Hôm ấy, hoàng hôn buông rất chậm, rất chậm. Dùng dằng như muốn níu lại một buổi chiều đầy kỉ niệm.
Khoảng hơn ba giờ chiều ngày 21 tháng 10 năm 2012, chiếc xe của đoàn làm phim Đài truyền hình Vĩnh Long, dừng lại ở một quán nhỏ bên đường, chỉ còn cách địa phận ấp Đá Biên vài cây số. Vợ chồng chủ quán còn trẻ, hỏi chúng tôi, có phải vào Đá Biên quay phim ở Miếu Bắc Bỏ không. Tôi hỏi lại, làm sao anh biết chúng tôi vào Đá Biên. Cả hai vợ chồng đều cười và nói, mấy năm nay, năm nào vào ngày này, dân quanh vùng cũng tìm về Đá Biên, làm đám giỗ lớn cho các chú bộ đội Miền Bắc hy sinh ở trỏng, dân các nơi cũng về đông lắm, tận ngoài Bắc nữa, ngay cả bà nội sắp nhỏ cũng đã vào trỏng từ hừng đông để phụ giúp nấu nướng. Nghe hai vợ chồng chủ quán nói vậy, tự nhiên tôi thấy rưng rưng trong lòng. Qua báo chí, qua bạn bè, tôi đã biết, dân quanh vùng Đá Biên, kính trọng các liệt sĩ trung đoàn 207, hy sinh trong trận đánh ngày 3 tháng 10 năm 1973 đến cỡ nào, nhưng bây giờ nghe nói, một bà mẹ hơn bảy mươi tuổi đã vào với anh em từ sáng sớm, tôi mới thấy chạnh lòng biết mấy. Bởi vậy tôi nói với Thu Hà, mình phải đi thôi, vào sớm với các liệt sĩ được chừng nào hay chừng đó. Vậy là chúng tôi lên xe, chạy riết về cầu kinh 79.
Cầu kinh 79 nằm trên lộ 62, nối quốc lộ 1 với huyện Mộc Hoá- Long An, cách thị xã Tân An khoảng 55 km. Kinh 79 là kinh đào thẳng tắp, hai bên mọc đầy tràm, nhà cửa rất thơ thớt. Hai bên cầu kinh 79, và dưới bến đò cầu kinh 79, phòng văn hoá huyện Thạnh Hoá đã tổ chức treo rất nhiều cờ phướn từ hai ngày nay. Cả băng rôn chào mừng bà con và các đại biểu về dự đám giỗ tập thể của các liệt sĩ. Trước chúng tôi, đã có nhiều đoàn đậu xe tại đây, và đã vào miếu Bắc Bỏ từ trưa. Dưới bến kinh, nhiều chiếc vỏ lải do xã Thạnh Phước tổ chức đưa đón bà con vào miếu đã đợi sẵn, nhưng chúng tôi quyết định chờ đoàn của Ba Thi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống, rồi cùng nhau vào luôn, bởi hai tay máy camera của đoàn, muốn ghi lại hình ảnh, bà con, thân nhân và bạn bè của các liệt sĩ, từ ngoài Bắc vào, ngay giây phút đầu tiên họ đặt chân lên đất Đá Biên. Ngồi chưa nóng chỗ, đã thấy ba chiếc xe của đoàn Ba Thi, Bảy thông xuống tới nơi. Tôi nhận ngay ra dáng vóc ô dề của Hoài Giang, với chiếc máy ảnh to đùng đoành, treo lủng lẳng trước ngực. Tay cựu lính tăng này, từ nhiều năm nay, đã nghiễm nhiên thành thợ săn ảnh kì cựu từ lúc nào, vừa xuông xe đã thấy bấm máy lia lịa. Vui nhất là Hiền Lương đã nhận ra tôi, bước tới bắt tay. “Chào anh Dzu!”. Hơi bị bất ngờ, nhưng bằng cảm tính, tôi biết ngay, người phụ nữ này là tác giả nhiều bài thơ viết về các liệt sĩ của trung đoàn chúng tôi, mà tôi đã đọc trên trang webe của CCB E207. Càng vui hơn khi tôi biết rằng, rất nhiều thân nhân và bạn bè các liệt sĩ, từ Hà Nội cũng đã vào thành phố Hồ Chí Minh từ chiều hôm qua, đang theo nhiều con đường khác nhau về Đá Biên.
GIÂY PHÚT ĐẦU TIÊN Ở ĐÁ BIÊN
Nói tới Đá Biên là nói tới một trang lịch sử bi hùng của trung đoàn chúng tôi, trong trận đánh ngày 3 tháng 10 năm 1973, khi chúng tôi phải trả bằng một cái giá rất đắt, quyết tử cho trung đoàn quyết sinh, với gần 300 trăm người lính nằm xuống vĩnh viễn giữa cánh đồng ngập nước, mà hầu hết là sinh viên các trường đại học mới từ Miền Bắc vào, trong đó đông nhất là sinh viên trường đại học xây dựng Hà Nội, và… tất cả đều đang độ tuổi 20 đầy khát vọng. Bởi vậy, khi đoàn vỏ lải nối nhau xé sóng lướt trên dòng kinh 79, biết bao nhiêu kỉ niệm đã ùa về trong tôi, bồi hồi, thổn thức đến chạnh lòng. Nhìn những lá cờ tổ quốc tung bay phần phật trong ráng chiều bầm đỏ như máu, mắt tôi cứ nhoà đi, bởi nhớ về những năm tháng hào hùng xa xưa ấy, khi tất cả chúng tôi đều đang rất trẻ, đang hăm hở dấn thân cho chí nguyện độc lập tự do của tổ quốc. Dòng kinh rộng kéo dài hun hút, hai bên xanh sậm màu đước tháng mười, thi toảng hiện ra sau rặng tràm dày đặc những cánh đồng ngút ngát, nước mênh mông trải rộng tới chân trời. Hiếm hoi lắm mới gặp một vài ngôi nhà lợp lá dừa nước, lợp tôn tuềnh toàng, hiện ra trên bờ kinh phất phơ lau xám. Phong cảnh vẫn hoang vắng như ngày nào, sau 39 năm ngày xảy ra trận đánh. Sau những giây phút đầu tiên lặng đi vì xúc động, mọi người bắt đầu lôi máy ra quay phim, chụp ảnh. Tôi biết là ai cũng muốn ghi lại cảm xúc của mình, để đem về phương Bắc. Ngoài ấy còn có biết bao người luôn hướng về Đá Biên, nhưng chưa có điều kiện để tìm về, họ gởi hết tâm tư, nguyện vọng, và tình cảm cho những người hôm nay đã đến được nơi đây.
