Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cuốn sổ và hành trình lưu lạc hơn 40 năm
timnguoithatlac.vn - 30/01/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một trang trong cuốn sổ ghi chép của ông Mai Trung Thành. Ảnh: Văn Phi.

“Tôi coi đây là một kỷ niệm sâu sắc và hiếm có. Tôi đã nhận lại cuốn nhật ký mà tôi viết cách đây hơn 40 năm trong thời gian chiến đấu gian khổ, hy sinh ác liệt ở chiến trường…”. Đây là những dòng thư gửi ông Jack Murray, một CCB Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam của ông Mai Xuân Thang (bí danh Mai Trung Thành), nguyên chiến sĩ pháo binh Trung đoàn 38 sau khi ông nhận lại cuốn sổ ghi chép bị thất lạc trong chiến tranh ngày 10-10-2007...

Thông qua Thượng tá Phạm Văn Phi, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm và quản lý nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nơi đang lưu giữ cuốn sổ, chúng tôi kết nối được với CCB Mai Trung Thành, hiện đang sống tại thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú (Gia Viễn, Ninh Bình). Ông kể: “Tôi viết những dòng chữ đầu tiên vào cuốn sổ này đúng vào dịp Xuân Bính Ngọ 1966 và dùng nó như một cuốn nhật ký ghi chép những ký ức của mình. Trong một lần chiến đấu khoảng đầu tháng 7-1966, cuốn sổ bị thất lạc. Tôi những tưởng không bao giờ tìm được. Thật không ngờ nó lại ở trong tay một người lính Mỹ”.

Cầm trong tay “tài sản” của mình bị “mất”, ông Thành khẳng định nó còn nguyên vẹn: “Không ngờ người lính Mỹ ấy sau khi lượm được đã cất giấu, gìn giữ, bảo quản khá chu đáo. Từ gáy sách, tem ảnh đã long rời vẫn còn nguyên màu mực, nếp gấp”. Cuốn sổ được ghi chép chân thật, tỉ mỉ về cuộc đời trận mạc, những suy nghĩ, hoài bão của một thanh niên buổi đầu trong quân ngũ. “Buổi đầu vào bộ đội sao mà tôi cảm thấy nhớ nhung đến thế. Nhớ nhà, nhớ mẹ, em và nhớ quê hương làng xóm, nhớ mái trường nhỏ bé hằng ngày cùng các bạn cắp sách đến trường. Nhớ tất cả những gì gần gũi nhất”. Nỗi nhớ thương ấy khiến người lính trẻ ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng rồi “những buổi tập tành vui thú, sự an ủi của đồng đội và thủ trưởng đơn vị làm tôi thấy an tâm công tác. Tôi dần quen với tác phong, điều lệnh, kỷ luật quân đội và cảm thấy mến phục”.

Ngày 19-3-1965, sau hơn một tháng huấn luyện, Mai Trung Thành xuống đơn vị chiến đấu dù “chưa biết vào binh chủng nào và làm gì”. Sau này khi biết bản thân đi chiến đấu ở chiến trường trong đơn vị pháo 12,7mm, ông cùng đồng đội luôn dặn lòng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những cái tên như Xuân, Nam, Đức được ông nhắc đến trong cuốn sổ với lời hứa “bắn sao cho trúng để trả thù cho đồng bào và đồng đội đã hy sinh”. Lời hứa ấy theo ông suốt những năm tháng trong quân ngũ. Mỗi lần đi đánh trận là một lần cảm tử, cái sống, cái chết liền kề trong gang tấc nhưng ông và đồng đội vẫn sẵn sàng. Xen lẫn trong bước chân trận mạc của anh lính Mai Trung Thành là những bức tranh, bài hát và cả những vần thơ được chủ nhân chép lại hoặc tự sáng tác. Cảm xúc chân thành dàn trải qua mỗi trang viết như làm đẹp thêm tâm hồn của người lính trận: “Vì yêu quê ta đã thành chiến sĩ/ Trên tuyến đầu diệt Mỹ xâm lăng/ Ta gửi lại quê hương ta tất cả/ Mái tóc thơm man mác dịu tâm hồn/ Chồng sách nặng bảy năm ta ấp ủ…”.

Đặc biệt, có một không khí Tết “sôi nổi” trên chiến trường chiếm một phần khá dài trong cuốn sổ: “Thế là cái Tết mới mẻ, đầu tiên trong quân đội đã đến với tôi và cũng là cái Tết xa gia đình đầu tiên, xa cái tổ ấm mà hàng ngày thường nuôi dưỡng tôi. Đơn vị tổ chức đầy đủ như ở nhà: Bánh chưng, giò, kẹo thôi thì đủ loại, còn có phần phong phú hơn. Tôi cũng cảm thấy nhớ nhung nhưng vì nhiệm vụ của Đảng, của Tổ quốc giao cho, hãy tạm gác cái tình cảm riêng tư đó lại và đặt quyền lợi tập thể lên trên hết và quyết tâm ở lại chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ với đơn vị… Cái Tết đầu tiên trong bộ đội sao tôi thấy nó vui vẻ và phấn khởi đến thế. Nhiều tiết mục văn nghệ rất đặc sắc và vui thú được đưa ra biểu diễn...”. Và anh lính quyết đem sức xuân ấy vào chiến đấu: “Xuân này nơi chốn xa xôi/ Gửi về quê mẹ những lời thiết tha/ Xuân về đào lại nở hoa/ Ta đi quyết giữ quê nhà yên vui…”.

Jack Murray, người lính Mỹ vô tình có được kỷ vật của một chiến sĩ giải phóng trong chiến tranh đã trực tiếp hơn một lần trở lại Việt Nam, rồi thông qua các đoàn CCB Mỹ và nhiều tổ chức khác nhau tìm kiếm chủ nhân của cuốn sổ ghi chép. Phải mất hơn mười năm sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ, vật mới về với chủ. Trong thư gửi cho Jack Murray, ông Mai Trung Thành có viết: “Cuộc chiến đã kết thúc, hai nước trở lại quan hệ bình thường. Tôi và ông được trở về với gia đình, đó là điều may mắn và hạnh phúc”.

Ngay sau khi nhận lại cuốn sổ, ông Mai Trung Thành đã gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật để giáo dục truyền thống đối với thế hệ mai sau về một thời “vào sinh ra tử’ mà luôn “rực lửa anh hùng” của những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

BÍCH TRANG

Theo qdnd.vn

Các tin khác