Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Di vật và những phân vân
Bionet Việt Nam - Nếu có trong tay hai cuốn sổ chứ không phải là vài tấm hình chụp lại như thế này, trung tá Tiến có thể khẳng định ngay tác giả bài thơ là Phan Văn Bân hay ai khác? Nhưng trong tay cô mới có những email nói về 2 cuốn sổ ấy mà thôi!

Cuốn sổ tay do trung tá Tiến cung cấp.

Lá thư xuân của một người lính miền Bắc?

Lãnh sứ mệnh hành phương Nam lần ấy của trung tá Nguyễn Thị Tiến có hai việc trọng. Một, chiểu theo tài liệu về cuốn sổ ghi trên email, trung tá Tiến phải xác định được địa chỉ cùng thân nhân của liệt sĩ Phan Văn Bân.

Nhiệm vụ đó trung tá Tiến đã hoàn thành. Đó là liệt sĩ Phan Văn Bân sinh ngày 22-4-1948. Nhập ngũ 16-2-1963 cấp bậc tiểu đội trưởng. Ngày vào Đoàn 30-8-1964 là Phó Bí thư chi đoàn. Thành phần cố nông. Nghề nghiệp làm mướn.

Nhưng còn một việc nữa, trung tá Tiến phân vân chưa vội thực hiện. Đó là gửi lại gia đình (bản chụp) những bài thơ từ cuốn sổ qua email mà chị nhận được!

Vì sao vậy? Kinh nghiệm từ những lần điều tra tìm hiểu nhắc trung tá Tiến bao nhiêu thận trọng cũng không thừa đối với việc thẩm định xác minh những di vật của liệt sĩ.

Cứ chiểu theo vài tấm hình chụp từ hai cuốn sổ, một bằng giấy học trò kẻ ly, giấy caro kẻ ô vuông mà một ông Úc và một ông Mỹ đều nói là của Phan Văn Bân (tức Phan Thành Nhơn) trung tá Tiến thấy nét chữ có vẻ khang khác?

Cuốn sổ in hình sặc sỡ với cái tên Nữ sinh ngày mai hình như là loại hàng thông dụng phổ biến của thị trường miền Nam thời ấy có vẻ như của liệt sĩ Phan Văn Bân? Chẳng hạn bìa cuốn sổ in sẵn các mục như trường, lớp, tập (tên vở học sinh) của trò (tên học sinh).

Một người lính miền Bắc nào đó có thể mua hoặc kiếm được tập vở học sinh miền Nam khi đó lắm chứ? Nhưng điều chị Tiến phân vân nhiều nhất chính là bài thơ Lá thư Xuân chép trong cuốn sổ. Nguyên văn như sau.

Lá thư Xuân

Từ buổi ấy xa em biền biệt/ Thấm thoắt thoi đưa mấy độ xuân về/ Hỡi em yêu còn ở chốn quê/ Chắc ngoài ấy đang tung trời vui cánh én/ Viết thư cho em đầu xuân sáu tám/ Ngoài quê hương em đang rét run người/ Xuân trong này cũng lạnh lắm em ơi/ Đừng khóc nữa, nhớ anh nhiều em nhé/ Nhớ buổi ra đi nhìn nhau lặng lẽ/ Giọt lệ sầu thay cho tiếng tiễn đưa/ Mà hôm nay đã mấy độ xuân về/ Nhớ (…) em lắm/ Nhớ quê hương đang bừng nổi dậy/ Tàu chiến Mỹ ăn đòn bốc cháy/ Giặc nhà trời cũng vùi xác bùn đen/ Còn trong này anh đứng giữa tiền duyên/ Giao thừa đến vui tiếng kèn xung trận/ Đêm hành quân mừng xuân sáu tám/ Vắng đào thơm mà ngát nhụy mai vàng/ Trên người anh rung cành lá ngụy trang/ Theo nhịp bước đoàn quân xuống đường quyết thắng

(1-1968)

Ngôn ngữ thơ nhưng mang đậm chi tiết cảnh vật sinh hoạt và nhất là cách nói, kiểu diễn đạt của người miền Bắc?

