Người đàn bà vì không muốn hôn nhân theo sự sắp đặt đã mang con đi biệt tích rồi chọn một vùng đất xa lạ để sinh sống. Bà lập gia đình và không bao giờ tiết lộ nguồn gốc với đứa con gái của mình. Sau khi bà chết, đứa con gái cũng “mất đứt” liên lạc với quê hương và người thân. Nhưng sau 62 năm, trong một lần đi tìm kiếm mộ người thân, người họ hàng của bà đã nhận ra cái tên trên tấm bia mộ. Họ kể lại những kỷ niệm và có một cuộc hội ngộ đầy xúc động. Đó là hoàn cảnh của gia đình bà Phan Thị Đào (SN 1950, ở xóm 2, xã Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An).
Hai mẹ con chị Đào sống trong ngôi nhà nhỏ, tồi tàn.
Bỏ nhà ra đi vì bị ép duyên?
Câu chuyện dài trên bắt đầu từ trận đói lịch sử năm 1945. “Cơn bão” ấy đã càn quét qua Nghệ An, đặc biệt là huyện Hưng Nguyên và khiến biết bao làng quê xơ xác, tiêu điều. Phải mất nhiều năm sau đó, cuộc sống của người dân mới ổn định.
Năm 1950, khi bà Đào chưa đầy năm tháng thì mẹ đẻ bà Đào (bà Phan Thị Lai) lặng lẽ khăn gói rời Hưng Nguyên (Nghệ An) xuống Vinh. Bà đi dọc theo quốc lộ 1A rồi vạ vật mưu sinh từ xã này qua xã khác. Cuối cùng, người đàn bà này dừng chân ở huyện Diễn Châu. Đến thời điểm, anh em và con cái của bà cũng không thể hiểu được vì sao bà Lai lại bỏ nhà ra đi. Có người nói là bà ôm con chạy đói. Tuy nhiên, một số người khẳng định, người đàn bà muốn đoạn tuyệt với mối tình duyên do cha mẹ sắp đặt. Cuộc ly hương này mãi mãi là ẩn số.
Sinh ra mà không có cha, ngay từ nhỏ, bà Đào đã chịu nhiều cơ cực. Hai mẹ con sống trong túp lều nhỏ dựng ở ven cánh đồng xã Diễn Thái. "Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao mẹ tôi lại bỏ làng ra đi. Mẹ không nói, bố cũng không kể cho tôi nghe. Làng xóm cũng không ai biết gì về mẹ cả. Tôi cứ tưởng mình là con ruột của bố Tâm và quê gốc là ở xã Diễn Thái, Diễn Châu", bà Đào trầm tư.
Đặt chân đến mảnh đất Diễn Thái, hai mẹ con bà Lai dạt đến chợ Chiều và mưu sinh bằng mấy bó rau muống. Nhìn thấy hai mẹ con có hoàn cảnh khó khăn, ông Phan Văn Tâm quê ở Diễn Thái, Diễn Châu cảm thấy động lòng. Những ngày tháng tiếp xúc, hai người nảy sinh tình cảm. Mặc dù ông Tâm đã qua hai đời vợ nhưng vẫn không có được một người con. Đã từ lâu, người đàn ông này khao khát trong nhà có tiếng cười trẻ thơ và chỗ nương tựa tuổi già. Dọn về chung sống với nhau, họ cùng vun đắp tổ ấm của mình. Trong đáy lòng mình, ông Tâm yêu thương bà Đào như con ruột của mình. Ông ngày đêm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Yêu vợ, người đàn ông này cũng không hỏi về quá khứ. Lớn lên, trong sự yêu thương của cha mẹ, bà Đào không hề biết ông Tâm là cha nuôi của mình.
Một thời gian sau, bà Lai bị bệnh mất. Ông Tâm đành đi thêm bước nữa. Ông kết hôn với một người phụ nữ tên là Phan Thị Lý ở làng bên. Lúc bấy giờ, ông Tâm trở thành người đàn ông nhiều vợ nhất xã Diễn Thái. Sau khi lấy bà Lý về, họ sinh được bốn người con. Vậy là qua bốn đời vợ, cuối cùng người đàn ông này cũng đã có một “đinh” để nối dõi tông đường. Bà Đào trở thành chị cả của năm đứa em nhỏ. Cuộc sống gia đình người tuy vất vả nhưng luôn rộn rã tiếng cười.
Do nhà nghèo, bà Đào phải bỏ học từ năm lớp 7. Bà đã sớm kiếm sống phải quần quật ngoài đồng, trở thành xã viên HTX xóm Tân Tiến và sau được giao làm quản lý nhà trẻ Diễn Thái. Khi bước sang tuổi cập kê, bà Đào nổi tiếng đảm đang và xinh đẹp. Mặc dù đã trả qua một vài mối tình nhưng “hữu duyên vô phận”. Các chàng trai cũng đến rồi đi một cách nhanh chóng.
Nói chuyện với chúng tôi, bà Đào cho biết: “Năm 1988, bố nuôi tôi qua đời. Lúc này, tôi vẫn sống một mình. Sau khi mẹ về bên kia thế giới, cha là người chăm sóc tôi nhiều nhất. Ông mất đi, tôi cảm thấy buồn bã vô cùng”. Để lấp đi nỗi buồn, bà Đào luôn ước ao được làm mẹ một lần. Thế rồi không biết từ đâu, năm 1990, bà Đào sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Cậu bé được đặt tên là Phan Văn Quý. Lúc sinh ra Quý, người đàn bà này phải hứng chịu không ít lời dèm pha, tai tiếng. “Mặc cho ai nói gì tôi đều bỏ ngoài tai. Nhiệm vụ lúc đó của tôi chỉ là cố gắng nuôi con khôn lớn. Hai mẹ con nương tựa vào nhau trong tiếng xì xào của người đời”, bà Phan Thị Đào chia sẻ.