Khi đoàn vỏ lải rẻ vào rạch Đá Biên, rất nhiều người đã đứng dậy, rất nhiều người đã xúc động trào nước mắt. Những chiếc vỏ lải có mớn nước thấp, chòng chành chao đảo, như muốn lật sấp, người chạy máy phải đề nghị mọi người ngồi xuống, nhưng ai mà ngồi được, khi Đá Biên đã chạm vào tầm mắt. Đồng nước nổi Đá Biên đây rồi. Những cánh rừng tràm đây rồi. Ngôi nhà của vợ chồng Tư Tờ đây rồi. Miếu Bắc Bỏ đây rồi. Nơi diễn ra trận đánh bi hùng năm xưa đây rồi. Các anh ơi! Các anh ơi! Chúng tôi đã về đây! Đông lắm! Đông lắm! Bà con của các anh! Bạn bè của các anh! Đồng đội của các anh! Đông lắm! Tất cả chúng tôi đã về đây. Về để khóc cho thoả, khóc cho thoả nỗi nhớ thương đằng đẵng suốt 39 năm trời, thương nhớ đến tận cùng thương nhớ. Ngoài chúng tôi, còn có đồng bào của Thạnh Phước, của Thạnh Hoá, của biết bao vùng đất phương Nam nơi các anh nằm xuống.
Trên cuộc đất nhô cao giữa đồng nước, biết bao nhiêu người đã đến từ trước, cờ tổ quốc, cờ phướn tung bay rờm rợp. Ghe thuyền neo đậu đặc ngừ đặc nghịt. Đồng bào. Cán bộ. Bộ đội. Công an. Đông nhất là lực lượng thanh niên xung kích. Có cả những ông già râu tóc bạc phơ. Có cả những bà già lụm cụm, móm mém. Có cả những em bé chỉ mới ba, bốn tuổi. Có cả những em bé cha mẹ phải bồng trên tay, phải kiệu trên vai… Tất cả tìm về đây thăm các anh, viếng các anh, chuẩn bị làm đám giỗ vào ngày mai cho các anh. Tôi biết, chắc chắn đêm nay, sẽ là một đêm không ngủ.
ĐÊM HUYỀN THOẠI Ở ĐÁ BIÊN
Tôi sẽ không nói thêm về buổi chiều cứ kéo dài dùng dằng không chịu tắt, vào ngày 21 tháng 10 năm 2012, bởi đó là một buổi chiều có quá nhiều nụ cười và nước mắt, mà quá nhiều người đã viết, đã quay phim, chụp ảnh, đã ghi lại trong trái tim, trong tình cảm của mình. Tôi chỉ muốn kể lại những gì đã cảm nhận, trong một đêm lung linh như huyền thoại ở Đá Biên, khi mà tôi, cùng với rất nhiều người nữa, gần như đã thức trắng.
Tôi không nhớ lúc ấy là mấy giờ. Tôi chỉ nhớ, tôi đã chạy lui chạy tới, chụp biết bao nhiêu là ảnh. Chụp đền thờ. Chụp bia tưởng niệm. Chụp đồng nước. Chụp hoàng hôn. Chụp những con người đã lặn lội vượt kinh rạch, vượt đồng nước, đến với Khu tưởng niệm các liệt sĩ bất tử của trung đoàn chúng tôi, trung đoàn 207. Đôi chân của tôi đã mỏi nhừ. Máy Kodak đã phải thay pin lần thứ nhất. Tôi đã phải lo lắng hỏi Hoài Giang, liệu ở đây có chỗ để xạc pin không? Khi Hoài Giang nói là cứ yên tâm, anh đã hỏi rồi, nhiều chỗ để xạc pin lắm. Vậy là tôi lại bấm máy lia lịa, bởi tôi đã chuẩn bị tới mấy cái thẻ nhớ loại 8GB. Với ba cái máy trên người, tôi cứ chạy tới chạy lui, muốn ghi sao cho được nhiều hình ảnh nhất, dù đôi lúc, do quá vội, tôi không kịp nhớ ra là mình đang để máy chụp ở chế độ nào. Cứ chụp. Cứ phải chụp thế thôi. Tôi vừa mổ cột sống xong, hôm nay đến được nơi đây, thì phải tranh thủ mà chụp; năm sau, nếu cái lưng trở chứng, nếu huyết áp lại tăng cao hơn, liệu có còn đến được không. Trong lúc chạy tới chạy lui như vậy, chợt tôi nhìn thấy Hiền Lương. Té ra tôi quá tệ, mới lần đầu gặp cô em gái đến từ Hà Nội, đến với đồng đội của mình, dù Hiền Lương thuộc thế hệ sau, chẳng hề quen một ai trong trung đoàn, vậy mà mình chẳng hỏi thăm được một tiếng. Vậy là tôi ghé lại. Vừa kéo ghế ngồi xuống, mới vừa hỏi Hiền Lương được một câu, em thấy tình cảm của đồng bào Đá Biên thế nào, đã nghe Hiền Lương nói, anh có