Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
“Đóa hoa” lay động lòng người
Bionet Việt Nam - Chưa rõ nữ chiến sĩ viết Thế hệ Hồ Chí Minh là ai nhưng được phát hiện sau gần nửa thế kỷ nằm trong lòng đất, cuốn nhật ký của cô có thể đánh thức nhiều người trẻ thế hệ hôm nay

 

“Cuốn nhật ký có thể in thành sách cho tuổi trẻ đọc”. “Phải vào cuộc tìm cho ra ai là chủ nhân của các trang viết đẹp như những đóa hoa này”... Đó là ý kiến của nhiều người khi tận tay cầm cuốn nhật ký bí ẩn với trang bìa ghi Thế hệ Hồ Chí Minh được công bố ngày 21-9 tại Bình Dương. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định sẽ đề đạt những yêu cầu này để lãnh đạo Tỉnh ủy xem xét.

Ông Huỳnh Văn Sáng kể lại quá trình phát hiện cuốn nhật ký

Trận mưa “định mệnh”

Cuốn nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh được tìm thấy cách đây không lâu trong một khu mồ mã của gia tộc ông Huỳnh Văn Sáng ở xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên - Bình Dương. Cuốn nhật ký được phát hiện sau gần 50 năm nằm trong lòng đất đã làm ngỡ ngàng nhiều người vì tình cảm trong sáng và lẽ sống thật đẹp của tác giả, một nữ chiến sĩ chưa rõ tên.
Gia tộc ông Sáng nổi danh với “thi tướng rừng xanh” - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Huỳnh Văn Nghệ, tác giả 2 câu thơ nổi tiếng Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long; với liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy, người được đặt tên cho một con đường ở Bình Dương... Tuy nhiên, ông Sáng khẳng định tác giả cuốn nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh không phải là người dòng họ mình mà là một trong 6 chiến sĩ đã hy sinh từng được ông và một số người chôn ghép vào khu mồ mã gia tộc.

Ông Sáng cho biết năm 1963, khi địch càn vào Tân Mỹ, có 2 chiến sĩ tên Anh và Cần sau khi hy sinh đã được ông chôn ở khu mồ mã này. “Cũng năm đó, tôi lên huyện làm nhiệm vụ quân báo, nắm tình hình phục vụ chiến trường. Năm 1966, khi tôi về thì trong khu mồ mã xuất hiện 4 ngôi mộ mới. Hỏi ra, tôi mới biết đây là mộ của 4 chiến sĩ vừa mới hy sinh trong trận đánh lớn ở cầu Chùa, xã Tân Mỹ” - ông Sáng nhớ lại.

Từ đó, ông Sáng liên tục nhang khói cho vong linh các chiến sĩ này. Có lần, ông liên hệ với một lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH huyện Tân Uyên để  quy tập 6 hài cốt này vào nghĩa trang liệt sĩ. Công việc chuẩn bị triển khai thì gián đoạn vì người cán bộ này đột ngột bệnh nặng rồi qua đời. Trong khi ông Sáng chưa kịp xác lập chủ quyền đất thì khu mồ mã lọt vào tay một người khác. Năm 2009, mồ mã ở đây bị ủi tan hoang, 6 hài cốt chiến sĩ cũng thất lạc.

Phát hiện cuốn nhật ký là ông Sáng nhưng “người” trực tiếp làm nó xuất lộ khỏi mặt đất lại là... trận mưa to kéo dài khoảng 4 giờ. “Tôi đã đào tìm khu mồ mã, mong thấy dấu tích hài cốt các chiến sĩ. Cách đây không lâu, tôi tìm ròng rã 4 ngày vẫn không thấy gì, đến ngày thứ 5 thì trời mưa tầm tã suốt nhiều giờ. Chiều hôm đó, tôi trở ra khu mồ mã thì thấy nước mưa xói mòn làm ló ra một bọc ni lông. Trong 3 lớp ni lông là cuốn nhật ký nhỏ, dày 35 trang và 6 tấm ảnh úa màu. Tôi liền đem cuốn nhật ký về lật từng trang ra phơi cho khô rồi cất vào tủ” - ông Sáng kể.

Lý tưởng sống quá đẹp


“Giọng văn của Thế hệ Hồ Chí Minh tuy không sâu sắc, mượt mà bằng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hay của anh Nguyễn Văn Thạc nhưng khi đọc, nhiều lúc tôi run lên vì lối viết mộc mạc thể hiện lý tưởng sống quá đẹp của người  nữ chiến sĩ” - ông Nguyễn Quang Hiệp, Tổng Biên tập Báo Bình Dương, một trong những người đầu tiên đọc bản gốc của cuốn nhật ký này, xúc động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng cho biết những trang viết của cuốn nhật ký đã làm bà lay động, đây là minh chứng hùng hồn cho vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ thời chiến. Một cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Dương thì cho rằng cuốn nhật ký có thể làm thức tỉnh một bộ phận bạn trẻ đang “ngái ngủ”, thậm chí “gõ” vào cửa lòng đang khép kín của một số cán bộ, đảng viên ngày nay.

