38 năm nhận giấy báo tử của anh trai là liệt sỹ Phạm Tuấn Hanh (SN 1950) cũng là ngần ấy thời gian gia đình bà Phạm Thị Bình (em gái ông Hanh) kiếm tìm phần mộ của người thân để đưa về an nghỉ tại quê nhà. Năm rồi hai mươi năm qua đi… khi những tia hy vọng mong manh dần tắt lịm thì bà Bình, trong hành trình âm thầm tìm kiếm hay tin ông Hanh vẫn còn sống. Mang theo niềm tin mãnh liệt và tình yêu thương vô bờ bến với người anh trai lưu lạc suốt 43 năm, bà Bình lặn lội khắp nơi kiếm tìm. Cuộc hội ngộ cảm động, đầy bất ngờ sau 38 năm nhận giấy báo tử liệt sỹ ấy đã diễn ra đầy cảm động ở Lâm Đồng, nơi ông Hanh vẫn ngày ngày kiếm sống.
Hành trình đi tìm người anh trai
Men theo con đường làng quanh co, hai bên rợp lúa xanh mướt, chúng tôi về xã Kim Tân, huyện Kim Thành (Hải Dương) tìm gặp ông Phạm Tuấn Hanh, người vừa trở về sau 43 năm đi chiến đấu và 38 năm được công nhận là liệt sỹ vào một ngày giữa tháng 5/2011. Trong căn nhà của ông Phạm Tuấn Xíu (anh trai ông Hanh) những ngày này rộn rã tiếng cười, người thân rồi bà con chòm xóm kéo đến chúc mừng, chia vui với gia đình…
Bốn mươi ba năm trôi qua, chàng thanh niên trai tráng, khỏe mạnh hôm nào giờ đã là người đàn ông ngoài lục tuần, mái tóc ngả màu thời gian. Di chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc vẫn còn để lại đến tận hôm nay, khiến ông Hanh lúc nhớ, lúc quên. Và đó cũng là lý do ông phải sống tha hương, không tìm được đường về quê trong suốt ngần ấy thời gian. Vì thế, câu chuyện của chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình bà Bình, ông Xíu.
Kể lại hành trình tìm kiếm người anh trai lưu lạc, đôi mắt bà Phạm Thị Bình (em gái ông Hanh) sũng nước: Ngày anh trai lên đường nhập ngũ, bà Bình chỉ là cô bé tóc để chỏm. Vì vậy, ký ức của bà về anh trai chỉ là những mảng mơ hồ, không đậm nét… Lớn lên một chút, bà được biết về anh qua những câu chuyện kể của cha và những người cao tuổi trong dòng họ. Trong tâm hồn bà Bình khi đó luôn mong có ngày anh khải hoàn trở về. Giữa năm 1973, gia đình bà nhận được giấy báo tử của ông Hanh.
Nói đến đây, bà Bình dừng lại lau nước mắt: Tôi không thể quên được đôi mắt của cha tôi lúc đó. Ông không nói gì, ngồi lặng đi, nước mắt của ông dường như đã chảy ngược vào trong… Từ đó, mỗi năm một lần, người thân trong gia đình bà Bình lại lấy ngày nhận giấy báo tử là ngày giỗ của anh trai. Ngày hòa bình lập lại, bà Bình cùng những người thân đã lần theo các địa chỉ ông Hanh từng công tác, rồi đi chiến đấu nhưng không tìm thấy phần mộ của người anh trai. "Đó cũng là điều mà cha bà cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay về thế giới bên kia vẫn còn day dứt", bà Bình ngậm ngùi.
Năm 2007, theo các địa chỉ được những người đồng ngũ của anh trai cung cấp, bà Bình lặn lội vào tỉnh Tây Ninh. Ròng rã cả tháng trời bà có mặt ở khắp các nghĩa trang liệt sỹ, nhưng không ai biết thông tin của ông Hanh. Rồi có khi nghe người ta nói, ông Hanh từng làm việc ở Bộ liên lạc 4B, bà Bình không quản ngại cất công tìm kiếm, đưa thông tin tìm mộ của anh trai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng đều không có kết quả…
Một ngày đầu tháng 2/2011, bà Bình mơ một giấc mơ kỳ lạ về việc ông Hanh vẫn còn sống, đang ở tỉnh Trà Vinh… Khi có "báo mộng" đó, bà Bình vui sướng khôn xiết, bà vội gọi điện thoại từ Lâm Đồng (nơi gia đình bà đang sinh sống) về Hải Dương thông báo cho anh trai và họ hàng ở quê nhà. Ông Xíu, anh trai bà Bình nhớ lại: "Quả thực, khi cô ấy báo tin chú Hanh vẫn còn sống, cả gia đình tôi chẳng ai tin. Nhưng cứ nghĩ cô Bình vất vả, tìm kiếm bao năm rồi nên chẳng ai dám khuyên can, vì sợ cô ấy thất vọng".
