Dù ở tuổi 75, ông Mai Văn Lệ, thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) vẫn miệt mài đi tìm mộ đồng đội. Suốt 18 năm lặn lội tìm kiếm khắp các chiến trường xưa, ông đã mang lại niềm vui cho hàng trăm gia đình thân nhân các liệt sĩ.
Ông Mai Văn Lệ chỉ sơ đồ an táng liệt sĩ Nguyễn Hữu Dốp.
Năm 1959, nghe theo tiếng gọi tổ quốc, ông nhập ngũ vào Nam chiến đấu và được phân về đơn vị Sư đoàn 2, Quân khu 5, sau đó chuyển sang Trung đoàn Đặc công, rồi chuyển về Cục Chính trị quân khu. Đơn vị ông chiến đấu trên một vùng trải rộng từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum. Chiến tranh mỗi ngày càng thêm ác liệt, đơn vị nhiều người anh dũng hy sinh, chính ông đã tự tay chôn cất hàng trăm liệt sĩ.
Hòa bình trở lại, ông xuất ngũ trở về quê hương nhưng những lời dặn dò của nhiều đồng đội trước lúc nhắm mắt vẫn luôn văng vẳng bên tai: “Mai sau khi đất nước độc lập, thống nhất rồi, nhờ cậu hãy báo về gia đình chỉ giúp chỗ tớ nằm để đưa thi hài về quê hương, tớ muốn được gần bố mẹ”.
Ông kể, khi chôn cất liệt sĩ để thuận tiện cho việc trở lại tìm mộ sau này, ông lấy bút chép đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, quê quán, đơn vị, và dùng đồ vật để đánh dấu. Lấy cuốn sổ bạc màu dày cộp, lật giở từng trang giấy khi những nét mực đã mờ nhòa, ông cho biết cuốn sổ này ghi nơi an nghỉ của hơn 500 liệt sĩ trên khắp cả nước. Với phần mộ được đưa về nghĩa trang, ông ghi rõ dãy, hàng và số thứ tự, còn mộ liệt sĩ nào vẫn chưa được quy tập thì dành riêng một trang để vẽ lại sơ đồ nơi các anh an nghỉ.
Cứ sau mỗi chuyến đi, ông lại tranh thủ ghi thêm những mộ liệt sĩ mới ở nghĩa trang rồi viết thư báo tin về gia đình. Có không ít cánh thư gửi đi nhưng bị trả lại bởi nhiều địa chỉ đã thay đổi, không nản lòng ông lại nhờ các cơ quan báo, đài Trung ương đăng tin về thông tin liệt sĩ. Hiện nay, ông đang cộng tác chặt chẽ với Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân và mục “Nhắn tìm đồng đội” của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Suốt 18 năm lội suối, băng rừng, ông trực tiếp đi tìm 194 mộ liệt sĩ và viết thư chỉ địa điểm 389 mộ. Tuổi mỗi ngày một cao, sức khỏe cũng dần giảm sút, cả tháng trời phải ăn ngủ trong rừng sâu nhưng lòng nhiệt huyết với đồng đội trong ông chưa bao giờ tắt.
Trong những chuyến đi, kỷ niệm mà ông nhớ nhất là lần đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Dốp quê ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ, hy sinh tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Bao nhiêu năm qua, gia đình liệt sĩ Dốp đi tìm nhiều nơi nhưng không có kết quả. Ngày nhận được thư của ông, họ vui mừng khôn xiết và ngay lập tức cùng ông lên đường vào Quảng Nam. Mộ liệt sĩ Dốp nằm trên đỉnh núi cao, ông phải cùng mọi người đi từ tờ mờ sáng đến tận 2 rưỡi chiều mới tới nơi.đến đặc điểm mộ liệt sĩ trồng bên một cây lim cổ thụ. Mọi người hì hục đào, khi chiếc bi đông nước lộ ra làm ai cũng òa lên khóc vì đã tìm thấy anh.
Còn lần tìm liệt sĩ Cao Viết Lợi, quê Yên Thành, Nghệ An, hy sinh tại xã Cà Dy, Nam Giang, Quảng Nam, ông tưởng chừng phải bỏ cuộc. Ngày đồng đội nằm xuống, sợ bị “lạnh” ông đã cho liệt sĩ nằm vào trong mảnh nilon, đồng thời chôn hai hòm khóa đạn cách đó 1m làm kí hiệu. Hôm trở lại, người dân đến ở xây nhà nhiều nên càng khó khăn trong việc định hướng. Được sự giúp đỡ của nhân dân quanh vùng, sau 5 ngày tìm kiếm, mọi người cũng tìm thấy hài cốt. “Thương các anh vẫn còn nằm ở nơi rừng sâu, núi thẳm, còn hơi thở tôi sẽ còn tiếp tục đi tìm để đưa các anh về quê”, ông Lệ ngấn nước mắt khi di nhìn ảnh đồng đội.
Thông tin phụ
Danh sách các liệt sĩ tại Hà Nội do người thân đã thay đổi địa chỉ nên những bức thư ông Lệ gửi bị trả lại. Nếu ai là thân nhân của những liệt sĩ trên hãy liên hệ: ông Mai Văn Lệ, ĐT: 01684887402.
1. Liệt sĩ: Nguyễn Hữu Dũng.
Sinh năm: 1953.
Hy sinh: 16/6/1972.
Quê quán: 64 Yết Kiêu, Hà Nội;
2. Liệt sĩ: Vũ Chí Dũng.
Hy sinh: 12/1971.
Đơn vị: K9 - E66 - F320.
Quê quán: Số nhà 22, Phan Huy Ích, Hà Nội;
3. Liệt sĩ: Nguyễn Ngọc Cường.
Sinh năm: 1951.
Hy sinh: 21/8/1970.
Quê quán: 37 Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nguyễn Sáng
Theo cand.com.vn