Ông Nguyễn Hồng Mỹ (bìa phải) cùng Thị trưởng bang Kentucky (giữa) và Thiếu tướng Daniel trồng cây lưu niệm mang tên ông (Ảnh: tư liệu gia đình).
Tình cờ tôi quen phi công Nguyễn Hồng Mỹ- người được không lực Hoa Kỳ rất ngưỡng mộ vì đã bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên trong chiến dịch năm 1972, chiến dịch mà người Mỹ định dùng không quân để đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá.
Trong căn nhà nhỏ ven sông Hồng, ông Mỹ vẫn hào hứng như thuở nào khi nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên.
Hai trận đánh - một con người
Mở đầu câu chuyện ông Mỹ kể, tôi sinh năm 1946 tại Nghệ An. Năm 1965, khi đang theo học tại đại học (ĐH) Kinh tế ở Hà Nội, tôi trúng tuyển phi công và cùng với 120 thanh niên ưu tú khác sang Liên Xô học lái máy bay. Khóa học lẽ ra kéo dài 7 năm nhưng vì đất nước lúc đó rất cần lực lượng không quân nên rút gọn chỉ còn hơn 3 năm. Cả khóa học có 21 người tốt nghiệp lái MiG 21. Về nước, được nghỉ vài ngày là lên đường chiến đấu luôn. Tôi được biên chế về Đại đội 1, trung đoàn 921 Sao Đỏ Anh hùng, đóng quân ở Nội Bài. Đầu năm 1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt, phải tiêu diệt bằng được máy bay Mỹ, làm nhụt ý chí mở rộng chiến tranh quy mô ra miền Bắc của địch.
Sau vài lần chạm trán với máy bay địch, theo tôi thì phi công của họ chuyên nghiệp hơn và máy bay cũng hiện đại hơn nhưng mệnh lệnh và ý chí thôi thúc những người phi công như chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 17-1-1972, tôi nhận lệnh cất cánh chiến đấu. Tôi bay ở vị trí số một cùng thượng úy Lê Minh Dương (trong tốp bay, người bay ở vị trí số một là người chỉ huy của tốp bay đó - PV). Sở chỉ huy báo có tốp máy bay cường kích của địch bay trên độ cao 4.000m. Tốp máy bay địch hôm đó có tới 24 chiếc.
Tôi nhận định, nếu đánh ngay thì mình sẽ thua vì chỉ có 2 anh em thôi. Tôi nói với Dương là cứ bay cùng tốc độ với chúng nhưng ở độ cao thấp hơn để chờ cơ hội. Có lẽ từ đầu chiến dịch, địch chưa bị không đối không tiêu diệt máy bay nào nên rất chủ quan, bọn chúng không phát hiện ra chúng tôi nên khi đến địa phận Hòa Bình vẫn thản nhiên lượn quay trở lại. Lúc này, tôi nói với đồng chí Dương là sẽ đuổi theo và đánh. Đúng lúc đó, đèn nhiên liệu báo sắp hết xăng. Sở chỉ huy lệnh quay về. Tôi nghĩ, bay đã mấy chục lần, đây có thể là cơ hội đầu tiên của tôi. Tôi xin sở chỉ huy là cố theo một đoạn nữa xem sao. Tôi tăng tốc và lấy độ cao cùng với máy bay địch, khi đến địa phận Nghệ An thì tôi cảm thấy thời cơ tốt nên phóng liền 2 quả tên lửa. Một quầng sáng lớn bùng ngay trước mắt. Tôi biết đã trúng mục tiêu nhưng cự ly quá gần nên không tài nào tránh được. Máy bay tôi chui luôn vào đám cháy đó và bị tắt động cơ. Sở chỉ huy lệnh nhảy dù, tôi cố lượn vòng lại và hạ thấp độ cao. Sau đó, tôi khởi động lại thì động cơ lại nổ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa cũng là lúc hết sạch nhiên liệu. Ông Mỹ kể tiếp: "Sau chiến thắng đó, tôi được gắn Huy hiệu Bác Hồ ngày 19-1-1972. Đó là một phần thưởng tôi xem như báu vật".
Ngày 16-4-1972, tôi được lệnh xuất kích cùng đồng chí Lê Khương cũng tại sân bay Nội Bài. Sở chỉ huy thông báo có tốp máy bay địch cách vị trí chúng tôi đang bay khoảng 15 km. Hôm đó, tốp máy bay địch quá đông, tổng cộng có 36 chiếc chia làm nhiều vòng nối nhau. Tôi và đồng chí Khương vẫn quyết định đánh. Nhưng chỉ được một lúc, địch chia cắt anh em chúng tôi. Tôi bị một tốp F 4 bám sát đằng sau. Chúng phóng 5 quả tên lửa nhưng tôi may mắn tránh được. Đến quả thứ 6 thì máy bay tôi bốc cháy ở địa phận Hòa Bình. Sở chỉ huy lệnh nhảy dù. Tôi bật dù nhưng khi vừa ra khỏi máy bay thì thiết bị bảo vệ tay không hoạt động nên tôi bị gãy liền 2 tay. Sau 2 lần phẫu thuật, tôi rất muốn bay lại nhưng không thể vì lái máy bay chiến đấu đòi hỏi đôi tay phải hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi chuyển ngành rồi học tiếp đại học Ngoại ngữ, sau đó về Bộ Tài chính và làm ở Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Nhìn tôi ngắm căn phòng có vẻ hơi bừa bộn với cách bài trí có chất nghệ sỹ ông tâm sự: Tôi sống một mình với 2 con đã gần ba chục năm rồi, từ khi đứa thứ hai mới 2 tuổi. Một mình nuôi chúng và tôi tự hào vì cả 2 đứa đều ngoan cả. Đứa nào cũng đã học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định...
