Bà Nguyễn Thị Bông bên bàn thờ con trai là liệt sĩ
Mất 19 năm để giải oan cho người con từng được công nhận là liệt sĩ, đến nay, bà vẫn chưa được nhận sự đãi ngộ của Nhà nước với tư cách là mẹ liệt sĩ
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Nguyễn Thị Bông (xã Đạo Thạnh, huyện Châu Thành, nay thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nhận được giấy báo tử từ Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang cho hay con bà là anh Phan Thanh Hồng đã hy sinh vào năm 1969. Đến năm 1979, bà Bông nhận bằng Tổ quốc ghi công và được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ. Tiếp đó, anh Hồng được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, gia đình bà Bông cũng được công nhận danh hiệu gia đình cách mạng.
Oan án đầu hàng giặc
Năm 1988, cán bộ phụ trách chính sách xã Đạo Thạnh đến nhà hỏi mượn bà Bông quyển sổ lĩnh tiền trợ cấp hằng tháng để đổi lại sổ mới theo mẫu chung. Chờ hoài không được giao sổ mới, bà Bông đến UBND xã hỏi thì được bảo chờ. Sau 10 năm trôi qua trong chờ đợi, bà Bông gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện, tỉnh khiếu nại. Ngày 24-10-1997, bà Bông nhận được văn bản trả lời của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang nói rõ do chịu không nổi sự ác liệt của bom đạn đánh phá, anh Hồng trốn qua bên kia sông Bảo Định để ra vùng giặc, bị lực lượng du kích xã Đạo Thạnh và an ninh TP Mỹ Tho bắt giữ. Anh Hồng bị đưa về trại giam thuộc địa bàn xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo) để quản thúc. Tháng 6-1969, địch đánh bom trại giam, anh Hồng chết mất xác. Ngày 16-7-1999, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang ra quyết định thu hồi giấy báo tử của anh Hồng với lý do “có tư tưởng đầu hàng giặc”.
“Nếu quả thật thằng Hồng đầu hàng giặc, tại sao người ta không ra quyết định thu hồi ngay mà phải thông qua bước “mượn” sổ trợ cấp? Tại sao không thu hồi luôn bằng Tổ quốc ghi công? Cảm thấy có điều gì đó oan trái, tôi quyết đi tìm lẽ công bằng cho đứa con nơi chín suối”- bà Bông kể lại.
Hành trình 19 năm
Bắt đầu từ năm 1990, bà Bông cất công đi tìm những nhân chứng sống. Phải mất 19 năm, bà mới có đủ bằng chứng chứng minh anh Hồng bị oan.
Theo các nhân chứng, anh Hồng nhập ngũ năm 1967, là chiến sĩ trinh sát của Ban Chỉ huy Quân sự TP Mỹ Tho, đóng quân tại địa bàn ấp 3, xã Đạo Thạnh. Trong lúc này, gia đình anh Hồng ở ấp 6, xã Đạo Thạnh thuộc vùng tạm chiếm của địch. Giữa ấp 3 và ấp 6 bị chia cắt bởi con sông Bảo Định. Anh Hồng thường xuyên lội sông về nhà để nhận chi viện của cha mẹ, người thân. Có người lấy đó làm lý do tố giác anh Hồng “có tư tưởng đầu hàng giặc”, bắt giải giao cơ quan an ninh TP Mỹ Tho điều tra. Sau một tháng điều tra, cơ quan an ninh TP Mỹ Tho kết luận không có bằng chứng nói anh Hồng bơi qua sông Bảo Định để trốn ra vùng địch tạm chiếm chiêu hồi. Với kết luận này, anh Hồng được trả tự do, được trại làm thủ tục đưa về đơn vị cũ. Nhưng vào thời điểm đó, trại thiếu người nên anh Hồng được giữ lại tham gia canh gác và chiến đấu cùng lực lượng tại chỗ. Ngày 24-7-1969, trại bị ném bom, anh Hồng cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường và hy sinh.
Toàn bộ những tình tiết này đã được ông Trần Ngọc Quang, nguyên phó trưởng Ban An ninh TP Mỹ Tho-người trực tiếp điều tra anh Hồng vào thời điểm đó - xác nhận. Sau ngày giải phóng, ông Quang lần lượt được bổ nhiệm làm phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang và viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang, hiện nghỉ hưu. Ông Nguyễn Quang Tiếp, nguyên trưởng trại giam lúc bấy giờ, cũng xác nhận như ông Quang.
Ngoài ra, giấy xác nhận của những người từng chung chiến hào với Hồng cũng khẳng định anh là một chiến sĩ trung kiên, không hề có biểu hiện đầu hàng giặc. Qua đó, tất cả cùng kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang làm rõ oan khuất của liệt sĩ Phan Thanh Hồng.
Cuối năm 2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc điều tra lại và khẳng định việc quy kết anh Hồng “có tư tưởng đầu hàng giặc” là không có cơ sở. Ngày 22-5-2009, UBND tỉnh Tiền Giang ra văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan chức năng công khai sự việc ra trước dân, đồng thời giao Sở LĐ-TB-XH làm thủ tục trình Bộ LĐ-TB-XH xem xét tái công nhận liệt sĩ cho anh Phan Thanh Hồng.
Đùn đẩy trách nhiệm
Ngày 28-8-2009, UBND phường 10, TP Mỹ Tho tổ chức họp dân công khai việc giải oan cho liệt sĩ Phan Thanh Hồng. Tuy nhiên, việc tái công nhận liệt sĩ cho anh Hồng, phục hồi chính sách trợ cấp, xác lập lại danh phận của một bà mẹ liệt sĩ vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang quan tâm giải quyết. Ngày 30-9-2009, Sở LĐ-TB-XH báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang rằng Bộ LĐ-TB-XH đã đồng ý tái công nhận liệt sĩ cho Phan Thanh Hồng nhưng trước khi hy sinh, anh Hồng là quân nhân, theo quy định phải do Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh làm thủ tục đề nghị công nhận liệt sĩ. Ngày 30-6-2010, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang có văn bản nêu rõ UBND chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH làm thủ tục đề nghị Bộ LĐ-TB-XH công nhận liệt sĩ cho Phan Thanh Hồng, không chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh làm việc này.
Ngày 31-8-2010, bà Trần Thị Kim Cúc, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, gửi văn bản đến gia đình bà Bông nói rõ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thống nhất việc tái công nhận liệt sĩ cho Phan Thanh Hồng nhưng Thành đội Mỹ Tho không dám làm thủ tục vì Tỉnh đội không đồng ý. Qua đó, bà Cúc khuyên gia đình bà Bông nên gửi hồ sơ lên Cục Chính sách Bộ Quốc phòng để được xem xét.
Bà Bông bức xúc: “Năm nay tôi đã 86 tuổi, liệu còn đủ sức chờ đợi nữa không?”.
Bài và ảnh: Hoàng Hùng
Theo nld.com.vn