Vốn là một cậu bé ngoan hiền, chăm chỉ, Quý luôn đạt học sinh tiên tiến trong 12 năm học. Hiện tại, cậu bé đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Thấy con học hành đỗ đạt, bà Đào rất vui nhưng gánh nặng lại đè trên vai người phụ nữ này. Nhà bà chỉ làm bốn sào ruộng. Mùa màng xong xuôi, bà phải đi phun thuốc, phụ hồ, buôn rau muống ở chợ Chiều... Số tiền đó bà gửi lên Hà Nội cho con theo học.
Bà Đào kể về sự thật hơn 62 năm mới được hé mở
Cuộc hội ngộ đến khó tin
Hai mẹ con sống một cuộc sống êm đềm cho đến khi bà giật mình phát hiện một biến cố trong đời. Một ngày, bà Đào đang chuẩn bị nấu ăn thì có ba người tìm đến hỏi thăm. Họ nói đang đi tìm hai mẹ con đã biệt tăm, biệt tích hơn 62 năm nay. Và từ đây những chi tiết từ quá khứ đến hiện tại được chắp nối khiến bà Đào biết rõ thân phận của mình. “Lúc mẹ còn sống bà bảo tôi rằng cụ nội gốc gác ở Hưng Nguyên. Mẹ tôi chỉ cho biết như vậy chứ chẳng tiết lộ gì thêm!", bà Phan Thị Đào kể. Thấy mẹ không nói gì thêm nên trong thâm tâm, bà Đào cứ đinh ninh rằng cha quê ở Diễn Châu, mẹ ở Hưng Nguyên. Từ đây, cuộc sống của hai mẹ con bà Đào sang một bước ngoặt mới.
Vào đầu tháng 3/2012, bà Nguyễn Thị Tuấn ở xã Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên) ra Diễn Thái tìm mộ của một người chú mất ở Diễn Châu. Trong lúc vào nghĩa trang tìm mộ chú, bà Tuấn chợt nhìn thấy tấm bia ghi tên người quá cố là Phan Thị Lai quê Hưng Phú, Hưng Nguyên, cùng xã với bà. Ngờ ngợ là người quen, bà Tuấn vào làng hỏi về tung tích, nhân thân người nằm dưới mộ. Bà Tuấn ngã ngửa khi biết rằng đó chính là bà Lai, vợ của ông Nguyễn Đình Cúc. Người đàn bà này đã bỏ nhà chồng đi biền biệt 62 năm nay. Khi còn sống, ông Cúc trú tại xã Hưng Khánh. Lập tức, bà Tuấn trở về quê đem chuyện này kể cho mọi người nghe.
Trước đó, sau khi gặp được bà Đào, bà Tuấn mới bắt đầu kể ra hết sự thật hơn 62 năm về trước. Bà Tuấn bảo: "Năm 1950, dì Lai ôm con nhỏ năm tháng tuổi bỏ nhà ra đi. Phía đằng nội nhiều lần cho người đi tìm nhưng không thấy. Từ đó cậu Cúc sống độc thân, không tơ vương gì đến chuyện lập gia đình!". Được biết, sau bà Lai còn có hai người em ruột Nguyễn Viết Đồng - giám đốc Ngân hàng VPBank Chi nhánh Nghệ An và Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên).
Theo lời anh ông Nguyễn Viết Đồng, tại Hưng Khánh không ai biết lý do tại sao bà Lai bỏ làng đi biền biệt. Và lạ lùng hơn nữa, những lần đưa con gái Phan Thị Đào (bà Đào lấy họ bố nuôi) về Hưng Nguyên, bà Lai không hề đặt chân đến quê chồng ở Hưng Khánh. Đến khoảng tháng 4/2012, hai người em ruột xuống Diễn Thái để tìm hiểu về sự mất tích của người chị hơn 62 năm.
Bà Đào bảo, dường như, ông bà , tổ tiên phù hộ độ trì cho bà tìm lại gốc gác quê hương. Giờ đây, mẹ con bà biết về quê nội, biết thêm về người thân. Sau mấy ngày biết tin, bà và con trai Phan Văn Quý khăn gói bắt xe vào Vinh, lên Hưng Nguyên nhận họ hàng. Cuộc đoàn tụ chứa chan nụ cười, nước mắt.
Sự thực sống lại sau 62 năm
Sau khi tìm được nhà bà Đào, họ kể cho bà nghe chính câu chuyện của mình. Nói chuyện với PV, bà Đào cảm động: “Lần đầu tiên khi nghe tin sốc này, tôi liền hỏi lại các anh các chị liệu có nhầm lẫn gì không. Bởi tôi không tin nổi vào những gì mình nghe được. Lúc đó dường như hai chân tôi muốn quỵ xuống. Bố nuôi thương bà là thế, thậm chí còn cưng chiều tôi hơn cả mấy người con đẻ nữa. Vậy mà cả hai người nhắm mắt đem theo luôn bí mật ấy xuống mồ. Nếu không có bà Tuấn thì cái sự thật đó mãi mãi chôn sâu”. Vậy là, cái bí mật tưởng chừng đã bị thời gian vùi lấp sau hơn 62 năm về trước được hé lộ.
Hà Hằng
Theo nguoiduatin.vn