Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Chuyện
timnguoithatlac.vn - 30/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin về liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

Gần hai mươi năm trước – năm 1993, “liệt sỹ Phạm Văn Nam” bỗng đột ngột trở về bằng xương bằng thịt trước sự ngỡ ngàng của người thân và bà con phố Bế Văn Đàn (Quang Trung, Hà Đông). Cũng từ đó, bắt đầu chặng đường chứng minh sự tồn tại của mình và đề nghị hưởng chế độ thương binh như bao người lính khác từng gửi một phần xương thịt và tuổi xuân nơi chiến trường. Và hành trình vào Nam, ra Bắc, bươn bải khắp nơi tìm hài cốt liệt sỹ, cũng kể từ đó. Giờ đây, ở tuổi gần 60, dù đã xuống sức và thương tật hành hạ, nhưng Phạm Văn Nam vẫn một tâm nguyện: Còn sống, còn tìm đồng đội!

Câu chuyện giữa chúng tôi trong một buổi chiều cuối tháng tư bị ngắt quãng liên tục vì quán nước chè của “liệt sỹ Nam” luôn có khách rẽ vào, người uống chè, người mua thuốc lá, người ghé lại hỏi việc của tổ dân phố; lại có cả những cựu chiến binh ghé vào thăm đồng đội và cả những người đến “đòi nợ” vì đã cho anh vay để vào Nam đưa hài cốt liệt sỹ về.

Ông chủ quán nước vừa phục vụ khách, vừa gom những tờ tiền đựng trong hộp cho đủ một món rồi trao tận tay một phụ nữ, rồi trò chuyện:

      - Tiền tôi vay người ta, tháng trước vào Kon Tum. Họ biết mình vay để đi tìm hài cốt liệt sỹ nên không tính lãi lời, cứ lo được tiền khi nào thì trả khi ấy. Hơn chục ngày lòng vòng từ Kon Tum về Bình Định tìm được hài cốt liệt sỹ Hồ Bá Thành “nằm” tại xã Mỹ Đức, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cùng với thân nhân gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Đây là trường hợp tôi “mắc nợ” từ năm 2010 khi gia đình liệt sỹ Thành gửi hồ sơ đến. Mà hồ sơ thì có gì ngoài tờ giấy báo tử? Tôi phải dò, phải lần theo thời gian, đơn vị, vị trí chiến đấu và hy sinh của liệt sỹ và nhờ vào linh cảm mách bảo, nhờ có “quý nhân phù hộ” nên rất ít khi tôi phải trở về tay không…

Là con trai cả của một thương binh miền Nam tập kết, năm 1973, giữa lúc chiến trường miền Nam ác liệt nhất, Phạm Văn Nam nhập ngũ, vào đơn vị bộ binh Sư đoàn 7, Quân đoàn 3. Lính trinh sát Phạm Văn Nam đã có mặt ở nhiều chiến trường, từ Đường 9, Rừng Sác đến mặt trận Lào, Campuchia. Tháng 4-1978, trong một lần đi trinh sát thực địa nắm bắt tình hình mặt trận đường 56-miền đông Nam bộ; lúc quay trở về đại đội của anh đã bị quân Pôn pôt phát hiện, nã đạn cối, hơn bốn mươi chiến sỹ bị trúng đạn. Nam bị hai viên đạn làm toác đỉnh đầu, xé đầu gối trái, bất tỉnh. Đồng đội tưởng anh hy sinh đã gói anh vào túi ni lông, kèm theo một vỏ đạn ghi tên tuổi, quê quán… Nào ngờ, sau gần một ngày dêm, anh hồi tỉnh. Một đồng đội thấy anh ngọ ngoạy liền cởi bỏ túi ni lông, băng bó vết thương cho anh, nhưng không ngờ người đồng đội ấy bị trúng đạn, hy sinh ngay sau đó. Trong số ít người sống sót, Nam được đưa đến Quân y viện điều trị. Khi thu dọn chiến trường, đồng đội không tìm thấy xác Nam, chỉ có chiếc túi ni lông dính đầy máu và bên trong chiếc vỏ đạn có một mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán… Đó là lý do để một năm sau, “Giấy báo tử liệt sỹ Phạm Văn Nam” về đến gia đình và địa phương phường Quang Trung, Hà Đông đã tổ chức Lễ truy điệu liệt sỹ.