Giấy chứng nhận hàm đại tá danh dự do Hoa Kỳ phong cho ông Mỹ.
Tình bạn lấp đầy hố sâu thù hận
Thế còn câu chuyện gặp lại người đã bắn hạ ông năm xưa ra sao ạ? Giọng ông chầm chậm: Sau khi kết thúc chiến tranh, tướng Daniel, người đã bắn rơi máy bay tôi ngày trước, về làm giám đốc bảo tàng không quân Mỹ hay còn gọi là Công viên di sản hàng không. Ông Daniel có kể lại với tôi là một trong những nhiệm vụ của ông trước khi nghỉ hưu là tìm hiểu về người phi công đã bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên năm 1972 vì người Mỹ cho rằng, năm đó họ chuẩn bị cho chiến dịch ấy rất công phu, huy động những phi công dày dạn kinh nghiệm với những thế hệ máy bay tiên tiến nhất, thế nhưng mới chỉ triển khai được chiến dịch có vài ngày đã bị bắn hạ. Bên cạnh đó, ông Daniel cũng rất muốn biết số phận viên phi công Bắc Việt mà ông ta đã bắn rơi ngày nào. Trong cuộc đời phi công của Daniel, đấy cũng là lần duy nhất ông bắn hạ máy bay.
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ (1969).
Qua một giáo sư người Việt giảng dạy tại Mỹ, ông Daniel biết là truyền hình Việt Nam có chương trình, "Như chưa hề có cuộc chia ly", ông đã nhờ Đài truyền hình Việt Nam tìm 2 người phi công đó. Năm 2008, câu chuyện hai người lính được phát sóng trên truyền hình Việt Nam. Và ông Daniel cũng không thể ngờ rằng 2 người phi công mà ông muốn tìm lại chỉ là một! Ông Mỹ kể, sau này khi đã thành bạn, ông Daniel cho biết, ngày tôi bắn rơi chiếc F4, không quân Mỹ khi đó rất hoang mang và lo ngại vì họ thật sự không hiểu hết sức mạnh của không quân Việt Nam. Và chỉ một việc đó thôi cũng làm thay đổi kế hoạch chiến dịch không kích đầu năm 1972.
Ông có hay liên lạc với ông Daniel không? - Tôi hỏi. Thường xuyên qua email. Chúng tôi đã thành bạn thân của nhau, có thể chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Từ năm 2009 đến nay, tôi được mời qua Mỹ 4 lần. Lần gần đây nhất là tháng 3-2011, họ mời tôi sang nói chuyện và khai giảng lớp học Chỉ huy và Tham mưu của Không quân Mỹ. Lớp học có khoảng 500 sỹ quan đến từ khắp nước Mỹ. Tôi vẫn nhớ ông hiệu trưởng đã giới thiệu tôi là anh hùng. Tôi có nói lại là tôi chưa được phong anh hùng. Ông ấy giải thích luôn rằng tôi đã là anh hùng trong con mắt của họ từ khi tôi bắn hạ máy bay Mỹ năm 1972 rồi! Những lần đi Mỹ, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ? Có. Nhiều chứ. Đi để học hỏi và biết thêm nhiều điều. Nhớ nhất là một lần vào thăm khu công nghệ cao, nơi có một số Việt kiều làm việc. Hôm đó, có một tướng 4 sao chào tôi và xin chụp ảnh lưu niệm. Những Việt kiều làm ở đó thấy thế rất hãnh diện và họ nói rất tự hào vì một người Việt được tiếp đón trọng thị như vậy! Ông thấy tính cách người Mỹ thế nào? Họ thẳng thắn. Cái gì sai họ sẵn sàng nhận. Và cũng sẵn sàng bày tỏ sự khâm phục khi bạn là người chiến thắng!
Trong một lần được mời sang Mỹ, dưới sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bang Kentucky, đích thân Thống đốc bang đã trao quân hàm đại tá danh dự cho cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ; Và ông Mỹ cũng được trồng cây lưu niệm trong vườn hoa lớn nhất của bang.
--------------------
"Thay mặt cho Lớp học Chỉ huy và tham mưu Không quân, tôi xin được đích thân cảm ơn ông về buổi diễn thuyết tuyệt vời mới đây của ông. Kiến thức trực tiếp của ông về giá trị và tầm hiểu biết Văn hóa và Khu vực thực sự kết nối học viên theo lối họ có thể liên hệ và nhớ lâu dài...".
Trích thư cảm ơn của Thiếu tướng Stepphen T.Denker - Chỉ huy trưởng, ĐH Chỉ huy và Tham mưu Không quân Mỹ nhân dịp ông Mỹ được mời sang khai giảng lớp Chỉ huy bay không quân Mỹ (ACSC) niên khóa 2011.
Phạm Minh Hiếu
Theo tuanvietnam.vietnamnet.vn
Bài liên quan: Tình bạn lạ kỳ của hai cựu phi công Việt Nam-Mỹ