Nhận và chuyển những tin nóng hổi
Trò chuyện với tôi trên con đường dẫn lên đồi Cây Bàng -cao điểm quan sát ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bao kỷ niệm của một đời binh nghiệp trong ông chợt ùa về, xúc động đến khó tả. Qua lời kể của ông, tôi đã hình dung được một cuộc đời gian truân, những kỳ tích của người lính, là chứng nhân của những ngày cả dân tộc chiến đấu giành toàn thắng, thống nhất đất nước. ông còn nhớ mãi “lần tường thuật trực tiếp” những tin thắng trận từ sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Độc Lập trong đại thắng mùa xuân năm 1975.
Cựu chiến binh hai đoàn liên hợp quân sự: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Những ngày cuối tháng 4-1975, ông Sơn là một trong hai chiến sĩ thông tin có nhiệm vụ nhận tin chiến thắng từ khắp các chiến trường qua hệ thống thu tự động tê -lê-típ, phục vụ công tác thực thi Hiệp định Pa -ri tại Sài Gòn của hai đoàn đại biểu liên hợp quân sự: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hòa đóng tại trại Đa -vít, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Sơn kể lại: 14 giờ ngày 30-4-1975, tôi nhận từ tay Đại úy Châu Quỳ, phụ trách tổ truyền tin bản đánh máy bằng tiếng Anh, yêu cầu chuyển ra Hà Nội. Tôi đánh máy ngay, dòng cuối cùng của bản tin mà tôi đọc được là: “Phóng viên UPI chuyển bài qua đài của phái đoàn quân sự về Hà Nội và nhờ Hà Nội chuyển tiếp về hãng ở Mỹ”. Sau đó, liên tục các bài viết của phóng viên các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tại Sài Gòn như UPI, AP, Roi-tơ đều chuyển bài viết về chiến thắng 30-4 qua chỗ chúng tôi. Kèm với bài viết là hàng chục bức ảnh nóng bỏng về các điểm Quân giải phóng tràn vào Sài Gòn. Tôi làm đến tận 2 giờ sáng mới chuyển hết thông tin đi. Sáng hôm sau, các phóng viên vào chỗ tôi lấy bản in thông tin chuyển đi. Họ đều khen là đánh máy đầy đủ, chỉ sai chính tả một số từ mà thôi.
Đêm 1-5-1975, tổ truyền tin được lệnh chuyển máy vào dinh Độc Lập. Ngày 2-5, chúng tôi cùng đồng đội bước vào nhà hai tầng phía trái dinh, nhanh chóng triển khai liên lạc. Nhìn xuống sân, chúng tôi rất vui khi thấy cả một đoàn xe tăng T54, xe PT76, xe chở quân đỗ đầy sân dinh Độc Lập.
Sau khi ổn định vị trí, tôi nhận lệnh chốt giữ tầng dưới của dinh. Các đồng chí khác kiểm tra thực địa và nắm địa bàn, từ những hàng cây bao phủ dinh, đồi cỏ đến bức tranh Huyền Trân công chúa, người đã hy sinh cá nhân để mở rộng bờ cõi thời Trần, được treo trang trọng trên tầng 4. Tôi còn nhớ rõ khi ấy trong dinh, những vũ khí mới nhất của ta như tên lửa vác vai A72 bắn máy bay, súng chống tăng AT3 do địch thu được, đặt trên giá như giáo cụ trực quan ở tầng 1 dinh Độc Lập. Dưới tầng hầm nóng hầm hập do hệ thống thông gió bị ngắt điện. Phòng thông tin liên lạc có những bộ máy phát A3J công suất 150W hiện đại. Ngày 3-5-1975 tôi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bảo vệ sảnh tầng 2. Qua cửa kính, tôi thấy nhân viên nội các Sài Gòn đang đứng ngồi lố nhố, ngơ ngác. Những ngày này, bộ đội ta được bà con Sài Gòn quan tâm chu đáo. Những giỏ rau tươi, cả trứng và thịt chuyển đến nhà hai tầng trong dinh Độc Lập. Có má nói: “Tụi bây vào đây lạ nước lạ đất. Má gom từ bà con trong chợ để dành cho tụi bây ăn no, khỏe mà giữ Sài Gòn”.
