Sáng 8-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng VN cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm công bố lộ trình tẩy rửa cho điểm nóng dioxin đầu tiên trên cả nước này.
Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát và đánh giá, các chuyên gia môi trường của VN lẫn Hoa Kỳ đã khẳng định: sân bay Đà Nẵng là một trong những khu vực có lượng tồn dư dioxin trong bùn, đất cao nhất nước, đặc biệt là khu vực pha trộn và kho chứa (nằm bên trong sân bay). Chính vì lẽ đó, mục tiêu của dự án tẩy rửa này là làm sạch bùn, đất nhiễm dioxin xuống dưới mức tiêu chuẩn làm sạch dioxin trong đất mà Chính phủ VN ban hành. Theo tiến sĩ Thân Thành Công (Cục Khoa học - công nghệ và môi trường - Bộ Quốc phòng), công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý dioxin áp dụng tại sân bay Đà Nẵng là công nghệ mới nhất do một nhà thầu Mỹ đảm nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng tại VN. Theo đó, bùn đất ô nhiễm sẽ được đào xúc và đặt trong một bể chứa (tựa như một nồi nấu) rộng 70m, dài xấp xỉ 100m. Sau khi đất ô nhiễm được máy xúc đào và đưa vào “nồi” nấu cao chừng 8m thì đất sẽ được làm nóng ở nhiệt độ 335OC thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt. “Quá trình hấp giải nhiệt bao gồm việc làm nóng đất và trầm tích ở nhiệt độ cao khiến dioxin bị phân hủy hoàn toàn thành cacbon dioxit, nước và clorua” - tiến sĩ Công nói.
Theo tính toán của các chuyên gia, sẽ có khoảng 191.400m2 đất ô nhiễm (tương đương 73.000m3 bùn đất) ở phía bắc sân bay Đà Nẵng sẽ được xử lý bằng công nghệ này (bao gồm 5,7ha hồ sen và gần 13,8ha mặt đất). Sau bốn năm dự án tẩy rửa này kết thúc (tổng mức đầu tư lên đến 41 triệu USD), sẽ có khoảng 30ha đất sạch được trả lại để phục vụ việc phát triển kinh tế của địa phương, trong đó có việc mở rộng, kéo dài đường băng sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Bà Randa Chichakli (đại diện nhà thầu thi công dự án) cho rằng: mục tiêu của dự án là làm sạch dioxin trong đất, ngăn ngừa dioxin phát tán ra không khí và nước, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính các nhân viên làm việc tại dự án cũng như cộng đồng dân cư lân cận. Chính vì thế trước khi bắt tay vào xử lý, phía nhà thầu sẽ tiến hành đo nồng độ nền của dioxin và bụi, đồng thời liên tục quan trắc để theo dõi. “Nếu trong trường hợp nồng độ dioxin trong không khí tăng vọt thì lập tức cho dừng thi công. Chúng tôi sẽ cho giám sát tốc độ gió và không thi công trong điều kiện gió lớn, hạn chế tối đa việc thi công trong mùa mưa và bảo vệ công trường khi mưa lớn” - bà Randa Chichakli khẳng định.
ĐĂNG NAM
Ngày 8-8, đại diện Nhóm đối thoại Việt - Mỹ đã trao số tiền 1,2 tỉ đồng cho UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) để đầu tư xây dựng công trình nước sạch tại làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy. Ông Nguyễn Hữu Tháp - chủ tịch UBND huyện Sa Thầy - cho biết công trình được xây dựng bằng hệ thống giếng khoan ở độ sâu gần 100m, đặt tại cạnh nhà rông trung tâm của làng Kà Đừ, phía trên đỉnh núi cách 100m được đặt bể chứa nước, theo ống dẫn nước sẽ tự chảy về từng hộ gia đình, mỗi gia đình sẽ được lắp đặt một đồng hồ nước, hằng tháng căn cứ vào số lượng sử dụng thực tế để tính tiền.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Vì tương lai tươi sáng” do ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ phối hợp với Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ tổ chức nhằm kêu gọi quyên góp chung tay ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN.
TRẦN THẢO NHI
Theo tuoitre.vn