Tiếng gọi của huyết thống
Năm anh em ruột con của liệt sĩ Đào Nghi Dự, người lớn tuổi nhất đã 85 tuổi, người nhỏ nhất năm nay cũng đã 66 tuổi chưa một lần được gặp nhau. Hai người anh sống giữa thủ đô Hà Nội. Qua những người thân bên dòng họ ngoại, hai người anh biết mình có ba người em gái trong Nam. Còn ba cô em gái đang ở cuối trời Tổ quốc thuộc xã Hồ Thị Kỹ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thì tuyệt nhiên không hề biết mình còn có hai người anh tập kết ra Bắc mà chỉ biết quê nội ở Quy Nhơn (Bình Định) nhưng cũng không biết chính xác ở xã nào, làng nào ? Hai người anh ở Hà Nội cũng không hề biết cha mình là liệt sĩ, bị giặc Pháp sát hại đầu năm 1946. Tất cả đều bặt tin khi ông Đào Nghi Dự được tổ chức phân công nhiệm vụ bí mật vào miền Nam.
Liệt sĩ Đào Nghi Dự hy sinh lúc ba cô con gái còn quá nhỏ, nên những biến cố do chiến tranh của gia đình bên nội khiến ông lưu cư biệt xứ vào Nam, ông chưa kịp kể lại cho các con nghe. Lớn lên trong chiến tranh, ba chị em Đào Ngọc Diệp, Đào Thị Ngân Hoa và Đào Thị Dã Hương đều tham gia kháng chiến nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình. Khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trong gia đình, ngoài cụ bà Hồ Thị Niệm (mất năm 1992) là vợ liệt sĩ Đào Nghi Dự thì cả ba người con gái cũng tự hào vừa là con liệt sĩ đồng thời cũng tự hào đã tô thêm vào truyền thống hào hùng của gia đình trong đó bà Đào Ngọc Diệp là vợ liệt sĩ (có chồng là Trần Hữu Việt hy sinh năm 1968); bà Đào Dã Hương là thương binh. Cuộc sống của những gia đình một đời theo cách mạng, sau chiến tranh chỉ ở mức ổn định chớ không dư dả nên ước muốn tìm về quê cha, đất tổ cứ lần lựa. Mơ ước vẫn chỉ là ước mơ! Tuy vậy ba chị em không lúc nào nguôi ước muốn tìm kiếm thông tin để được một lần trở về thăm quê cha, đất tổ nguồn cội của mình!
Có lẽ được sự phù hộ của người cha liệt sĩ và cửu huyền dòng họ Đào nên tình cờ, một anh bạn rất thân của người cháu rể, quê ở Bình Định biết khá rõ về dòng họ Đào ở Bình Định, đã lần tìm biết chính xác quê của ông Đào Nghi Dứ tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh (Vinh Tây), xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đầu tháng 10-2011, mối liên lạc giữa năm anh em đã được kết nối. Ba chị em họ Đào mừng vui, tự hào biết mình là cháu nội ba đời của vị minh quan - nghệ nhân Đào Tấn và càng vui mừng hơn khi biết mình còn có hai người anh ruột đi tập kết lúc nhỏ hiện đang ở tại Hà Nội. Người anh cả là ông Đào Duy Hy nguyên là cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục Đào tạo và ông Đào Duy Thăng nguyên Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.
Hiện cả năm anh em đều tuổi cao, sức yếu, thời gian không cho phép chờ đợi lâu hơn nữa, ngày 12-11-2011, ba người con gái họ Đào từ miền cuối trời của Tổ quốc – Cà Mau đến thủ đô Hà Nội thăm hai người anh trong tay ôm theo tấm bằng Tổ Quốc Ghi công liệt sĩ Đào Nghi Dự.