Ngày 5-5-1975, tôi được lệnh chuyển thiết bị liên lạc về làm việc ở 155 Hiền Vương, chuẩn bị cho lễ mừng chiến thắng. Lần lượt máy phát xạ, máy phát tin được lắp đặt xong, chỉ còn máy phát ảnh telephoto là chưa hoàn chỉnh. Trời Sài Gòn tháng 5 nóng nực lại bị những khối nhà bê tông hấp thụ nên nhiệt độ càng tăng. Sợ máy hỏng, chúng tôi dùng tới 5 chiếc quạt thu ở tất cả các phòng xung quanh để làm mát máy còn người sửa máy thì ròng ròng mồ hôi. Đến tận chiều 6-5, anh em mới chỉnh xong đồng bộ thiết bị, sẵn sàng chuyển tin về Hà Nội.
Trong lễ mừng chiến thắng, tôi và đồng đội nhận chuyển tất cả các tin bài của phóng viên các báo lớn như Nhân dân, Quân đội nhân dân, TTXVN, bài viết của các bạn Hung -ga-ri và Ba Lan trong Đoàn quân sự giám sát Hiệp định Pa -ri, cả các bài của phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài như AFP, UPI, AP, Roi-tơ, TASS, ADN, PRENSA LATINA (Cu Ba). Đến 10 giờ, bức ảnh đầu tiên được mang đến là ảnh quảng trường lễ mừng chiến thắng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đứng cạnh Bác Tôn, tướng Trần Văn Trà, tướng Văn Tiến Dũng trên lễ đài lễ mừng chiến thắng...
Những trăn trở thời bình
Gần 40 năm sau ngày độc lập, người lính trẻ Nguyễn Ngọc Sơn ngày ấy bây giờ đã đến tuổi lên lão. ông cùng các đồng đội từ khắp 63 tỉnh, thành phố quy tụ về TP Hồ Chí Minh đón danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân dành cho hai phái đoàn đại biểu quân sự đóng tại Tân Sơn Nhất năm 1975.
Nhớ đến đồng đội đã hy sinh vào những ngày cuối cùng trước khi thống nhất đất nước, ông Sơn cùng các ông Thành, Thuật đi viếng đồng đội Nguyễn Quang Hòa hy sinh ngày 29-4-1975. Khi xe chở các ông đến gần nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, nơi đồng đội nằm đó, cảm giác gần gũi ập đến. Lúc xuống xe, ông gọi: “Hòa ơi, chúng tôi đến thăm Hòa đây!”. Nước mắt các ông lăn dài, giống như khi người thân xa cách lâu ngày được gặp lại. Khi đặt quà mang từ miền Bắc lên mộ liệt sĩ Hòa, thắp bó hương trầm, các ông thấy lòng mình lặng đi, như thấy Hòa rưng rưng nước mắt, nâng niu những gói quà quê hương của đồng đội sau nhiều năm mới trở lại. Ngồi tâm sự với liệt sĩ Hòa hết một tuần hương, các ông thăm mộ những đồng đội yên nghỉ xung quanh. Một số đồng chí cùng tổ thông tin hy sinh trước liệt sĩ Hòa như: Trần Văn Viết (Kinh Môn, Hải Dương), Nguyễn Văn Thương (Ninh Giang, Hải Dương) đều hy sinh năm 1968… Anh em quây quần bên nhau họp thành tiểu đội 8 người, yểm trợ nhau như những ngày còn cùng chiến đấu. Các ông nhớ từng đồng đội cùng chiến đấu vai sát vai trong hàng ngũ, cùng giành chiến thắng chung cho non sông Việt Nam. Ngày ấy, căn bệnh sốt xuất huyết lan truyền tại Sài Gòn đã lấy đi một đồng đội của các ông, tên là Giảng. Các ông vẫn băn khoăn không biết ông Giảng đã về với gia đình chưa hay vẫn còn nằm tại Lộc Ninh…
Tôi hỏi ông Sơn, trong suốt những năm chiến đấu, rồi trở về công tác trong ngành dầu khí, ông có gì tiếc nuối không? Thoáng một chút băn khoăn, ông chia sẻ nỗi niềm: “Kỷ niệm lớn nhất của chúng tôi là ở Trại Đa -vít, nơi ngày ấy đấu tranh trực diện bằng ngoại giao với Mỹ, nơi gần 80 phóng viên các hãng thông tấn báo chí nước ngoài và Sài Gòn đưa tin về hoạt động ngoại giao đã không được bảo tồn cẩn thận, nay khó có thể phục hồi được”.
Bài và ảnh: Thành Công
Theo qdnd.vn