Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Gia đình có 14 liệt sĩ
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Trung tướng Nguyễn Văn Thảng (trái) bên bàn thờ gia đình.

Làng Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc (Điện Bàn, Quảng Nam) được xem là thôn có nhiều liệt sĩ nhất cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của một gia đình có nhiều người hy sinh vì Tổ quốc. Đó là gia đình ông bà Nguyễn Văn Lắm - Phạm Thị Chúc (Nở) ở thôn 1 (Cẩm Sa). Gia đình ông Lắm có 14 người con, cháu hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gồm: 3 con đẻ, 2 con rể và 9 cháu nội, ngoại. Gia đình này cũng có 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với hai thế hệ là: Mẹ Phạm Thị Chúc, con dâu Lê Thị Ngữ và con gái Nguyễn Thị Học.

Thắp nén hương lên bàn thờ đầy ắp những tấm bằng cao quý mà Nhà nước trao tặng, Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5, kể về ông bà nội và những người thân trong gia đình của mình với niềm xúc động dâng trào. Ông bà Lắm sinh 9 người con, trừ một người mất khi còn nhỏ, còn lại đều tham gia kháng chiến. Bản thân ông bà chắt chiu lát sắn, củ khoai nuôi giấu cán bộ hoạt động. Ông mất sớm, mình bà chịu bao nỗi đau khi con cháu lần lượt ngã xuống. Người con trai đầu là Nguyễn Văn Chúc có 4 người con thì một người là Nguyễn Văn Xuyên đi bộ đội đã hy sinh. Người con rể là Lý Xuyên cũng là liệt sĩ.

Người con trai kế là Nguyễn Văn Nghiên (thân phụ của Trung tướng Nguyễn Văn Thảng) tham gia cách mạng thời chống Pháp, nhiều lần bị địch bắt giam ở Điện Bàn, Hội An. Ra tù, ông Nghiên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Người con trai đầu của ông Nghiên là Nguyễn Văn Tuấn đầu quân ở Tiểu đoàn Bà Thao, hy sinh năm 1968. Ba năm sau, người con rể Nguyễn Thanh Trịnh, Bí thư Đảng ủy xã Điện Nam, ngã xuống (năm 1971). Huyện ủy tiếp tục cử Nguyễn Văn Thảng Em thay anh rể lãnh đạo xã trụ bám trong vùng địch hậu. Trong trận đánh ác liệt ở bến đò Lợi, Bí thư Thảng Em chỉ huy 6 dân quân Điện Nam đánh lui một tiểu đoàn của địch, bắn cháy 2 xe bọc thép và một chiếc trực thăng. Hết đạn, anh cùng đồng đội tử thủ bị chúng cắt đầu bêu ở cầu Vĩnh Điện, xác vứt xuống giếng ở Thanh Quýt để thị uy người dân. Người mẹ âm thầm đi tìm xác con về chôn cất.

Người con trai thứ 3 là Nguyễn Văn Diết Anh có hai người con là Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Văn Thao, người đi bộ đội huyện, người làm xã đội phó xã Điện Nam sau đó đều lần lượt hy sinh. Nối tiếp truyền thống gia đình, Nguyễn Văn Diết Em lên đường đánh giặc. Bị bắt giam ở Điện Bàn, Diết Em vượt ngục vào Phan Thiết hoạt động, nhưng vẫn bị địch bắt, chúng đóng 10 cây đinh vào gót chân, rồi thủ tiêu. Mẹ ông ở quê biết tin, đau đớn tột cùng, nhưng không thể nào tìm được hài cốt của con.

Người con gái của ông bà Chúc là Nguyễn Thị Học cùng chồng là Võ Văn Miên và con trai là Võ Văn Phu đều là liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Cầm, em bà Học có cô con gái Lê Thị Toàn đi du kích rồi hy sinh. Em bà Cầm là bà Nguyễn Thị Thể, cán bộ Vùng đội cùng chồng là Lê Kha cũng vĩnh viễn ngã xuống trên mảnh đất quê hương.

Trung tướng Nguyễn Văn Thảng bồi hồi nhớ về bà nội chịu nhiều đau khổ của mình: “Bà nhỏ bé mà cứng cỏi lắm. Dù chịu nhiều đau thương, vất vả nhưng bà nội vẫn động viên con cháu lên đường tham gia đánh giặc, cứu nước. Năm 1967, tôi được về nhà trước khi đi học ở Quân khu, bà mừng lắm, cùng mẹ bán mỗi người một con bò, cho hai chỉ vàng để tôi “lận lưng”. Bà mất mà chưa kịp thấy nước nhà thống nhất như mong ước, nhìn thấy con cháu trưởng thành với nhiều người là sĩ quan quân đội, công an…”.

Trên nền đất cũ, bây giờ con cháu đã xây ngôi nhà nhỏ để thờ phụng ông bà và những cô, bác. Căn nhà nhỏ ấy không chỉ là nơi để mỗi ngày, mỗi tháng, con cháu thành tâm ghi lòng, tạc dạ công lao dưỡng dục của ông bà, mà còn là địa chỉ để giáo dục tinh thần yêu nước cho con cháu và lớp trẻ hiện nay...

Bài và ảnh: HỒNG VÂN

Theo qdnd.vn

Các tin khác