chụp được tấm nào cảnh làm Lễ di dời ảnh các liệt sĩ, từ miếu Bắc Bỏ của Tư Tờ lên đền thờ lớn chưa. Vậy là tôi xách máy vùng chạy, bởi làm sao mà tôi bỏ được một cái Lễ thiêng như thế. Nhưng khi tôi xuống tới miếu Bắc Bỏ, trên gò đất hai chục mét vuông, nơi vợ chồng Tư Tờ lập miếu thờ các liệt sĩ đã hai mốt năm nay, thì tôi không thể nào chen vào bên trong được. Hơn trăm người đã tụ về đây. Hàng chục phóng viên của các báo đài cũng đã kéo tới đây. Biết bao nhiêu người đang rướn cao, dùng máy ảnh, dùng điện thoại, tìm cách quay phim, chụp hình. Cái ba lô đựng đầy thiết bị nặng chịch sau lưng, làm sao mà tôi len vào được. Không len vào được thì làm sao có hình ảnh giây phút thiêng liêng này. Anh Tế ơi! Anh Sơn ơi! Các anh ơi!.. Tôi biết làm sao bây giờ! Tôi vừa thầm gọi các anh, thì cái khó ló ngay cái khôn. Ai đó trong linh cảm mách bảo tôi ngồi xuống, luồn qua chân người ta mà chui vào. Tôi thấy Hoài Giang đang chắp tay đứng khóc. Tôi thấy anh Lịch đang chắp tay đứng khóc. Tôi thấy nhiều người đang chắp tay đứng khóc. Tôi thấy trước bàn thờ các anh, khói nhang nghi ngút, những ngọn đèn cầy, những ngọn đèn dầu cháy rưng rức. Nhiều giọt nước mắt của những người đang đứng rơi xuống mặt tôi. Nhưng tôi biết, giây phút thiêng liêng này tôi không được khóc. Là người lính, người đồng đội của các liệt sĩ, tôi phải tìm cách ghi lại giây phút này. Tiếng của Ba Thi đã nghèn nghẹn cất lên, run run đầy xúc động. Lợi dụng ánh đèn của các camera truyền hình, tôi lôi cái sony ra quay phim. Trong ngôi miếu nhỏ lợp tôn lúc đó rất tối, việc quay video của tôi hoàn toàn lệ thuộc vào ánh đèn camera. Tôi dùng tay trái cầm sony quay video, còn tay phải cầm máy Kodak chụp ảnh. Tôi biết làm như vậy, chất lượng quay phim và chụp ảnh sẽ không tốt, nhưng tôi cần phải ghi lại được vài hình ảnh, ghi lại được giọng nói đầy xúc động của Ba Thi. Việc này chỉ xãy ra duy nhất một lần hôm nay, không thể bỏ sót được. Tôi loay hoay luồn lách dưới chân người ta, tìm cách chọn góc độ để bấm máy. Khi tôi chạm vào chân một cô phóng viên trẻ, cô gái có lẽ thấy đầu tôi muối tiêu, lại mặc đồ lính, nên nói với tôi, chú cứ đứng lên mà chụp, để cháu lùi ra phía sau cũng được. Nhờ vậy tôi mới có góc đứng, chụp được mấy tấm hình một cô gái đến từ phía Bắc, đang quỳ chân, nhờ ai đó soi đèn pin, nhờ ai đó kéo tấm đệm bày đồ cúng, để cô chụp dòng chữ “Hy sinh gì tổ quốc”, mà một người nông dân Đá Biên học lớp một, đã khắc giùm Tư Tờ, khi vợ chồng Tư Tờ vét hết tiền trong nhà, lập ngôi miếu thờ cho các liệt sĩ. Khi chụp mấy tấm ảnh này, nước mắt tôi tự nhiên rơi lả chả. “Hy sinh gì tổ quốc”. Các anh ơi! Đồng đội của chúng tôi ơi! Nghĩa tình của những người nông dân chân lấm tay bùn ở Đá Biên đấy! Văn hoá đâu phải ở chữ nghĩa, bằng cấp. Văn hoá là nghĩa tình của đồng bào với các anh. Linh thiêng thì các anh hãy tìm về chứng dám, phù hộ độ trì cho bà con mình làm nên ăn ra, bởi bà con mình ở Đá Biên hôm nay vẫn còn nghèo lắm. Cả dân tộc từng đói nghèo trong rơm rạ, nhưng không thể để bà con Đá Biên, những người đã cưu mang các liệt sĩ của trung đoàn chúng ta, cứ mãi đói nghèo trong rơm rạ được. Anh Tế ơi! Anh Sơn ơi! Các anh ơi! Có nghe tiếng Ba Thi, tiếng anh Lịch, tiếng Hoài Giang, tiếng đồng đội mình, bà con mình, đồng bào mình đang khóc không?! Các anh ơi! Các anh ơi!! Các anh ơi!!!...