Phần mình, vết thương chưa lành, anh đã nhập vào đoàn tân binh của Quân khu 9, tiếp tục chiến đấu rồi từ đó tìm lại đơn vị cũ; nhưng trên đường đi, Nam bị thương thêm nhiều lần nữa và được chuyển ra tuyến sau. Hết điều dưỡng ở miền Nam, anh lại được chuyển ra các trại điều dưỡng thương binh nặng ở miền Bắc; hết nằm ở trại Đầm Vạt (Vĩnh Yên), đến trại Thuận Thành (Bắc Ninh)…13 năm bị liệt nửa người, vết thương trên đầu hành hạ, anh đã nghĩ, thà để gia đình coi là liệt sĩ, còn hơn nhìn thấy tình cảnh như vậy và đó là lý do anh âm thầm, lặng lẽ, không tin tức về gia đình. Nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ gần đất xa trời, anh đã quyết định trở về vào một đêm tháng bảy năm 1991 trước sự sững sờ của người thân và bà con khu phố. Hai năm sau, Phạm Văn Nam dã tự đi trên đôi nạng gỗ và bằng đôi nạng gỗ, năm 1993 anh đã tìm tới BCH Quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) trao lại Giấy Báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công, đồng thời đề nghị xác nhận cho mình còn sống và đề nghị công nhận là thương binh nặng, mất 75% sức khỏe. Tiền tuất liệt sỹ ngay sau đó bị cắt – đương nhiên rồi, nhưng chế độ thương binh nặng, thì đến tận hôm nay vẫn chẳng hề nhận được! Có lẽ đây là trường hợp tồn đọng chiến tranh đặc biệt nhất: Không phải thương binh nặng nên không được hưởng chế độ thương binh; cũng chẳng phải liệt sỹ vì anh bằng xương bằng thịt đang sống giữa đời thường đấy thôi. Nhưng sự thật là một Phạm Văn Nam thương tật đầy mình vẫn toàn tâm toàn ý với nghĩa tình đồng đội, giấu nỗi buồn riêng để đi tìm hài cốt liệt sỹ và tham gia công tác xã hội cho khuây khỏa. Chi hội trưởng chi hội CCB khu phố, UV BCH Hội CCB phường Quang Trung, thành viên Ban bảo vệ khu phố… tuốt tuột các chức vụ ấy, mỗi tháng “liệt sỹ Nam” lĩnh tổng số 581.000đ phụ cấp, cộng với thu nhập từ quán nước chè, vợ chồng anh tùng tiệm sống cuộc sống đạm bạc…

Cùng nhập ngũ năm 73 với Phạm Văn Nam còn có hàng chục thanh niên địa phương và cùng ở Trung đoàn 141, Sư đoàn 7. Mỗi lần trước khi ra trận là họ dặn dò nhau: “…nếu ai còn sống thì sau này phải tìm người đã mất…”. Lời nguyền ấy day dứt anh suốt bao năm, nhưng vì thương tích làm liệt nửa người, cuộc sống lại quá đỗi khó khăn nên mãi đến năm 1993, sau lần đi dự đám tang người đồng đội quê ở Quảng Ninh tình cờ gặp người phụ nữ cùng con đi tìm mộ người chồng liệt sỹ ở Bình Phước mà không tìm. Hỏi chuyện, mới hay liệt sỹ mà hai mẹ con họ đi tìm là Nguyễn Đình Hòa – người đồng đội đã hy sinh do chính tay anh chôn cất (năm 1975 tại mặt trận Bình Phước). Rồi những hình ảnh chiến đấu năm xưa luôn hiện rõ mồn một trong cái đầu thương tật của anh và mỗi khi nhớ ra tên tuổi, quê quán, phần mộ của dồng đội, anh lại hình dung từng lối mòn, hốc đá, vẽ chi tiết phần mộ, tên tuổi, quê quán để thực hiện hàng năm chuyến đi tìm mộ liệt sỹ. Liệt sỹ “nằm” xa nhất là Lê Bá Thước, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 234 Quân đoàn 3 hy sinh năm 1979 ở Patta Poong – Campuchia. Tháng 10-2011 vừa qua anh đã tìm được và đưa hài cốt về cho gia đình ở thôn La Khê, phường La Khê (Hà Đông). Hiện tại, liệt sỹ Thước đã an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Văn Phú…

Khi hỏi về nguồn kinh phí cho những chuyến đi, ông Nam chỉ tay vào cái ấm nước trà, rồi lại chỉ tay về phía vợ: “Tất cả ở đấy”! Từ năm 1990, người vợ thấy ông đau ốm quanh năm, đành xin nghỉ “một cục”, ở nhà chăm sóc chồng và phụ đỡ quán nước. Chẳng dám ăn, chẳng dám tiêu, tần tảo chắt chiu từ cái quán nước, được đồng nào lại dồn hết cho chồng đi tìm đồng đội…

Chiến tranh đã qua gần bốn mươi năm, mọi tồn đọng đã được giải quyết về cơ bản, vậy mà xem ra, hành trình đi tìm lại chính mình của “Liệt sỹ Phạm Văn Nam” còn nhiều gian truân. Mong sao trường hợp hy hữu này sớm được cơ quan chức năng lưu tâm để anh Nam và gia đình bớt khổ tâm.

Nguyễn Văn

Theo trianlietsi.vn

Các tin khác