Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cuộc hội ngộ sau 40 năm của hai người lính không cùng chiến tuyến
timnguoithatlac.vn - 27/02/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.


 

 

 

 

 

 

 

 

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai hồi tưởng lại quãng đời quân ngũ của mình

Sau chiến tranh, người lính Mỹ mang một sang chấn tâm lý nặng nề và muốn làm một điều gì đó đền đáp cho mảnh đất Việt Nam. Số phận run rủi cho ông được gặp lại người lính đã thoát chết thần kỳ trong trận càn ông từng tham gia.

Câu chuyện về cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa một người lính Mỹ và một người lính Việt Nam của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 - đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Hơn hai năm, thượng tá Tiến cũng chỉ nhớ được người cựu chiến binh đó quê ở xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An). Chỉ với cái tên Nguyễn Văn Hai - tên người lính ấy, quanh quẩn gần cả buổi chiều, chúng tôi mới tìm được đến nơi cần đến. Nhà ông Hai ở xóm Ngọc Thượng - một xóm đạo ở xã Công Thành.

Bước sang cái tuổi 76, lại do di chứng chất độc da cam và căn bệnh hở van tim độ 3 khiến ông Nguyễn Văn Hai không còn khỏe mạnh. Thế nhưng ký ức về quãng thời gian trong quân ngũ vẫn được ông kể tường tận như thể nó mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.

Năm 1958, ông Hai cùng người anh trai của mình đăng ký đi bộ đội nhưng chỉ mình anh trai ông được thỏa ý nguyện. Quyết nuôi chí lên đường đánh giặc cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hai hăng hái tham gia các hoạt động đia phương. Năm 1963, người thanh niên công giáo này được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng trong năm này, Hai nhận được quyết định lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Quân khu 4.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai hồi tưởng lại quãng đời quân ngũ của mình
Ông Nguyễn Văn Hai (thứ 2 từ trái qua) và Wayne Karlin (ngoài cùng bên phải) tại cuộc gặp gỡ sau hơn 40 năm

Sau 3 tháng huấn luyện tại đơn vị pháo 85ly, Nguyễn Văn Hai được cử đi học lái xe. Hoàn thành khóa học lái xe, sau chuyến hàng đầu tiên tiếp viện cho bộ đội ta đóng quân trên đất Lào thì sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra, Hai trở về đơn vị cũ, kéo pháo xuống Cửa Lò tham gia bảo vệ vùng biển trời quê hương. Từ Cửa Lò, tiểu đoàn pháo binh 23 - Quân khu 4 hành quân vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) tham gia chặn đánh sự đổ bộ của địch từ Nam vĩ tuyến 17 sang bờ bắc sông Hiền Lương.

Kết thúc chiến dịch số 4 ở Vĩnh Linh, Nguyễn Văn Hai được chuyển qua tiểu đoàn 11, E164, Quân khu 4 và được lệnh hành quân vào Quảng Nam - Đà Nẵng để tham gia chiến dịch Mậu Thân. “Đến Tây Nguyên thì đường bị phá hỏng, không thể tiếp tục hành quân, đơn vị tôi được lệnh tham gia đánh chiếm cứ điểm Plây Cần (Kon Tum) và tiêu diệt được một số hỏa lực địch. Tuy nhiên, do lực lượng địch quá mạnh, chúng tôi được lệnh rút lui. Suốt mùa mưa 1968-1969, chúng tôi mắc kẹt ở Tây Nguyên và phải giấu xe trong rừng nhằm tránh sự phát hiện của địch.

Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, đơn vị chúng tôi được lệnh tổ chức trận địa pháo chặn đứng các cuộc càn quét của ngụy quân cùng biệt kích Mỹ ở Plây Veng. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ lái xe chỉ huy. Chiếc xe bị địch đánh hỏng hoàn toàn, tôi cùng một đồng chí cán bộ và thợ máy may mắn sống sót. Đồng chí cán bộ được cử về đơn vị báo cáo nhưng giữa đường bị địch bắn chết. Riêng đồng chí thợ máy bị thương nặng. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải để xe lại giữa rừng cùng toàn bộ tư trang, hành lý của mình và đồng đội, vác cậu thợ máy lên vai, quàng 2 khẩu súng lên ngực, vượt núi tìm về đơn vị”, ông Hải kể.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hai hồi tưởng lại quãng đời quân ngũ của mình
Tấm giấy phép lái xe của ông Nguyễn Văn Hai đã được cựu chiến binh Mỹ Wayne Karlin cất giữ suốt hơn 40 năm trước khi tìm và trả lại cho chủ nhân của nó

Chính ông không ngờ, việc ông quyết định bỏ lại tư trang đã dẫn ông tới cuộc hội ngộ của hơn 40 năm sau đó với một người lính biệt kích Mỹ. Sau khi ông Hai cùng người thợ máy thoát khỏi vùng mai phục của địch thì chiến sỹ Hoàng Đình Đảm (quê Thái Bình) - là trinh sát của trạm phẫu mặt trận Tây Nguyên - lọt vào ổ phục kích. Sau khi bắn chết Hoàng Đình Đảm, Homer - người lính biệt kích Mỹ đã lấy toàn bộ tư trang, giấy tờ của Đảm cùng chiếc ba lô của ông Hai làm chiến lợi phẩm.