Sau lời thỉnh nguyện xin phép dời di ảnh các liệt sĩ lên đền thờ của Ba Thi, các cháu thanh niên tình nguyện, mấy chục người rước ảnh, rước vòng hoa, rước lửa nến, đưa anh linh các liệt sĩ lên đền thờ. Bà con xúm vào mỗi người một tay chuyển đồ tế cúng lên đền thờ. Hơn ngàn người có mặt tai khuôn viên Khu tưởng niệm vụt đứng cả dậy, tự động xếp hàng, nối nhau vào đền thờ làm lễ. Khi di ảnh các liệt sĩ được yên vị, khi các ngọn lửa nến được thắp lên, hàng trăm người đã bật khóc. Có nhiều bà mẹ khóc ngất đi. Con cháu phải xúm lại đỡ mới đứng vững. Cả ngàn người chen chúc trong đền thờ, nên tôi không thể nào có được góc đứng chụp ảnh, đành phải đưa cao cái máy sony a57 lên đầu mà chụp. Tiếc nhất là khi Ba Thi gióng chuông cầu siêu, vì phải chen chân trong dòng người đông đúc, tôi đã không đến kịp để quay video, và cũng không chọn được góc thuận lợi để chụp ảnh.
Ngoài sân. Ngọn lửa bất tử đã được thắp lên, bùng cháy rừng rực trên đỉnh ngọn đuốc thiêng cao vòi vọi. Hơn ngàn người tề tựu trước bia tưởng niệm và xung quanh bia tưởng niệm. Tất cả cúi đầu làm Lễ mặc niệm. Im ắng tới mức, chỉ nghe tiếng đuốc lửa reo phừng phực. Ánh lửa thiêng hắt ra bốn phía, soi rõ từng gương mặt long lanh nước mắt vì xúc động. Một ai đó bật khóc nấc lên. Nhiều người đã bật khóc theo. Cả một vùng đất, vùng trời Đá Biên sáng rực, lung linh như huyền thoại. Hàng chục nam nữ thanh niên tình nguyện, xếp hàng khấn lạy trước bia tưởng niệm tên tuổi các liệt sĩ, khắc trên phiến đá hoa cương lớn. Sau đó nhiều em quỳ xuống thắp nến, xếp thành hàng chữ:
AHLS
TRUNG ĐOÀN 207
Lúc đó trời rất gió, nhưng những ngọn lửa nến vẫn không tắt, vẫn cháy rưng rưng, như gợi mọi người nhớ lại trận đánh bi hùng ngày 3 tháng 10 năm 1973 xa xưa ấy- trận đánh mà gần 300 người con ưu tú của tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống nơi này, nằm xuống vùng đất Đá Biên, thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hoá, Long An.
Xúc động đến tận cùng, tôi tìm cách leo lên cái ghế nhựa, hy vọng chụp được dòng chữ AHLS TRUNG ĐOÀN 207, nhưng cái ghế nhẹ quá, cứ hễ tôi vừa bước lên là nó chao đảo muốn đổ. Thế nhưng mấy người lính của huyện đội đã nhìn thấy. Hai người đứng vịn ghế cho tôi leo lên. Một người đứng cho tôi vịn vai leo lên. Khi tôi chụp xong, một người mang quân hàm trung uý hỏi tôi, chú là phóng viên báo quân đội nhân dân à. Tôi trả lời, tôi chỉ là đồng đội cùng trung đoàn với các liệt sĩ. Bấy giờ anh ta đứng sững ra, nhìn tôi đầy khâm phục, buộc tôi phải nói rằng, tôi là người xui xẻo không có mặt trong trận đánh, nếu có mặt, chắc chắn giờ này xương thịt của tôi cũng đã tan ra thành bùn đất, bởi đó là một trận đánh không cân sức, chỉ có hai tiểu đoàn của trung đoàn, mà phải chống lại cả một sư đoàn, có phi pháo, trực thăng và chiến xa M113 yểm trợ, vây kín xung quanh trên cánh đồng ngập nước.
Khi chương trình văn nghệ HÁT CHO CÁC ANH NGHE bắt đầu, tôi đã chụp được rất nhiều ảnh. Do phải đeo cái ba lô nặng thiết bị trên lưng, lại phải đi, phải đứng suốt từ trưa, nên chân trái của tôi bắt đầu trở chứng, tê nhức và nặng chình chịch. Điều đó buộc tôi phải kiếm chỗ ngồi ở dãy bàn trên cùng, chiếm lấy góc gần nhất để chụp ảnh. Lúc này tôi phải co duỗi chân trái liên tục, để chân không bị tê cứng như tôi đã từng bị nhiều lần, khi phải đeo nặng và đi bộ đường xa. Thế nhưng khi chương trình bắt đầu được một lúc, tôi chợt nhận ra rằng, dù chỉ là chương trình mang tính cây nhà lá vườn, không có ca sĩ và diễn viên chuyên nghiệp, nhưng bà con nông dân quanh quanh vùng Đá Biên đến rất đông. Là người từng hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn văn nghệ lâu năm, tôi biết rằng, chắc chắn không phải bà con thuyền ghe lặn lội vượt kinh rạch, vượt đồng nước đến đây chỉ để xem văn nghệ, mà họ đến còn vì sự tưởng nhớ thành kính hương hồn các liệt sĩ của trung đoàn. Vậy thì làm sao tôi có thể ngồi một chỗ mà chụp ảnh được. Rất nhiều người cao tuổi, rất nhiều em bé còn thơ dại, đã theo cha mẹ đến với các liệt sĩ. Tất cả chắc chắn đều đến để bày tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã anh dũng xả thân, hy sinh vì dân vì nước. Vậy là tôi đứng dậy, xách máy đi chụp, ghi lại hình ảnh những con người, từng suốt 39 năm nay, luôn tưởng nhớ và chung tay chăm lo cho phần hồn của các liệt sĩ. Tôi chụp. Tôi chụp nhiều lắm. Cả bà con mình. Cả đồng đội mình. Cả các em thanh niên tình nguyện của Thạnh Phước, của Thạnh Hoá, tìm đến đây hát cho các anh nghe.
