Được sự ủng hộ của các anh bên Phòng Chính sách của Quân khu IV, đặc biệt là đồng chí Thượng tá Nguyễn Đình Dương, chuyên trách về công tác liệt sĩ, tôi lao vào công việc sưu tầm di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ như một đam mê. Hễ có đoàn quy tập về chuẩn bị bàn giao hài cốt liệt sĩ là đồng chí Dương báo cho tôi biết thông tin và chuẩn bị để lên đường.
Những di vật nằm cùng hài cốt liệt sĩ mà tôi sưu tầm được tất đa dạng. Từ năm 1945 đến nay, trên trần gian mình có cái gì thì dưới âm các bác liệt sĩ có cái đó. Từ những trang bị của quân đội như súng, đạn, quân tư trang cá nhân đến những vật dụng hàng ngày. Nhìn những di vật nằm cùng liệt sĩ ta dễ nhận biết thời kỳ liệt sĩ hy sinh. Có rất nhiều bút viết, nhưng nhiều nhất là bút Ba Vì, bút Trường Sơn, thi thoảng mới có bác dùng bút Hồng Hà. Đồng hồ thì có một số mang hiệu Pônzốt, nhưng đồng hồ hiếm thấy, vì cách đây 30 năm cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhà nào khá giả lắm, hoặc có người nhà đi du học nước ngoài may ra có đồng hồ đeo tay. Tôi còn nhớ những ngày chuẩn bị ký kết hiệp định Pari, làng tôi chỉ có một cái rađiô nhỏ, đêm đêm, những người lớn mới được uống nước chè xanh nghe tin thắng trận ở miền Nam và chờ tin tức… sau đó mới về thông báo cho từng gia đình. Làng quê còn nghèo lắm. Bởi vậy di vật của các liệt sĩ cũng nói lên điều đó. Có một chiếc ví đã là sang rồi, tôi lần tìm trong chiếc ví của một phần mộ xem còn có thể tìm thông tin gì không? Trong ví có một gói nhỏ mở ra chỉ có 6 chiếc cúc áo được gói rất kỹ, một đồng 5 xu và một dòng chữ viết trong mảnh giấy: Kỷ niệm những ngày bẻ đít ốc. Đồng 5 xu đã bị vẹt lỗ tròn ở giữa. Thủơ chăn trâu cắt cỏ ở miền quê đứa trẻ nào mà không dùng đồng xu để bẻ trôn ốc luộc? Tôi cũng đã từng làm như vậy mỗi khi trong đám bạn có một túi ốc vặn (ốc nước lợ) luộc lên rồi cả đám cùng mút chùn chụt. Loại ốc này không nhiều thịt nhưng có vị mặn ngọt, ăn cho vui miệng trẻ con thôi. Không biết anh tên gì, quê ở đâu, nhưng dám chắc quê anh là vùng ven biển…
Trên đất nước bạn, nhân dân Lào phát hiện được ở Nôm Pha Nai, Thu Lê Khôm, Bu Li Khăm Xây, có 73 liệt sĩ được tìm thấy nằm chung một chỗ. Đội quy tập không có cách nào để phân biệt từng liệt sĩ riêng được. Chỉ phân biệt được 73 hộp sọ của liệt sĩ, còn chân tay và các xương khác đành chịu. Vì thế đành phải chấp nhận để các anh nằm chung nhau một quan tài. Ngày 25-5-2000, đồng đội đưa các anh về đất mẹ Việt Nam, mai táng tại nghĩa trang Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trong phần mộ tập thể này, có những di vật không còn tên riêng, nhưng những chiếc huy hiệu Đoàn, những quân hiệu, những bìa sổ tay sinh hoạt đại đội vẫn còn. Đặc biệt có một tấm bưu thiếp vẽ cành đào mùa xuân, một đôi chim bồ câu vờn nhau trong gió, những chiếc đèn lồng và dòng chữ con gái tròn như hạt lúa: “Em đợi anh về, Xuân Mậu Thân 1968”. Một dòng chữ khắc thành con dấu hình chữ nhật: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đóng lên trên cành đào. Loại khẩu hiệu mà tuổi học trò ai cũng ghi lên mũ, đóng lên các bì thư, hoặc in tráng men lên chiếc ca uống nước. Quê tôi có một ngọn núi, các đồng chí dân quân còn đào giao thông hào và hầm trú ẩn theo chữ của câu khẩu hiệu này, ở xa hàng chục km vẫn đọc được khẩu hiệu. Các vùng quê thì mỗi nhà một chữ viết lên chiếc nong sảy lúa, rồi treo dọc lên các thân cây. Người đi làm đồng nhìn vào làng là thấy một câu khẩu hiệu dài kết nối từng gia đình, trông vào đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, lòng yêu nước, cùng chung một quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của toàn dân. Làng tôi ở ven đường quốc lộ 1A, thỉnh thoảng có những đoàn tàu chở hàng ra tiền tuyến, mỗi toa tầu cũng ghi một chữ, cả đoàn tàu thành một câu khẩu hiệu như vậy. Những câu như thế có khắp hậu phương. Tôi cứ mân mê mãi tấm bưu thiếp với lời nhắn thật giản dị: Em đợi anh về… Tấm thiệp này đã từng tiếp sức cho anh, là dân khí để các anh chiến thắng kẻ thù?.
