Trong những lần họp mặt, bà Dung (bìa trái) và các đồng đội xưa của bà Thu bao giờ cũng kết thúc bằng câu hỏi: “Không biết thằng Đông giờ này ra sao?”. Ảnh do nhân vật cung cấp.
LTS: Chiến tranh đã lùi xa nhưng những chia cắt do hoàn cảnh lịch sử vẫn dai dẳng khôn nguôi.
Thời đó, có người mẹ ở căn cứ đành dứt ruột xa con để cho con được an toàn và để không còn tiếng khóc trẻ thơ làm lộ bí mật căn cứ theo yêu cầu của tổ chức. Để rồi phải 45 năm sau, người mẹ ấy và núm ruột của mình mới gặp lại sau những tháng năm mòn mỏi kiếm tìm...
Khoảng giữa năm 1964, Trạm xá căn cứ Khu 6 (cực Nam Trung Bộ, đóng ở Lâm Đồng) có một sinh linh chào đời. Đó là núm ruột mang nặng đẻ đau của người chị nuôi trong căn cứ có tên là Đoàn Thị Thu, bí danh là Thu Label. Người mẹ đặt tên núm ruột của mình là bé Đông.
Chia ly
Hằng ngày, chị nuôi địu con trong chiếc khăn rằn vào rừng bẻ măng, bẻ chuối, hái rau. Mỗi lần có máy bay tới mẹ vội ẵm con xuống hầm để nấp, thằng bé hớt hãi té đái trong quần.
Thời ấy những ai ở trong căn cứ đều hiểu khẩu hiệu “ba khoan”: chưa yêu thì khoan yêu, đã yêu thì khoan cưới, đã cưới thì khoan có con. Tất cả sức người lúc này cần phải dành cho cách mạng. Những năm đó, chiến trường vùng này rất ác liệt. Khi một đứa trẻ ra đời trong cứ, tiếng khóc của trẻ con sẽ làm lộ bí mật căn cứ, gây nguy hiểm cho tổ chức mỗi khi địch đến. Do đó, khi bé Đông được một tuổi rưỡi, đại diện tổ chức yêu cầu bà Thu phải gửi con về cơ sở để tránh cho căn cứ bị lộ đồng thời an toàn cho đứa trẻ.
Trước đó, bà Thu từng biết có một nữ đồng đội của mình trong lúc ôm con tránh máy bay địch đã phải cho con bú mong con đừng khóc, đứa bé vì quá khiếp sợ tiếng máy bay nên dù miệng ngậm bầu sữa nhưng vẫn không ngớt thét gào. Người mẹ ấy ép bầu sữa mạnh vào mặt con mình. Khi máy bay địch rút đi, tổ chức được an toàn nhưng đứa bé thì đã tắt thở. Và người mẹ đã ngất xỉu…
Một tuần sau, bà Thu phải cắn răng trả lời đồng ý xa con. Ông Huỳnh Văn Tự (Ba Tự) và ông Nguyễn Văn Chăm (Hai Chăm) được giao nhiệm vụ liên lạc với cơ sở để chuyển đứa trẻ ra khỏi cứ.
Một chiều cuối năm 1966, ông Tự và ông Chăm đưa mẹ con bà Thu ra bìa rừng nơi ngã ba Bà Sa, đường 20 đi Đà Lạt, để người của cơ sở đến nhận đứa trẻ về nuôi. Sợ mẹ không nỡ chia tay con, bà Thu được khuyên giao đứa trẻ khi còn cách bìa rừng một cây số. 5 giờ sáng, đứa trẻ được giao cho bà Năm Bội, một cơ sở kinh tài của cách mạng lúc đó. Sau khi chia tay con, bà Thu nằm vật xuống bờ suối bấu víu vào cỏ cây khóc ngất. Giao đứa trẻ xong, ông Tự và ông Chăm quay lại dìu bà Thu về căn cứ, động viên bà nguôi nỗi nhớ con.
Mẹ - Cha
Nhưng có người mẹ nào nguôi được nỗi xa con! Bà Thu kể: “Bầu sữa chảy chừng nào là tôi khóc nhớ con chừng ấy. Có đêm nằm ngủ tôi hét, la, khóc, đồng đội tới đập võng hỏi có gì mà la dữ vậy. Tôi nói vừa mơ thấy con cứ bám chân nói: “Cho con theo mẹ với, sao mẹ nỡ bỏ con!?”. Nói rồi tôi quay lại chạy theo bế con mà chạy mãi, chạy mãi vẫn không với được tới nó…”.
Đồng đội ngày trước ở cùng Khu 6 về sau được điều chuyển công tác đi nhiều nơi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Thu ngược xuôi tìm gặp đồng đội cũ để dò la tin tức của con mình. Nhưng tất cả chìm trong vô vọng. Rồi bà lấy chồng, là một đồng đội cũ, và về quê chồng ở Bình Định sinh sống. Dù có ba người con với người chồng sau nhưng không lúc nào bà nguôi ý muốn tìm kiếm bé Đông. Đồng đội không biết ai còn ai mất, nghe tin ông Ba Tự (người đưa bé Đông ra bìa rừng) ở đâu bà cũng lặn lội đi tìm để lần ra đầu dây mối nhợ về cơ sở nuôi bé Đông. Khi thì bà đến Phú Yên, lúc bà vào Phan Thiết, rồi lên Đà Lạt… nhưng tin tức về ông Tự vẫn bặt tăm.
Khi giao bé Đông cho đồng đội, bà Thu đã nằm vật xuống bờ suối bấu víu vào cỏ cây khóc ngất… Ảnh do nhân vật cung cấp.