Đến lúc chương trình chuyển sang phần hát cho nhau nghe được vài chục phút, bất chợt một cơn giông ầm ầm ập đến. Gió thốc lên cuồn cuộn. Mưa chụp xuống rất nhanh. Rào rào. Rào rào. Lực lượng công an, lực lượng bộ đội, lực lượng thanh niên tình nguyện, đã được phân công trực chiến theo phương án đề phòng mùa mưa, ra tay ứng chiến rất nhanh. Lúc này tôi đang đứng ở phía trước bia tưởng niệm, cái sony a57 vẫn cầm trên tay, cái Kodak vẫn đeo trước ngực, cái ba lô vẫn đeo sau lưng, cái sony du lịch vẫn treo trên cổ tay, chân đau nên tôi không thể chạy được, chỉ khom người xuống che cho mấy cái máy, đi cà lết về phía đền thờ, bụng lo nơm nớp, nếu mấy cái máy bị nước mưa, thì cầm chắc toi hết mấy chục triệu. Thế nhưng khi tôi vào được mái hiên đền thờ, điều lạ lùng là lưng áo tôi ướt đẫm, đầu tóc tôi ướt nhẹp, nhưng mấy cái máy không hề dính một giọt nước, tất cả phụ kiện hỗ trợ nghe nhìn trong ba lô đều khô ráo. Mừng nhất là cái laptop, dù tôi không bọc trong túi ni lông bảo vệ, như những lần đi thực tế sáng tác trước đây, cũng không hề hấn gì. Lo lắng cho dàn âm thanh công suất lớn phục vụ đêm văn nghệ, tôi hỏi thăm một anh thượng uý công an, thì anh ta trả lời, vừa nổi giông anh em đã tắt máy, trùm tấm bọc bảo vệ lên, nên không sao cả. Anh ta vừa dứt lời, một cơn lốc lập tức xoáy cuộn lên ầm ầm như bão. Trong đền thờ, một tiếng xoảng vang lên rất lớn. Cái bình bông ở góc trái rơi xuống nền gạch, vỡ tan tành. Ngoài sân, cái phông khán đài to lớn đổ ập xuống, bày ra cả một dàn khung sắt chằng chịt. Lúc đó, phía ngoài sân vẫn còn rất nhiều bộ đội và thanh niên tình nguyện đang làm việc cứu đồ chạy mưa. Cái khung sắt nặng như vậy mà đè trúng ai, chắc chắn phải có chuyện. Nhưng tất cả đều nhảy kịp ra ngoài, chỉ bị một phen hú vía mà thôi. Mấy ông lão nông dân đứng gần nói với tôi. “Các anh ấy chết trẻ. Hồn linh lắm. Thấy nhiều người về thăm, mừng quá, chắc lên quậy một chút cho vui. Năm nào cũng vậy. Không hề hấn gì đâu!”. Bấy giờ trời đã chuyển sang mưa nhẹ hạt, lực lượng trực chiến đã xúm vào dựng lại tấm phông khán đài. Tôi bước ra xem. Thấy tấm phông vẫn nguyên vẹn, vẫn sạch sẽ. Ấy vậy mà anh trưởng phòng văn hoá huyện Thạnh Hoá, vẫn ra lệnh hạ tấm phông xuống, đề phòng giông lại nổi lên làm đổ. Anh cho biết, đã điện về thành phố Tân An, sáu giờ sáng mai sẽ có tấm phông mới thay thế. Như vậy là đêm nay, chẳng những chúng tôi thức ở Đá Biên, mà tận ngoài thành phố Tân An, cách xa sáu mươi cây số, cũng có người sẽ thức trắng, lo cho đám giỗ các liệt sĩ vào ngày mai- ngày 22 tháng 10 năm 2012.
Khoảng quá nửa đêm thì cơn giông chấm dứt, nhưng trời vẫn lắc rắc mưa. Nhiều người dân có con nhỏ đã rục rịch chuẩn bị ra về. Điều lo lắng của bà con là sợ vỏ lải bị chìm giữa đồng nước, nếu như mưa lại chụp xuống. Thế nhưng rất nhiều người nói như đóng đinh. “Cứ yên tâm ra về, chứ ở hết lại đây, lấy đâu ra chỗ ngủ cho cả ngàn người. Cứ yên tâm mà về. Nhất định các thành hoàng đội nón cối sẽ độ cho trời quang mưa tạnh”. Tôi hỏi một cháu thanh niên đứng gần, vỏ lải chạy máy tới mấy sức ngựa, gió nào lật chìm được. Cháu thanh niên tên Sang này nói với tôi, không phải sợ gió, mà sợ mưa lớn, tát nước không kịp làm chìm. Đồng đất Đá Biên mùa này nước ngập sâu lắm, lút cả đầu người, chìm ghe ban đêm giữa cánh đồng ngút ngát, chết như chơi, bởi có ai nhìn thấy, nghe thấy mà tìm đến cứu. Tôi lại hỏi. Thế đã có ai đến đây dự đám giỗ, ban đêm trở về bị chìm ghe chết chưa. Chàng thanh niên tròn mắt nhìn tôi. “Làm gì có chuyện đó! Mấy bác, mấy chú liệt sĩ ở đây linh lắm! Chỉ có dân mút trong Tháp Mười, thỉnh thoảng đi giăng câu bị chìm ghe thôi. Từ ngày cậu Tư Tờ lập miếu thờ năm 1991 đến nay, dân Đá Biên ai cũng khoẻ trân, vài người còn sắm được vỏ lải, mua được máy dầu chạy điện coi ti vi, có người còn mới cất được nhà tường nữa nè”. Rồi nó kể. Mới hồi năm trước, năm 2011, lũ chụp đồng lớn hơn năm nay cả nửa mét. Nền miếu Bắc Bỏ bị nước ngập cả gang tay. Cái bát nhang đầy cát bên trong, bị nước đánh trôi cả ba trăm mét hổng chìm, lại trôi về bên hông cuộc đất mới đổ này(tức cuộc đất 5000 mét vuông của Khu tưởng niệm liệt sĩ bây giờ), thì đậu lại. Tư Tờ vô đồng kiếm cá về, ra miểu không thấy cát bát nhang mới đi tìm, khi nhìn thấy cái bát nhang dập dềnh trên mặt nước, ông vừa đụng tay vào thì cái bát nhang chìm lỉm, phải thò tay vớt lên. Kể xong chuyện này, chàng trai nói với tôi, chú muốn nghe chuyện, ra sau đền nhậu với tụi con, con mời bác Ba, mời cậu Út, mời mấy người nữa tới nhậu, kể cho mà nghe. Đã hứa với anh Nguyễn Ngọc Lịch, anh Hoài Giang, đêm nay sẽ ngủ lại Đá Biên với hương hồn các liệt sĩ, nên tôi gật đầu nhận lời.