Ở chân núi Hủa Mường có một phần mộ được mai táng rất chu đáo. Phía Tây cách 1,5m có chôn một cột đá màu trắng mài tròn nhẵn, cách 1,5m lại chôm 3 quả mìn. Trên mộ có một tấm bia làm bằng đá hoa cương, khắc chữ B10. Bên cạnh mộ B10 lại có một mộ nữa, mộ liệt sĩ này không có ký hiệu nào. Khi cất bốc trong mộ chỉ còn những trang bị của quân tình nguyện như tăng, võng, dao găm… ngoài ra không còn một thông tin nào khác. Liệu có ai còn nhớ mình đã chôn cất B10 và B10 là ký hiệu của ai? Bên cạnh B10 có phải là chiến sĩ liên lạc? Hai liệt sĩ này hiện đã mai táng ở Nghĩa trang Hàm Rồng, Thanh Hoá. Tôi viết những dòng này với nỗi cầu mong ai đó sẽ biết về liệt sĩ B10 và cạnh B10 để cùng tìm tên, quê cho liệt sĩ!
Có một dòng tên anh khắc vào đá núi: TK.B4. Bùi Ngọc Thuần. 12-12-66. Phần mộ của anh đã đưa về nghĩa trang đường 9, mộ số 300. Nhưng quê anh ở đâu? Ai là thân nhân? TKB4 là đơn vị nào mà không một ai biết? Ba năm rồi tôi hỏi khắp nơi nhưng chưa thấy hồi âm, tôi còn nợ liệt sĩ Bùi Ngọc Thuần một lời hứa trước khi chuyển hòn đá núi về đơn vị và đi tìm quê của anh. Trong tôi cứ vang vọng lời hát: Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hoá đá cây che; Chiều biên cương trắng mờ sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo; Việt Nam ơi Việt Nam núi cao như tình mẹ… Tôi ước chi tìm được mẹ cho anh, để đưa anh về với mẹ…
Tại Xù – Muồi, Sa-la-van, có một cây cao, trên thân cây còn rõ chữ: Đ - H – Lượng. Dưới gốc cây có 5 phần mộ, phần mộ ngay cạnh gốc cây có một tấm bia ghi chữ: Đ - H – Lượng, Z6, tên anh ghi trên thân cây đã 30 năm. Cây vẫn còn đó, mộ anh vẫn còn đó nhưng bây giờ đưa anh về Việt Nam, biết quê anh ở đâu? Liệu khi tìm được liệt sĩ Lượng chúng ta có thể tìm từ giấy báo tử của gia đình liệt sĩ Lượng để suy ra đơn vị các liệt sĩ khác cùng mai táng với liệt sĩ Lượng? Người khắc tên liệt sĩ Lượng lên thân cây còn sống? Có nhận được thông tin tôi thông báo tìm liệt sĩ Lượng không?
Dân bản ở Bua – La – Pha, Khăm Muộn có một cách nhớ tên của liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên đất Lào rất đặc biệt. Tôi đang làm một nhiệm vụ là tìm tên cho liệt sĩ qua di vật nằm cùng hài cốt. Nhưng đến lúc tôi nghe đồng chí Trần Văn Lộc báo cáo có tên của 15 liệt sĩ về đợt này, các đồng chí ghi theo thứ tự từ tên liệt sĩ Ba, Liệt sĩ Kính, liệt sĩ Quỳnh…Tôi thắc mắc về căn cứ khoa học để kết luận tên của liệt sĩ thì Ông Bua – Min trưởng Ban đối ngoại tỉnh Khăm Muộn giải thích: Người dân ở trong rừng sâu họ không biết nhiều cái chữ, họ không thể nhớ lâu nên họ quy ước một cách nhớ tên của liệt sĩ Việt Nam theo cách riêng của họ, các cây cổ thụ trong rừng được đổi thành tên riêng của các con bộ đội Việt Nam, bộ đội Ba chôn dưới gốc cây Khọ, nay cây Khọ đặt thành cây ông Ba, cả dân bản gọi là cây ông Ba, cây ông Kính, cây ông Quỳnh… lưu truyền từ năm này qua năm khác, tên của các liệt sĩ thành tên rừng của bản làng rồi. Cách nhớ ấy của bà con dân bản đã giúp các chiến sĩ quy tập biết được tên của các liệt sĩ hy sinh ở vùng Bua La Pha. Bây giờ chúng tôi đã cất bốc hài cốt về Việt Nam rồi nhưng tên của từng liệt sĩ vẫn được dân bản gọi thường ngày, trẻ em trong bản tưởng là cây đã có tên từ thủa nào xa xưa lắm. Tấm lòng của dân bản Lào đối với các liệt sĩ Việt Nam bao la như rừng Bua La Pha bạt ngàn cây lá…
