Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cuộc hội ngộ hiếm có giữa hai nhà du hành vũ trụ Việt Nam và Bỉ
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Nhà du hành người Bỉ Frank De Winne và vợ cùng nhà du hành vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân trong cuộc hội ngộ ngày 12/3.

 

Cuộc hội ngộ hiếm có giữa nhà du hành vũ trụ Việt Nam, anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành Bỉ Frank De Winne, chỉ huy châu Âu đầu tiên trên trạm vũ trụ quốc tế ISS đã cho thấy điểm kết nối mang tên “vũ trụ” giữa họ.

Vũ trụ kết nối con người

Mặc dù anh hùng, trung tướng Phạm Tuân, người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ vào năm 1980, và nhà du hành vũ trụ Bỉ Frank De Winne, người thứ hai của Bỉ bay vào vũ trụ, và là người châu Âu đầu tiên chỉ huy một sứ mệnh trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2009, có vẻ như có sự khác biệt về tuổi tác, nhưng đam mê vũ trụ đã nhanh chóng biến họ thành hai người bạn. Cuộc gặp hiếm có của họ được sắp xếp nhân dịp Thái tử Bỉ Philippe dẫn đầu đoàn kinh tế gồm gần 300 doanh nhân thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về kinh tế, khoa học, y tế, giao thông…, mà trong đó hợp tác về vũ trụ là một trong những điểm nhấn.

Cũng không có rào cản ngôn ngữ giữa họ, tiếp nối những cái bắt tay, nụ cười, ánh mắt thân thiện, trìu mến, cả hai đã quay sang dùng tiếng Nga để trò chuyện trong niềm hứng khởi của những người đam mê vũ trụ. Cả hai ông đều biết tiếng Nga do đều có thời gian học tập và huấn luyện vũ trụ tại Nga.

Nhà du hành vũ trụ Frank De Winne đã hai lần bay vào vũ trụ và mỗi chuyến bay đã để lại cho ông những trải nghiệm khác nhau. Ông tâm sự mỗi lần bay là mỗi lần ông thấy sự hiểu biết của mình về vũ trụ hạn chế hơn và cũng thấy trái đất của chúng ta mong manh như thế nào.

Trong chuyến bay đầu tiên lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào năm 2002, ông cho biết chỉ tập trung vào công việc, thực hiện các thí nghiệm khoa học do chỉ có 10 ngày trên vũ trụ. Còn trong chuyến bay thứ hai vào vũ trụ, do thời gian làm việc trên ISS kéo dài tới 6 tháng, nên ông có cuộc sống đều đặn như ở trên trái đất, như buổi sáng ngủ dậy, tập thể dục, ăn sáng rồi mới bắt đầu làm việc, rồi sau đó nghỉ ăn trưa. Buổi tối ông và các nhà du hành khác cũng có thời gian để giải trí, đọc thư, nói chuyện với gia đình. Trong khi đó, vào dịp cuối tuần, ông và các nhà du hành dành buổi sáng thứ bảy để dọn dẹp trạm ISS, còn dành buổi chiều làm những việc chưa hoàn thành trong tuần đó, hoặc tập thể dục. Ông cũng có thể nói chuyện với gia đình qua hệ thống đàm thoại bằng video cả ngày chủ nhật.

Và điều ông nhận thấy đó là ý nghĩa nhân văn mà vũ trụ mang lại cho con người. Mỗi bữa, quanh bàn ăn trên ISS, các nhà du hành gia lại ngồi quây quần, chia sẻ đồ ăn từ các nước khác nhau. Họ cũng mang âm nhạc của nước mình lên ISS để giới thiệu cho nhau nghe.

 
Xúc động khi lần đầu nhìn trái đất từ vũ trụ

 
Cuộc hội ngộ hiếm có giữa hai nhà du hành vũ trụ Việt Nam và Bỉ
Anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành người Nga trong chuyến bay vào vũ trụ năm 1980.

Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ, khi người ta đi ra khỏi làng xã mình, thì nhớ đến cây đa bến nước, khi đi ra khỏi Việt Nam, thì nhớ đến Hà Nội thủ đô, còn khi đã vào vũ trụ, tất cả tình cảm đều hướng về trái đất. Khi đó trái đất không có biên giới, không phân biệt quốc gia, là điểm tựa tinh thần duy nhất cho các nhà du hành.

Trong chuyến bay năm 1980, nhà du hành Phạm Tuân được bay cùng nhà du hành của Nga, người đã bay vào vũ trụ vài lần. Ông đã được đồng nghiệp chỉ cho khung cửa sổ tàu và thời điểm con tàu bay qua đất nước Việt Nam. Khi đó cảm xúc dâng trào, cảm giác hồi hộp kỳ lạ dâng lên trong ông. Và bức ảnh Việt Nam từ vũ trụ đã được ông chụp trong xúc cảm như thế.

Giống như nhà du hành Phạm Tuân, nhà du hành Bỉ Frank De Winne cũng có cảm giác đầy xúc động khi lần đầu tiên nhìn ra cửa sổ tàu vũ trụ, nhìn thấy trái đất bằng chính mắt mình, chứ không phải qua ảnh. Ông thấy trái đất thật nhỏ bé, mong manh, và cũng thấy mọi biên giới đều bị xóa bỏ, chỉ có một trái đất duy  nhất.

