Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Cựu binh Úc và 38 ký họa bộ đội Việt Nam
Bionet Việt Nam - Derrill De Heer - cựu binh vừa mang từ nước Úc sang Việt Nam 38 bức phác thảo bộ đội cụ Hồ để tìm tác giả của nó. Tác giả của 38 bức phác thảo là ai cũng như cuộc đời đầy duyên nợ với Việt Nam của Derrill là câu chuyện dài chưa có hồi kết...

 

 

Những bức phác thảo bộ đội Việt Nam mà Derrill De Heer đang lưu giữ.

Dự án Liệt sỹ Việt Nam của cựu binh Úc

Derrill De Heer cao lớn, gương mặt hiền. Ông nói về những năm tháng tham chiến ở miền Nam Việt Nam: “Năm 1970 tôi là một người lính chuyên nghiệp, làm việc ở căn cứ chính của quân đội Úc ở miền Nam Việt Nam, tham gia vào hoạt động chiến tranh tâm lý. Chúng tôi giải thích cho người dân hiểu cái gọi là “quyền lợi” mà họ nhận được nếu quay lại ủng hộ chính quyền Sài Gòn lúc ấy. Chúng tôi phát tờ rơi, nói qua đài phát thanh, lợi dung tâm lý mê tín của người dân để thay đổi thái độ của họ đối với chính quyền Sài gòn, quân Mỹ và đồng minh”.

Derrill De Heer đã tham gia nhiều cuộc hành quân và trong một trận chiến ở Bình Ba, Bà Rịa Vũng Tàu ông gặp người cha của một bộ đội vừa bị quân Úc giết ở làng chài Phước Hải.

Người đàn ông đến làng chài Phước Hải chỉ mong nhận được thi thể con trai mình. Giữa đất cát đang bị cày xới, Derrill De Heer và người cha đã dùng tay không của mình đào bới để tìm xác những người lính. Đào bới đến toé máu và thi thể bộ đội đầu tiên được tìm thấy lại chính là con trai của người cha ấy.

Derrill De Heer nhớ lại: “Cho đến tận bây giờ tôi không thể nào quên được nét đau buồn trên gương mặt người cha. Những năm tháng ở chiến trường miền Nam Việt Nam cứ ám ảnh tôi mãi...”

Có lẽ nỗi ám ảnh đó cũng là một nguyên cớ để Derrill De Heer tình nguyện làm việc ở nhóm dự án Liệt sĩ Việt Nam thuộc trường Đại học Tổng hợp New South Wales kết hợp với Học viện Quốc phòng Úc, (PO Box 7916, Canberra BC ACT 2610 Úc, Điện thoại: +61 2 6268 8848, Fax: +61 2 6268 8879, Điện thoại di động: 0414 574 605 ). Dự án đó thực hiện được 6 năm nay.

 "38 bức phác thảo được vẽ bằng chì than, hình họa rất vững. Tác giả của nó chắc chắn phải được đào tạo bài bản về mỹ thuật." - Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Một ngày tháng tư năm 2012, Derrill De Heer tìm đến Trung tâm thông tin về Liệt sỹ (MARIN) ở Hà Nội và trao một tập tài liệu ghi cụ thể nơi chôn cất liệt sỹ Việt Nam.

Tài liệu này được nhóm dự án liệt sỹ Việt Nam của trường Đại học Tổng hợp New South Wales dày công tìm kiếm, ghi thông tin ngày, tháng, nơi diễn ra hơn 4.000 cuộc đụng độ lớn nhỏ giữa quân đội Australia và quân đội nhân dân Việt Nam cũng như số quân nhân Việt Nam tử trận, gồm hơn 3.905 liệt sĩ (Trong chiến tranh, quân đội Australia thường chôn cất quân nhân Việt Nam tử trận ngay tại nơi diễn ra đụng độ).

Ngoài ra, người cựu binh Úc còn trao một danh sách 500 liệt sỹ với tên tuổi ngày giờ hy sinh tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Một tờ báo của Úc đã đăng bài về những việc làm của Derrill De Heer cũng như dự án liệt sỹ Việt Nam.

Một cựu chiến binh Úc đọc bài báo đã liên hệ với nhóm Derrill De Heer nhờ tìm thân nhân hoặc chủ nhân của cuốn Sơ yếu lý lịch có tên là Phan Thanh Nhơn.

