Nơi anh Hiệu tá túc tại vườn hoa Lê Quý Đôn - được gọi là chuồng khỉ.
Sau 8 năm trời “mất tích”, khi đứa con trai Đồng Thế Hiệu, 28 tuổi, trú tại thôn Khê Khẩu, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, TP. Hải Dương đột ngột xuất hiện nơi cửa nhà, bà Nguyễn Thị Dung (57 tuổi, mẹ ruột anh Hiệu) sững sờ trong giây lát như không tin vào mắt mình. Ôm chặt đứa con trai do mình dứt ruột sinh ra, nhưng không may chịu cảnh tật nguyền, người mẹ lặng đi, không thốt nổi nên lời. Gần ba nghìn ngày đau khổ vì bặt tin con, giờ gặp lại, người mẹ tội nghiệp này không dám nới lỏng vòng tay vì sợ sẽ mất con thêm lần nữa.
Cuộc gặp tình cờ và nỗi đau người dưng
Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người viết và chàng thanh niên tật nguyền bất hạnh Đồng Thế Hiệu bắt đầu vào một buổi chiều cuối đông 2011. Nghỉ chân ở một quán nước ven đường sát vườn hoa Lê Quý Đôn (TP.Thái Bình), tôi chợt để ý một thành niên chừng hai lăm, hai sáu tuổi, dáng vẻ như người lang thang, vừa câm vừa điếc co ro trong chiếc áo mỏng, ngồi ở gốc cây gần đấy. Ông già bán quán nước gọi chàng thanh niên ấy là “thằng Câm”.
Nhìn bề ngoài, “thằng Câm” đen nhẻm, áo quần cóc cáy, bẩn thỉu, chân đi dép lê “chiếc đực, chiếc cái”, đầu bù tóc rối như vừa được… móc từ dưới cống lên. Cả người cậu, duy chỉ có đôi mắt là sáng nhưng vời vợi nỗi buồn. Trong khi chúng tôi ngồi uống nước, bằng cả mồm miệng lẫn chân tay, “thằng Câm” ú ớ “nói chuyện” với ông già bán quán. Thấy chúng tôi chăm chú quan sát mọi lời nói và hành động của hai người, ông già bán quán tên Thịnh, ngoài 71 tuổi, trú tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình cho biết: “Nó vừa câm vừa điếc, lang thang xin ăn ở đây khá lâu rồi, tôi cũng chẳng biết chính xác gia đình, quê quán nó ở đâu nhưng tôi đoán có lẽ ở mạn Xuân Trường (Nam Định) gì đấy (?)”.
Ông già bán nước cũng cho biết thêm, chàng thanh niên cô độc vừa bị câm, lại điếc vẫn hàng ngày phải lang thang xin ăn, ai sai gì làm nấy. Đêm về, bất kể ngày hè nóng nực hay đêm đông rét mướt, cậu phải chui vào góc khuất nép bên nhà vệ sinh tại vườn hoa Lê Quý Đôn mà ngủ. Nhiều năm rồi, cái chu trình sinh hoạt lặng lẽ ấy vẫn lặp đi lặp lại. Thảng có giai đoạn, “thằng Câm” đột nhiên biến đâu mất. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, cậu đã lại xuất hiện ở khu vực này.
Bẵng đi một thời gian quay trở lại, tôi không thấy “thằng Câm” tội nghiệp đâu. Dò hỏi mãi, ông Đệ (73 tuổi), người nhiều năm nay vẫn hay ra đánh cờ, uống nước tại vườn hoa Lê Quý Đôn mới rón rén bảo: “Nó tật nguyền lại đơn chiếc khổ sở như thế, vậy mà tụi lưu manh vẫn không tha. Từ ngày nó về nương náu ở vườn hoa này, không biết bao nhiêu lần bị lũ dạt vòm, nghiện ngập đánh đập. Mới đêm rồi, một lũ nghiện lại vào chỗ nó ngủ đêm trấn lột hết tiền ăn xin và đánh đến thâm tím mặt mày”. Lật đật chạy lại vạch đám cỏ rậm rạp tìm lối vào nơi “thằng Câm” đang nằm, chân tay co quắp, miệng rên hừ vì đau đớn, tôi thấy lòng mình như thắt lại. Vừa nhìn thấy chúng tôi, chàng thanh niên tật nguyền bất hạnh gượng gậy, mắt nhòa lệ. Tiếng khóc phát ra từ cổ họng, không bật thoát thành lời cứ khùng khục nghe càng thảm thương.