Thế hệ Hồ Chí Minh không thể hiện rõ tên tuổi, quê quán của tác giả, chỉ biết đó là một nữ chiến sĩ tên M., từng dạy học, quê miền Tây. Trong cuốn nhật ký còn có một số bài thơ. Trong đó, bài Nhớ anh thể hiện sự ngưỡng mộ ý chí anh hùng của anh Nguyễn Văn Trỗi và một tấm hình của anh. Cuốn nhật ký còn có chân dung một cô gái được phỏng đoán là tác giả.

Thế hệ Hồ Chí Minh ghi chép chuỗi ngày công tác, hành quân của tác giả trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1966. Trong nhật ký, M. tự nhắc mình chưa làm được gì nhiều cho Tổ quốc. M. dặn lòng chưa nên xây hạnh phúc cho mình khi đất nước chưa yên. Cô gái trẻ tự trách mình, ân hận vì nhiều khi lòng còn vẩn vơ, tư tưởng thiếu tập trung, do đó học tập chưa như mong muốn. Cô quyết tâm phải gạt bỏ mọi ý nghĩ riêng tư, cá nhân. Có khoảng thời gian 2 ngày, M. bịnh, không học hành được gì, uống thuốc đã đỡ nhưng vẫn mệt nhiều và cô cố gắng đấu tranh tư tưởng để vượt qua nhằm học tập, công tác tích cực hơn...

Trong cuốn nhật ký, ta bắt gặp một cô gái trẻ bày tỏ hứng khởi khi chọn đúng lý tưởng sống:  Một hôm, M. đến điểm học tập. Sinh hoạt ở đây có nhiều điều mới lạ, vui tươi và cô rất thích thú vì “tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây”. M. cũng hay thể hiện cảm xúc lo lắng, thương nhớ quê nhà trong chuỗi ngày đi công tác ở xa. Rồi M. nhận được thư gia đình, trong đó cha mẹ, anh chị rất lo cho cô. “Phải cố làm thế nào để xứng đáng với niềm thương nhớ và lo lắng ấy” - M. viết.
M. sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân cho lý tưởng đã chọn. “Đêm nay, được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự, M. rất phấn khởi. Quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. M. phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù, trước mặt kẻ thù không do dự” -  cô quả quyết.

Thỉnh thoảng, sau mỗi trang nhật ký, M. còn tự rút ra cho mình những câu khẩu hiệu viết bằng chữ in hoa: CĂM THÙ > HÀNH ĐỘNG > HỌC TẬP, CÔNG TÁC TỐT; LẠC QUAN, PHẤN KHỞI, TIN TƯỞNG; QUYẾT TÂM SỐNG, CHIẾN ĐẤU NHƯ ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TRỖI…

Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn!
(Trích nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh)

- Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương.
- Ngày 4-6-1964: Ngày giỗ ngoại. Qua lời khuyên của cậu, M. cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má, đứa con ưu tú của Đảng.
- Ngày 5-8-1964: M. có 2 niềm vui. Một là, được thư gia đình và các anh bộ đội. M. mừng quá, cứ muốn đọc mãi thôi. Hai là, ngày hôm nay được tin lần đầu tiên quân dân miền Bắc hạ nhiều máy bay Mỹ.
- Đêm 1-1-1965: “Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc”. Vâng! M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm điểm lại mình, M. thấy mình còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ tuổi hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ. Khuyết điểm của mình là nghiên cứu chưa sâu, nắm vấn đề chưa chắc, chưa tập trung hết tư tưởng. Phải cố gắng thật nhiều, “vì nhân dân, vì Tổ quốc vô tư mà học tập”.
- Ngày 12-3-1965: Mạnh dạn làm việc, nếu không sẽ hỏng, con người ai ai cũng như nhau, không lý gì mà tự ti!
- Ngày 28-3-1965: Ngày đầu tiên bắt tay vào công tác. Lần đầu nói chuyện còn kém. Cần trau dồi thêm cách nói và nhất là cần bình tĩnh, mạnh dạn hơn, khắc phục được sẽ thành công trong công tác.
- Ngày 15-1-1966: Một tuần qua là thời gian lộ chết (nằm hầm). Rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác. Không làm được gì, M. buồn nhiều...
- Ngày 21-1-1966: Đến gặp anh C. để bàn công tác. Một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8-1 (ngày đầu địch càn vào Bắc C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc nhưng trong lòng, ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi như là người... lý tưởng của M. M. lại nghĩ đến tình yêu thương cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa cưới nhau 20 ngày, mới chung sống thời gian ít như vậy...
- Ngày 30-7-1966: Tình hình ngày càng gay go, ác liệt, đó là sự báo hiệu địch sắp rơi xuống hố diệt vong.
- Ngày 13-9-1966: Được thư của người anh ruột thịt, M. mừng biết bao! Đọc đi đọc lại mấy lần vẫn muốn đọc mãi. Qua những lời khuyên lơn, dặn dò, M. cố khắc ghi mãi mãi trong lòng. “Tình - lý” phải sòng phẳng cả hai, “đặt tập thể trước, cá nhân sau”. M. cần chú ý hơn những điểm này...


 Những trang nhật ký trong Thế hệ Hồ Chí Minh

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Theo nld.com.vn

Các tin khác