Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cơ duyên hội ngộ
Bionet Việt Nam - Đôi tay người phụ nữ ấy run run cầm lấy cuốn ký họa có bức tranh vẽ người chồng của mình đã hi sinh. Ánh mắt sáng, khuôn mặt cương nghị của ông trong bức tranh khiến nước mắt bà chực rơi.


Bên cạnh, người họa sĩ già không nén nổi xúc động: “Cuối cùng tôi đã hoàn thành được tâm niệm của anh em trong đơn vị, tìm lại được vợ con người đại đội trưởng đáng kính của mình”. Cuộc hội ngộ này là một cơ duyên mà họa sĩ Lê Đức Tuấn và bà Trần Thị Kim Xuân có được nhờ anh Dương Đình Vinh, người luôn đau đáu đi tìm mẹ.

Họa sĩ Tuấn cùng bà Xuân và cháu nội xem chân dung của liệt sĩ Ngô Xuân Lâm - Ảnh: Ngọc Nga

Lần đầu thấy ông nội

Khi bà Trần Thị Kim Xuân nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Ngô Xuân Lâm, bà biết rằng từ nay con cháu bà chẳng bao giờ biết mặt cha ông bởi ông ra đi mà một tấm ảnh cũng không để lại. Nhưng bà không ngờ hôm nay cháu nội của bà lại được nhìn thấy mặt ông, dù chỉ qua một bức vẽ. Cậu bé xáp lại bên bà, nhìn chăm chăm vào bức vẽ kêu lên: “Ông nội con đẹp trai quá ha nội, mà con giống ông nội nè!”. Nụ cười hạnh phúc nở trên môi người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi ấy. Bà trân trọng đặt cả cuốn ký họa lên bàn thờ của chồng, thắp một nén nhang.

Bức vẽ ấy là một trong nhiều tác phẩm nằm trong cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn. Cuốn nhật ký ấy bao gồm nhiều bức tranh được ông tốc ký trong những ngày tháng ở chiến trường. Lòng kính trọng vị đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm rất mực nghiêm khắc nhưng đầy tình cảm của mình được họa sĩ Tuấn gửi cả vào trong bức vẽ chân dung bằng bút chì ấy.

Cuốn nhật ký bằng tranh sau đó thất lạc và được trả về từ Mỹ năm 2010.

Sau khi nhận lại, họa sĩ Lê Đức Tuấn đã đi tìm lại những đồng đội mà ông từng vẽ để trao lại những bức chân dung ông vẽ họ. Có người còn sống, có người đã mất, ông lần lượt tìm ra. Duy chỉ có gia đình của đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm vẫn bặt vô âm tín dù lần nào xuất hiện trên truyền hình, trên báo chí để nói về cuốn ký họa của mình ông đều gửi gắm thông tin về vợ con của người đại đội trưởng ấy, cũng như nhiều lần tìm về Quảng Nam dò la tin tức.

Trong bài phóng sự “Nhận và trao” trong hồ sơ “Kỷ vật trở về” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19-5-2012, người họa sĩ già này vẫn không quên nhắn gửi: “Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm quê ở Duy Tiến, Duy Xuyên, Quảng Nam. Tập kết ra Bắc và có vợ là Trần Thị Kim Xuân, con là Ngô Xuân Hải...”.

Những dòng thông tin này lập tức làm anh Dương Đình Vinh (Khánh Hòa) đứng ngồi không yên bởi quá trùng khớp với những thông tin về người mẹ đã thất lạc của anh bao nhiêu năm nay.

“Mẹ đẻ của con tên Xuân, người xứ Quảng, đã có một con trai, chồng là cán bộ tập kết ra Bắc. Do bị chính quyền Sài Gòn suốt ngày gọi lên làm khó, chịu không nổi nên mới lưu lạc vào Khánh Hòa rồi có con với ba. Nhiều năm rồi bà ấy lưu lạc ở đâu ba không rõ nữa” - người cha của anh Vinh nắm tay con trai trăng trối lời cuối cùng rồi nhắm mắt xuôi tay, chẳng để con trai hỏi thêm được điều gì.

Với những thông tin ấy, anh Vinh đã nhiều lần tìm về ba tỉnh xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình) tìm mẹ. Nhưng tất cả đều vô vọng. Vì vậy khi đọc những dòng thông tin trên bài báo Tuổi Trẻ, anh Vinh lập tức liên hệ với báo và được kết nối với họa sĩ Lê Đức Tuấn.

Mẹ đang ở đâu?