Sau lần ấy, thảng khi người viết bài vẫn ghé thăm “thằng Câm”. Ý định tìm lại gia đình, giúp cậu chấm dứt những ngày lưu lạc tủi nhục, đớn đau theo thời gian cứ lớn dần. Từng có giai đoạn, tôi lặn lội nhờ anh Nguyễn Văn Huy, giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc ở trường cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình đi cùng với hy vọng sẽ “trò chuyện” được với “thằng Câm” để tìm manh mối, nhưng anh Huy cũng đành bất lực. Vì không thể giao tiếp, nên mọi thông tin về “thằng Câm” vẫn là một con số không tròn trĩnh, mịt mờ và vô vọng. Mãi cho đến một ngày…
Cuộc đoàn tụ thấm đầy nước mắt
Những ngày đầu tháng 2/2013, sau Tết nguyên đán Quý Tỵ, một số người dân sống gần khu vực vườn hoa Lê Quý Đôn (TP. Thái Bình) biết người viết bài này đang nỗ lực tìm kiếm gia đình đã bị thất lạc cho “thằng Câm”, đã cung cấp một thông tin quý giá: Tại thị xã Chí Linh (Hải Dương) có ba người đàn ông và một người phụ nữ đang loan báo khắp nơi tìm người thân. Theo nguồn tin này, thì những mô tả về nhân thân bị lạc có vẻ như rất trùng khớp với trường hợp của “thằng Câm”. Biết được thông tin quý giá này, tôi quyết định lên đường với tia hy vọng mong manh, mặc dù biết rằng việc tìm cho ra được gia đình có con bị thất lạc sẽ vô cùng khó khăn, vất vả. Trời không phụ lòng người, sau gần một tuần “lê la” khắp các hang cùng ngõ hẻm ở thị xã Chí Linh, được sự giúp đỡ của những người lái xe ôm tốt bụng, chúng tôi đã tìm được gia đình ông Đồng Thế Liệu và bà Nguyễn Thị Dung. Vừa nhìn thấy tấm ảnh “thằng Câm” mà chúng tôi đưa ra, bà Dung đã òa lên khóc, còn ông Liệu đứng chết lặng, không thốt nổi nên lời. Bởi đó chính là Đồng Văn Hiệu - Đứa con thất lạc bấy lâu nay của họ.
Đồng Văn Hiệu và mẹ - bà Nguyễn Thị Dung trong ngày đoàn tụ.
Sau cuộc gặp như “duyên trời định” đó, sáng ngày 7/3/2013, chúng tôi và người chú ruột Đồng Thế Hoàn đã đưa được chàng thanh niên tật nguyền lưu lạc trở lại nhà. Giây phút trùng phùng, ngôi nhà nhỏ tưởng chừng như vỡ òa trong những giọt nước mắt vui mừng. Bà Nguyễn Thị Dung (mẹ đẻ của anh Hiệu) lặng đi, không thốt nổi nên lời, nước mắt chứa chan. Phải thật lâu sau, bà mới lắp bắp kêu lên thành tiếng: “Con ơi…”. Với bà Dung, sự trở về của anh Hiệu chính là một món quà vô giá. Người phụ nữ ấy tưởng chừng như đã cạn khô nước mắt vì nhớ thương con, khi đứa con trai do bà dứt ruột sinh ra, sau 8 năm trời “mất tích” đã trở về.
Nghe chuyện vui đoàn tụ của chàng thanh niên Đồng Thế Hiệu, bà con xóm giềng kéo đến chúc mừng ngày một đông. Nhưng giữa những cái bắt tay, ông Đồng Thế Liệu (cha anh Hiệu – PV) chỉ biết bối rối ngồi một chỗ, ngây người nhìn con, chẳng nói nổi một câu mạch lạc. Xóm giềng, người thân thay nhau bắt tay, vòng tay ôm thật chặt chàng thanh niên lưu lạc gần 8 năm trời. Khi cơn xúc động đã dâng lên đến đỉnh điểm, ông Đồng Thế Liệu nhào đến ôm chầm lấy con trai, khóc tu tu như trẻ con. Ông xoa đầu, rờ tay, nắn chân con như không dám tin vào mắt mình, vào tai mình. Mãi khi cơn xúc động đã qua, ông mới thôi khóc hỏi con bằng giọng như đã lạc đi: “Ngần ấy năm trời… Khổ cực lắm phải không con!…”.