Bấy giờ đã khuya lắm, nhưng trong đền thờ vẫn còn rất nhiều người ở lại. Người thì đã kiếm chỗ ngủ sau một ngày làm việc cật lực phục vụ cho đám giỗ. Người thì đang chắp tay khấn vái trước các bàn thờ. Người thì xúm lại trò chuyện rầm rì. Có cả một phóng viên trẻ đang tranh thủ dùng 3G post bài lên mạng. Một vài phóng viên khác đang hí huáy ghi chép, đang tranh thủ phỏng vấn. Hoài Giang thì cùng với Nguyễn Ngọc Lịch đang trò chuyện với ai đó rất tâm đắc. Toàn bộ pin của tôi đều đang xạc để dự phòng cho này mai, nên tôi không thể chụp ảnh được cảnh chiều sâu trong đêm khuya tại đền thờ. Tôi chỉ còn cách ra sau đền nhậu với các chàng trai để nghe chuyện. Lúc ra khỏi đền, tôi hết sức ngạc nhiên, khi thấy giữa đêm hôm khuya khoắt như vầy, mà có người còn bơi xuồng chở bánh tét, bánh ít đến, chất thành đống lớn trong một góc đền thờ. Ở bên ngoài, các cháu thanh niên tình nguyện đang ngồi rải rác thành từng nhóm ăn khuya với nhau. Chỉ có mì ăn liền thôi. Thức ăn đã được người dân chuẩn bị đầy ra đấy, nhưng các cháu không hề đụng đến, nói là đồ chuẩn bị đám giỗ, phải để dành cho ngày mai, vì biết bá tánh khắp nơi sẽ đến rất đông, lỡ thiếu hụt thì chạy không kịp. Thấy các cháu phải làm lụng vất vả, mà ăn uống quá đạm bạc, lòng tôi cứ rưng rưng thế nào. Khi vòng qua khu vực nấu nướng ngoài trời, tôi càng ngạc nhiên hơn, khi thấy rất nhiều ông già bà cả vẫn thức, vẫn đang nổi lửa nấu những nồi gì rất lớn ngoài trời. Hỏi mới biết, bà con thức nấu cháo gà, cháo vịt cho sáng mai, cho ngày mai. Nhiều chàng trai, nhiều cô gái cũng đang thức, phụ lặt giá, lặt rau, lặt nấm rơm…. Tất cả đều thức làm việc, chuẩn bị cho ngày mai, ngày chính thức tổ chức đám giỗ tập thể cho gần 300 liệt sĩ của trung đoàn 207. Một bà mẹ nói với tôi. “Năm nào cũng vậy, cả vài trăm bà con trong vùng tựu về đây lo đám giỗ cho mấy ảnh. Ai có tiền góp tiền. Ai có gà góp gà. Ai có vịt góp vịt. Ai có gạo góp gạo. Ai có trái cây góp trái cây, có hoa góp hoa… ai có gì góp nấy, tuỳ hỉ theo tấm lòng, theo khả năng gia đình. Ai nghèo quá thì đến góp công sức. Dân Đá Biên ai cũng lo cho mấy ảnh, coi mấy ảnh là thành hoàng, đội ơn công đức hy sinh vì dân nước của các anh biết bao nhiêu mà kể!”. Tôi hỏi, nhưng làm sao lường trước mỗi năm có bao nhiêu người đến mà chuẩn bị đồ ăn thức uống. Bà mẹ hơn bảy mươi tuổi nói với tôi. “Sá chi chuyện đó. Bà con cứ tự giác mà đến. Ra miếu thắp nhang cầu siêu cho mấy ảnh xong, thì kéo hết qua nhà vợ chồng Tư Tờ, ai có thứ gì bày thứ nấy ra nhậu, cốt để hương hồn mấy ảnh vui là chính. Lớp ngồi trong nhà, lớp ngồi ngoài sân, lớp ngồi dưới ghe, hết tốp này tới tốp khác. Từ khi có người của E207 đến, có thân nhân của mấy ảnh từ ngoài Bắc vào, dân Đá Biên mới bàn tính chuyện hùn hạp tiền bạc từ đám giỗ năm trước, để lo cho người phương xa đến dự đám giỗ năm sau được ấm lòng, không tủi thân thấy mấy ảnh mấy chục năm trời chịu đói, chịu lạnh giữa đồng nước minh mông. Mọi chuyện được như vầy hôm nay, cũng nhờ bởi vợ chồng Tư Tờ, tụi nó biết sống trọn đạo làm người với hương hồn các liệt sĩ. Nay khu miếu thờ được to lớn vầy đây, dân Đá Biên thoả lòng lắm! Muốn khóc lắm mấy chú ơi!”.