Mấy chục năm sau ngày chia xa, bà Thu vẫn giữ chiếc khăn rằn ngày trước để tìm hơi ấm của con. Khi chiếc khăn rách mòn bà vẫn không nỡ bỏ.
Cha của bé Đông, ông Nguyễn Thanh, vốn là cán bộ tập kết ra Bắc rồi được tổ chức phân công dẫn cán bộ vào căn cứ Khu 6 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Xa vợ con lâu ngày, được chị nuôi Thu Label chăm sóc từng miếng ăn thức uống nên ông nảy sinh tình cảm. Khi biết cô Thu mang bầu, ông xin khu ủy cho cưới nhưng không được chấp nhận và bị điều chuyển về Phước Long. Phải đi nhận nhiệm vụ lúc 4 giờ sáng, ông không tiện để lại cho bà Thu một dòng tin nhắn. Năm 1974, ông được tổ chức đồng ý cho cưới một người vợ khác tại Phước Long rồi chuyển về Bình Dương sinh sống.
Ông Thanh cũng từng đi tìm bà Thu và tìm đứa con chưa kịp biết là gái hay trai của mình nhưng đều bặt vô âm tín.
Đồng đội
Khoảng ba tháng sau khi giao đứa bé, ông Tự có gặp lại bà Năm Bội và được biết bé Đông đã được nuôi tại gia đình bà này ở Củ Chi. Sau đó ông hay tin bà Năm Bội mất, manh mối xem như đứt.
Sau hòa bình, nhiều người trong số những người đồng đội cũ của Khu 6 ngày ấy lần tìm kết nối liên lạc với nhau, vài năm họ lại tổ chức gặp mặt một lần. Kết thúc buổi gặp mặt bao giờ cũng là những lời hỏi thăm, rằng không biết bây giờ số phận thằng bé Đông ra sao, nó ở đâu, cha mẹ còn hay mất…
Trong một lần họp mặt như vậy, ông Hai Chăm cho biết ông có đi tìm lại tung tích bé Đông nhưng không ra vì người nhận đứa bé trên tay ông ngày ấy đã mất. Manh mối duy nhất để tìm ra bé Đông là một người phụ nữ có tên Sáu Hiệp ở Đồng Nai, bạn của người nhận nuôi bé Đông. Nhưng Đồng Nai rộng mênh mông, biết ai là bà Sáu Hiệp. Ông chuyển mảnh giấy nhỏ ghi tên bà Sáu Hiệp cho người đồng đội cũ là bà Huỳnh Thị Dung để lần tìm ra manh mối. Mảnh giấy được bà Dung luôn mang theo bên mình, gặp ai bà cũng hỏi dò nhưng nhân dạng bà Sáu Hiệp thì vẫn bóng chim tăm cá.
Một lần, nằm điều trị tại BV Thống Nhất, bà Dung đem mảnh giấy đã 20 năm nay bà luôn mang theo ra hỏi dò một người cùng phòng về tung tích của bà Sáu Hiệp. Duyên may bắt đầu từ đây, người này tìm ra được địa chỉ nhà bà Sáu Hiệp. Theo chỉ dẫn của bà Sáu Hiệp, qua nhiều ngày kiếm tìm, những đồng đội của bà Thu mới bất ngờ biết được bé Đông ngày ấy hiện sống ở khu vực Bà Quẹo, TP.HCM, đã có vợ và hai con, nghề nghiệp ổn định.
Suốt nhiều năm dài ròng rã kiếm tìm, đến khi biết được tung tích của bé Đông thì những đồng đội xưa của bà Thu bỗng giật mình: Liệu thằng Đông bây giờ có chịu nhận cha mẹ đẻ sau 45 năm không hề có bóng dáng họ trong cuộc đời? Liệu nó có giận và hỏi tại sao đã bao nhiêu năm qua mà cha mẹ nó không đi tìm…?
Họ không dám chạm vào, không dám tiếp cận bé Đông ngày ấy mà cho người đánh tiếng rằng đã tìm được cha mẹ. Hai tháng sau, vẫn không có hồi âm gì từ bé Đông…
Người trẻ thổn thức
Nhiều lần chứng kiến má mình lặn lội đi tìm con cho đồng đội, vậy mà khi tìm ra manh mối rồi thì bà và những đồng đội xưa lại không biết phải làm sao, chị Lê Thị Hờ Rin, con của bà Huỳnh Thị Dung, bèn viết một lá thư gửi đến người có tên là bé Đông. Lá thư dài năm trang khiến ai đọc cũng phải thổn thức:
Chào anh. Em không nghĩ có một ngày em lại ngồi viết thư cho một người hoàn toàn không quen biết. Nếu không viết thì em thấy mình sống không trọn vẹn với thế hệ đi trước…
… Để đảm bảo an toàn cho đứa bé, tổ chức đã phao tin rằng đứa bé đã được chuyển ra hướng Phú Yên và ai cũng tin như vậy. Theo em nghĩ, nếu ngày xưa cô Thu không hết lòng yêu thương giọt máu của mình, không đủ can đảm để đối diện với thực tế, cô có quyền từ bỏ giọt máu ấy để đỡ bị tai tiếng. Và khi đứa bé chào đời trong hoàn cảnh ấy, chắc chắn cô luôn lo lắng tìm mọi cách để bảo vệ con… Và chắc chắn cô đã trải qua nhiều đêm không ngủ khi phải xa con, nhất là những ngày đầu, khi bầu sữa mẹ căng mà không có con để cho bú.
… Em là người may mắn khi lớn lên có đủ cha mẹ. Em không phán xét người lớn vì rõ ràng thời đó cách hành xử ấy là không thể khác được. Với những người yêu nước, Tổ quốc phải được đặt lên hàng đầu…
THANH MẬN
Theo phapluattp.vn