Khi khách khứa đã vãn, ông Đồng Thế Liệu, bố đẻ của anh Đồng Thế Hiệu mới có thời gian trải lòng với chúng tôi. Ông Liệu cho biết, vợ chồng ông làm nghề nông, lấy nhau và sinh được ba người con, Hiệu là con thứ hai trong gia đình. Nói đến đây, ông Liệu chợt thở dài. “Thằng Hiệu sinh ra bụ bẫm, kháu khỉnh là thế nhưng mãi vẫn chẳng bập bẹ tập nói như chị và những đứa trẻ xung quanh. Mới đầu, vợ chồng tôi cũng chỉ nghĩ cháu nó chậm nói nhưng khi cháu lên ba tuổi, người làng thấy lạ, gọi cháu cũng chẳng có phản ứng gì, thắc mắc vợ chồng tôi mới ôm con đi khám hết từ bệnh viện tỉnh rồi viện Nhi trung ương. Các bác sĩ ở đây sau khi thăm khám kết luận cháu bị câm điếc bẩm sinh, sẽ không nghe, không nói được, vợ chồng tôi tuyệt vọng ôm con về. Khuyết tật như thế, nhưng cháu rất ngoan, hay ăn chóng lớn, chẳng mấy khi ốm vặt, đặt đâu nằm đấy. Tôi phải liên tục an ủi, động viên vợ, thôi thì miễn là con khỏe mạnh, biết đâu sau này y học tiến bộ, bệnh của con có thể chữa khỏi nên bà nhà tôi cũng nguôi ngoai. Sau đó vợ chồng tôi sinh thêm thằng út…”, ông Liệu cho biết.
Về nguyên nhân để lạc mất con, bà Nguyễn Thị Dung giãi bày: “Năm thằng Hiệu 14 tuổi, trong một lần vợ chồng tôi dẫn mấy chị em nó ra Hà Nội thăm người thân, lớ ngớ thế nào thằng Hiệu đi lạc. Gia đình tôi mất con từ đó. Sau khi chuyện xảy ra, gia đình tôi vẫn còn khó khăn nhưng cũng vay mượn xuôi ngược khắp nơi đi tìm con. Nhưng “bóng chim tăm cá”, mọi tin tức về con trai vẫn mờ mịt. Nhiều đêm nằm nghĩ vơ vẩn, tôi lại ứa nước mắt vì thương con. Nó là đứa thiệt thòi từ nhỏ, đã khuyết tật sao ông trời còn nỡ đày đọa lưu lạc xa gia đình người thân từng ấy năm trời. 8 năm, gần 3000 ngày đằng đẵng chứ ít đâu. Nghe con “kể” lại về quãng đời lưu lạc đầy tủi cực của mình mà tôi không cầm được nước mắt…”.
Trong cuộc đời làm báo, tôi đã đi nhiều và gặp nhiều những câu chuyện đoàn tụ gia đình cảm động. Đây là một câu chuyện mà tôi có may mắn góp một phần công sức. Tôi đã định để cho riêng mình như một kỉ niệm. Nhưng rồi tôi lại nghĩ rằng đã dấn thân vào nghề cầm bút có nghĩa là phải kể, viết tất cả những gì mình thấy, không có quyền giữ làm “của riêng”.
Tình yêu nở hoa trong chuỗi ngày bất hạnh
Theo tiết lộ của ông Đồng Thế Hoàn, sau khi đoàn tụ với gia đình, đêm chú cháu nằm “tâm sự” với nhau, Đồng Thế Hiệu úp mở đã có vợ con ở Xuân Trường (Nam Định). “Theo như Hiệu “nói”, nó đã có con với một cô gái kém tuổi bị tật bên chân trái, đứa con gái khoảng lên ba lên bốn (!?). Gia đình tôi đề nghị nó đưa sang bên đó. Nếu quả thực sự như vậy, thì anh chị tôi sẽ xin phép nhà gái được tổ chức cưới hỏi đàng hoàng, đặng lo cho tương lai hai đứa. Nhưng đến giờ, người lớn nóng lòng mà Hiệu vẫn chần chừ chưa quyết nên gia đình đành phải chờ đợi”, ông Hoàn cho biết.
Linh Vân
Theo danso.giadinh.net.vn