Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương vừa chia sẻ những thông tin liên quan cuốn nhật ký và các kỷ vật được cho là của một nữ liệt sĩ tuổi đôi mươi (tự xưng là M) đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Quyển nhật ký và những kỷ vật được cho là của nữ chiến sĩ M. luôn mang theo bên mình trong cuộc chiến gần nửa thế kỷ trước. Ảnh: Nguyệt Triều.
Quyển nhật ký đóng từ những tờ giấy men có tiêu đề "Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh" được chủ nhân ghi trân trọng ở trang đầu. Trong 35 trang viết, chị luôn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng son sắt hướng về Đảng, về Bác Hồ. Trang đầu tiên viết tháng 12/1962, trang cuối là ngày 20/10/1966 - được cho là ngày chủ nhân quyển nhật ký hy sinh.
Ông Huỳnh Văn Sáng (72 tuổi, ở xã Tân Mỹ, Tân Uyên, Bình Dương), người tìm thấy cuốn nhật ký cho biết, năm 1963 - 1966, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở trận càn lớn vào Chiến khu D, xã Tân Mỹ là một trong những vùng đệm, nơi xảy ra những cuộc chiến khốc liệt nhằm giằng co chiếm từng mét đất. Cả hai bên đều mất mát rất lớn, nhưng cuối cùng phần thắng thuộc về lực lượng cách mạng.
Ông lão 72 tuổi tự nhận đã tham gia chôn cất hai liệt sĩ tên Anh và Cần hy sinh trong trận càn của quân địch, tại khu đất mộ của gia đình năm 1963. Năm 1966 ông và nhiều người dân lại chung tay tiễn 6 chiến sĩ khác về yên nghỉ tại đây.
3 năm trước, một người đã mua khu đất nhà ông rồi tự ý san phẳng mồ mả của gia tộc khiến ông không thể xác định được vị trí các ngôi mộ. Do khu đất rộng 5.000 m2 có chỗ trũng, chỗ cao nên máy ủi vô tình đào xới cả những phần mộ của các liệt sĩ. Và đó cũng là cơ duyên để ông tìm thấy quyển nhật ký này.
Lúc nghe tin khu mộ bị san lấp trái phép, ông lão thất thập chạy đến nơi thì thấy hàng chục ngôi mộ của gia tộc đã bị san phẳng. Trước đó trời vừa đổ cơn mưa lớn, nước chảy xối xả làm dưới vũng bùn lộ một túi nylon. Ông tò mò nhặt lên thì thấy bên trong có quyển nhật ký và một số hình ảnh.
Quyển nhật ký có kẹp ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi, biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của tuổi trẻ yêu nước thời chống Mỹ. Ảnh: Nguyệt Triều
"Do vị trí chôn cất các liệt sĩ được xác định theo các phần mộ của gia tộc, nên khi bị san phẳng tôi không thể xác định được vị trí mộ người thân trong gia tộc và cả của các liệt sĩ. Nhiều năm tôi tìm nhà ngoại cảm để xác định từng phần mộ nhưng không có kết quả", ông Sáng nói giọng buồn buồn.
Theo nội dung quyển nhật ký, nhiều người cho rằng, tác giả là một Đảng viên, giáo viên trẻ vừa ra trường. Trong đó có đoạn: "Tháng 12/1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học, vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, ngoại nhắn lời nhắn nhủ hữu ích của cậu, mình cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con gái ngoan của ba má, người con ưu tú của Đảng..."
Hay ngày 13/9/1966, chủ nhân nhật ký viết về niềm vui khi nhận được thư của "anh Quang ruột thịt". "Qua lời khuyên bảo, dặn dò của anh, mình khắc ghi mãi trong lòng là phải đặt tập thể trước, cá nhân sau... Anh ơi! Em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú...".
Nhiều người cho rằng, từ "ba má" chị viết trong nhật ký có thể thấy quê của chị M. ở Nam bộ, rất có khả năng là ở Cần Thơ vì có đoạn: "Ngày 20/11/1965, biên thư cho người thân ở Cần Thơ, mong hồi thư lắm..."
Những bức ảnh đi kèm quyển nhật ký. Ảnh: Nguyệt Triều.
Ngoài việc giãi bày nỗi nhớ gia đình, tác giả nhật ký còn thể hiện nỗi khát vọng của tuổi trẻ, tinh thần yêu nước của người chiến sĩ cách mạng. Ngày 1/1/1965, chị viết: "Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bạn bè, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến..."
Cô gái còn tự nhủ với lòng phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù hay trước mặt kẻ thù không do dự. "Qua lời kể của chú Năm, M. soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý cách mạng. Ta nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - Vì Tổ quốc"; "Vâng M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm lại mình, M. thấy còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ".
Ngoài ra, quyển nhật ký có đoạn tác giả luôn tự bảo phải "sống và chiến đấu như anh Nguyễn Văn Trỗi" và kẹp theo tấm ảnh anh Trỗi, biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của tuổi trẻ yêu nước bấy giờ.
Lẫn trong quyễn nhật ký chiến trường còn có những bài thơ mộc mạc, giản dị đầy tình cảm. Như ngày 17/10/1966, M. viết tặng H., người em cùng quê:
"Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì / Rộn ràng phấn khởi hay sầu bi / Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng / Miền Nam ta giải phóng tự do / Cùng nhau vui hát bài ca thanh bình / Em hỡi sao em không nói / Nói đi em chị lắng nghe đây / Nghe em kể lại những ngày..."
Theo Ban tuyên giáo Bình Dương, khi công bố nội dung quyển nhật ký và những kỷ vật được cho là của các liệt sĩ, cơ quan này mong muốn có thể tìm ra danh tính, người thân của tác giả để trao lại cho họ.
Nguyệt Triều
Theo vnexpress.net