Dám mơ ước và hiện thực hóa giấc mơ

Với hai nhà du hành vũ trụ Bỉ và Việt Nam, họ còn tìm được đồng cảm trong “triết lý” về mơ ước. Theo họ chìa khóa của thành công cho các bạn trẻ là họ dám mơ ước và hiện thực hóa ước mơ đó của mình. Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân chia sẻ, đã là thanh niên, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, ai cũng muốn được bay. Vào thời của ông, không quân Việt Nam vẫn còn nằm trong vòng bí mật, nên khi vào bộ đội, ông mới bắt đầu nhen nhóm ước mơ làm phi công. Và khi đã trở thành phi công chiến đấu, ông lại mơ ước được trở thành phi công bay trong vũ trụ. Song theo ông, điều quan trọng nhất là con người cần phải hiểu được mình như thế nào để mơ ước.

Nhà du hành Frank De Winne cũng vậy, con đường đến với vũ trụ của ông cũng bắt đầu từ mơ ước trở thành phi công. Ông đã theo học và tốt nghiệp học viện phi công để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Ông đã từng lái rất nhiều máy bay chiến đấu và cũng đã nhận được huy chương anh hùng. Và giấc mơ của ông lớn dần, từ làm phi công chiến đấu tới mơ được bay trong vũ trụ. Ông cũng đã nỗ lực hết mình, tìm mọi cách để thực hiện giấc mơ đó vào năm 2002 và 2009.
 
Không có “hạ cánh mềm”
 
 Cuộc hội ngộ hiếm có giữa hai nhà du hành vũ trụ Việt Nam và Bỉ
Nhà du hành Frank De Winne trên trạm vũ trụ ISS năm 2009.

Hai nhà du hành vũ trụ đều chia sẻ, giấc mơ bay vào vũ trụ rất đẹp, nhưng để hiện thực hóa giấc mơ đó là một hành trình dài khổ luyện, phấn đấu. Nhà du hành Phạm Tuân cho biết, trên thế giới hiện mới chỉ có hơn 1.000 phi công bay vào vũ trụ, trong đó Nga và Mỹ chiếm phần đa. Ngoài trang bị cho mình về tri thức, các nhà du hành phải rèn luyện để có sức chịu đựng cao, đặc biệt là sức chịu đựng về thần kinh, tâm lý, sẵn sàng cho những điều khác thường trên vũ trụ. Bởi vũ trũ không có trọng lượng, nên con người sống trong đó sẽ bị máu đưa lên đầu nhiều hơn (ngược với cơ chế máu dồn xuống chân dưới tác động của trọng trường khi ở trên trái đất).

Để chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ chưa đầy 8 ngày, anh hùng Phạm Tuân đã phải tập luyện trong vòng 1 năm rưỡi. Đây đã là thời gian ngắn hơn so với những người khác, do ông đã là phi công chiến đấu. Ông cho biết, ông đã phải tập nổi người trong bể nước lạnh, lên một chiếc máy bay lớn để máy bay rơi xuống với tốc độ 9,8km/s, nhằm chuẩn bị cho 9 phút chịu đựng từ lúc tàu vũ trụ được phóng đến khi bay vào vũ trụ.

Còn với du hành gia Frank De Winne, ông phải mất 4 năm chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của mình, trong đó 1,5 năm được huấn luyện về kiến thức công nghệ vũ trụ. Ông cũng cho biết do trạm vũ trụ sau này phức tạp hơn, nên các nhà du hành phải mất nhiều thời gian học tập hơn.

Đó là chưa kể đến thời gian ở trong vũ trụ, họ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong sinh hoạt cũng như nghiên cứu. Hai nhà du hành đều chia sẻ, mọi thao tác, từng hoạt động của họ trong vũ trụ đều phải được thực hiện đúng một cách tuyệt đối, bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến sứ mệnh vũ trụ của họ thất bại, gây nguy hiểm đến tính mạng của toàn đoàn.

Nhà du hành người Bỉ cho biết, cuộc sống trên ISS vô cùng khó khăn, thậm chí là trong thể dục thể thao. Vì môi trường trên ISS là không trọng lượng, nên các nhà du hành phải cố bám xuống sàn để tăng sức nặng cho mình. Khi tập đạp xe, xe và người đều bị trôi nổi.

Không những vậy, sự chịu đựng còn kéo dài đến sau khi họ trở về trái đất. Cả hai đều cười và thừa nhận rằng không hề có cái gọi là “hạ cánh mềm” như người Nga vẫn nói về các chuyến trở về trái đất. Họ đều bị lăn lông lốc  theo con tàu đến vài trăm mét khi chạm đất.

Và khi đã ra khỏi khoang tàu, họ phải mất thêm nhiều ngày nữa để làm quen lại với trọng lực trên trái đất. Đã có lúc nhà du hành Phạm Tuân cảm thấy cổ không đỡ được đầu. Còn nhà du hành Frank De Winne đã không trở được mình trên giường và cầm vật gì cũng cảm thấy nặng. Ông cũng không được lái xe sau 3 tuần và phải làm hàng loạt các xét nghiệm về cân bằng, xét nghiệm về xương. Ông cho biết phải mất 6 tháng đến 1 năm cơ thể ông mới trở lại bình thường như trước khi bay vào vũ trụ được.

Song bất chấp những gian khổ trên, cả hai đều khẳng định được bay vào vũ trụ là may mắn và là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời họ. Giấc mơ bay của họ đã trở thành hiện thực.

Vũ Quý

Theo dantri.com.vn

Các tin khác