Homer đã đưa toàn bộ số kỷ vật chiến tranh kia về Mỹ nhưng ký ức kinh hoàng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã khiến ông bị sang chấn tâm lý nặng nề. Được sự động viên của người mẹ, thông qua Hội cựu chiến binh Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Homer đã tìm cách trả lại những kỷ vật nói trên cho những người đã từng đứng ở phía bên kia chiến tuyến.

Tấm bằng lái xe của ông Nguyễn Văn Hai được một số tờ báo đăng tải cùng với thông tin người cựu binh Mỹ muốn trả lại các kỷ vật chiến tranh. Chính thượng tá Nguyễn Thị Tiến đã cất công tìm ông Hai và tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa 2 người lính đã từng đứng ở 2 phía đối đầu nhau.

“Đó là một ngày cuối năm 2011, tôi được chị Tiến mời tới nhà chơi và hứa sẽ cho tôi một bất ngờ lớn. Khi tôi đang ở tầng 2 đi xuống thì thấy một người nước ngoài cao to chạy tới ôm chầm lấy. Người ấy khóc nức nở, luôn miệng nói xin lỗi. Sau này tôi mới biết, đó chính là người đã lấy đi toàn bộ tư trang, giấy tờ của tôi, bao gồm giấy phép lái xe, giấy công nhận dũng sỹ diệt Mỹ và một số giấy tờ khác”, ông Hai kể tiếp.

“Trước đây, tôi và Homer là kẻ thù của nhau, dù chúng tôi chưa từng chạm mặt. Và nếu như ngày đó, nếu không rời trận địa để cứu anh thợ máy, biết đâu chính Homer đã bắn chết tôi như từng bắt chết Đảm? Nhưng Homer cũng chỉ là lính đánh thuê. Ông ấy là một nông dân nghèo và hoàn toàn không muốn cầm súng để giết đồng loại của mình. Chiến tranh buộc họ phải thế và chính Homer cũng đã phải trả giá bằng những hối hận, day dứt suốt hơn 40 năm qua.

Bức ảnh của sự tha thứ của hai người lính đã từng ở hai phía chiến tuyến
Bức ảnh của sự tha thứ của hai người lính đã từng ở hai phía chiến tuyến

Ông ấy đã khóc, đã nói lời xin lỗi, đã tìm và trao lại những kỷ vật của những người lính bên kia chiến tuyến, dù sao đó cũng là một cách để chuộc tội, để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn mình, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng. Con người ta sẽ thấy hạnh phúc hơn nếu như biết tha thứ, dù đó đã từng là kẻ thù, đã từng cướp bao nhiêu sinh mạng của đồng đội mình. Còn với tôi, được nhận lại những kỷ vật của mình từ một người đã từng là “địch” và trở về một cách lành lặn sau cuộc chiến, đó cũng là một may mắn lớn”, ông Hai tâm sự.

Sau cuộc gặp gỡ với ông Hai, Homer đã thực hiện được ước nguyện tìm mộ và trao trả toàn bộ kỷ vật của liệt sỹ Hoàng Đình Đảm cho gia đình. Chính trí nhớ của ông Hai về địa điểm chiếc xe bị đốt cháy đã giúp Homer cùng các thành viên trong đoàn tìm ra nơi an táng của liệt sỹ Hoàng Đình Đảm. Và tờ giấy phép lái xe do Homer trao trả cho ông Nguyễn Văn Hải đã được gia đình liệt sỹ Đảm xin giữ lại để làm kỷ niệm.

Còn ông Hai, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, năm 1985, ông về hưu với hàm đại úy. Về địa phương, người lính năm xưa tiếp tục cống hiến cho các phong trào địa phương và đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Công Thành 2 khóa liền. “Cả cuộc đời tôi đã cống hiến cho Đảng (năm nay ông Hai đã có 50 năm đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam), cho Tổ quốc. 50 năm theo Đảng, tôi vẫn được Đảng, được quần chúng nhân dân tin yêu đó là điều hạnh phúc lớn nhất cuộc đời mình”, ông Hai tâm sự.

Hoàng Lam

Theo dantri.com.vn

Các tin khác