Nước mắt trùng phùng của hai anh em ông Hùng.
Mấy mươi năm xa xứ
Lần theo thông tin của người dân, chúng tôi tìm về thôn 7, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, gặp ông Hoàng Văn Hùng - người vừa đột ngột trở về sau 45 năm đi chiến đấu rồi mất tích, được coi là liệt sĩ. Trước mặt chúng tôi là người đàn ông với mái tóc đã ngả màu muối tiêu, khuôn mặt sạm màu thời gian sau nhiều tháng năm vất vả lặn lội trở về quê cũ tìm gặp người thân.
Đã mấy ngày nay, căn nhà của bà Lan (em gái ông Hùng) lúc nào cũng đông nghịt người đến thăm hỏi, chia vui với gia đình. Bằng giọng miền Tây ấm áp, ông Hùng hồi tưởng lại câu chuyện cuộc đời mình sau bao nhiêu năm xa xứ.
Năm 1965, sau 6 tháng huấn luyện ở vùng rừng núi huyện Lang Chánh, Bá Thước (Thanh Hóa), đơn vị của ông thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325C nhận được lệnh vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị và đường 9 Nam Lào chiến đấu.
Tại đây, năm 1969, trong một trận máy bay Mỹ ném bom, ông bị sức ép của bom khiến tai trái bị điếc. Sau một thời gian chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, năm 1970, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325C lại chuyển vào Đồng bằng sông Cửu Long, đóng quân ở Kiên Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Trên đường hành quân vào Nam, Trung đoàn của ông đi qua địa phận đất bạn Campuchia. Tại đây đoàn bị địch phát hiện, chúng cho quân mở trận càn. Sau trận càn ấy, ông bị lạc khỏi đơn vị. Ông chạy lạc vào nhà một người Miên và được người dân nơi đây cho lưu trú lại. Vài ngày sau, ông được một nữ giao liên người Việt tên Trần Thị Dân sang đưa về đơn vị của cô. Sau đó khoảng một tuần, ông được chuyển sang đoàn 220 đơn vị hậu cần của Cục Hậu cần.
Qua thời gian, giữa ông và người nữ giao liên tên Dân nảy nở tình yêu. Năm 1972, ông lập gia đình với cô Trần Thị Dân. Năm 1976, ông được đơn vị cho đi an dưỡng và năm 1977 được phục viên trở về quê. Từ đây ông theo về quê vợ, sống cùng vợ con ở ấp Cả Găng, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Vợ chồng ông có 4 người con thì 2 con sau bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai người con gái đầu tuy đã có gia đình nhưng cuộc sống còn vất vả. Hiện đã ngoài 60 tuổi nhưng vợ chồng ông vẫn phải đi làm nuôi 2 người con bệnh tật.
Anh em đoàn tụ sau 45 năm xa cách (ông Hùng áo kẻ xanh, đứng giữa).
Hạnh phúc ngày trở về
Sau một thời gian ông Hùng đi chiến đấu, ngày 20/12/1974, gia đình ông nhận được giấy báo tử của ông. Từ đó, trên chiếc bàn thờ vẫn luôn đều đặn khói hương vào những ngày giỗ ông.
Sau 45 năm được coi là liệt sĩ, bất ngờ ngày 20/4/2010, ông trở về quê hương. Bà Lan, em gái ông Hùng, nhớ lại, hôm đó bà đang ngồi thì nghe có người hỏi thăm hai người anh của bà là Hoàng Văn Cường và Hoàng Ngọc Việt. Người đó tự giới thiệu là anh trai của hai ông Cường, Việt.
Bật dậy hỏi han, nhận ra đó chính là người anh trai “liệt sĩ” của mình, bà Lan òa khóc nói: “Em là Lan, em gái anh đây”.
Niềm vui trùng phùng dồn nén sau 45 năm xa cách như vỡ òa với bao giọt nước mắt hạnh phúc. Những người dân trong thôn nghe tin cũng ùa tới thăm hỏi, chia vui cùng gia đình. Cô em gái út nhận tin bất ngờ cũng lặn lội từ Đồng Nai về quê gặp anh.
Bà Lan mừng rơi nước mắt tâm sự: “Ngày anh ấy đi tôi còn nhỏ không biết gì cả, lớn lên thì đã nhận tin anh ấy hy sinh. Nhìn vào tấm ảnh trông anh ấy rất giống bố và nghe anh ấy kể tên từng người trong gia đình, tôi như không tin nổi vào tai mình, cứ nghĩ mình đang mơ. Nhưng giờ thì đúng là anh ấy đây rồi”.
Nói đến ngày trở về, ông Hùng xúc động nói, nỗi nhớ gia đình, quê hương luôn day dứt trong ông nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nghèo đói, con cái bệnh tật triền miên nên không thể về. Để chuẩn bị cho lần trở về thăm quê này, vợ ông đã phải vay 3 triệu đồng với lãi suất cao. Suốt dọc đường đi, ông không dám ăn uống tiêu pha đề phòng nếu không tìm được người thân còn có tiền quay trở lại.
Gặp lại cả những đồng đội năm xưa.
Ông Vũ Văn Thọ (Nga Bạch, Nga Sơn), người cùng đơn vị với ông Hùng trước đây, xác nhận hai nguời đã từng cùng đi huấn luyện, cùng chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh và ông Hùng mất tích từ đó, không ai hay biết.
Ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nga Sơn - cho biết: “Chúng tôi cũng đã nắm bắt về trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng. Lâu nay ông Hùng đã có tên trong danh sách liệt sĩ của địa phương. Ông ấy bị thương, hiện có một viên bi nằm trong đầu, nhưng khổ nỗi lại mất hết giấy tờ liên quan. Chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH về trường hợp của ông Hùng”.
Duy Tuyên
Theo dantri.com.vn