Bất giác, trung tá Tiến chợt nhớ đến một email từ Úc.

Thưa trung tá Tiến,

Trước tiên tôi xin trân thành cảm ơn trung tá Tiến rất nhiều đã gửi thông tin trong email mới đây cho tôi.

Anh cựu chiến binh Úc Wildeboer có những tài liệu thuộc về liệt sĩ Phan Thanh Nhơn có ý muốn trả lại những tài liệu ấy đích thân cho mẹ liệt sĩ (bà Nguyễn Thị Hiểu), nếu được - nghĩa là: Miễn sao bà Hiểu chịu nhận những tài liệu ấy. Cựu chiến binh Wildeboer có kế hoạch thăm Việt Nam vào tháng Tư hoặc tháng Năm năm nay (2012). Theo trung tá, có thể có cơ hội anh ấy gặp được bà Hiểu vào lúc ấy để trả lại tài liệu ấy cho bà không ? Có lẽ cũng có dịp chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm về sự kiện này. Nếu có thể được, bản thân tôi và một người đồng nghiệp tôi - anh Derrill de Heer, muốn đi cùng trong chuyến thăm. Nếu trung tá đồng ý, chúng tôi cũng muốn sắp xếp cho một vài thông cáo công khai về sự trả lại những tài liệu ấy cho bà Hiểu - vì vậy mà trong tương lai những cựu binh Úc và Tân Tây Lan khác có lẽ sẽ được khuyến khích cũng trả lại các mặt hàng (tài liệu, lá thư, hình ảnh) mà họ còn giữ. Tuy nhiên, có thể bà Nguyễn Thị Hiểu không chịu gặp chúng tôi hoặc không đồng ý với ý kiến trên về thông cáo công khai hay chụp bức ảnh? Tôi không muốn làm cái gì đó gây sức ép hay ép buộc bà Hiểu làm những gì phiền lụy hay làm bà không yên. Vì vậy, có thể tôi dựa vào trung tá hỏi bà Hiểu, ý kiến vạch ra ở trên có được chấp nhận với bà cũng như với trung tá và cơ quan trung tá không?

Trân trọng!

Bob Hall

Vậy nên trong cuộc gặp bất ngờ thân tình tại nhà mẹ Hiểu (đã nói ở phần 1), chị Tiến chỉ truyền đạt lại yêu cầu của cựu binhWildeboer với gia đình mẹ Hiểu chứ không đề cập gì đến cuốn sổ thơ, và cả chiếc khăn quàng màu xanh dương, móc viền quanh bằng tay màWildeboer đã nhặt được. Bởi chắc gì chiếc khăn ấy đã là của liệt sĩ Phan Văn Bân?

Chị Tiến cảm động khi biết cả gia đình mẹ sẵn lòng đón nhận những kỷ vật cùng cựu binh Úc Wildeboer.

...Lần gặp mới đây, trung tá Nguyễn Thị Tiến có cho tôi biết một chi tiết mới toanh. Đại sứ quán Úc vừa mời chị đến.

Ngài tùy viên quân sự thông báo với chị, ngày 2-4-2012, cựu chiến binh Wildeboer có kế hoạch trở lại Việt Nam để đích thân trả tất cả kỷ vật mình đang giữ cho gia đình liệt sĩ Phan Văn Bân.

Kỷ vật nối kỷ vật


Tấm ảnh sang sửa từ tấm phim 3x4 chưa xác định tên.

Được phép trung tá Tiến, lướt qua những email thời gian gần đây tôi biết chị đã phải vất vả đôn đáo như thế nào!

Những lần đôn đáo ngược xuôi từ Nam chí Bắc tìm phần mộ và tung tích liệt sĩ vất vả tốn kém đã đành. Việc nối mạng liên tục với cơ quan chức năng Úc và tổ chức VVA ở Hoa Kỳ đã gặm nhiều sức lực của người cựu binh Nguyễn Thị Tiến.