Trong bàn nhậu chỉ có mấy ve rượu trắng với mấy chùm nho đêm 21 tháng 10 ấy, tôi đã thấy có mấy người khóc ứa nước mắt, khi nhắc lại cảnh bộ đội E207 phải dầm chân dưới nước sâu ngang ngực, phải leo lên các nhánh tràm, đánh trả cả một sư đoàn của đối phương, vây kín cả bốn phía, vây kín cả trên trời. Anh Ba, nói với tôi. “Hồi đó tui lớn trọng rồi, tôi hiểu lắm chớ. Bộ đội mình toàn là tân binh mới từ Bắc vào, lạ nước lạ cái, lại vừa hành quân ròng rả suốt một đêm trời. Mới sáu giờ sáng, tụi nó đã ập đến cả sư đoàn, với mười hai chiếc trực thăng, hàng chục chiếc xe lội nước. Đằng mình chỉ có hai tiểu đoàn, chống trả tụi nó cả sư đoàn đến tận sáu giờ chiều, hỏi không hy sinh nhiều sao được. Thương lắm anh ơi! Gần ba trăm người hy sinh mở đường máu. Chết đói chết khát chứ còn gì nữa. Nước phèn chát xít thì làm sao mà uống!”. Anh Út thì vừa lau nước mắt vừa nói. “Bốn chục năm rồi, xương thịt mấy ảnh tan rữa thành bùn thành đất hết rồi, còn gì nữa mà tìm”. Chị Hạnh, một người dân ở lại giúp nấu nướng trong đêm, nói với tôi. “Em là dân hồi nào giờ ở đây, em thấy tình cảm của mấy anh E207 quý lắm. Từ khi anh Ba Thi, anh Bảy Thông, anh Vũ Ngọc Tiến, với anh gì đó tên Nguyễn Hoài Nam tìm vào đây, năm nào đúng ngày giỗ, ngày thương binh liệt sĩ, em thấy mấy ảnh, cùng thân nhân các liệt sĩ từ ngoài Bắc, cũng lặn lội tìm vào thăm, đem theo lủ khủ bánh chưng, bánh lá gai, bánh cốm, bánh dẻo, trái vải thiều, trái nhãn lồng, chè móc câu Thái Nguyên, thuốc lá Thăng Long, thuốc lá sông Cầu… Lần nào thấy họ vừa cúng vừa khóc, cầm lòng không đặng, em cũng bật khóc theo”. Cháu Sang thì hỏi tôi. “Năm nay con thấy mấy cô chú ngoài Bắc vào, bày lên bàn thờ thứ hoa gì đó lạ lắm, với trái gì đó mau xanh cũng lạ lắm! Chắc chỉ ngoài Bắc mới có.”. Nghe tôi nói là hoa sữa và trái phật thủ. Ai đó thốt lên. “Hoa sữa. Tui nghe hoài. Giờ mới tận mắt nhìn thấy. Hèn chi thơm lạ lùng”.
HUYỀN THOẠI CÓ THẬT VỀ MIẾU BẮC BỔ
Đêm càng khuya sương càng nặng hạt, trời càng lạnh, nhưng những câu chuyện nghĩa tình càng thêm ấm lòng. Anh Nguyễn Ngọc Lịch, anh Hoài Giang, dù đã thấm mệt vì mới từ Hà Nội bay vào tới Tân Sơn Nhất, đã phải theo xe, theo đò vào Đá Biên, nhưng cũng ra ngồi thức với chúng tôi, lắng nghe những câu chuyện đã trở thành huyền thoại của một thời, của một vùng đất, của một trung đoàn từng lâm trận nơi này.