Sau khi nói chuyện với họa sĩ Lê Đức Tuấn, anh Vinh có linh cảm bà Trần Thị Kim Xuân là mẹ mình. Vì vậy anh lập tức ra Quảng Nam dò la tin tức. Thông tin rối rắm, địa danh cũ không còn, anh Vinh quay về tưởng như phải bỏ cuộc. Nhưng nỗi khát khao được gọi một tiếng “mẹ” khiến anh xách túi quay lại Quảng Nam năm lần sau đó. Lần thứ năm, sau những ngày dò la tin tức mệt mỏi nhưng vẫn không có gì khả quan anh tính quay về thì tình cờ gặp được một ông cụ chỉ đến người họ Ngô lớn tuổi nhất trong xã là ông Ngô Bảy.

Ông Ngô Bảy nói trong họ mình có bà mẹ VN anh hùng Võ Thị Tường có con trai là Ngô Xuân Lâm, vợ ông Lâm là bà Trần Thị Kim Xuân, người Nam Định. Sau khi ông mất, bà cũng chỉ về quê vài lần và hiện đang sống cùng con trai ở Vũng Tàu. “Có thể mẹ mình lấy chồng về Quảng Nam nên nói với mọi người là người xứ Quảng” - anh nghĩ vậy và hi vọng lại bùng lên.

Anh Vinh tức tốc lên xe vào Vũng Tàu. Khi qua Nha Trang, anh ghé qua nhà ôm chầm người vợ của mình thông báo: “Anh sắp tìm được mẹ rồi em ơi!” rồi vội vã thay bộ quần áo mới nhất để đi Vũng Tàu. “Khi thấy bóng dáng người phụ nữ ấy, tim tôi như thắt lại, tôi muốn kêu lên một tiếng mẹ cho cơn khó thở nơi cổ họng bớt đi, nhưng lý trí bảo tôi buông câu hỏi: Năm 1962, cô có đến Nha Trang không? Người phụ nữ nhìn tôi lạ lẫm trả lời: “Không! Đời cô chưa bao giờ đặt chân đến Nha Trang”. Niềm hi vọng, phấn chấn của tôi sụp đổ. Linh tính của mình sai rồi...” - anh Dương Đình Vinh kìm một giọt nước mắt khi nhớ lại cảm giác gặp bà Xuân.

Sau khi nghe anh Vinh trình bày câu chuyện, bà Xuân biết được rằng bao năm nay những đồng đội năm xưa của chồng đang đi tìm mình để trao lại bức ký họa. Anh Vinh sau đó làm cầu nối cho bà Xuân và họa sĩ Lê Đức Tuấn nói chuyện với nhau. Những sự kiện được chắp nối vừa trùng khít. Họa sĩ Lê Đức Tuấn sung sướng vì đã tìm ra vợ con của người đại đội trưởng đáng kính. Còn anh Vinh dù không tìm được mẹ nhưng vẫn không nguôi hi vọng: “Dù rất hụt hẫng vì cô Xuân không phải là mẹ mình nhưng tôi cũng rất vui vì tìm ra được cô Xuân cho bác Tuấn. Tôi sẽ tiếp tục tìm mẹ như bao năm qua”.

Họa sĩ Lê Đức Tuấn sau khi nhận được tin không thể chờ lâu hơn được nữa, lập tức cùng vợ từ Hà Nội vào ngay Vũng Tàu để trao lại bức ký họa đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm cho vợ ông. Trong câu chuyện hội ngộ của họ, anh Vinh được nhắc đến nhiều nhất, coi anh như một người tạo ra cơ duyện cho cuộc gặp gỡ này.

Bà Xuân tâm sự: “Khi tôi nói chưa bao giờ đến Nha Trang, tôi thấy Vinh rất đau khổ, và sau khi nghe câu chuyện đi tìm mẹ của Vinh, tôi đã không kìm được nước mắt. Tôi đã ước gì mình là mẹ của Vinh”.

“Hãy xem cô là mẹ”

Họa sĩ Lê Đức Tuấn đã hoàn thành được tâm niệm của mình, còn anh Dương Đình Vinh vẫn tiếp tục hành trình tìm mẹ. Hi vọng hành trình ấy sẽ có kết quả tốt đẹp như họa sĩ Tuấn tâm sự: “Cơ duyên sẽ đến nếu tâm mình luôn hướng về điều gì đó”.

Trong ngôi nhà nhỏ của bà Xuân, niềm vui hội ngộ như được nhân lên khi bà Xuân động viên anh Vinh qua điện thoại: “Nếu con không chê, cứ gọi cô là mẹ nhé, con cứ vững vàng, cô tin con sẽ tìm được mẹ”.

NGỌC NGA

Theo tuoitre.vn
 

Các tin khác