vắng 3 số nhà”. Cùng với ngôi nhà số 47- nơi hai mẹ con bị bom B52 lấy đi tính mạng, thì ngôi nhà số 49 và 51 cũng bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền thành phố quyết định lấy mảnh đất nơi có 3 ngôi nhà này làm khu tưởng niệm Khâm Thiên. Ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52 của giặc Mỹ năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tự được chọn.
Hơn một năm sau sự kiện “12 ngày đêm”, đài tưởng niệm Khâm Thiên được xây dựng, báo chí đưa tin và đăng tải hình ảnh để nhân dân trên thế giới hiểu về tội ác của đế quốc Mỹ. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh- người đang thực hiện một bộ phim tài liệu về đề tài “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” cho biết: “Trong tất cả đau thương mất mát, kể cả cuộc chiến bây giờ, khi người ta nhắc đến bạo lực hay cuộc chiến ở Iraq, Syria… thông thường hay nhắc đến sinh mạng của phụ nữ và trẻ em. Điều đó cũng nói lên sự vô lý của chiến tranh, tàn khốc và vô lý. Phụ nữ và trẻ em là những người vô tội, tại sao lại phải hứng chịu những điều như vậy. Tượng đài ấy cũng gợi sự tàn khốc của chiến tranh. Những mất mát đã thể hiện sự ác liệt của chiến tranh rồi. Tuy nhiên cái mà mình nhìn thấy dù ác liệt như thế nào, tinh thần của con người, sức vươn lên, sức sống để vượt qua đau thương đó”.
Bức tượng đồng bây giờ đã thay thế cho bức tượng đúc bằng xi măng của nhiều năm về trước. Hàng ngày, những người dân phường Khâm Thiên vẫn chăm sóc, quét tước cho khu tưởng niệm sạch sẽ, vẫn thắp hương để tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống. Như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa, bà Phạm Thị Bưởi- ủy viên ban chấp hành Hội phụ nữ phường Khâm Thiên cho biết: bà cùng với chị em trong phường vẫn phân công nhau vào mỗi buổi chiều đến quyét dọn khu vực đài tưởng niệm.
B52 đến nay vẫn là thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng nhất. Thế nhưng, điều đó không thể nào so sánh được với tinh thần, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Và 40 năm qua, tượng đài Khâm Thiên vẫn hiên ngang giữa trời Hà Nội./.
Phương Thúy / VOV-Trung tâm tin
Theo vov.vn