Đó là thời vợ chồng Tư Tờ ngèo xơ nghèo xác, lầm lủi kiếm sống nơi quê nhà không đủ ăn, phải khăn gói bơi xuồng vào đồng đưng neo đậu. Nhiều người nơi khác nghèo như vợ chồng Tư Tờ, cũng bỏ xứ vào Đá Biên cầu may lập nghiệp. Họ hàng ngày trần lưng dưới nắng lửa mùa khô khẩn đất. Nhưng vỡ đất tới đâu cũng thấy xương người, thấy sọ người, thấy sắt thép rỉ sét của những khẩu súng, những băng đạn, với biết bao nhiêu là mảnh đạn pháo. Cả những cái nón cối đã ố vàng màu phèn chua, đã mềm vữa theo thời gian, thủng lổ chổ vết đạn. Biết là của bộ đội đàng mình hy sinh, nên có người đem về chôn cất, nấu mâm cơm cúng vái. Nhưng có người chỉ tìm được những mẩu xương ống tay, xương ống chân, xương sườn, xương sống rời rạc, nên họ vô tình gom lại đem đốt. Những người lỡ vô tình ấy, gom đốt xương hôm trước, thì hôm sau lăn ra ngã bệnh, ốm đau quặt quẹo; người nhà phải biện lễ ra giữa đồng cúng mâm cơm, mới qua được cơn bạo bệnh. Bà con đồn thổi với nhau về sự linh thiêng của hương hồn các liệt sĩ hy sinh trong trận Đá Biên. Lâu ngày, họ gom góp tất cả những chuyện hư thực ấy, dệt nên biết bao huyền thoại, vừa thiêng liêng, vừa rùng rợn, về hương hồn các liệt sĩ, kể truyền tai nhau, cùng nhau tôn thờ các liệt sĩ là những ông thành hoàng đội nón cối. Có chuyện gì vui buồn, khổ đau, khốn khó, họ cũng thắp nhang khấn lạy các ông thành hoàng đội nón cối, thành tâm khẩn nguyện các ông thành hoàng độ cho. Và… không ai là không biết, rằng họ đang sống trên một vùng đất thiêng của gần ba trăm liệt sĩ trung đoàn 207, mọi việc làm ăn của họ là phải cậy nhờ vào sự phù hộ độ trì, của những hương hồn đang sống trôi nổi, vất vưởng trong các cánh rừng tràm rậm rạp, giữa cánh đồng đưng mùa khô cỏ cháy, mùa mưa ngập nước. Họ mạnh ai nấy cúng hương hồn các liệt sĩ, mỗi khi gia đình gặp chuyện không may, gặp chuyện vui buồn. Họ kể cho nhau nghe hàng loạt chuyện, đêm đêm vẫn nghe hương hồn các liệt sĩ tìm về, than khóc kêu đói, kêu lạnh, kêu không biết đường về nhà ở quê Bắc. Và… tất cả họ, không một ai dám nói dối với ai điều gì, dám lừa gạt nhau điều gì. Họ biết, mọi chuyện đối xử xấu xa với nhau, nhất định sẽ bị hương hồn các liệt sĩ E207 trừng phạt. Bởi vậy, ở vùng đất Đá Biên này, dường như không một ai biết nói dối, không một ai dám làm điều gì sái quấy với nhau. Riêng Tư Tờ, hễ ra ruộng gặp xương cốt là anh thành tâm chôn cất, vậy mà đêm nào anh cũng nghe tiếng các hương hồn than khóc lởn vởn quanh nhà. Càng những đêm mưa gió, càng nghe nhiều tiếng than khóc não nùng. Người kêu đói. Người kêu lạnh. Người kêu thèm điếu thuốc. Người nào cũng rầu rĩ than vãn nỗi nhớ quê, mà không thể nào biết được đường về. Thế rồi một hôm, đứa con gái đầu lòng của anh, đang khoẻ sơn sởn, bỗng lăn ra lâm bệnh nhức đầu, suốt ngày toàn lảm nhảm kêu đói, kêu lạnh, kêu làm sao tìm được đường về quê thăm gia đình. Biết là linh hồn của các anh hiển nhập, hai vợ chồng bàn nhau ra cuộc đất nhỏ khô ráo, phía bên kia con rạch, chặt tràm, mua lá, dựng lên cái chòi sơ sài, lập bàn thờ, thờ hương hồn các liệt sĩ, sớm chiều vợ chồng thay nhau hương khói. Nhờ đó đứa con gái khỏi bệnh nhức đầu, nhưng đêm đêm vẫn lảm nhảm, than nhà quá nhỏ, làm sao chứa được ba trăm người. Vậy là một lần nữa, hai vợ chồng vét hết tiền bạc trong nhà, bơi xuồng ra ngoài chợ, mua mấy chục viên gạch, mấy bao cát, mấy bao xi măng, hai tấm tôn, đem về dựng cho các liệt sĩ cái nhà tàm tạm để che nắng che mưa. Chỉ chừng đó, nhưng số tiền cắc củm dành dụm mấy năm trời vẫn không đủ, vợ Tư Tờ phải bán cái nhẫn cưới để trả đủ tiền cho người ta.
Ngôi miếu thờ cúng trên cuộc đất hai chục mét vuông, được dựng lên từ năm 1991, chỉ là một cái chòi trống huếch trống hoác, nhưng nó vẫn cứ là miếu thờ, với đúng nghĩa miếu thờ, bởi nó là nơi thờ cúng gần 300 hương hồn các liệt sĩ E207, hy sinh trong trận đánh bi hùng ở Đá Biên. Hàng ngày, dù trời mưa trời gió thế nào, dù công chuyện bận bịu thế nào, gia đình Tư Tờ cũng có người ra đó thắp cho các anh nén nhang. Hàng năm, cứ đúng ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, ngày diễn ra trận đánh tại rừng tràm Đá Biên, vợ chồng Tư Tờ bao giờ cũng dành dụm tiền của tổ chức đám giỗ cho các anh. Nhiều người dân trong vùng biết điều này, có việc đi đâu ngang qua, cũng mua nhang đèn, hoa quả, ghé vào phúng viếng hương hồn các liệt sĩ; còn đúng ngày đám giỗ thì khăn đóng áo dài, tìm về tham dự. Lâu ngày thành tục, thành lệ, đám giỗ các liệt sĩ E207 cứ mỗi ngày mỗi lớn hơn, ý ngĩa hơn, trịnh trọng hơn. Và cũng không biết từ bao giờ, người dân quanh quanh vùng Đá Biên, đã gọi ngôi miếu thờ nhỏ nhoi giữa vùng đất hoang vắng ấy, là miếu Bắc Bỏ, miếu thờ gần 300 liệt sĩ E207, là sinh viên các trường đại học vừa nhập ngũ, mới từ Miền Bắc vào Nam chiến đấu, hy sinh bỏ xác tại chiến trường Đồng Tháp Mười- Nam Bộ
Hồ Tĩnh Tâm
Theo hotinhtam.vnweblogs.com