Cuộc hội ngộ đại hỷ như trong mơ của 5 anh em dòng họ Đào diễn ra trong căn nhà của người anh cả giữa thủ đô Hà Nội đã ôn lại những câu chuyện quá khứ buồn, vui mấy mươi năm lắng đọng! Những uẩn khúc được giải tỏa. Nhớ thương, xa cách đã được bù đắp phần nào trong một tuần ngắn ngủi năm anh em được bên nhau. So sánh lại các cột mốc lịch sử, đánh dấu biến cố lớn trong gia đình dòng họ thì mới hiểu hết những uẩn khúc mà người cha đã hy sinh lúc đó không thể giãi bày cùng vợ và các con khi ra đi. Trong những câu chuyện kể có một sự kiện đáng ghi nhớ đó là liệt sĩ Đào Nghi Dự còn có một người em Đào Nghi Phúc du học bên Pháp từ khi nhỏ. Năm 28 tuổi, ông Phúc đỗ hai bằng tiến sĩ loại ưu. Ông là người luôn bộc lộ tố chất thông minh và khí khái. Rất tiếc, ông Phúc đã chết oan uổng nơi xứ người trước ngày trở về Việt Nam và đến bây giờ, cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn. Sau khi ông Phúc chết, cũng là thời kỳ những người hoạt động cách mạng trong gia đình dòng họ Đào tại Bình Định bị bọn Pháp theo dõi gắt gao. Lúc đó, được mật báo cuả tổ chức, ông Đào Nghi Dự phải bí mật rời địa phương ngay, không kịp dặn dò, giải thích cùng vợ con. Vào Nam, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, làm phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chánh xã Tân Lợi, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, "ẩn dạng” dưới danh nghĩa thầy giáo dạy học nên mọi người quen gọi ông là thầy giáo Dự. Lúc ông bị Pháp bắt, chúng dụ ông đầu hàng, nhưng ông vẫn một mực giữ vững khí tiết. Để huy hiếp phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ, chúng lôi ông cùng ba đồng chí khác ra giữa đồng trống tra tấn, đánh đập dã man trước sự chứng kiến của nhiều người dân trong thôn, xã. Không khuất phục được ông mà còn bị ông chửi thẳng vào mặt bằng tiếng Pháp, giặc Pháp ra lệnh bẻ răng, thẻo môi, đánh đập ông dã man cho đến chết. Chúng còn canh giữ xác mấy ngày sau đến khi trương sình lên mới chịu bỏ đi. Sự hy sinh của liệt sĩ Đào Nghi Dự trở thành tấm gương yêu nước rạng ngời khí phách "uy vũ bất năng khuất” thời bấy giờ, thà hy sinh chớ không khuất phục kẻ thù.
Về lại cội nguồn
Rời Hà Nội, ba người con gái của ông Dự đã đáp máy bay vào thăm viếng quê nội ở Bình Định, nơi khúc ruột Miền Trung mang theo những món quà "đặc sản” gắn liền với các di tích lịch sử, làng nghề, địa danh thắng cảnh như Lăng Bác, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, làng gốm Bát Tràng, lụa tơ tằm Hà Đông…Tại đây, ba chị em gặp gỡ bà con thân tộc, mồ mả ông bà nhiều đời của dòng họ Đào và gặp được ông Đào Tụng Phi, ( chú bác ruột với liệt sĩ Đào Nghi Dự ) người đang quản lý khu di tích văn hoá mộ cụ Đào Tấn – Người được tôn vinh là ông tổ nghệ thuật tuồng cũng là danh nhân, một minh quan thời đó.
Ba chị em họ Đào về đến Cà Mau rồi mà lòng như còn gởi lại đại gia đình ở Hà Nội và quê hương Bình Định. Những ánh mắt, nụ cười, sự tiếp đón nồng hậu, ân tình của hai anh, các chị dâu, sui gia và các cháu đã để lại trong tâm tưởng ba chị em nhiều quyến luyến, vấn vương. Sự chia cắt do chiến tranh, giờ hội ngộ trong bối cảnh đất nước đã thanh bình là phần thưởng dành cho những số phận chấp nhận hy sinh. Cuộc đời họ gắn liền vận mệnh của Tổ Quốc mang một ý nghĩa đặc biệt. Cuộc hội ngộ của năm anh em dòng họ Đào suy rộng ra là cuộc hội ngộ của nghĩa tình Nam – Bắc ruột thịt một nhà. Bà Ngân Hoa bộc bạch: "Lần này ra Bắc, chúng tôi được viếng Lăng Bác – nỗi niềm mong ước bấy lâu. Vậy là quá mãn nguyện rồi. Giờ có theo ông bà cũng vui!”…
Trần Khánh Linh
Theo daidoanket.vn