Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Đêm trắng trên đường 20 - Kỳ 1: Quá khứ và huyền thoại
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20- Quyết Thắng

 

Sắp xếp công việc thường nhật, tôi khoác ba lô lên với Trường Sơn vào một sớm đầu tháng mười một. Chạm đường 20, lang thang dọc đường 20, những đêm trắng với đường 20... tôi đã “nghe” đại ngàn thì thầm kể về một thời chưa xa cha anh chúng tôi lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà hồn phơi phới dậy tương tai”.

Cách đây 6 tháng, tôi có dịp đi cùng với Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 và nhiều vị tướng, tá từng sống, chiến đấu trên những tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trở lại thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 53 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19- 5- 1959- 19- 5- 2012). Khi cùng đoàn dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20, tướng Hy xúc động nói: “Con đường rọc ngang dãy Trường Sơn này chứa trong nó một quá khứ rất đỗi hào hùng, bi tráng. Trong khốc liệt chiến tranh, chính sức trẻ, ý chí kiên cường không ngại khó, ngại khổ, chẳng tiếc máu, tiếc xương của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... đã dệt nên những chiến công, trở thành huyền thoại. Mà huyền thoại là bất tử, trường tồn”.

Trở lại với những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng xe cơ giới của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn theo đường 12A qua tây Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào). Đoạn từ Pắc Pha Năng đến bản Na Nô- Na Nhom ngập sâu trên 6 mét vào mùa mưa khiến hàng trăm xe ô tô bị ùn tắc, trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ. Cần phải có một tuyến đường khác từ đông Trường Sơn qua tây Trường Sơn đến Lùm Bùm (thuộc tả ngạn Noọng Cà Đen) kết nối với đường 128 rồi nhập vào đường 9 chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở một con đường mới tránh túi nước Xiêng Phan. Tuyến đường rọc ngang Trường Sơn được chọn, sau này đi vào huyền thoại với cái tên

Đúng 17 giờ 30, ngày 30 Tết Bính Ngọ, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Với hai hướng chính đông tây đồng thời khởi công, huy động trên 4.800 cán bộ, chiến sỹ tham gia, sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, hai mũi chủ công gặp nhau tại km 65 vào ngày 14- 4- 1966. Các lực lượng công binh, TNXP tiếp tục san ủi, hoàn chỉnh mặt đường cho đến cuối tháng 5- 1966 mới thực sự đưa vào sử dụng. Tuyến đường rọc ngang Trường Sơn có chiều dài 125 km khởi điểm từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) và điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết thêm: “Sau khi mở đường 20 thắng lợi, chúng ta còn tiếp tục xây dựng thêm các tuyến 20B, 20C, 20D, tuyến đường kín cho xe cơ giới chạy ngày... Tầm quan trọng trên những tuyến đường này vượt quá dự định ban đầu của ta trong quá trình chi viện cho chiến trường miền Nam. Binh trạm 14 là đơn vị phụ trách đường 20. Với thành tích xuất sắc trong 7 năm bám đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu (1966- 1973), Binh trạm 14 vinh dự có 8 tập thể và 8 cá nhân được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang gồm: Binh trạm 14, Trung đoàn cao xạ 224, Tiểu đoàn công binh 33, Tiểu đoàn cao xạ 14, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn xe 52, Tiểu đoàn xe 781, Đội 25 TNXP, Đội cầu 10 cùng các cá nhân: Vũ Tiền Đề, Nguyễn Thị Nhạ, Khúc Văn Lượng, Phùng Văn Lưu, Nguyễn Phong Lưu, Kim Ngọc Quảng, Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Văn Tửu”.

 Phát hiện đường 20 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, từ năm 1965- 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom đánh phá hủy diệt. Mỗi cung đường, địa danh trở thành một tọa độ lửa, như: cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic, ngầm Trạ Ang, Km14, Km 16, phà Xuân Sơn, phà Nguyễn Văn Trỗi... trong đó cua chữ A thuộc trọng điểm ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic) là một trong số 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên 16 nghìn km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh. Tại trọng điểm này, giặc Mỹ huy động 3.020 lần máy bay đánh phá, trong đó có 270 lần máy bay B52, anh tạc 20.600 quả bom phá, 790 quả bom sát thương, 3.400 loạt bom bi, 216 quả bom cháy. Có ngày địch đánh tới 93 trận, trong đó 8 trận máy bay B52 rải thảm. Song với khẩu hiệu "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công... “một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ trên tuyến lửa. Trong vòng 7 năm khói lửa, bom đạn ác liệt, trên đường 20- Quyết Thắng đã có 552 liệt sỹ anh dũng hy sinh, hàng ngàn người khác mang trong mình thương tích suốt đời để dệt nên những huyền thoại bất tử.

Cây đa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng tại Đền tưởng niệm nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình, tháng 9- 2011.
Cây đa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng tại Đền tưởng niệm nhân chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình, tháng 9- 2011.

Chiều ngày 14- 11- 1972, B.52 rải thảm dọc tuyến đường 20. Tiểu đội TNXP 163 thuộc Ban 67 đang bám đường gồm các anh chị: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai chạy vào một hang đá bên đường trú ẩn. Một loạt bom làm năm chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang kèm theo một tảng đá nặng hàng ngàn tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang... Chuyện kể rằng, đồng đội tìm mọi cách cứu các anh chị ra nhưng đều bất lực, chỉ có một giải pháp duy nhất là luồn ống nhựa qua kẽ nứt rồi đổ cháo loãng vào với chút hy vọng mong manh kéo dài sự sống cho họ. Cách nhau một vách đá, đồng đội bên ngoài nghe rõ tiếng kêu cứu trong hang vọng ra... Tiếng kêu yếu dần, đến ngày thứ 9 thì chìm vào im lặng.

Huyền thoại Đường 20- Quyết Thắng, huyền thoại hang Tám TNXP tiếp nối nhau, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại chảy vào tương lai, thành một minh chứng hào hùng của tuổi trẻ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Hang Tám TNXP, Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, phà Xuân Sơn, phà Long Đại... là những tượng đài sống động của thế hệ TNXP thời kỳ chống Mỹ. Tháng 3- 1973, trong chuyến thăm và kiểm tra hệ thống đường Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nói chuyện với bộ đội và TNXP đường 20, Đại tướng biểu dương: “Đường 20- Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của bộ đội và thanh niên xung phong làm nên”.

Tôi xin đọc những câu thơ trong bài phú của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu khắc tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 như một lời truy niệm: “Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/ Đường trăm trận sá gì sống chết/ Tỏ cùng trời đất tấm trung can/ Giải với non sông bầu nhiệt huyết... Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/ Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt”.

Ngô Thanh Long

Nguồn: baoquangbinh.vn

Tin liên quan:

Kỳ 2: Chuyện kể trên đường 20

Các tin khác