Ông Phạm Tuấn Hanh sum họp cùng gia đình.
Phần về bà Bình, khi có thông tin này, bà cùng người bạn thân vội thu xếp đồ đạc vào xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đó là một xã của bà con vùng dân tộc thiểu số nằm cách xa thành phố, việc đi lại rất khó khăn. Lặn lội từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời đứng bóng, bà Bình và người bạn gái cũng tìm được đến UBND xã song lúc đó đang vào giờ nghỉ trưa nên ủy ban chẳng có người. Giữa lúc loay hoay, chưa biết xoay xở thế nào bà Bình gặp được cô văn thư, khi đó đang trực ở UBND. Khi biết tin bà Bình đi tìm người thân sau chiến tranh, cô văn thư đã lên mạng tìm họ tên của ông Phạm Tuấn Hanh nhưng không có kết quả… Song ngay cả trong lúc ấy, bà Bình vẫn tin rằng ông Hanh vẫn còn sống, có thể anh trai bà đã đổi thành những cái tên khác như ông Ba hoặc ông Hai.
Và rồi như một sự run rủi của số phận, khi được bà Bình cho xem tấm ảnh của anh trai thời trai trẻ và di ảnh của người cha đã qua đời, một người dân ở trong xã, khi đó đang chờ làm thủ tục buột miệng nói rằng có một người Bắc Kỳ hay đi làm thuê, chỉ biết tên là ông Ba, có đặc điểm giống như lời mô tả của bà Bình.
Khi nghe tin đó, bà Bình phấn khởi lắm, bà bảo người bạn gái ngồi chờ ở Ủy ban xã, còn một mình bắt xe ôm vào trong bản. Đi đến đâu, bà cũng chìa ảnh của anh trai để dò hỏi nhưng tới nơi người ta đều nói rằng ông Ba đã vừa bỏ đi nơi khác làm thuê… Vậy là bà Bình vội ghi lại số điện thoại với hy vọng nếu ông Ba Bắc Kỳ quay lại có thể báo tin giúp bà. Hôm đó, khi bà Bình trở lại UBND xã thì trời đã tối mịt, lúc này bà mới thấy đói cồn cào. Từ sáng, vì mải đi tìm anh trai, bà chỉ ăn tạm hai bắp ngô… Chuyến đi đó không thành công, bà Bình trở về trong tâm trạng mệt mỏi chán chường nhưng trong bà vẫn có niềm tin rằng ông Hanh vẫn còn sống.
Bẵng đi một thời gian, bà Bình lại có thông tin ông Ba đang ở Chợ Lớn (Trà Vinh). Biết tin đó, bà bỏ dở công việc vào Chợ Lớn, sau đó quay lại huyện Trà Cú tìm kiếm. Khi đến căn nhà của một người dân bản xứ nằm sâu trong bản, bà được một người dân tốt bụng trong xã cho biết ông Ba đang ở Đà Lạt, làm cùng với con trai của họ. Bà Bình khẩn khoản nhờ người đàn ông này đưa điện thoại để nói chuyện với ông Ba, song khi đó ông Ba khăng khăng nói rằng: Tôi không có em gái, tôi không phải là người họ Phạm. Lúc ấy, bà Bình vẫn nhẹ nhàng gọi hỏi: "Anh không nhận người thì nghe tiếng có giống không? Anh không nhận em thì cho em số điện thoại để liên lạc. Lúc này, một tia hy vọng lại nhen nhóm dâng lên trong lòng bà Bình.
Cuộc thử máu tìm huyết thống
17h chiều hôm đó, bà vội vã bắt ngược về TP HCM rồi về Lâm Đồng. Cả đêm hôm đó, bà trằn trọc không ngủ vì hồi hộp và lo lắng, bà chỉ mong cho trời mau sáng. Tờ mờ sáng hôm sau, bà cùng cậu con trai lặn lội tìm đến xã Đa Nhim (Đà Lạt) dò hỏi, nhưng các lán trồng hoa chẳng ai biết.
May sao lúc đó có người xe ôm tốt bụng thấy tình cảnh đáng thương của bà Bình đã chỉ bà tới vườn hoa nhà ông Tứ Quý, nơi có ông “Ba Bắc Kỳ” đang làm việc. Mẹ con bà Bình cảm ơn rồi lại tất tả đi tìm vì lo sợ trời tối… Trước mắt bà là người đàn ông già yếu, trông thật thảm thương trong bộ quần áo đã rách tả tơi, nhiều chỗ trên quần được buộc tạm bợ bằng những sợi dây dù. Quá cảm động, bà Bình không kiềm chế được cảm xúc của mình thốt lên: Anh có nhận ra em không ạ? Rồi bà chìa tấm ảnh người anh trai suốt bao năm qua vẫn đeo bên mình và tấm ảnh của cha, nhưng ông “Ba Bắc Kỳ” chỉ nhìn một cách qua loa rồi khẳng định, tôi không có em gái.