Với vốn ngoại ngữ hạn chế, chị Tiến đã phải nhờ phiên dịch chắp nối với các nhân viên tùy viên văn hóa, tùy viên quân sự và Đại sứ Việt Nam tại Úc, Hoa Kỳ... nhờ tiếp cận, phiên dịch.

Biết ơn cựu binh Bob Hall đã hào phóng về chữ lẫn nghĩa trong khuôn khổ một cái email. Mà tất thảy xoay quanh tấm phim 3x4 đen trắng tìm thấy trong túi áo ngực một liệt sĩ.

Chị Tiến đã gửi nó lại cho tôi với lời nhắn anh cùng Tiến đi tìm danh tính liệt sĩ này nhé... Chuyện Bob kể thì dài nhưng có thể tóm lược lai lịch tấm phim thế này.

...Ngày 12-8-1968 những binh sĩ Tân Tây Lan thuộc Trung đội 3 Đại đội V Binh đoàn 4, Úc- Tân Tây Lan (ANZAC) đã thực hiện một cuộc hành quân bảo vệ và khai quang vùng đất có tên gọi Núi Dinh và núi Tóc Tiên về phía tây bắc Bà Rịa bây giờ là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tên cũ là tỉnh Phước Tuy).

Trung đội phục kích tại tọa độ YS 330673. Xác định địa điểm phục kích này là gần một con sông nhỏ về phía tây của Núi Dinh.

Khoảng 5 rưỡi chiều ngày 12-8-1968, hai chiến binh nhân dân đến gần địa điểm phục kích. Hỏa lực được khai hỏa và ngay lập tức một trong 2 chiến binh tử vong tức khắc.

Người chiến binh thứ 2 cố gắng mang xác bạn nhưng hỏa lực mạnh quá bắt anh ta phải bỏ lại... Những vết máu sau này được tìm thấy cho biết người chiến binh thứ 2 này cũng đã bị thương.

Một tấm phim đen trắng 3x4cm đã được tìm thấy trong người của chiến binh tử vong. Khi in nó, cho thấy chân dung của một chiến sĩ quân đội, theo như ghi nhận là một nhân viên trong đơn vị y tế.

Người ta không biết có phải chân dung người đàn ông đã tử vong hay ai khác nhưng chúng tôi thấy tấm hình có vẻ giống?

Thư ký tình báo của Đại đội V không có mặt trong cuộc phục kích đã giữ tấm phim và sau đó trả lại cho Tân Tây Lan. Bây giờ anh ta hy vọng tấm hình có thể trả lại cho thân nhân của chiến binh.

...Từ khi nhận được email của chị Tiến, tôi chưa biết xoay xỏa như thế nào với tấm hình lặng lẽ kia?

Hằng bao lần do nhiều nguyên nhân, tôi đã cố dán mắt vào màn hình chương trình nhắn tìm đồng đội... Hàng trăm, hàng ngàn những tấm hình, những nam thanh nữ tú cứ lần lượt lướt qua...

Tôi không biết được số liệt sĩ đã tìm được phần mộ tìm được tung tích nơi yên nghỉ mỗi năm là bao nhiêu? Chiếm bao nhiêu tỷ lệ trong số đã đăng ký phát trên báo trên báo viết, báo nói, báo hình?

Nhưng có lẽ hiếm lắm những tấm hình người lính Việt như của Tiến sĩ Bob Hall trao cho trung tá Nguyễn Thị Tiến?

Nếu được phép đưa lên màn hình cùng các phương tiện thông tin đại chúng thì tấm ảnh lặng lẽ được in từ tấm phim trong túi áo ngực của người lính vô danh kia chắc sẽ nói lên nhiều điều.

Cận 30-4

Xuân Ba

(Theo tienphong.vn)

Các tin khác