Tại Mường Khăm, một người dân bản tình nguyện cho cán bộ phá ruộng lúa của mình và tát cạn nước để tìm liệt sĩ, chính quyền huyện Mường Khăm và đội quy tập hỏi lý do thì ông bảo ông nằm mơ thấy có hai anh bộ đội Việt Nam vào nhà ông chơi. Họ bảo với ông là họ buồn vì ở quê bây giờ là Tết, hai anh bộ đội vui tính rủ ông chơi tú lơ khơ, rồi bảo với ông là họ đang ở trong ruộng lúa vườn nhà ông 30 năm rồi chưa được về… Đội quyết định tìm kiếm theo chỉ dẫn của ông, sau một ngày tát nước, tìm kiếm thì thấy hai phần hài cốt nằm gần nhau ở trong ruộng lúa nhà ông. Một khu vực có nhiều xương cốt và có một chiếc bi đông đựng nước, ngoài vỏ bi đông có viết một chữ: Thảnh, chữ viết hoa thường, dễ đọc, còn rõ ràng, bi đông vẫn còn nguyên trạng, màu cỏ úa, loại bi đông viện trợ của Liên Xô cũ. Cách chỗ liệt sĩ Thảnh 2m tìm thấy thêm một liệt sĩ nữa, liệt sĩ có một chiếc bút máy hiệu Hồng Hà trên bút có viết chữ: Duy Hiền, chữ viết hoa nghiêng, sắc nét rất đẹp, kiểu chữ này năm 1972 khi tôi còn là sinh viên khoa ngữ văn trường đại học Sư phạm 1, ở mãi Cầu Giấy nhưng vẫn đi bộ lên bến xe điện, nhảy tàu điện hết 5 xu để về Tháp Bút đầu cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn để thuê thợ khắc tên lên chiếc bút Trường Sơn của mình. Chính vì thế tôi rất cảm động khi nhìn thấy nét khắc trên di vật của liệt sĩ Thảnh. Ngày đó có bút Hồng Hà là sang lắm.
Tôi ghi biên bản giao nhận và câu chuyệnc của Thiếu tá Trần Thức kể để về có cứ liệu đi xác minh, thông tin toả đi rồi thu về. Sau đó có bảy gia đình đến nhận liệt sĩ Thảnh. Một gia đình xa nhất là từ Đồng Tháp ra Vinh tìm tôi để chắp nối thông tin, gia đình này còn có thư của liệt sĩ Thảnh gửi về, thư nào bác Thảnh cũng tự xưng ngôi thứ 3 là Thảnh: Hôm nay Thảnh viết thư về… Thảnh vẫn khoẻ… nét từng chữ rất giống chữ trên di vật bi đông nhưng đó mới chỉ là nghi vấn, công việc này lại phải nhờ đến công nghệ GEN; Có năm gia đình nhận liệt sĩ Duy Hiền, có nhiều gia đình không phải đệm lót là Duy cũng nhận vì trùng tên Hiền, ai cũng mong đó là con mình. Mỗi gia đình cho tôi một bức thư cuối cùng của liệt sĩ, tôi cứ lần tìm những sợi dây liên hệ như vậy, mà hôm nay vẫn chưa đủ chứng cứ để chứng minh hai liệt sĩ này thuộc phả hệ nào, quê quán ở đâu.
Nói là khó khăn thì cũng phải, nhưng không còn hy vọng thì không đúng, theo tôi là thời gian. Nếu có thời gian và có nhiều người cùng phối hợp làm việc này thì sẽ tìm được. Do nhiều người hỏi, Bưu điện 108 Hà Nội đã xin và cung cấp số điện thoại của tôi cho những gia đình có liệt sĩ trong cả nước khi cần hỏi đến. Tôi chỉ kịp ngồi ghi thông tin, còn việc thông tin đi và xác minh tìm ngọn nguồn để trả lời theo nguyện vọng của từng thân nhân liệt sĩ thì tôi chưa làm được bao nhiêu. Tôi cũng xin các thân nhân liệt sĩ lượng thứ cho sự chậm chễ trong thời gian qua chưa có thư phúc đáp đầy đủ đến từng gia đình được.
Thông tin chi tiết về các di vật trong bài viết xin liên hệ:
cô Nguyễn Thị Tiến - bảo tàng quân khu 4, điện thoại: 0912123591
Theo: tkttls.quangtri.gov.vn