Khi hay tin, Derrill De Heer đã lái xe 700 cây số để tìm gặp người cựu binh ấy. Để rồi đầu tháng 3-2012, Derrill đã mời MARIN tham dự cuộc trao di vật đầu tiên đầy cảm động này cho mẹ của liệt sĩ Phan Thanh Nhơn là bà Nguyễn Thị Hiếu - đang sống tại Đồng Nai.

Sau sự kiện này, song song với việc tìm thông tin về nơi chôn cất chiến sĩ VN, phía Úc đã phát động toàn nước Úc tìm và trao trả di vật cho phía Việt Nam. Một ngày nọ, nhóm của Derrill De Heer đã phát hiện ra 38 bức phác thảo bộ đội Việt Nam.

Ai là tác giả của 38 bức ký họa?

Tôi cầm trên tay tập phác thảo trên giấy đã hơi ngả màu vì thời gian nhưng nét bút vẫn còn rõ đến từng chi tiết. 38 bức phác thảo vẽ các cảnh sinh hoạt, họp chi bộ, pha trà, bắn súng đánh máy... của bộ đội Việt Nam.

Những bức ký họa rất sinh động mà nhìn vào đó có thể hình dung rất rõ cuộc sống của người lính.

Derrill De Heer làm việc với MARIN
Derrill De Heer làm việc với MARIN.

Khi tôi đưa 38 phác thảo này cho hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền, bà lật từng bức, xem rất kỹ và nhận xét: “38 bức phác thảo được vẽ bằng chì than, hình hoạ rất vững, tác giả của nó chắc chắn phải được đào tạo bài bản về mỹ thuật. Những cảnh vẽ trong đó là sinh hoạt của một đơn vị bộ đội chắc phải cỡ trung đoàn”.

“Thưa hoạ sỹ, bà có nghĩ rằng tác giả của 38 bức phác thảo là một sinh viên của trường Mỹ thuật Hà Nội?”

“Rất có thể là như vậy. Trong khoá học của tôi ở trường Mỹ thuật Hà Nội, có hai người bạn xung phong vào bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã hy sinh. Một trong hai người đó là liệt sỹ nổi tiếng Hoàng Thương Lân. Tôi nghĩ nếu công bố 38 bức phác thảo này, có thể sẽ tìm được tác giả của nó”, hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

38 bức phác thảo được tìm thấy như thế nào?


Sau trận chiến ngày 18-8-1966 tại Long Tân – phía Nam thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu (Long Tân là trận đánh rất lớn có sự tham gia của quân đội Hoàng gia Úc). Phía Úc thu được rất nhiều tài liệu của chiến sĩ Việt Nam. Tất cả đều được gửi về Cục tình báo của Hoa Kỳ (vì Úc chỉ là đơn vị đồng minh nên không được giữ).

Theo ghi nhận của phía Úc và Việt Nam, đây là một trận đánh lớn, phía Việt Nam có 2 lực lượng tham gia gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương: Bộ đội chủ lực là Trung đoàn 275 (1 trong 3 trung đoàn của sư đoàn 5 - sư đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ). Bộ đội địa phương của Bà Rịa gồm 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 445 và tiểu đoàn 440.

Cũng theo ghi nhận từ phía Úc trong ngày giao tranh đó có 397 lính Việt Nam hy sinh. Theo tài liệu của MARIN, riêng Trung đoàn 275 có 175 chiến sĩ hy sinh ( có 44 chiến sĩ miền Bắc, còn lại là người Nam Bộ).

Trong trận chiến này, phía Úc, thu thập được nhiều tài liệu của bộ đội Việt Nam, trong số đó có 38 bức phác thảo. Tất cả những tài liệu này đều được gửi về Cục tình báo của Hoa Kỳ ( vì Úc chỉ là đơn vị đồng minh nên không được giữ).

38 bức phác thảo sau đó đã lưu lạc thế nào không rõ, chỉ biết rằng hiện nay chúng đang được Derrill De Heer lưu giữ với mong muốn tìm lại tác giả (nếu còn sống) hoặc gặp được thân nhân để trao trả.

Phùng Nguyên

Theo tienphong.vn

Các tin khác