Bà Bình tâm sự : "Lúc này, tôi đã có linh cảm ông “Ba Bắc Kỳ” chính là người anh trai đã báo tử suốt 38 năm qua…Vậy là tôi cùng con trai thuyết phục bằng được ông “Ba Bắc Kỳ” cùng lên Đà Lạt làm xét nghiệm máu". Ông Ba ban đầu không nhận lời nhưng bà Bình thuyết phục rằng, nếu không đúng thì sẽ đưa về chỗ cũ và trả tiền công ngày làm việc hôm đó… Cuối cùng ông Hanh, tức ông "Ba Bắc Kỳ" cũng đồng ý.
Bà Bình mừng quýnh lên khi xét nghiệm máu cho kết quả nhóm máu O, nhóm máu này trùng với nhóm máu của bà Bình và những người thân trong gia đình, thế nhưng, ông "Ba Bắc Kỳ" vẫn khăng khăng không thừa nhận. Khi đó, bà Bình khẩn khoản mời ông Ba về nhà chơi, với hy vọng tình yêu thương đầm ấm của gia đình cùng những câu chuyện kể sẽ giúp ông hồi tưởng lại mọi việc.
Bà Bình nhớ lại: Tối đó, bà con trong xóm biết tin bà tìm được người thân đến chơi rất đông. Bà Bình ngồi tâm sự, chụp ảnh của ông "Ba Bắc Kỳ" chuyển ra cho người thân ở Hải Dương để nhận diện. Theo những người thân của bà cung cấp thì ở đằng sau gáy và trên mặt ông Hanh có vết sẹo…Tất cả những dữ liệu đều được bà Bình kiểm tra và đều trùng khớp nhưng ông Ba vẫn không thừa nhận.
Tờ mờ sáng hôm sau, ông "Ba Bắc Kỳ" đã trở dậy và đòi đưa xuống rẫy chơi. Chiều ý ông, vợ chồng cậu con trai bà đưa ông ra nương… Bỗng dưng ông bắt đầu nhớ ra họ hàng, ông reo lên: Tao tên là Hanh, tao có anh trai là Xíu. Quá vui mừng, giữa những nương cà phê bạt ngàn, ba bác cháu ôm nhau mừng tủi… Ngay hôm sau, ông Hanh nằng nặc đòi được ra Bắc gặp lại những người thân trong gia đình.
Đôi lúc nhớ ra, ông Hanh kể lại rằng: trong một trận càn ác liệt của địch, ông bị sức ép của bom, đã may mắn được một già làng người dân tộc đưa về nhà chăm sóc chữa bệnh. Ông Hanh giữ được mạng sống nhưng hoàn toàn không nhớ gì về bản thân và gia đình. Người đàn ông dân tộc nuôi dưỡng ông Hanh được 4 năm thì qua đời do một cơn bạo bệnh, từ đó ông Hanh lang thang, làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi thân. Bà con trong xóm rẫy thương tình cho ông ngủ nhờ rồi sinh sống cho qua ngày.
Những ngày này, ông Hanh đang được người anh trưởng là Phạm Tuấn Xíu chăm sóc. Di chứng của cuộc chiến tranh hơn 40 năm qua vẫn còn hiện hữu. Đêm đêm, ông Hanh vẫn bị giật mình. Có lúc đang ngủ, ông Hanh vùng dậy chạy ra ngoài sân và hô lên "có bom, có bom". Vậy là tối nào, ông Xíu cũng phải khóa trái cửa lại. Bà con rồi họ hàng ai muốn đón ông Hanh về nhà chơi cũng được căn dặn kỹ lưỡng phải trông nom cẩn thận, bởi bao năm xa quê với những đổi thay ông Hanh chẳng nhớ được nhiều.
Tuổi trẻ, quãng đời đẹp nhất ông Hanh đã dâng hiến cho đất nước. Ông may mắn khi những năm tháng còn lại của cuộc đời được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Có những hy sinh, mất mát chẳng thể kể bằng lời… Với những người như ông Hanh, sự tri ân của các thế hệ rất cần thiết. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Thành nên sớm giải quyết chế độ chính sách để ông Hanh được hưởng chế độ. Sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền và các đoàn thể có thể giúp ông Hanh tạo dựng một cuộc sống mới
Xuân Mai
Theo cand.com.vn