Ngày 27/7, nhiều cựu chiến binh đã tự sắm hương hoa mang đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đông Tác (Phú Yên) để tưởng nhớ đồng đội và ngày này trở thành buổi giỗ chung cho các liệt sĩ yên nghỉ tại đây. Còn cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thuận là người đứng ra tập họp làm đầu mối cho nghĩa cử cao đẹp này.
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thuận chuẩn bị mâm cỗ cúng các liệt sĩ. Ảnh: Xuân Hiếu
Tham gia cách mạng năm 1964, chàng thanh niên tuổi 17 Nguyễn Trọng Thuận, người con của mảnh đất Hòa Trị (Phú Hòa) mang trong mình dòng máu căm thù giặc. Mười một năm tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường ở Phú Yên, ông không thể nhớ đã bao nhiêu lần chứng kiến sự ra đi của đồng đội. "Có người được chôn cất tử tế, còn để lại họ tên, đơn vị, ngày tháng hy sinh... Nhưng không ít người ngay một nấm mồ cũng không có", giọng ông Thuận buồn rượi.
Không ít lần cận kề bên cái chết, nhưng may mắn còn sống và về lại quê hương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo ông Thuận là "nhờ đồng chí, đồng đội mình đã ngã xuống, hy sinh cho mình được sống". Đặc biệt, trong số những người "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" ấy không phải ai cũng được cúng giỗ đàng hoàng, có thể có người chẳng còn ai thân thiết.
1-CCB Nguyễn Trọng Thuận chuẩn bị mâm cỗ cúng các liệt sĩ
Từ suy nghĩ ấy, trong ngôi nhà riêng ở 82 Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa), suốt mấy mươi năm qua ông Thuận đã đặt bàn thờ Tổ quốc ở nơi trang trọng nhất để thờ cúng Bác Hồ và các liệt sĩ vô danh. Mỗi dịp cúng ông bà tổ tiên, ông đều dành riêng một mâm để cúng các đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
Năm 2000, khi làm giám đốc một doanh nghiệp "ăn nên làm ra", ông Thuận rủ thêm vài người nữa tổ chức giỗ ngay tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, với kinh phí 4 - 5 triệu đồng do ông tự lo. Những lần đầu, ít ai để ý đến việc làm này, nhưng càng về sau càng có thêm nhiều người tham gia.
"Hầu hết phần mộ tại nghĩa trang đều được người thân chăm sóc thường xuyên và đến viếng, thắp hương vào dịp 27/7. Nhưng có những phần mộ rất ít hoặc quanh năm suốt tháng không có nột nén hương. Tổ chức giỗ vào dịp này để không một đồng chí nào yên nghỉ tại đây cũng như đang còn nằm lại ở các chiến trường có cảm giác bị bỏ quên, lạnh lẽo, không người nhang khói", ông Thuận nói.
Năm nay, buổi giỗ chung cho các liệt sĩ được tổ chức quy mô lớn, với hàng trăm người tham gia góp giỗ. Hầu hết là những người từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Phú Yên. Ngoài những cựu chiến binh, người thân, con cháu liệt sĩ đang ở Phú Yên, còn có không ít người đến từ Bình Định, Khánh Hòa, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, TP HCM… Nhiều người những lần giỗ trước luôn có mặt, do tuổi cao sức yếu lần này không đến được thì có con cháu đi thay.
Đại tá Nguyễn Trinh Liệu là người con của thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng, nhưng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Phú Yên từ 1967 đến 1975 nên ông luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hoà (nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, hiện đã nghỉ hưu), nhưng ông vẫn luôn nhớ về Phú Yên, nơi có rất nhiều đồng đội cùng chiến đấu đã anh dũng ngã xuống.
Ông bảo, năm nào cứ đến ngày này là ông có mặt tại đây. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh những đồng chí cùng đơn vị đã ngã xuống trên mảnh đất Phú Yên anh hùng này vẫn không nguôi ngoai trong ông. "Là những người may mắn sống sót, được trở về sau chiến tranh và có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay, ngoài các nghĩa vụ khác chúng tôi còn phải có nghĩa vụ cúng giỗ họ", người lính già chia sẻ.
Thắp xong nén hương, ông Chín Cao (Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Phú Yên) bảo: "Đây là việc làm rất có ý nghĩa, phù hợp với truyền thống, phong tục của người Việt Nam là người chết phải được cúng giỗ. Với cách làm này hy vọng ở nơi suối vàng, các liệt sĩ không cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, linh hồn luôn được sưởi ấm".
Xuân Hiếu
Theo vnexpress.vn